Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền kêu gọi giới trẻ Việt Nam tiếp tục đấu tranh vì quyền con người
Ỷ Lan – 2022.10.28 – Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) kêu
gọi giới trẻ Việt Nam ở khắp nơi tiếp tục đấu tranh về quyền con người,
đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ khi có thể.
Hội nghị của FIDH tại Paris, Pháp từ ngày 23 đến 26/10/2022 Photo: RFA
Bà Alice Mogwe, Chủ tịch của FIDH, nói với thông tín viên
của RFA trong một cuộc phỏng vấn nhân Hội nghị lần thứ 41 của FIDH diễn
ra tại Paris, Pháp từ ngày 23 đến 26/10/2022.
FIDH được thành lập từ năm 1922 với mục tiêu bảo vệ hoà
bình bằng cuộc đấu tranh cho nhân quyền. Từ một nhóm người nhỏ địa
phương, ngày nay FIDH đã trở thành một tổ hợp quốc tế với 192 chi hội
trong 117 quốc gia năm châu, trong có Việt Nam mà đại diện là Uỷ ban Bảo
vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR).
Do có quy chế tham vấn tại LHQ, nên FIDH nắm giữ nhiều hồ
sơ nhân quyền trên thế giới để cập nhật và lên tiếng báo nguy. Là tổ
chức nhân quyền lâu đời nên quá trình đóng góp của FIDH cũng gia tăng
theo với thời gian. Những đóng góp quốc tế quan trọng có thể thấy ra qua
một vài ví dụ điển hình như phá án tử hình cho hai Cụ Phan Bội Châu và
Phan Chu Trinh trong những năm đầu thế kỷ hai mươi.
Nói với RFA, bà Alice Mogwe nhận định:
“Trong Lễ Khai mạc tối nay, chúng tôi nghe từ giới
trẻ nói về nhân quyền cho tương lai, về những thách thức mà tuổi
trẻ phải đối diện. Quyền kỹ thuật số là một trong những
phương liệu của họ – khá đông người ngay nay có thể sử dụng
cell-phones (điện thoại di động), Whatsapp, đủ thứ hình thức khác để
phát huy chính kiến, và hành xử tự do ngôn luận, thiết lập mạng
lưới liên lạc với nhau.
Tôi muốn nói với giới trẻ ở Việt Nam hay bất cứ
đâu trên trái đất, khi nhân quyền bị xâm phạm, là lúc chúng ta
phải tiếp tục đấu tranh. FIDH đang có mặt để hậu thuẫn và liên
đới, hỗ trợ các bạn những gì chúng tôi có thể hỗ trợ.”
Bà Alice Mogwe nói đến chủ đề của hội nghị lần này là
“Hành động con đường độc nhất đưa tới Hy vọng” để kêu gọi mọi
người quan tâm đến nhân quyền trên thế giới đoàn kết và hành động dù
trong bất cứ hoàn cảnh nào.
“Việc phải làm để phá thế kẹt và đạt mục tiêu,
là bạn phải liên kết với những bạn khác. Rất kỳ diệu và quan
trọng cho một Mạng liên kết hậu thuẫn.” – Bà Alice Mogwe nói.
Trong hội nghị lần này của FIDH, Tổng thư ký Liên Hiệp
Quốc Antonio Guterres đã gửi một thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của
xã hội dân sự:
“Xã hội Dân sự là điều cần thiết để gìn giữ hoà bình,
phát triển và tôn trọng quyền của mỗi người. Xã hội dân sự đánh vang lên
cho tiếng nói ẩn khuất bên lề, những tiếng nói tự do và độc lập.”
Tổng thư ký LHQ vừa có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 21 đến
ngày 22/10 vừa qua vào khi tình hình đàn áp nhân quyền ở Việt Nam bị
quốc tế đánh giá là nghiêm trọng.
Ngay trước chuyến thăm của ông tới Hà Nội, 14 tổ chức nhân
quyền quốc tế bao gồm Human Rights Watch, Ân xá Quốc tế, Điều 19
(Article 19), Dự án 88 (The Project 88) đã gửi một bức thư ngỏ kêu gọi
người đứng đầu LHQ yêu cầu Hà Nội trả tự do cho bốn lãnh đạo xã hội dân
sự Việt Nam đang bị cầm tù vì cáo buộc tội trốn thuế. Cáo buộc này đã bị
các đặc phái viên của LHQ đánh giá là không có căn cứ.
Các toà án ở Việt Nam trong năm nay đã kết án tù từ hai
đến năm năm đối với bốn nhà hoạt động môi trường với cùng tội danh trốn
thuế. Trong số những người bị kết án có bà Nguỵ Thị Khanh – Giám đốc tổ
chức xã hội dân sự Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) – người
được Giải thưởng Môi trường Goldman vào năm 2018.
Cũng tại hội nghị của FIDH lần này, Chủ tịch Phân ban Nhân
quyền Quốc hội Âu Châu – bà Maria Arena cho biết Quốc hội Châu Âu đã
làm ngơ trước các vi phạm nhân quyền của những đối tác như Việt Nam.
Bà cho biết Liên Âu đã đặt nhân quyền và dân chủ vào nội
dung chủ yếu trong các liên hệ ngọai giao, đặc biệt qua các Hiệp ước Mậu
dịch. Nhưng khi các nước đối tác vi phạm nhân quyền trầm trọng, thì
Liên Âu lại làm ngơ.
Bà nói rằng, muốn bảo vệ nhân quyền, dân chủ thật sự, phải
có những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, chứ không thể tiếp tục làm ăn
bình tường (“business as usual”) khi các quyền cơ bản không được tôn
trọng.
Việt Nam và EU ký Hiệp ước Mậu dịch Tự do (EVFTA) vào tháng 6/2019. Vào tháng 2/2020, Nghị viện Châu Âu chính thức phê duyệt hiệp định này bất chấp những kêu gọi từ một số tổ chức nhân quyền và các dân biểu Châu Âu, đề nghị EU phải gây sức ép hơn nữa với Việt Nam về vấn đề nhân quyền trước khi thông qua hiệp định này.
RFAViethttps://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/fidh-call-on-young-vn-to-fight-for-human-rights-10282022121555.html