Liệu Chánh quyền Trump Chận Đứng nổi Trung Cộng Trên Đà Bành trướng Thâu gọn Biển Đông? – Bs Mã Xái
Căng thẳng Biển Đông lại bùng lên với sự nổi giận của tướng Phạm Tường Long Phó Chủ Tịch Quân Uỷ Trung Ương Trung Cộng bất ngờ cắt ngắn phiên họp với bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và y đã trở về nước ngay trong ngày 19-06-2017, huỷ bỏ chương trình giao lưu thân hữu biên giới Việt-Trung kỳ bốn dự định trong những ngày 20-22/06 tại tỉnh Lai Châu và Vân Nam. Truyền thông khá xôn xao về những đồn đoán quanh co câu chuyện chưa có tiền lệ. Nhưng rồi sự thật cũng không dấu được ai; một chuyên gia về Biển Đông trích từ nguồn tin ẩn danh rằng Phạm Tường Long đã nói cho Ngô Xuân Lịch “ Toàn bộ các đảo ở Biển Nam Hải (tức Biển Đông) đã thuộc Trung Quốc từ thời thượng cổ”, nhưng các viên chức Hà Nội đã bác bỏ lời khuyến cáo của Long là chấm dứt mọi thăm dò dầu khí trong phạm vi đường chín đoạn; lý giải này phù hợp với nhận định của Ngô Sĩ Tồn ( Wu Shicun ), chủ tịch Viện Nghiên Cứu Quốc Gia Trung Quốc về Biển Đông cho rẳng phiên họp đổ vỡ chỉ vì “ Bắc Kinh cáo buộc Việt Nam đã phá vỡ cam kết không khai thác dầu trong vùng tranh chấp ở Nam Hải”; theo đó bất đồng có thể do việc thăm dò dầu khí hai lô dầu số118 ( Cá Voi Xanh) và lô 136 ( Cá Rồng Đỏ). Đây là thái độ khiêu khích kẻ cả của Bắc Kinh, rằng Việt Nam không có quyền gì trong Biển Đông vốn của Trung Quốc (!), mà Tập Cận Bình có lần nói thẳng với Obama, dù Toà án Trọng Tài Quốc tế La Haye đã tuyên bố phủ nhận yêu sách chủ quyền gần trọn Biển Đông của Tập; theo chuyên gia Carl Thayer, Trung Công gần đây cũng đã gây sức ép đòi Việt Nam phải ngưng các hoạt động thăm dầu khí tại bãi cạn Tu Chính (Vanguard Bank ); sự kiện Phạm Tường Long xẩy ra không lâu sau khi Nguyễn Xuân Phúc đu dây “sẵn sàng thăm Mỹ “ngày 31/05 vừa qua, tiếp theo, trong tháng 06 Phúc lại thăm Nhựt Bổn; thủ tướng Phúc không chỉ tập trung với quan hệ mậu dịch song phương mà con được TT Trump và Thủ tướng Abe niềm nở viện trợ khí tài để nhà nước Việt Cộng phòng vệ biển đảo trước đối tượng đầy tham vọng bành trướng muốn nuốt trửng Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer còn lo ngại căng thẳng leo thang sẽ đưa đến chuyện đối đầu Việt-Trung, nếu không giàn xếp đúng đắn, như chuyện đã xẩy ra sau sự kiện giàn khoan HD-981 vào năm 2014. Ai cũng biết Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là thừa sai của TC, tương lai đất nước đã bị họ buộc vào thoả thuận Thành Đô 1990. Thấy chánh sách ngoại giao của Trump bất nhứt, TBT Nguyễn Phú Trọng đã triều kiến Tập Cận Bình trước Tết ta (2017) được dặn dò cặn kẻ trong văn kiện 15 điều trong đó có vấn đề Biển Đông; Trần Đại Quang gần đây (12/2017), và trước đó (9/2016) Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trình diện họ Tập trước khi gặp gỡ TT Trump (31/05) Bắc Kinh tiếp tục ru ngủ thiên hạ trong một thời gian yên ả với cái khung sườn COC, hứa nghiêm chỉnh thực thi DOC (!) nhưng nay đến lúc để nhơn vật số hai trong Đảng, Phó Chủ tịch quân uỷ trung ương Phạm Tường Long lên giọng thị oai uy hiếp Hà Nội, trong khi T.T. Trump đang bị phân tâm với chánh trị nội tình, bên ngoài thì phải đối phó với Bắc Triều Tiên, với chiến tranh Trung Đông, Trung Á, với tham vọng Putin ở Âu Châu, và với cả truyền thông nữa!
