Liệu ông Thăng có thoát được ‘quy trình 5 bước’?
VOA blog
Phạm Chí Dũng
19/05/2017
19/05/2017
Đinh La Thăng trong lần tiếp cựu ngoại trưởng Mỹ. (State Department photo/ Public Domain)
Đinh La Thăng – người vẫn còn “trung ủy” sau khi mất “chính ủy” – sẽ được “hạ cánh mềm” hay phải “hạ cánh cứng” – là một dấu hỏi lớn mà nhiều giới trong xã hội Việt Nam đang đặc biệt chú ý. Tò mò có, hả hê có, thương hại cũng có, hoặc cũng muốn biết bàn cờ chính trị nội bộ xoay chuyển theo hướng nào…
Buổi sáng Sài Gòn
Buổi sáng thứ Tư ngày 10/5/2017. Sài Gòn nắng nhẹ và đang vào mùa mưa. Các ủy viên bộ chính trị Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Thiện Nhân đã không dự buổi kết thúc của Hội nghị trung ương 5, mà lại có mặt ở Thành ủy TP.HCM cách Hà Nội gần hai ngàn cây số.
Đi cùng với họ là Đinh La Thăng, gương mặt đã mất hẳn vẻ tự tin cùng những câu “sấm” bán trời không văn tự, vừa bị 90% ủy viên trung ương nhất trí “cách” khỏi Bộ Chính trị.
Suốt cả tháng trời trước buổi sáng Sài Gòn ấy, người ta không nhận ra Bí thư TP.HCM ồn ào hiện diện trên mặt báo chí như dĩ vãng gần. Cũng có tin cho biết ông Thăng thực ra đã được “điều” ra Hà Nội cả tháng trước khi Hội nghị trung ương 5 diễn ra.
Trong buổi sáng Sài Gòn ngày 10 tháng Năm năm nay, mọi chuyện đã diễn ra hết sức suôn sẻ và chóng vánh: thay mặt “tứ trụ”, bà Kim Ngân trao quyết định điều động làm bí thư thành ủy TP.HCM cho “người cũ” là Nguyễn Thiện Nhân, đồng thời đưa quyết định cho “người mới” là Đinh La Thăng nhận nhiệm vụ Phó trưởng ban tại Ban kinh tế trung ương.
Ngay khi đó đã phát ra một tiếng thở phào: Đinh La Thăng thoát tội rồi!
Những người bênh vực hoặc có thiện cảm với Đinh La Thăng không phải hiếm, bằng vào những ấn tượng mà ông Thăng đã tạo được nơi họ bằng một lối phát ngôn mạnh miệng hiếm muộn trong Bộ Chính trị. Không ít người đã chúc mừng “anh Thăng hạ cánh an toàn”.
Nhưng chỉ ba ngày sau, công luận lại một lần nữa ồn ào như ong vỡ tổ. Nguyễn Phú Trọng – người còn có ý khen Đinh La Thăng vào nửa đầu năm 2016 nhưng lại đổi ý kỷ luật ông Thăng vào nửa đầu năm 2017 – đã bóng gió với cử tri Hà Nội rằng việc kỷ luật Đinh La Thăng mới chỉ là xử lý về mặt đảng, còn “hình sự ta đang làm”.
Chỉ đến lúc này, những người chúc mừng quá sớm mới chợt nhận ra một tín hiệu là lạ: tại sao có quá nhiều bộ ngành, ban đảng và ban chỉ đạo mà Tổng bí thư Trọng chỉ chọn đúng Ban kinh tế trung ương để cho Thăng về làm cấp phó?
Cái lồng
Cái cách điều động của Nguyễn Phú Trọng đối với Đinh La Thăng lại rất mạnh và nhanh: thậm chí không có được vài hôm chia tay “đồng bào đồng chí miền Nam”, chỉ một ngày sau cái buổi sáng bùi ngùi ôm lấy Phó bí thư thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm, ông Thăng đã phải có mặt ở Hà Nội để nhận bó hoa tươi thắm của Ban Kinh tế trung ương.
Ban Kinh tế trung ương ấy lại đang sở hữu một nhân vật đặc biệt mang chức trưởng ban: cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình – từng một thời được xem là cánh tay mặt của “anh Ba Dũng”.
Hình như “ông giáo làng” Nguyễn Phú Trọng đã quyết định chơi một đòn thâm nho. Bây giờ thì ai nhìn vào Ban kinh tế trung ương cũng hiểu ra rằng đó là nơi để “nhốt quyền lực vào lồng” – cụm từ mà theo một tác giả thì Tổng bí thư Trọng đã mượn của Tập Cận Bình Trung Quốc và rất sính dùng.
Trong thực tế công tác nhân sự ở Việt Nam, có không ít ban chỉ đạo về những lĩnh vực nào đó đã trở thành cái rốn để nhồi nhét những nhân vật hoặc bị thất sủng, hoặc chờ về hưu, hoặc bị kỷ luật.
