Lối thoát thực dụng của EU ra khỏi khủng hoảng di dân

Cac Bai Khac

No sub-categories

Lối thoát thực dụng của EU ra khỏi khủng hoảng di dân

Hồ sơ nóng của châu Âu vẫn là khủng hoảng di dân. Sau một cuộc họp thượng đỉnh kéo dài với Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Hai 7/3/2016 , dường như một lối thoát đã cho khủng hoảng tị nạn đang le lói. Liên Hiệp Châu Âu nhất trí bỏ tiền giao khoán cho Thổ Nhĩ Kỳ lo vấn đề người nhập cư. Các báo Pháp nói gì về cuộc mặc cả giữa Bruxelles và Ankara?

Trong vòng mươi ngày nữa sẽ phải có một thỏa thuận giữa Bruxelles và Ankara chi tiết hóa các trao đi đổi lại trên hồ sơ người tị nạn. Le Monde tóm tắt nội dung cơ bản của thỏa thuận bằng hàng tựa lớn trang nhất: «Các nước châu Âu trả lại Thổ Nhĩ Kỳ người nhập cư», tức là châu Âu sẽ cấp tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 5 tỷ euro, để quản lý, đón nhận người tị nạn từ Trung Đông bị các nước châu Âu trả lại. Trên nguyên tắc, người tị nạn đã đến Hy Lạp hay qua tới châu Âu đều sẽ bị đồng loạt trả vềThổ Nhĩ Kỳ, kể cả số đã nộp đơn xin tị nạn.

Le Monde đánh giá đây là «bước ngoặt lớn của châu Âu về người tị nạn». Vấn đề đặt ra lúc này là với việc trả lại di dân tị nạn, có phải Liên Hiệp Châu Âu đã từ bỏ những giá trị cơ bản để giải quyết một cuộc khủng hoảng mà đến giờ các nước trong liên hiệp vẫn bất lực?

Xã luận báo Le Monde viết: «Một cách thực dụng, châu Âu đang rút ra bài học từ sự bất lực….. Trong vụ khủng hoảng tị nạn, châu Âu đã thay đổi chính sách mới: Đóng cửa và giao phó một phần trách nhiệm cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Le Monde nhắc lại là Liên Hiệp Châu Âu đã tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng trên tinh thần tập thể để cố giữ giá trị đạo đức chung bằng cách phân bổ chỉ tiêu đón nhận người tị nạn cho các nước. Nhưng giải pháp này đã thất bại vì vấp phải sự chống đối quyết liệt của nhiều nước thành viên cũng như gặp nhiều khó khăn về phương tiện thực hiện.

Và dưới sự thúc đẩy của thủ tướng Đức Angela Merkel, nay châu Âu tìm được giải pháp mới đó là chuyển trách nhiệm cho Thổ Nhĩ Kỳ và tất nhiên có đi có lại. Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã phải đón 3 triệu người đến từ Syria, nay đòi tăng gấp đôi số tiền hỗ trợ của châu Âu lên thành 6 tỷ euro. Bên cạnh đó, châu Âu cũng giảm nhẹ chế độ visa với công dân Thổ và hứa tiếp tục đàm phán việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.

Xã luận Le Monde kết luận: «Đúng là mâu thuẫn của lịch sử. Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ mà bà Angela Merkel không muốn có mặt trong Liên Hiệp Châu Âu, đang liên kết ngày càng chặt chẽ với sự sống còn của Liên Hiệp. Giải pháp của cuộc khủng hoảng tị nạn không còn phải tìm trong 28 nước mà là 28+1, hay nói cách khác là 29 nước».

Nhìn thỏa ở góc độ khác, báo La Croix ghi nhận thỏa thuận trao đổi với Thổ Nhĩ Kỳ là sự «mặc cả đáng buồn», tựa bài xã luận.

Thừa nhận không dễ gì giải quyết được cuộc khủng hoảng người tị nạn mà châu Âu đang phải đối mặt, nhưng La Croix nhận thấy thỏa thuận này « xử lý người tị nạn về mặt số lượng chứ không phải về mặt con người », tức là người tị nạn phải là những con người có các quyền theo công ước quốc tế. «Trao vấn đề người tị nạn cho một nước đang có chiều hướng độc tài toàn trị đáng lo ngại, châu Âu đang trả giá đắt cho cuộc mặc cả không mấy vẻ vang».

Anh Vũ

Nguồn: http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160309-loi-thoat-thuc-dung-cua-eu-ra-khoi-khung-hoang-di-dan