Linh mục Nguyễn Đình Thục: giáo dân Nghệ An sẽ tranh đấu đến cùng cho sự công bằng – Hơn 2000 ngư dân xã Quảng Xuân biểu tình yêu cầu bồi thường sau thảm họa Formosa

Cac Bai Khac

No sub-categories

Linh mục Nguyễn Đình Thục: giáo dân Nghệ An sẽ tranh đấu đến cùng cho sự công bằng – Hơn 2000 ngư dân xã Quảng Xuân biểu tình yêu cầu bồi thường sau thảm họa Formosa
Wednesday, December 7, 2016
Đoàn Hưng 
Theo SBTN 
Linh mục Nguyễn Đình Thục: giáo dân Nghệ An sẽ tranh đấu đến cùng cho sự công bằng
Như SBTN đã đưa tin, vào ngày 5 và 6 tháng 12 vừa qua tại Đài Bắc đã diễn ra buổi điều trần và họp báo tại Quốc Hội Đài Loan về thảm họa môi trường mà Formosa gây ra tại Việt Nam. Trong hai sự kiện này, có một nhân vật đặc biệt đến từ Nghệ An, đó là Linh Mục Nguyễn Đình Thục, cha quản xứ Song Ngọc – Giáo phận Vinh.

Linh mục Nguyễn Đình Thục có mặt như một nhân chứng và nạn nhân của thảm họa môi trường đang khiến vô số người Việt tại bốn tỉnh miền Trung điêu đứng. Ông cũng có bài phát biểu trong buổi điều trần tại văn phòng Quốc Hội Đài Loan. Từ Đài Loan, Linh mục Thục đã dành cho SBTN một cuộc phỏng vấn ngắn.

Linh mục Thục nhớ lại cảm xúc của mình khi lần đầu tiên đứng phát biểu tại văn phòng quốc hội về thảm họa mà ông và người dân Việt Nam đang phải gánh chịu, mà chua chát thay lại không phải là quốc hội của nước mình! Ông chia sẻ: “Thật là hồi hộp, và có một chút lo lắng. Nhưng rồi mọi lo lắng cũng qua, thay vào đó là niềm vui và sự cảm kích, vì sự quan tâm đặc biệt của các vị dân biểu Đài Loan dành cho đoàn Việt Nam.” 

Linh mục Thục thấy rõ rằng dù mình từ Việt Nam đến để nhờ sự hỗ trợ, nhưng những vị dân cử Đài Loan vẫn tỏ ra tôn trọng mình. Họ đã mời đoàn Việt Nam đi ăn trưa sau đó, rồi cùng bàn bạc thêm, để giải quyết vấn đề Formosa tại Việt Nam sao cho thỏa đáng.

unknown-1
Ăn trưa cùng các dân biểu Đài Loan.

Bài phát biểu của Linh mục Nguyễn Đình Thục đọc trong buổi họp báo chia làm ba phần. Phần thứ nhất là tường trình về thảm họa môi trường do Formosa gây ra, bao gồm cả diễn tiến, lẫn chi tiết về sự thiệt hại cho người dân địa phương. Phần thứ hai là những đề nghị để nhờ chính phủ Đài Loan can thiệp, để tạo áp lực buộc công ty Formosa phải giải quyết vấn đề đền bù, làm sạch biển Miền Trung cho thỏa đáng. Sau cùng là thông điệp từ những nạn nhân trực tiếp của Formosa gởi đến chính phủ Đài Loan.

Trong bài phát biểu, Linh mục Thục nói rằng từ lâu, người dân Việt Nam vẫn ngưỡng mộ đất nước Đài Loan, khi đã dũng cảm tách ra khỏi Trung Cộng, để giữ cho người dân Đài Loan có được dân chủ, nhân quyền, xây dựng một đảo quốc giàu mạnh. Đặc biệt trong thời điểm này khi chính phủ Đài Loan muốn thực hiện chính sách Hướng Nam Mới, để tạo một hình ảnh đẹp về Đài Loan đối với những quốc gia đẹp.