Nhưng Ban Kinh tế trung ương thậm chí còn có thể phải rước lấy một thân phận tồi tệ hơn cả các ban chỉ đạo trên: trong xu thế tinh gọn hóa bộ máy và tiến tới nhất thể hóa giữa hai khối đảng và chính quyền vào cuối năm 2017, sang năm 2018, người ta hoàn toàn có thể sáp nhập ban bị xem là “yếu” này với một vài bộ ngành bên chính phủ; hoặc tồi tệ hơn thì giải tán “cái lồng” đó.
Để khi đó, nói như dân gian, cả Trưởng ban Nguyễn Văn Bình và Phó ban Đinh La Thăng đều không còn mảnh đất cắm dùi.
Tuy vậy, khả năng ban bị giải tán và nhân sự đương nhiên mất ghế vẫn còn là “hạ cánh mềm”. Còn với cách nói nửa úp nửa mở “sẽ còn nữa” của Tổng bí thư Trọng, không ai trong hai nhân vật Thăng và Bình được hiểu là sẽ hoàn toàn an toàn để nghỉ ngơi an dưỡng mà chẳng phải lo đến “hậu sự”.
Quy trình 5 bước?
“Hậu sự” ấy lại quá mong manh. Nếu đúng như một lối nói úp mở khác gần đây của cây viết Huy Đức – người đã tung ra đến 3 bài trước Hội nghị trung ương 4 vào tháng 10/2016 để “đánh” Đinh La Thăng, cùng hăm he sẽ phanh phui đến cùng cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những hồ sơ về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà Ủy ban Kiểm tra trung ương đặt lên bàn Hội nghị trung ương 5 để phục vụ cho việc kỷ luật ông Thăng mới chỉ là “những mẩu con con”, trong khi một mớ hồ sơ dày gấp nhiều lần đang được sở hữu bởi “cơ quan chức năng”.
Mà như vậy, quy trình xử lý đảng và xử lý chính quyền chỉ là “chuyện nhỏ”. Chuyện ghê gớm hơn hẳn mới là quy trình tố tụng hình sự. Có nghĩa là Đinh La Thăng, đến một lúc nào đó, sẽ phải đối diện với các cơ quan điều tra pháp luật. Việc đối mặt này cũng là bước 2, sau bước 1 bị loại khỏi Bộ Chính trị và mất chức bí thư thành ủy TP.HCM.
Ở bước 2, nếu không được thần may mắn phù trợ, ông Thăng sẽ chắc chắn phải “ra tòa” một lần nữa. “Tòa án” vẫn lại là Ban chấp hành trung ương. Nhưng thay vì chỉ bỏ phiếu kỷ luật như lần trước, các ủy viên trung ương sẽ phải bấm bụng quyết định để ông Thăng không còn là “đồng đảng” của mình theo ý chỉ của Bộ Chính trị.
Nếu mất cả chức ủy viên trung ương, Đinh La Thăng sẽ phải đối mặt với một nỗi nguy hiểm lớn hơn – bước 3. Vào lúc này và nếu lại không được thần may mắn phù trợ, ông Thăng còn có thể bị tước cả đảng tịch, tức bị khai trừ khỏi đảng “vinh quang và đời đời bất diệt”, sau đó đương nhiên bị bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội.
Đó chính là một tiền đề của quy trình tố tụng hình sự: một quan chức đã bị khai trừ đảng và mất ghế đại biểu quốc hội thì đương nhiên không còn “quyền bất khả xâm phạm”. Để khi đó, cơ quan điều tra pháp luật có thể “tùy nghi xâm phạm” – tức sang bước 4.
Trong trường hợp tồi tệ, Đinh La Thăng Việt Nam có thể trở thành Bạc Hy Lai Trung Quốc.
Năm 2012, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị cách chức, để sau đó đã bước đi tuần tự, “đúng quy trình”, bị bắt giam và cuối cùng phải ra tòa nhận án đến chung thân.
Bước 5, cũng là khả năng tồi tệ nhất đối với Đinh La Thăng, là như vậy. Tức nếu ai đó quên bẵng hứa hẹn “đánh người chạy đi, không đánh kẻ chạy lại”, ông Thăng có thể sẽ bị bắt để điều tra về vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng một lô lốc vụ việc khác mà bên đảng không bỏ qua. Và nếu vận may vẫn không một chút an ủi, ông sẽ phải đối diện với một tòa án thật sự chứ không còn nằm trong ngoặc kép.
Cùng với những “người quen cũ” của ông…
Khi đó, chỉ còn cầu trời cho vận may cuối cùng: án treo.
Nhưng ngoài cái án kỷ luật đảng đã nhận, 4 bước còn lại vẫn chỉ là giả thiết ở thì tương lai. Có lẽ đã đến lúc ông Thăng cần một chút xác tín tôn giáo để cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi…