Liên minh Nga Hoa – Nguyễn Hoài Vân
Sự thay đổi tương quan lực lượng trong thế giới hiện nay đưa đến một số khuynh hướng liên minh mới. Bên cạnh “thế giới tây phương truyền thống” lãnh đạo bởi Hoa Kỳ, người ta nhận thấy nhiều liên hệ được củng cố quanh Trung Quốc, đầu tàu thứ hai của địa cầu. Trong số những đối tác mới này của Trung Quốc, ngoài Hoa Kỳ, một vài nước Âu Châu đặc biệt là Đức, một số nước Phi Châu và Trung Đông, người ta hiện chú ý nhiều đến Nga, cường quốc Âu Á đã từng một thời đóng vai trò đối trọng với Hoa Kỳ.
Nhiều người có thể xem liên minh Nga Hoa như sự hồi sinh của một tương quan “đồng chí” xa xưa. Trong thực tế, Nga và Trung Hoa thường đối nghịch hơn là thân thiết. Ý thức hệ Cộng Sản đã không bao giờ đủ để hàn gắn những rạn nứt do xung đột quyền lợi giữa hai nước này. Thêm vào đó thế lưỡng cực Nga – Mỹ đã khiến Trung Quốc không có khuynh hướng liên kết với Nga để phải chịu đứng sau nước này trong bối cảnh chiến tranh lạnh. Ý thức về vai trò lãnh đạo của mình, được thể hiện qua quốc hiệu Trung Quốc, luôn rõ nét trong suốt chiều dài lịch sử của nước này, kể cả vào những giai đoạn bị coi là yếu kém.
Ngày nay, sức mạnh của Trung Quốc đã gia tăng, đặc biệt là trong lãnh vực kinh tế. Tuy nhiên, điều ấy lại đưa đến những ưu tư mới. Quan trọng nhất là mở rộng và duy trì thị trường tiêu thụ cho nền sản xuất vượt bực của họ. Thứ đến là nguồn tiếp tế năng lượng và nguyên liệu. Sự suy kém của thị trường Âu Mỹ, do khủng hoảng, khiến Trung Quốc có lợi nếu nhích đến gần Nga, và trong một bước kế tiếp, gần đồng minh truyền thống của Nga, là Ấn Độ. Với xấp xỉ 1 tỷ rưỡi dân số, hai nước này là một thị trường quan trọng. Nga cũng có thể cung cấp cho Trung Quốc một nguồn năng lượng đáng kể, cùng với các nước thuộc Liên Sô cũ.
Về phía Nga, sự lan rộng của Minh Ước Bắc Đại Đại Tây Dương đến giáp ranh lãnh thổ của mình, khiến nước này có khuynh hướng quay sang phía Đông, tìm một thế liên minh khả dĩ quân bình được áp lực dọc biên thùy tây phương của đế quốc. Trên mặt quân sự, Trung Quốc cũng có thể cảm thấy liên minh với Nga là cần thiết, vì sự khó khăn kết nối những quan hệ quốc phòng với Nhật, Nam Hàn, hay các nước Đông Nam Á, ngoại trừ vài trường hợp. Nếu coi áp lực quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh trên Trung Quốc tương tự như áp lực của NATO đối với Nga, thì những quan hệ chiến lược giữa Nga-Hoa có nhiều hy vọng sẽ được phát triển thêm, vì đều phải đứng trước một đe dọa chung.
Một yếu tố khác khiến Nga cảm thấy có lợi khi đến với Trung Quốc là sự bấp bênh của kinh tế Âu Mỹ, khiến cho một phần các đầu tư của Nga hướng vào Trung Quốc. Quỹ đầu tư Nga – Hoa đã gia tăng mạnh mẽ trong năm vừa qua, và Nga hiện có mặt trong nhiều lãnh vực then chốt của kinh tế Trung Hoa như năng lượng, kể cả năng lượng hạt nhân.
Sự tranh dành một tư thế lãnh đạo giữa một thế giới đang chịu nhiều biến đổi cũng khiến cho Nga và Trung Quốc dễ đến gần nhau. Thật vậy, mặc dù khủng hoảng kinh tế, mặc dù vấp phải nhiều thất bại và khó khăn, như tại Irak và Afghanistan, các nước Tây phương quanh Hoa Kỳ vẫn duy trì được một vai trò vượt trội trong các chuyển biến trên thế giới. Các cường quốc vốn mang cùng tham vọng lãnh đạo, như Trung Hoa và Nga, không khỏi cảm thấy bị gạt ra ngoài những quyết định quốc tế quan trọng. Sự kết hợp giữa họ là một phản ứng tự nhiên.
Ước muốn dành lại phần nào quyền quyết định trong tương quan quốc tế, từ tay “thế giới Tây Phương”, đã là nền tảng của sự thành lập Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải bao gồm Trung Quốc (kể cả Đài Loan), Nga, và một số nước Liên Sô cũ. Trong số các quan sát viên và thành viên trao đổi của tổ chức này người ta ghi nhận sự hiện diện của Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, và cả Afghanistan. Tổ chức này có nhiều triển vọng sẽ được củng cố trong những năm tháng sắp tới.
Tạm thời người ta nhìn thấy ảnh hưởng của nó trong những quyết định của Trung Quốc và Nga trên trường quốc tế, như trong các biến cố Lybia và Syria. Trong tương lai, một viễn tượng tấn công Iran chắc chắn sẽ gặp sự chống đối quyết liệt của cả Nga lẫn Trung Hoa. Dưới ảnh hưởng của “liên minh” này, tương quan giữa “thế giới Tây Phương” với Pakistan chắc chắn cũng sẽ ngày một thêm phức tạp, trong khi tình hình Afghanistan và Irak có thể nóng bỏng trở lại vào bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, điều cần nhận xét là trong bối cảnh toàn cầu hóa, là quyền lợi của mỗi quốc gia đều liên hệ chặt chẽ đến các quốc gia khác. Trung Quốc muốn chống lại tư thế lãnh đạo của Hoa Kỳ, nhưng đồng thời lại là chủ nợ chính yếu của nước này (Trung Quốc tài trợ cho sức mạnh quân sự của Mỹ!), và tùy thuộc không nhỏ vào thị trường tiêu thụ Hoa Kỳ. Sự phân tranh lưỡng cực rất khó xảy ra. Người ta chỉ có thể quan niệm những cuộc tranh chấp cục bộ, hạn chế trong thời gian, để tránh ảnh hưởng lâu dài đến việc buôc bán. Yếu tố quyền lợi đã trở thành chỉ đạo trong thế giới tư bản toàn cầu hiện nay. Yếu tố này biện minh cho chính sách ngoại giao “đa phương” của Trung Quốc cho đến bây giờ.
Một điều có thể tạm thời lấn át quan tâm “quyền lợi” này là tham vọng áp đặt một hệ thống giá trị trên toàn thế giới. Hiện có hai khuynh hướng mang tham vọng bành trướng toàn cầu này, là khuynh hướng Hồi Giáo cực đoan và khuynh hướng tự do dân chủ Tây Phương. Cả Trung Quốc lẫn Nga đều không có tham vọng “toàn cầu hóa” mô hình quản lý quốc gia của mình. Trung Quốc chỉ có tham vọng tranh thủ thị trường và các nguồn tiếp liệu năng lượng cũng như nguyên liệu. Một chính sách chinh chiến triền miên để bành trướng đế quốc đến những vùng đất xa xôi, không đem lại những mối lợi kinh tế, cả trên lãnh vực phát triển thị trường lẫn gia tăng sản xuất, hai yếu tố sống còn đối với Trung Quốc. Nga thì đã hoàn toàn quay lưng lại với chủ nghĩa quốc tế của thời Cộng Sản. Nói cách khác, liên minh Nga Hoa có nhiều sắc thái tự vệ hơn là tấn công: chủ yếu là tự vệ trước nỗ lực bành trướng mô hình tự do dân chủ của Tây phương.
Nói thế, nghĩa là thái độ của Tây Phương sẽ quyết định hướng đi của liên minh này trong tương lai. Một thái độ tự vệ, nếu bị dồn vào đường cùng sẽ có thể biến thành hung hãn, tấn công, với những hậu quả không còn lường trước được, vì đã thoát khỏi giới hạn của suy tư duy lợi thuần lý.
Một nguy cơ khác là quan điểm của một số người cho rằng trước bế tắc toàn diện hiện nay, cần một cuộc chiến tranh tàn phá rộng lớn để kích hoạt lại hệ thống kinh tế toàn cầu. Nga và Trung Quốc là những tác nhân hay đối tượng tốt cho một cuộc chiến tranh tương tự, cũng như khối Hồi Giáo, và có thể một số quốc gia Nam và Trung Mỹ.
Vai trò của Việt Nam sẽ rất tế nhị nếu suy nghĩ theo mô hình đế quốc bá quyền. Dù đứng về phía đế quốc nào đi chăng nữa, Việt Nam cũng sẽ mất đi quyền quyết định vận mạng của mình, vì các đế quốc ấy sẽ thương thảo giữa họ để quyết định “giúp” mình. Trong trường hợp chiến tranh xảy ra, thì Việt Nam khó tránh được sự tàn phá, bất chấp quy phục khối này hay khối kia. Kinh nghiệm “tiền đồn”, “chiến tranh đại lý”, không xa lạ với những người Việt còn chút trí nhớ.
Sinh lộ của Việt Nam là suy nghĩ và hành xử theo mô thức duy lợi, thuần lý. Việt Nam là một thị trường 80 triệu dân, liên hệ chặt chẽ với một khối quốc gia có thể quy tụ hơn 1 tỷ người. Việt Nam cũng là một nguồn năng lượng và nguyên liệu đáng kể, với tiềm năng sản xuất cao. Trung Quốc hay Hoa Kỳ, Cộng Đồng Âu Châu và cả Nga, cũng như nhiều nước khác, đều có lợi nếu Việt Nam phát triền tốt. Sự yên bình và phát triển của Việt Nam cần được nêu cao như một lợi điểm đối với các quốc gia này, và sự hợp tác của họ vào tiến trình phát triển ấy, như một phản xạ hiếu lợi, thậm chí sinh tồn, tự nhiên. Nếu cần một thí dụ, chúng ta có thể nghĩ đến Thụy Sĩ, một nước nhỏ nhưng luôn yên tĩnh làm giàu, kể cả trong các cuộc đại thế chiến.
Trên phương diện chiến lược, vị trí của Việt Nam có thể được coi như một vùng trung gian giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Thái độ của Việt Nam có thể quyết định tương lai an bình hay máu lửa của toàn vùng, với nguy cơ sụp đổ dây chuyền, về kinh tế cũng như chính trị.
Biết khai thác những tư thế ấy, Việt Nam sẽ bước lên một vai trò mới trong một vận hội mới của toàn vùng.
Nguyễn Hoài Vân