Liệu Thái Lan sẽ đi về đâu?
Căng thẳng diễn ra nhiều tháng ngay trong lòng Bangkok
Jonathan Head – BBC News, Bangkok – 06:30 GMT – thứ sáu, 7 tháng 3, 2014
Lúc này, giao thông trên đường Sukhumvit của Bangkok đã trở nên bận rộn như trước.
Sân khấu, các diễn giả, và những quầy thức ăn của sáu tuần Bangkok bị phong tỏa giờ đây đã biến mất. Những người bảo vệ gắt gỏng luôn tay đẩy người bộ hành ra xa khỏi những cây cầu vượt bị cho là vị trí lý tưởng để thực hiện những vụ tấn công, giờ đây cũng biến mất theo.
Thay vào đó, một khu trại biểu tình mới đã xuất hiện ngay bên trong không gian xanh duy nhất của thành phố, Công viên Lumpini, trong nỗ lực nhằm hợp nhất tất cả những cuộc biểu tình về một nơi của phong trào PDRC (Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân).
Lãnh đạo của phong trào này, ông Suthep Thaugsuban, nói đây chỉ là một sự điều chỉnh chứ không phải hành động rút lui.
Những người biểu tình ăn vận đẹp thuộc giới trung lưu, với tiếng còi đặc trưng của họ, giờ đây đã ít xuất hiện hơn.
Khu trại mới trông giống như một nơi kiên cố, các bảo vệ ở đây cẩn thận kiểm tra túi xách và danh tính tất cả những người đi vào bên trong.
Những người này cũng nhiều lần bị cáo buộc vì hành vi bạo lực nhằm vào các đối tượng bị tình nghi là ủng hộ chính phủ. Một người đàn ông đã thoát chết trong gang tấc sau khi bị hành hạ suốt sáu ngày trời và sau đó bị ném xuống sông.
Bên ngoài công viên, quân đội hiện diện một cách bất ngờ.
Những người lính mặc quân phục ngồi sau các bao cát được dựng làm rào chắn. Lực lượng này được triển khai để bảo vệ người biểu tình sau hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các khu trại của họ, Tổng Tư lệnh quân đội Thái Lan, tướng Prayuth Chanocha, cho biết.
Tuy nhiên, những cuộc đảo chính trong quá khứ tại Thái Lan cũng khiến sự xuất hiện của những chốt canh như thế này trở thành điều gây lo ngại, đặc biệt là sau khi Tướng Prayuth đã không loại khả năng sẽ tiến hành đảo chính khi được hỏi trong thời gian gần đây.
Sự trấn an duy nhất mà ông này mang lại, là việc phủ các tấm bạt màu hồng lên những chốt canh của quân đọi để chúng nhìn bớt đáng sợ hơn.
Thủ lĩnh của phong trào biểu tình, Suthep Thaugsuban, vẫn chưa thể lật đổ Thủ tướng Yingluck
Yếu tố Thaksin
Vậy Thái Lan sẽ đi về đâu, sau làn sóng biểu tình vốn thỉnh thoảng lại chuyển thành những vụ xung đột bạo lực suốt bốn tháng qua? Rất khó để nói.
Suthep Thaugsuban và lực lượng ủng hộ, bao gồm các tướng lĩnh quân đội, doanh nghiệp và các cố vấn cao cấp của hoàng gia đã không thể lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, hay kích động đủ bạo lực để buộc quân đội phải can thiệp.
Bà Yingluck và người anh trai đang sống lưu vong, Thaksin, cũng đã không thành công trong việc tiến hành cuộc bầu cử mà họ đã phát động hồi tháng trước, cũng như việc đẩy lùi PDRC khỏi Bangkok.
Đã có vài cuộc đối thoại giữa hai bên, vốn thỉnh thoảng lại có sự tham gia của Thaksin – người đang sống ở Dubai nhưng cũng thường xuyên đi lại giữa các nước châu Á, và đại diện từ phía ủng hộ PDRC; gần đây thêm bốn nhân vật từ các phe phái khác nhau ở Bangkok.
Ít ai biết được kết quả của những cuộc đối thoại này, thế nhưng rất khó để hai bên có thể đi đến một sự thỏa hiệp.
Ông Thaksin muốn kết quả của cuộc bầu cử, vốn chắc chắn sẽ mang lại chiến thắng cho đảng ông, được tôn trọng; nhưng đồng thời cũng muốn được ân xá đối với tội lạm quyền mà ông bị tuyên vào năm 2008 và muốn khối tài sản trị giá hơn một tỷ đôla được ngưng đóng băng.
PDRC thì muốn thay đổi hệ thống chính trị Thái Lan làm sao để gia đình Shinawatra vĩnh viễn bị loại ra khỏi chính trường.
Có một yếu tố quan trọng trong cuộc khủng hoảng này, đó là người kế vị ngôi vua.
Quốc vương Bhumibol Adulyadej – người trong suốt 68 năm trị vì được xem như là quyền lực tối thượng của nền chính trị Thái Lan, đã rất già và yếu.
Sức khỏe của vợ Ngài, Hoàng hậu Sirikit – một nhân vật quyền lực khác, dù ít được nhắc tới, cũng bị cho là rất kém.
Thái tử Vajiralongkorn là người được lựa chọn chính thức để kế vị ngai vàng, tuy nhiên cũng có bàn tán về các kịch bản khác, tuy chúng không thể diễn ra công khai tại Thái Lan vì có thể bị khép tội phạm thượng.
Rất khó để hiểu xung đột hiện nay mà không xét đến yếu tố này, cũng như sự lo lắng của phe bảo hoàng trước tầm ảnh hưởng của Thaksin và tham vọng của ông ta.
