Liên Hiệp Quốc quan ngại về tình hình nhân quyền ở Thái Lan

Cac Bai Khac

No sub-categories

Liên Hiệp Quốc quan ngại về tình hình nhân quyền ở Thái Lan

Thủ tướng Thái Lan, tướng Prayuth Chan-Ocha, trong cuộc gặp đại diện Hiệp hội danh nhân Thái -Châu Âu, Bắc Kinh, 27/08/2014 – REUTERS

Theo RFI – Thanh Phương – Thứ Tư 03 Tháng Chín 2014

Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại về những hạn chế ngày càng nghiêm ngặt đối với các nhà bảo vệ nhân quyền ở Thái Lan, hơn 100 ngày sau khi quân đội tiến hành đảo chính và lên nắm quyền ở nước này.

Hôm nay, 03/09/2014, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã ra tuyên bố nhấn mạnh đến môi trường hoạt động ngày càng tồi tệ đối với các nhà đấu tranh nhân quyền ở Thái Lan, sau khi hôm qua một cuộc họp báo về nhân quyền ở Bangkok đã bị hủy bỏ, vì những người tổ chức tố cáo là họ bị lực lượng an ninh hù dọa. Các tác giả bản báo cáo về nhân quyền cho biết đã nhận được những cú điện thoại của chính quyền quân sự nhắc rằng mọi cuộc tập hợp như vậy đều bị cấm ở Thái Lan. Kể từ khi phe quân sự lên nắm quyền cho đến nay, quyền tự do ngôn luận bị hạn chế nghiêm ngặt ở Thái Lan. Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus gởi về bài tường trình: “Dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy tình hình nhân quyền dưới chế độ quân sự đang xấu đi, đó là quyền tự do ngôn luận hoàn toàn vắng bóng. Người nào giơ một tấm bảng trên đường phố hoặc ra dấu hiệu bằng tay mà bị xem mà nhằm tỏ thái độ chống chế độ đều sẽ bị bắt ngay lập tức.  Mọi cuộc tập hợp nhằm phổ biến thông tin mang tính chính trị đều bị cấm, như trường hợp của cuộc họp báo về nhân quyền hôm qua, 02/09/2014. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã tuyên bố là họ sẽ tìm cách khác để công bố kết quả điều tra của họ.  Thiết quân luật, được ban hành hai ngày trước cuộc đảo chính, hiện vẫn có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Thái Lan. Một trong những hậu quả đó là bất cứ người nào bị xem là vi phạm sắc lệnh của chính quyền quân sự đều bị đưa ra tòa án binh.  Bị cáo có thể mời luật sư, nhưng sẽ không có quyền kháng cáo. Các thẩm phán của tòa án quân sự, vốn được đào tạo để xét xử các quân nhân, sẽ ra phán quyết về các vụ án chính trị liên quan đến thường dân.  Một sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác, đó là hàng trăm nhà hoạt động chính trị đã bị giam trong các trại lính. Đa số đã được thả trong thời hạn tối đa là 7 ngày, như được quy định trong thiết quân luật. Nhưng có hai người khẳng định là họ đã bị ngược đãi trong thời gian giam giữ ”.