Trong tiến trình TC xâm lược Biển Đông, phải nói là Bắc Kinh không gặp một sự kháng cự nào đáng kể về phía CSVN ngoài những tuyên bố phản đối lấy lệ về sau này Hà Nội còn trấn áp ác liệt nhơn dân Việt Nam chỉ vì đấu tranh ôn hoà chống TC xâm chiếm Hoàng Sa-Trường Sa, cũng không có sự kháng cự từ phía ASEAN ngoài vụ kiện rất quan trọng do Philippine lên Toà Trọng tài Thường Trực PCA La Haye với phán quyết Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử nào về cái đường chín đoạn còn gọi là đường lưởi bò.
Thái độ trịch thượng và phát ngôn Tường Long cho thấy chánh sách bành trướng của Trung Quốc chẳng những đe doạ chủ quyền Việt Nam, mà tạo những thách thức có tính khiêu khích chánh quyền Trump về cái điều mà Hoa Kỳ luôn nhắc đến là quyền lợi quốc gia nước Mỹ nằm ở Biển Đông, con đường chiến lược quốc tế với lưu lượng hàng hoá trên 5 trillion USD hàng năm trong đó $ 1.2 trillion thuộc về Hoa Kỳ,chưa kể trử lượng dầu khí kết xù, giàu hải sản, cung cấp năng lượng và thực phẩm cho một khu vực mênh mông Đông Nam Châu Á với khoảng 620 triệu dân. Biển Đông,với diện tich vào cở quốc gia Ấn Độ, một khu vực với giá trị địa chiến lược đầy tiềm năng kinh tế lại không còn là nơi ổn định hoà bình bền vững luôn bị đe doạ, cưởng chế của cường quốc Trung Cộng đang tranh chấp chủ quyền biển đảo đối với các lân bang ( Brunei, Malaysia, Phi Luât Tân, Đài Loan, Việt Nam…) và quyết đoán chủ quyền hầu hết Biển Đông gồm tất cả đảo,đá bãi ngầm, còn Hoa Kỳ thì chọn con đường trung lập tức là không đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền.
Một vài thí dụ về chiến lược “cắt lát salami” của Trung Cộng ( TC ) tại Biển Đông mà gần như không gặp sự phản ứng nào đáng kể. Từ sau 2008 khi Tây phương (West) lâm vào khủng hoảng kinh tế tài chánh là lúc Bắc Kinh phô trương cơ bắp hoành hành tác oai trên Biển Đông : vụ khống chế tàu thăm dò đại dương Impeccable của Mỹ năm 2009; TC cắt dây cáp tàu Việt Nam đang thăm dò dầu khí năm 2011; năm 2012, hải quân và tuần duyên TC bao vây và chiếm bãi ngầm Scarborough; năm 2013 Bắc Kinh đưa tàu tuần duyên võ trang ngang ngược vào vùng biển Indonesia ép Nam Dương phải thả đoàn ngư dân Tàu bị nhốt vì đánh cá lậu quanh Đảo Latuna ; năm 2014 mới là năm Bắc Kinh gia tốc phô trương thẩm quyền trên Biển Đông trong xây dựng bồi đấp các rạn san hô, các thực thể nổi chìm thành những đảo nhơn tạo mà Đô đốc Harry Harris nói là TC tạo ra một vạn lý trường thành bằng cát – thành bảy đảo nhơn tạo – mà Mỹ và các nước trong khu vực thấy trước TC sẽ quân sự hoá chúng. Tháng 9/năm 2015 tại thượng đỉnh Mỹ-Trung, Tâp Cận Bình nói với Obama “Trung Quốc không có ý định quân sự hoá Biển Nam Trung Hoa” nhưng chẳng riêng gì Hoa kỳ mà cả ASEAN, và thế giới dều thấy