Bà Yingluck vẫn chưa thể lập một chính phủ mới
Tội tham nhũng
Trong khi không có tiến bộ gì, cả hai bên đều đang ra sức đe dọa và làm suy yếu lẫn nhau. Các vụ kiện được đưa ra thường xuyên đến nỗi khó lòng mà theo hết được, tuy nhiên, một vài trong số này có thể mang tính quyết định.
Cáo buộc nhằm vào Thủ tướng Yingluck của Ủy ban chống Tham nhũng Quốc gia (NACC) đang dần tiến tới hồi kết.
Dù Yingluck cho tới nay vẫn né tránh ra điều trần, ủy ban này nhiều khả năng sẽ yêu cầu Thượng viện buộc tội bà.
Nếu Thượng viện, mà một nửa số thành viên sẽ được bầu vào ngày 30/3, quyết định chống lại thủ tướng, bà Yingluck sẽ bị cấm cửa khỏi chính trường.
Đảng Pheu Thai của bà có thể chọn một thủ tướng khác, tuy nhiên NACC cũng đang xem xét việc luận tội tham nhũng đối với hơn 200 nghị sỹ của đảng này.
Bà Yingluck cũng không thể hoàn tất cuộc bầu cử hồi tháng trước vì Ủy ban Bầu cử đang trì hoãn việc tổ chức bầu cử bổ sung ở nhiều nơi mà việc bỏ phiếu bị PDRC cản trở.
Điều này khiến bà không thể thiết lập một chính phủ mới, và chỉ có những quyền lực hạn chế trong vai trò một thủ tướng tạm quyền.
Bà không thể tiếp tục làm việc tại văn phòng chính phủ, nơi đang bị người biểu tình phong tỏa, và phải nhiều lần rút địa điểm bí mật. Gần đây, bà Yingluck thường xuyên dành thời gian ở những khu vực nằm bên ngoài thủ đô Bangkok.
Quân bài chủ chốt của phe Yingluck lúc này là đe dọa nổi dậy với quy mô lớn trong trường hợp bà bị truất quyền.
Cho đến tháng trước, phe Áo đỏ – lực lượng ủng hộ chính phủ, vẫn chủ trương tránh gây hấn với PDRC để tránh sự can thiệp của quân đội vốn không mấy thiện cảm với họ.
Tuy nhiên, sau những vụ đụng độ hồi tháng trước và phán quyết của tòa án trong đó cấm chính phủ được phép sử dụng vũ lực nhằm vào người biểu tình, cánh vũ trang của phe Áo đỏ đã tăng cường tấn công nhằm vào PDRC.
Sáu người, trong đó có bốn trẻ em, đã thiệt mạng.
Thủ tướng Yingluck đã phải di chuyển đến các địa điểm bí mật sau khi văn phòng thủ tướng bị người biểu tình phong tỏa
Chia rẽ
Phe Áo đỏ cũng đã tổ chức những cuộc biểu tình lớn tại các khu vực họ có ảnh hưởng ở phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan nhằm phô trương lực lượng và cảnh báo quân đội cũng như tòa án không nên có những hành động chống lại thủ tướng.
Một số nhóm Áo đỏ cũng đã bắt đầu đề cập công khai đến việc lập ra một quốc gia ly khai ở phía Bắc Thái Lan. Điều này gây phản ứng tức thì từ Tướng Prayuth, người đe dọa sẽ buộc tội bất cứ ai tính đến chuyện ly khai.
Viễn cảnh Thái Lan bị cắt ra làm hai trên thực tế chỉ biểu hiện cho sự bất mãn của phe Áo đỏ trước những diễn biến tại Bangkok hơn là một nguy cơ có thật.
Tuy nhiên khả năng xảy ra những vụ xung đột vũ trang đang ngày càng hiện rõ hơn.
Một cựu sỹ quan quân đội giờ đây là cố vấn cho các hoạt động vũ trang của Áo đỏ nói với BBC họ đang tuyển mộ 200.000 vệ binh, tất cả đều được trang bị vũ trang, và sẽ sẵn sàng tiến về Bangkok nếu bà Yingluck bị quân đội, tòa án, hay những cơ quan độc lập như NACC truất quyền.
Không rõ những yếu tố trên đây có làm cho Tướng Prayuth phải dừng bước hay không. Quân đội, với một lực lượng đông đảo đang đóng ở trung tâm Bangkok, có thể tiến hành đảo chính một cách khá dễ dàng.
Tuy nhiên, một cuộc đảo chính có thể để lại những hậu quả khôn lường. Không phải ai trong quân đội cũng trung thành như tầng lớp sỹ quan cao cấp.
Những công ty thuộc vào hàng lớn nhất của Thái Lan đã đổ nhiều tiền cho PDRC với hy vọng phong trào này có thể lật đổ vây cánh của Shinawatra. Và cũng giống như tất cả những đảng phái đã ủng hộ phong trào biểu tình, họ sợ bị phe thân Thaksin trả thù nếu PDRC thất bại.
Nhiều người ủng hộ phong trào PDRC lo sợ trật tự trên chính trường cũng như xã hội Thái Lan sẽ bị đảo lộn nếu như phe Áo đỏ chiến thắng.
Với nhiều quyền lợi để mất như vậy, một thỏa thuận giữa hai bên là điều xa vời, tuy nhiên nếu điều này không xảy ra, xung đột hiện nay sẽ tiếp diễn và chắc chắc sẽ leo thang, gây những thiệt hại khôn lường cho đất nước này.