“Chúng tôi cũng đã biết đến chính sách Hướng Nam và Hướng Nam Mới mà Chính phủ Đài Loan đã dày công xây dựng mấy thập niên gần đây. Chúng tôi cũng trông chờ chính sách đó góp phần mang lại tiến bộ và cải tiến nền kinh tế cũng như độc lập vững mạnh cho dân tộc chúng tôi. Nhưng chính Formosa đã làm cho chúng tôi nghĩ về một Đài Loan khác…

…Formosa với cách làm ăn thiếu minh bạch, vô trách nhiệm, không tôn trọng môi trường sống của người Việt Nam đã làm cho người dân đồng hóa Formosa với Trung Quốc và kéo theo một hình ảnh xấu trong tâm thức người Việt về Đài Loan!” – Linh mục Thục nói.

Linh mục Thục chuyển tải thông điệp từ người dân Việt Nam mong rằng chính phủ Đài Loan sẽ có biện pháp cụ thể, để buộc Formosa phải giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng, để tránh làm hoen ố tình cảm của người Việt dành cho Đài Loan, cũng như không làm ảnh hướng đến chính sách Hướng Nam hiện nay của chính phủ Đài Loan.

Thế nào là “Formosa giải quyết thỏa đáng vấn đề”? Theo Linh mục Nguyễn Đình Thục, trước tiên là chính những người dân bị thiệt hại phải được đền bù trực tiếp một cách đầy đủ. Số tiền đền bù phải dựa trên những thống kê đầy đủ về những thiệt hại thực sự và lâu dài của người dân, chứ không thể làm theo kiểu “trọn gói 500 triệu USD”, như Formosa đã tự thỏa thuận một cách mờ ám với chính phủ CSVN.

Linh mục Thục lấy một thí dụ cụ thể ngay tại Giáo Xứ Song Ngọc (thuộc huyện Quỳnh Lưu), là nơi mà ông làm quản xứ. Với Ủy ban hỗ trợ các nạn nhân của Formosa của Giáo Phận Vinh, trong đó có những chuyên viên có trình độ, đã giúp người dân liệt kê những thiệt hại một cách cụ thể, khoa học. Chỉ riêng 619 gia đình tại Giáo Xứ Song Ngọc đã liệt kê thiệt hại lên tới 400 tỉ đồng (gần 18 triệu USD). Chỉ đưa ra một trường hợp như vậy thôi, cũng đủ để kết luận thỏa thuận giữa Formosa và chính phủ Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở, và thiếu sót rất nhiều.

Sau khi Linh Mục Đặng Hữu Nam cùng ngư dân kéo lên Hà Tĩnh khởi kiện Formosa, chính phủ CSVN đã vội vã chi trả tiền một ít đền bù mà họ nhận từ Formosa cho vài địa bàn tại một số tỉnh bị thiệt hại. Khi được hỏi điều này có làm cho ngư dân từ bỏ các vụ kiện hay không, Linh Mục Nguyễn Đình Thục cho rằng không. Bởi vì sự chi trả đền bù đó của chính quyền chỉ mang tính chất tượng trưng, và không đầy đủ.

“Tỉnh Nghệ An người dân bị thiệt hại nặng, nhưng không có trong danh sách được đền bù. Những tỉnh được bồi thường, thì có nơi có, có nơi không. Có những người dù không là ngư dân, nhưng họ bị thiệt hại rất nặng, nhưng cũng không được bồi thường. Những ngành đặc biệt phải kể đến là du lịch, kho lạnh kinh doanh hải sản. Trong khi đó Formosa đang được chính quyền cho phép hoạt động tiếp tục đến 70 năm nữa. Như vậy lấy gì để bảo đảm, kiểm soát được là họ không tiếp tục hủy diệt môi trường. Và làm sao buộc Formosa phải có kế hoạch làm sạch biển trở lại một cách cụ thể, chứ không tự nhiên mà tuyên bố là “biển đã an toàn” như chính quyền CSVN đã làm.” 

Linh mục Nguyễn Đình Thục khẳng định, nếu người dân không tiếp tục lên tiếng đấu tranh, thì sẽ không có ai giải quyết cho mình cả. “Tôi và giáo dân sẽ kiên quyết theo đuổi vụ kiện Formosa cho đến khi sự công bằng được trả lại cho những người dân bị nạn” – Linh mục Thục quả quyết.

Cuối buổi điều trần tại Quốc Hội Đài Loan, Linh mục Nguyễn Đình Thục cùng Linh mục Nguyễn Văn Hùng, người điều hành Văn Phỏng Pháp Lý Hỗ Trợ Công Nhân và Cô Dâu Việt tại Đài Loan đã trao một thỉnh nguyện thư cho Văn phòng Chủ tịch Quốc Hội Đài Loan. Thỉnh nguyện thư là nỗ lực từ 46 tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền trong đó có Việt Nam, Hoa Kỳ, Đài Loan, Mông Cổ, Campuchia, Iran và Hàn Quốc.

15268001_10205418130412949_7322217485857282968_n
Trao thỉnh nguyện thư cho Văn phỏng Chủ tịch Quốc Hội Đài Loan.

Dù biết là con đường mình đi còn chông gai và đầy khó khăn, Linh mục Thục vẫn tin tưởng rằng cuối cùng mình cũng sẽ đạt được công lý. Chính phủ Đài Loan trước đây chỉ nghe thông tin từ báo chí, từ công ty Formosa, từ những nhà hoạt động Đài Loan. Nay họ được nghe tiếng nói trực tiếp từ một người dân Việt Nam, đến từ vùng bị thiệt hại nặng nề bởi thảm họa Formosa. Chắc chắn điều này sẽ có tác động mạnh đến chính phủ Đài Loan.

Nhân dịp này, Linh mục Thục cũng nhờ SBTN gởi lời cảm ơn đến những đồng bào hải ngoại, đã gọi điện thoại cho ông, bày tỏ sự lo lắng cho an nguy của ông, sau chuyến đi này trở về Việt Nam. Ông nói mọi người hãy yên tâm, và ông tin tưởng những điều mình làm là hoàn toàn đúng với lương tâm, đạo lý nên sẽ hoàn toàn bình thản đón nhận mọi chuyện sẽ xảy ra trong tương lai.

15385438_10205418124772808_6421049032607817679_o
Họp báo về thảm họa Formosa ngay tại Quốc Hội Đài Loan.
Bookmark and Share
………

Wednesday, December 7, 2016 8
Huyền Trang 
Theo TMCNN 
Sau hơn 6 tháng xảy ra vụ thảm họa ô nhiễm môi trường biển do nhân tai Formosa gây ra, nhà cầm quyền đã tự ý nhận tiền đền bù và hứa sẽ bồi thường thỏa đáng cho người dân. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, bà con ngư dân thuộc xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, thậm chí còn bị phân biệt đối xử. Chính vì thế, hơn 2000 ngư dân nơi đây đã biểu tình tại nhà văn hóa thôn Xuân Hòa để làm sáng tỏ vụ việc, vào sáng nay 07.12.2016.

Dẫn đầu đoàn biểu tình ôn hòa là Linh mục Phêrô Mai Xuân Ái, Quản xứ giáo xứ Xuân Hòa, thuộc giáo hạt Hướng Phương, giáo phận Vinh.

Tại nhà văn hóa thôn Xuân Hòa, Linh mục Phêrô Ái, đại diện cho hơn 3.600 nhân khẩu tại giáo xứ Xuân Hòa, nêu lên những khó khăn bần cùng của bà con ngư dân và tương lai mù mịt của trẻ em nơi đây, sau vụ thảm họa đã bị nhà cầm quyền làm ngơ, cũng như đòi hỏi “Formosa cút khỏi Việt Nam”.

Linh mục Phêrô Ái nói với GNsP: “Hơn 2000 bà con thôn Xuân Hòa biểu tình trước nhà văn hóa thôn với lý do chính phủ hứa bồi thường nhưng cho đến ngày hôm nay bà con vẫn chưa được bồi thường. Đối tượng được gọi lên để bồi thường thì là những người đi biển khơi, còn những người bị ảnh hưởng trực tiếp và [thiệt] nặng như người đánh bắt gần bờ, người buôn bán, người nuôi tôm, nuôi cá thì không được nhắc đến để đền bù thiệt hại. Sáng hôm nay họ kéo lên thôn để chất vấn thôn.Tập trung ở đó có khoảng 2000 người cả lớn, cả bé.”

Những hộ dân buôn bán hải sản, nuôi cá-tôm-ngao… trong lồng bè, đánh bắt gần bờ… hầu như không được nhà nước quan tâm, liệt kê vào danh sách được bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra. Điều này đã gây bất bình cho bà con bởi họ không được kê khai đền bù, trong khi thiệt hại của họ khá lớn. Nhiều gia đình không dám đầu tư nuôi cá-tôm-ngao… trong lồng bè, bởi vì người dân hoang mang và sợ hãi dùng đồ biển sau sự cố biển chết-cá chết.

Trước tình hình căng thẳng, giới chức địa phương gồm ông Chủ tịch huyện Quảng Trạch, ông Chủ tịch xã Xuân Hòa đã thanh minh, tìm cách xoa dịu và tiếp tục hứa sẽ có những phương án giải quyết đền bù cụ thể cho bà con ngư dân. Tuy nhiên, hơn 2000 bà con ngư dân đã mất niềm tin vào nhà cầm quyền sau nhiều lần bị thất hứa.

Nhiều băng rôn biểu ngữ đã được bà con mang theo trong buổi sáng hôm nay, để nói lên nguyện vọng của bà con như: “Hủy hoại môi trường là tội ác”; “Yêu cầu Formosa bồi thường thỏa đáng”; “Formosa hãy cút khỏi Việt Nam”; “Formosa đầu độc nhân dân Việt Nam”…

IMG_2300

3
IMG_2306
1

Bà con giáo dân giáo xứ Xuân Hòa chủ yếu là ngư dân bám biển, nhờ vào biển. Nếu như, bà con ngư dân nhận được tiền đền bù một cách thỏa đáng, nhưng họ vẫn không thể yên lòng với nỗi lo canh cánh cho tương lai con trẻ, khi cơ nghiệp truyền thống ngư trường của dân tộc Việt Nam đã chết, bán cho Tàu Cộng.

Bên cạnh đó, cha mẹ phụ huynh không đủ tiền trang trải lo học phí cho con em, nhà trường liên tục nhắc nhở khi niên khóa sắp kết thúc học kỳ I. Trước áp lực kinh tế, nhiều gia đình đã cho con em nghỉ học và nhiều trẻ em khác có nguy cơ thất học trong tình trạng bữa đói bữa no của người dân, ngồi bó gối tiếc nuối cho cơ nghiệp của cha ông đã mất.

Những gia đình buôn bán hải sản có xe đông lạnh đã phải bán xe để kiếm nghề khác sinh sống, nhưng cuộc sống của họ khá chật vật khi đời sống chung của người dân nơi đây rơi vào nghèo đói. Nhiều thanh niên đã bỏ xứ đi tha phương cầu thực nơi đất khách quê người như Lào, Đài Loan, Hàn Quốc…

Thôn Xuân Hòa là xứ biển nhưng người dân không dám thụ hưởng hương vị của biển, thậm chí các trẻ em nhỏ không dám ra biển chơi đùa, tắm biển như trước. Cuộc sống trở nên nghèo đói khi giới chức cộng sản tiếp tay và dung túng cho Formosa tồn tại và hoạt động tại Việt Nam. Đó là nỗi đau mất mát của bà con ngư dân. Linh mục Phêrô Ái cho hay:

“Trước đây họ phát triển khá mạnh, xây nhà xây cửa. Sau vụ thảm họa cuộc sống của họ chùng lại. Ra ngoài biển như là đi đám tang vậy.”

Bà con ngư dân thuộc thôn Xuân Hòa đã từng xuống đường biểu tình trên quốc lộ hai ngày một đêm sau vụ biển chết trong những ngày cuối tháng 4.2016 vừa qua. Họ cũng tham gia tuần hành xung quanh thôn và đi dọc bờ biển biểu tình một cách ôn hòa, để hưởng ứng lời mời kêu gọi của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp trong Ngày Môi Trường.

Giáo xứ Xuân Hòa do linh mục Phêrô Mai Xuân Ái quản xứ ngót hơn 3 năm nay, có hơn 3.600 nhân danh, là một trong những giáo xứ chịu nhiều thiệt hại nặng nề về kinh tế, đời sống và tinh thần do Formosa xả thải.

Vào ngày 29.09.2016, chính phủ ra Quyết định số 1880/QĐ-TTg, “bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, được đánh giá là có nội dung chung chung, không phải là cá biệt cho “giải quyết vụ việc của từng ngư dân”. Quyết định này cũng vi phạm nguyên tắc về bồi thường thiệt hại khi chính phủ “tự thỏa thuận” mức bồi thường với Formosa, nên việc xác lập bồi thường giữa chính phủ với Formosa liên quan đến thiệt hại của bà con ngư dân bị vô hiệu, không có hiệu lực. Chính vì vậy, quyết định 1880/QĐ-TTg “không có hiệu lực pháp luật”.

Khẩu hiệu “Formosa nhận lỗi, đảng nhận tiền, nhân dân nhận thảm họa” vẫn là luôn đúng.

Xem Video tại đây.