rõ, TC đã gấp rút biến các đảo nhơn tạo tại quần đảo Trường Sa thành căn cứ quân sự tân tiến, rất hiện đại với phi trường, cảng, hoả tiển, phi cơ tác chiến, hệ thống chống hoả tiển, hệ thống rada…Hình ảnh vệ tinh cập nhựt từ CSIS/AMTI ngày 29/06/2017 cho biết nhóm đảo “Big Three” của Trung Quốc gần hoàn thành với cơ sở hạ tầng quân sự mới trên Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi sẵn sàng trong tư thế tấn công hay phòng thủ trong quần đảo Trường Sa. Tại quần đảo Hoàng Sa Trung Cộng đã chiếm lấy từ tay VNCH năm 1974 với sự thoả thuận của CS Hà Nội, và TC đã cũng cố hạ tầng cơ sở và hoàn tất quân sự hoá, tự xem Hoàng Sa như tài sản của mình do tặng dữ từ nhà nước CSVN, không còn là đề tài tranh cải chủ quyền trong hồ sơ Biển Đông. Điều này không đủ yếu tố pháp lý, lich sử, khoa học để ngăn cấm Việt Nam đứng lên tranh đấu đòi lại chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau này khi thời cơ thuận lợi.
Liệu Trump còn đủ thời gian kịp chận đứng đà tiến chiếm Biển Đông của Tập Cận Bình? Chừng nào vận hội đến cho toàn dân Việt Nam trong ngoài nước đứng lên thay đổi vận mạng nước nhà cho sự sinh tồn của dân tộc.
Chiếm lấy Biển Đông nằm trong đại chiến lược châu Á-Thái Bình-Dương của Tập Cận Bình ngay khi ông ta lên nắm quyền cai trị Trung Quốc. T.T. Obama và cả hai đảng Cộng Hoà và Dân chủ thấy rõ âm mưu đó và Quốc hội Hoa Kỳ nhứt tề ủng hộ chiến lược Tái Cân Bằng/ Xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương của hành pháp trong đó có quyền bảo vệ tự do lưu thông hàng hải hàng không trên hành lang Biển Đông nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương được xem nằm trong quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ. Nhưng đường lối quá nhân nhượng trước hành động bá quyền bành trướng của TC, TT Obama tránh né mọi cơ chế đối đầu có thể đưa tới chiến tranh, ông cũng như Hilary Clinton lo ngại tới việc có thể rơi vào cái “bẩy Thucydides”, sự xung đột giữa siêu cường bền vững lâu đời như Mỹ và một cường quốc đang lên như Trung Quốc. Trong buổi họp báo chung với Tập Cận Bình năm 2015 TT Obama tuyên bố: “Hoa Kỳ hoan nghinh thế vươn lên của Trung Quốc trong hoà bình, bền vững và thạnh vượng, là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng thế giới ”, nhưng Washington chưa bao giờ nói lên cho dân chúng Hoa Kỳ và cả thế giới sẽ phải hành động ra sao khi Bắc Kinh tiếp tục vi phạm chuẩn mực, luật pháp quốc tế làm xoi mòn trật tự thế giới tư do. Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết của PCA ; Tập bác bỏ mọi cáo buộc quân sự hoá Biển Đông và trâng tráo nói với Hoa kỳ các hoạt động, củng cố, tăng tốc khai triển quân sự ồ ạt trên đảo, trên biển trên không là nhằm bảo vệ chủ quyền của họ!
