Lỗi Lầm
“Khi Thượng đế tạo ra con người, Ngài đã gắn cho họ hai cái túi vô hình, một túi chứa lỗi lầm của mọi người đeo trước ngực, còn cái túi kia đeo ở sau lưng chứa lỗi lầm của mình, nên con người thường không nhìn thấy lỗi của mình”.
Không ai mà không mắc lỗi lầm, không ai là hoàn thiện tất cả. Mỗi lần mắc lỗi là mỗi lần chúng ta lo buồn, mất đi một mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh là điều đáng tiếc, nhất là làm giảm lòng tin còn đáng não nề hơn.
Nếu tôi đã nhìn ra những lỗi lầm của tôi sau mỗi lần vướng phải thì đó là một điều đáng quý. Điều quan trọng nhứt, sau khi nhận ra lỗi lầm của mình, không phải kết thúc bằng một lời xin tha thứ là xong, mà chúng ta phải coi đó là những bài học nhớ đời để mà tránh, cố gắng sửa đổi sao cho tốt đẹp hơn.
Cố gắng hết sức sửa đổi, dù không được như ý mong muốn thì cũng chứng tỏ được lòng thành tâm mà không phải đau buồn hay ân hận. Đừng để mặc cảm tội lỗi đánh gục chúng ta, mà hãy đứng lên từ những vết bùn đó để hướng tới thành công.
Qua mỗi lần vi phạm lỗi lầm là mỗi lần chúng ta như bị vấp ngã! Khi bị vấp ngã, chúng ta phải đứng dậy ngay, nếu biết đứng dậy, biết sửa sai lầm thì đó sẽ trở thành bài học quý báu, là kinh nghiệm, là hành trang theo ta suốt cuộc đời.
Hãy chân thành nhận lỗi, nếu có, và cố gắng hết sức để sửa đổi. Mọi người ai cũng có lòng vị tha, khi chúng ta mắc phải lỗi lầm thì đừng ngần ngại xin lỗi, một lời xin lỗi có giá trị hơn ngàn lời giải thích.
Tôi nhớ có một câu nói rất hay: “Là con người, phạm phải sai lầm, vấp ngã là chuyện bình thường, nhưng biết để có thể cười vào mặt chính mình thì đó là sự trưởng thành”.
Hầu hết những người thành công trong cuộc sống là những người gặp nhiều thất bại. Chính thất bại, sai lầm rèn luyện cho ta một ý chí sắt đá, khả năng quật cường trước khó khăn, thử thách. Vì vậy, đừng để sai lầm đánh gục chúng ta, hãy biến nó thành bài học quý giá, thành bước đệm để tiến đến thành công.
Mỗi lần nhớ đến sai lầm của bản thân là một lần soi lại quá khứ, rút ra những bài học cho bản thân để hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Những sai lầm được khắc phục đã giúp chúng ta học hỏi thêm nhiều điều hay để cố gắng vươn tới.
Để xác định rõ về sai lầm của bản thân, chúng ta cần tìm hiểu rõ lý do vì sao và bằng cách nào mà chúng ta đã gây nên lỗi lầm đáng tiếc. Sai lầm là do chúng ta gây ra thì chính chúng ta phải chịu tránh nhiệm cho lỗi lầm đó và tránh đổ lỗi cho người khác.
Trong cuộc đời ai cũng có thể mắc lỗi lầm, không nhiều thì ít. Mỗi người có mỗi lỗi khác nhau, trong hoàn cảnh khác nhau. Tôi cũng vậy, tôi mắc rất nhiều lỗi với cha mẹ và thầy cô lúc còn nhỏ. Lớn lên tôi mắc lỗi với đồng đội, bạn bè. Những ai chỉ trích đúng chỗ sai lầm của mình thì nên cảm ơn người đó.
Một người biết cảm thấy tự hổ thẹn với lòng mình khi phạm sai lầm, đó là sáng suốt. Ngược lại, nếu tự cho mình luôn là đúng, không vượt ra khỏi cái vòng “Tư Lợi” và “Tự Ngã”, thì sẽ phải chịu cảnh cô đơn.
Khi đã nhận ra diều mình làm sai, lúc đó chúng ta sẽ thấy vô cùng hối hận, một lời xin lỗi ngay lúc này sẽ khiến chúng ta cũng như đối diện cảm thấy thoải mái hơn.
Sai và sửa sai, lỗi và xin lỗi là một chuyện bình thường có tính quy luật. Bởi vì sai mà không sửa, lỗi mà không xin lỗi, sửa sai xin lỗi không kịp thời thì càng ngày càng lún sâu trong vực thẳm.
Sau 30-4-1975 trở lại đây, nền tảng đạo đức ở trong nước Việt Nam đang mờ nhạt dần, ngày càng sa sút. Những tiếng “cảm ơn” và “xin lỗi” đã không còn, thay vào đó là những tiếng la hét, tiếng chửi thề. Hình như người ta không biết đến, hay đã cố quên đi hai tiếng “cám ơn” hay “xin lỗi”. Những ai còn chút lương tri chỉ biết than thầm:
-“Văn minh, văn hóa trời thu sạch! Đạo đức cương thường đảo ngược ru!”
“Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng bài học về phép lịch sự đầu tiên của con người dường như đang bị lãng quên trong cái Xã Hội Chủ Nghĩa mà họ tự nhận là “đỉnh cao trí tuệ”. Cái gọi là “đỉnh cao trí tuệ đó”, cái đỉnh cao không biết nói tiếng “cám ơn”, quên nói lời “xin lỗi” đã và đang được lớp du học sinh mang ra hải ngoại, sang tận Hoa Kỳ rồi!
Gia đình người Việt tị nạn coi trọng việc giáo dục con cái, các bậc cha mẹ không ngần ngại nói tiếng “cảm ơn” (thank you) và “xin lỗi” (sorry) với con mình, dù không cần nói, nhưng họ xem đó như một nét đẹp của văn hóa, xem đó như một tấm gương để soi chung.
Lời cảm ơn đã trở thành một thứ văn hóa trong giao tiếp. Lời xin lỗi có khả năng hóa giải cơn giận. Xin lỗi ngăn chặn các hiểu lầm nhau. Lời xin lỗi như liều thuốc chữa lành mọi vết thương lòng. Xin lỗi có một lối đi từ trái tim đến trái tim. Thành tâm, không giả tạo, mang đến nhiều lợi ích trong giao thiệp.
Sai lầm là điều hết sức bình thường, vậy sai lầm được hiểu là gì? Đó là một quyết định hoặc một con đường ta chọn, ta thực hiện nhưng không đem lại kết quả mong muốn. Sai lầm không phải là dấu chấm hết, nó sẽ là động lực thúc đẩy mỗi con người đạt được mục đích. Không những thế, sai lầm sẽ giúp con người trưởng thành hơn và tăng thêm nghị lực để ta đương đầu với cuộc sống.
Dường như chúng ta cũng đang không tha thứ cho những lỗi lầm mình đã gây ra trong những ngày xưa cũ…. Khi đối mặt với lỗi lầm của chính mình, chúng ta có xu hướng nghiêm khắc hơn, tự làm đau bản thân mình nhiều hơn là tha thứ…! Tại sao chúng ta không biết yêu thương bản thân mình, tại sao chúng ta kềm nén những yêu thương đang thổn thức trong trái tim chúng ta.
Cuộc sống mỗi người đều có những niềm vui và nỗi buồn, có những vấp ngã, nhưng cũng có lúc vươn cao, chẳng có dòng đời của ai là êm đềm như dải lụa. Những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống, gặp những chuyện không như ý muốn, cũng như mắc sai lầm v.v.. chúng ta đều có cơ hội sửa chữa sai lầm, việc đó xuất phát từ phía chúng ta.
Tôi hoàn toàn chấp nhận lỗi lầm của tôi với thái độ biết ơn vì dù sao những lỗi lầm này cũng đã góp phần kiến tạo thành bản thân tôi đến ngày nay. Cũng nhờ đó mà tôi đã học được rất nhiều điều tốt.
Tôi tin rằng ai cũng có khả năng thay đổi để trở thành một bản thể tốt đẹp hơn, điều quan trọng là chúng ta thật sự hiểu bản thân mình và mong muốn được thay đổi, cuối cùng những lỗi lầm sẽ trở thành những bài học ý nghĩa cho chúng ta.
Năm Thánh 2000, năm Đại Toàn Xá, ĐGH Gioan Phaolô II đã ngỏ lời xin lỗi thế giới về những lỗi lầm của Giáo Hội trong quá khứ. Nhiều tổng thống, thủ tướng, thượng nghị sĩ hay những người nổi tiếng phải triệu tập những cuộc họp báo để xin lỗi công chúng vì những hành động hay lời nói của họ. Khi ngỏ lời xin lỗi, tôi tìm đựơc bình an tâm hồn, cảm nhận sự thanh thản và thân thiện với anh chị em.
Chúng ta biết một điều khó khăn nhứt trong cuộc sống là làm cách nào để tha thứ lỗi lầm. Tha thứ cho một ai đó đã khó, tha thứ cho chính mình còn khó khăn hơn.
Khi chúng ta đã gây ra những lỗi lầm, nhưng với quyết tâm thay đổi và có một con đường thật sự đúng đắn thì những tỳ vết phiền não ấy cũng sẽ được gội rửa và tan đi. Lỗi lầm do ta gây ra thì phải chính tâm ta thay đổi mà không có bất cứ năng lực nào từ bên ngoài có thể giúp ta thay đổi được. Chính vì vậy, khi đối mặt với lỗi lầm của chính mình, chúng ta thường có xu hướng nghiêm khắc hơn, tự dằn vặt bản thân mình nhiều hơn là tha thứ…!
Cổ Tấn Tinh Châu
Tháng 3-2019