Lối Thoát Hẹp – Nguyên Ngôn
Hình như có tiếng gõ cửa…
Tôi bàng hoàng lo ngại. Ai gõ cửa vào giờ nầy? Ở thôn quê, mười giờ tối đã khuya lắm rồi. Nhứt là sau cái ngày kinh hoàng hôm qua, ngày 30 tháng tư năm 1975. Mọi nhà đã tắt đèn từ lâu. Đường xá hoang vắng lạ thường. Ai cũng chờ đợi, chờ đợi trong nỗi thắp thỏm một đại họa đến cho mình. Thế mà họa vẫn chưa đến. Dân vùng nầy thuộc tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, Việt cộng vẫn chưa dám đến “tiếp thu”.
Thế mà trong cái không khí gai ốc đó, lại có người gõ cửa vào giờ nầy? Tiếng gõ cửa lại vang lên. Trước sau gì cũng một lần…, tôi bậm gan bước ra mở cửa.
Thật là ngoài sức tưởng tượng, tôi ngạc nhiên đến sửng sốt, người gõ cửa lại là một đứa học trò của tôi:
– Kìa Linh, có việc gì mà em đến thầy vào giờ nầy?
– Thưa thầy, thầy Mẫn biểu em trao cho thầy bức thư nầy. Nhưng thầy Mẫn bảo em phải trao thư nầy cho thầy hồi mười giờ rưỡi tối nay. Em đến từ trước, nhưng đợi tới giờ mới dám vào đưa cho thầy.
Tôi lờ mờ cảm thấy một việc gì không ổn, hấp tấp bảo Linh:
– Đâu? – Đưa thư cho thầy. Cám ơn em. Thôi, khuya rồi, về đi.
Mẫn là giáo sư triết, có lối sống khắc khổ, với những hoạt động chính trị ồn ào, với những xả thân không mệt mỏi. Nhưng tại sao phải trao thư cho đúng giờ khắc nhu vậy? Chắc hẳn phải có một toan tính gì to tát lắm. Tôi run run xé bao thư.
Một hàng chữ nổ ra trước mắt tôi như trời sập. Không xong rồi. Nó đã tính toán chu đáo đến từng chi tiết. Kế hoạch nó đã thực hiện xong! Khó thoát! Khó thoát!
Tôi đọc lại một lần nữa:
“Nguyên Ngôn,”
“Mười hai giờ đêm nay tao từ giã cuộc đời“
“Mẫn“
Một không khí kinh khiếp vây quanh tôi. Có một cái gì hiểm hóc trong bức thư của Mẫn. “Tao từ giã cuộc đời“, mệnh đề được đặt ở thể chủ động, không phải bị bắt, bị giết, bị bức tử, mà tự Mẫn hành động. Như vậy sao không dùng chữ “tự vẫn”, hoặc “tự tử”? Không lẽ Mẫn meó mó nghề nghiệp dạy triết của nó, cho đến lúc chết vẫn còn chơi chữ với tôi? – Đầu óc tôi muốn nổ tung ra, nhìn lại đồng hồ, đã mười giờ bốn mươi lăm phút rồi!
Tôi nhẳm tính thời gian: mặc đồ như máy mất năm phút, dắt xe Honda ra mất ba phút, đường từ đây đến nhà Mẫn đầy cầy ván và ổ gà, chạy xe với tốc độ bạc mạng mất một giờ mười lăm phút. Nếu vậy tôi đã trễ mất tám phút. Tôi lo âu vô cùng, hình như thời gian nầy Mẫn đã tính trước như tôi rồi!
Tôi phóng xe ra cửa nhanh như gió. Trong đêm khuya, tiếng máy xe nổ chát chúa, gieo thêm nỗi kinh hoàng cho mọi người trong thôn xóm. Đành vậy, biết sao hơn, may ra còn kịp.
Đến nhà Mẫn, tôi bắt gặp những ánh đèn xe quẹo vào nhà gần như cùng lúc với tôi. Tất cả đều trễ mất tám phút như tôi! Rõ ràng, sự trễ nải nầy đã được Mẫn dự liệu rồi! Một kế hoạch đã hoàn hảo. Nhưng lại là một kế hoạch để “Từ giã cuộc đời “!
Tôi buông xe, không kịp dựng chưn lên, phóng vào nhà. Tất cả bàng hoàng, sửng sốt như tôi. Mọi người đều trễ, và trễ cùng một lúc.
Trước mắt tôi là một cái hòm đã đóng nắp!
Thằng em trai của Mẫn ngồi bên cạnh cái hòm khuôn mặt lầm lì, khẻ cuối đầu chào chúng tôi. Chúng tôi đều sượng sùng như nhau vì trong lúc lâm chung của bạn, đã được báo mà chúng tôi lại tới trễ. Tôi khẻ thì thầm với em Mẫn:
– Mẫn có trối trăn gì không?
Em Mẫn lắc đầu thầm lặng.
Việc “Từ giả cuộc đời” của Mẫn vẫn gây cho tôi nhiều suy nghĩ. Mẫn và em đến đây dạy đã hơn ba năm. Quê Mẫn là một vùng cây trái sung túc của tỉnh Sa đéc.
Sau ngày 27 tháng tư năm 1975 khi Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu từ chức, nhiều lần Mẫn bàn với tôi về một mật khu kháng chiến chống cộng sản. Tôi không đủ hiểu biết về việc đánh trận, lập chiến khu, do đó, những ý kiến của Mẫn không gây cho tôi một chú ý đặc biệt nào.
Tôi vẫn còn nhớ, Mẫn thường đề cập đến các trường hợp hành quân trong vùng đất địch, gặp toàn là đàn bà, con nít. Nhà nào cũng có bàn thờ. Hỏi ra thì họ nói chồng đi lính nầy, binh chủng kia của Việt Nam Cộng Hòa chết trận. Thế mà đàn bà vẫn tiếp tục có chửa, tiếp tục sanh con.
Bây giờ thì Mẫn đã biến mất và em Mẫn cũng đã về.. Sa đéc. Người ta chỉ nghe nói thôi, không ai gặp em Mẫn ở Sa đéc.
Có ai dám chắc là trong hòm đó có xác Mẫn?
Tôi vẫn thắc mắc và thắc mắc không nguôi.
Nguyên Ngôn