Ngày nay dù sức mạnh quân sự TC còn đứng sau một bước khá dài đối với siêu cường Mỹ, nhưng trên Biển Đông, Trung Cộng đã nắm được lợi thế cho thấy họ đã hoàn tất cơ sở hạ tầng mới, chiếm lấy vị trí chiến lược và khai triển năng lực quân sự từ Hoàng Sa cho đến quần đảo Trường Sa, thừa sức mạnh quân sự và kinh tế quyết đoán khẳng định chủ quyền biển đảo với các nước nhỏ có tranh chấp chủ quyền (Việt Nam, Philippines,Đoài Loan, Brunei, Malaysia). Nhưng chỉ dấu lạc quan cho thấy Trung Cộng chưa dám thử thách chánh phủ Trump khi họ chưa dám bồi đấp và quân sự hoá bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ( cũng cần nhắc lại, năm 2012 TC bao vây Scarborough, và Hoa Kỳ đã cảnh cáo TC không được bồi đắp bãi cạn này, nhưng từ khi TT Duterte ngả về với Bắc Kinh,TC đã để ngư dân Philippines vào đánh cá). Quả vậy nếu Hoa Kỳ để Bắc Kinh thiết lập được “tam giác chiến lược Hoàng Sa-Trường Sa-Scarborough” thì khả năng TC kiểm soát và khống chế Biển Đông chỉ là vấn đề thời gian và từ giả định đó Trung Cộng sẽ phá vở vòng đai “Chuổi đảo thứ nhứt”và kế tiếp sẽ là “Chuổi đảo thứ hai” thực hiện điều mà Băc Kinh đã có lần nói Thái Bình Dương đủ rộng cho Hoa Kỳ và Trung Quốc, rằng lực lượng hải quân TC nay không còn thời kỳ hoạt động cận duyên như một “lực lượng nước nâu”( tạm dịch từ brown water force) nay đã vượt trùng dương hoạt động xa khu vực nhà với” lực lượng biển xanh’ ( ( blue-water navy); Hoa Kỳ nên nghĩ chương trình tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông (FONOPs) lúc đó sẽ ra sao?
Nhìn bức tranh toàn cảnh khiến đa số nghĩ rằng Trung Cộng đang thắng thế trong việc kiểm soát Biển Đông, tuy nhiên sau những tháng lặng lẽ, với nửa năm lẩn quẩn với “Nước Mỹ trước hết”, chánh sách Biển Đông và Đông Nam Á của chánh quyền Trump lần lần định hình, triển vọng chận đứng đà bành trướng Biển Đông có cơ thành tựu tuy mỏng manh, trong bối cảnh Trump ở tư thế mạnh với sự hổ trợ của quốc hội với một ngân sách quốc phòng lớn lao, ưu tiên cho hải quân, rõ ràng để đối phó với thử thách TC ở Biển Đông; phó TT Pence với một vòng thăm viếng 10 ngày Châu Á trấn an các nước ASEAN đang lo ngại bị Trump bỏ rơi sau khi rút khỏi TPP, phó TT Pence đoan chắc thực sự cam kết của Mỹ trong khu vực đồng thời TT Trump cho thấy đang có cách vừa nhờ vừa ép Bắc Kinh giúp ngăn chặn các chương trình hạt nhơn và hoả tiển của Bắc Triều Tiên, tuy nhiên Trump cũng bắt đầu nản về Trung Quốc: “Họ chỉ làm ít không nhiều”, và ông Trump cho biết nếu ông không được những gì ông cần thì có thể ông Trump cân nhắc tới các biện pháp tài chánh, cân bằng thương mãi, mậu dịch với Bắc Kinh.
Trong tình thế gia tăng căn thẳng ở Biển Đông lời tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa kỳ James Mattis tại hội nghị an ninh khu vực – Đối thoại Shangri-La,Singapore vào đầu Tháng Sáu/2017 là một thông điệp nhắn nhủ cho Bắc Kinh về chánh sách về Biển Đông,về lập trường của Mỹ đối với vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa TC và các lân bang trong trong Biển Đông; rằng “quân sự hoá các đảo nhân tạo không thể chấp nhận được mà Bắc Kinh đang làm tại Biển Đông vì nó làm tình hình khu vực bất ổn, can thẳng gia tăng”, ông cũng chỉ trich các yêu sách hàng hải quá đáng không được luật pháp quốc tế công nhận; ông khuyến khích một khu vực liên kết với nhau trong vấn đề an ninh; ông khẳng định Châu Á Thái Binh Dương là khu vực mà Mỹ sẽ ưu tiên và nỗ lực trong chiến lược xây dựng đồng minh và nỗ lực hàng đầu của Mỹ là vẫn là quan hệ liên minh với Hàn Quốc, Nhựt Bổn, Australia, Philippines và Thái Lan, coi trọng Ấn độ, Indonesia, Việt nam Singapore và Đài Loan là các đối tác quân sự quan trọng, “Hoa kỳ không thể và sẽ không chấp nhận việc đơn phương và cưởng bức đối với việc thay đổi nguyên trạng. Ông còn nói rõ: Việc tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Bắc Triều Tiên không có nghĩa là Washington không chống lại các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông; Hoa Kỳ quyết duy trì quyền tự do thông thương hàng hải hàng không chẳng riêng gì Biển Đông mà bất cứ nơi nào luật pháp cho phép và phù hợp với Công ước Quốc tế về Luât biển ( UNCLOS 1982).Ngày 14/06 điều trần trước Quốc hội, ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết ông đã cảnh báo người đồng nhiệm Trung quốc rằng đường lối ngoại giao hiện tại của Trung Quốc sẽ đưa chúng ta tới xung đột”…và có thể đưa tới mức chiến tranh sẽ xẩy ra nếu không quản lý đúng đắn. Có thể đây lầ lần đầu tiên một vị ngoại trưởng của Trump nói đến từ chiến tranh trong quan hệ Trung –Mỹ. Ngày 21/06 tại hội nghị cao cấp” Đối thoại Ngoại giao-An ninh Mỹ-Trung “( giữa Rex Tillerson và James Mattis với Dương Khiết Trì và Phòng Phong Huy) ngoại trưởng Tillerson và Bộ trưởng quốc phòng Mattis nói với Uỷ Viên Quốc vụ và Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, về lập trường Hoa Kỳ về Biển Đông được phát biểu trong thông điệp mà James Mattis đã trình bày tại Đối thoại Shangri-La( ngày 03-06-2017). Ngày 28/06/2017 tại Trung tâm Chánh sách Chiến lược Úc tại thành phố Brisbane, Đô đốc Harry Harris Chỉ huy Bộ Tư Lịnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ tuyên bố “ Người thật không nên tin vào các đảo giả của Trung Quốc”; theo nhà phân tích an ninh Carl Thayer, Harris chính là chất keo duy trì đường lối truyền thống của Hoa Kỳ trên toàn Á Châu. Ông cho rằng Hoa kỳ cần có một thái độ mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Ông cũng đã tuyên bố “ Chúng tôi hợp tác (với Trung Quốc) khi nào có thể, nhưng lúc nào cũng trực diện đối đầu khi cần”. Và đã đến lúc Mỹ phải chính thức xoay về đường lối cứng rắn với Bắc Kinh, khi Tập không đáp ứng nhu cầu của Trump, của Hoa Kỳ. Trong bài toán Đông Bắc Á, Trung Quốc dường như âm thầm xúi Bắc Triều Tiên liên tiếp thử nghiệm hoả tiển và phát triển chương trình hạt nhân. (tin cho thấy Bình Nhưỡng lại phóng thêm hoả tiển tầm xa có thể là ICBM ngày 03-07-2017).Đi vào hành động, thực hiện chiến lược Biển Đông, ngày 02 /07 tàu khu trục của Hải quân Mỹ điều hướng tàu sân bay USS Stethem mở màn tuần tra tự do hàng hải (FONOP) lần hai khởi hành trong vòng 12 hải lý của Đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa đang trong tranh chấp chủ quyền giữa TC, Việt Nam và Đài Loan; hoạt động này tiếp theo chuyến FONOP đầu tiên của chánh phủ Trump vào cuối Tháng 05/2017 vừa qua với USS Dewey trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn ( Mischief Reef) đang bị TC chiếm đóng. Những chuyến FONOP này Hoa Kỳ muốn nói cho Tập Cận Bình biết Hoa kỳ phủ nhận quyền làm chủ của Trung Quốc trên đảo còn đang tranh chấp chủ quyền, và quyền duy trì tự do hàng hải phù hợp với Công ước quốc tế Luật Biển ( UNCLOS 1982); FONOP cũng diễn ra trong bối cảnh Trung Cộng không thoả mãn điều Trump cần. Đô đốc Harry Harris chẳng những khuyến cáo tăng cường FONOP, mà “Hoa Kỳ cần có một thái độ mạnh mẽ hơn đối với Trung Cộng ở Biển Đông” (…”US needs to have a more robust posture toward China there”); đã có những hành động cụ thể biểu dương sự có mặt thường trực tại khu vực : tháng Năm vừa qua, hai hàng không mẫu hạm loại tấn công của Hoa Kỳ triển khai đến tây Thái Bình Dương, một chiếc trong nhóm lần đầu tiên tham gia tập trận tại Biển Đông với chiến hạm sân bay trực thăng IZUMO, tàu chiến lớn nhứt cũa Nhựt, một động thái vô cùng nhạy cảm đối với Bắc Kinh ( Nhựt và TC tranh chấp với nhau về hòn đảo Senkaku/Điếu ngư ở Biển Hoa Đông ) Tiếp theo FONOP, ngày 8/06 Hoa Kỳ cho điều hai máy bay ném bom siêu thanh chiến lược B-1B Lancer tiến hành cuộc tập trận cùng với tàu khu trục USS Sterett ở Biển Đông. ….
Dù Trung Cộng thừa biết chưa đẩy nổi siêu cường Mỹ ra khỏi Thái Bình Dương, nhưng vẫn tiếp tục nắn gân Hoa Thạnh Đốn; chiến lược Biển Đông của chánh quyền Trump tổng thể vẫn dựa trên chánh sách của Obama, nhưng yếu tố quân sự được đẩy mạnh hơn, vượt trội hơn thông qua bộ tham mưu quân sự, ngoại giao dạn dầy kinh nghiệm về khu vực Đông Nam Á đặc biệt là về Biển Đông ( Bộ trưởng quốc phòng Mattis, Đô đốc Harry Harris, Đô đốc Swift, Cố vấn an ninh quốc gia H.R.McMaster, Rex Tillerson…). Cho tới hôm nay, Trung quốc có vẻ như đã chùn bước trong việc bồi đấp thêm đảo nhơn tạo, chưa dám bồi đấp thêm hay kế hoạch quân sự hoá Scarborough ( Hai nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio và Ben Carden đã trinh dự luật chế tài “ South China Sea and East China Sea Act” trừng phạt cá nhơn hay tổ chức tài chánh, nếu Trung Quốc tiến hành hoạt động ỡ bãi cạn Scarborough); TC cũng chưa dám ngăn chặn con đường tự do hàng hải, nhưng cho tới hôm nay Bắc Kinh vẫn đẩy mạnh việc cũng cố quân sự hoá các đảo nhân tạo khác ở Trường Sa, nhứt là nhóm đảo “Big Three” ( Chữ Thập, Subi, Vành Khăn) và quần đảo Hoàng Sa.
Tạm Kết :
Trung Công chưa thắng thế việc kiểm soát hoàn toàn Biển Đông khi họ chưa thiết lập được “tam giác chiến lược Hoàng Sa –Trường Sa-Scarborough. Vấn đề không phải TC nể nang sức mạnh quân sự Hoa kỳ, nhưng trái lại Trung Quốc sợ sẽ phải bị tàn phá ghê gớm khi lâm vào cuộc chiến với Mỹ; nhưng nếu Mỹ phải chiến tranh để chận đứng đà bành trướng của Bắc Kinh thì đó cũng không phải là chủ trương của tỷ phú Trump ; Trump cần hoà bình để tư bản làm ăn; với chánh sách ngoại giao đổi chác (transactional policy) của Trump làm ASEAN lo ngại Hoa Kỳ dùng Biển Đông làm con bài trao đổi với TC trong “thương vụ” Bắc Triều Tiên ; nhưng toan tính của Trump chỉ là ảo tưởng. Nhiều chuyên gia hoan nghinh chủ trương cúng rắn của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Mattis, bao gồm chủ trưởng tăng cường tối đa khả năng quân sự cho các quốc gia có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với TC, Hoa Kỳ khuyến khích sự liên kết giữa các nước trong khu vực trong vấn đề an ninh, tự phòng vệ lấy, chống lại sự bắt nạt của Trung Cộng, tăng cường giao lưu quốc phòng với Hoa Kỳ, kể cả việc tập trận chung, bán võ khí đủ loại kể cả vũ khí sát thương, chống tiếp cận…James Mattis cũng không quên các đồng minh, đối tác thân cận đang trong vòng đe doạ của Băc Kinh ( Nhựt, Úc gần gũi với Malaysia, Indonesia cũng như Ấn Đô và tiềm năng đối tác Việt Nam. Một kế hoạch răn đe “ hoà bình thông qua sức mạnh” phối hợp với chiến lược FONOP hi vọng giúp chánh quyền Trump chận đứng đà bành trướng của TC ở lằn ranh hiện tại trước khi Biển Đông trở thành ao nhà của Đại Hán.
Một lời kết xin gởi cho chánh quyền Trump, nhơn dân Việt Nam trong nước đang biểu tình chống đợt xâm lăng mới của TC vào Biển Đông qua” sự kiện Phạm Tường Long” và đang bị chánh quyền CSVN – cánh tay nối dài của đảng CSTQ -đàn áp thô bạo, cũng như họ đã tiếp tục trấn áp mọi tiếng nói ôn hoà đang tranh đấu cho một Việt Nam độc lập, chủ quyền, tự do dân chủ, pháp trị và sự toàn vẹn lãnh thổ. Cả thế giới tự do và Hoa Kỳ đều kêu gọi trả tự do cho Mẹ Nấm và hàng trăm tù nhơn lương tâm; giá trị nước Mỹ sẽ lu mờ khi chánh quyền Trump tiếp tục hổ trợ cho một nhà nước độc tài, toàn trị CSVN.
Bác sĩ Mã Xái
Mừng Ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ năm thứ 241
Tài liệu tham khảo :
1.“Tension bubble to the surface in China-Vietnam spat” by Murray Hiebert and Gregory Poling| June 28-2017 |CSIS.
2.“Nixed China-Vietnam meeting highlights illusion of South China Sea calm” by Prashanth Paraweswaran | June 22-2017| THE DIPLOMAT.
3.Update : China’s Big Three near completion| Published June-29-2017| ASIA MARITIME TRANSPARENCY INITIATIVE| CSIS
4.“Course Correction How to stop China’s Maritime Advance” by Ely Ratner|FOREIGN AFFAIRS Volume 96, Number 4 |July/August 2017.
5.Trump’s South China Sea policy taking shape”|by Mark J. Valencia|June 23-2017|The Japan Times
6.”Remarks by Secretary Mattis at Shangri-La Dialogue|”June 03, 2017|
7. South China Sea : Who Occupied What in the Spratly? By Alexander L.Vuving| May 06| THE DIPLOMAT
8.”Trung Quốc vẫn chưa thắng trên Biển Đông” Biên dịch : Bùi Ngọc Hà từ “ China has’nt won yet in the South China Sea”By Walter Lohman |06/06/2017|đăng trên NGHIÊN CỨU QUỐC Tế (nghiencuuquocte.net) posted ngày 2-07-2017.
9. “Can the US be Reassured by China’s Quiet Compliance With Court Ruling at Scarborough Shoal”? by Steven Stashwick|April 14-2017| THE DIPLOMAT