LHQ lên tiếng về thuyền nhân Á châu

Cac Bai Khac

No sub-categories

LHQ lên tiếng về thuyền nhân Á châu

Theo BBC – 19-5-2015 – Liên Hiệp Quốc lên án các quốc gia Đông Nam Á đã từ chối cứu giúp người tỵ nạn trên biển.

Ít nhất 700 người Bangladesh và Rohingya từ Myanmar đã được người dân Aceh, Indonesia, cứu nạn hồi tuần trước và con số người trong các trại tỵ nạn ở địa phương này nay lên tới ít nhất 1.500.

Phát ngôn viên của Cao ủy LHQ về Người Tỵ nạn (UNHCR) Vivian Tan nói việc ít người được cứu vào cuối tuần là ‘dấu hiệu xấu’.

Các tổ chức cứu trợ nói khủng hoảng nhânđạo nghiêm trọng đang diễn ra vì các nước trong khu vực không chấp nhận người tỵ nạn.

Các thuyền nhân đều trong tình trạng thiếu ăn và những người sống sót cho hay trên các tàu đã xảy ra ̣đánh nhau tranh giành thức ăn gây thương tích.

Bà Tan cảnh báo rằng thời gian để giúp người tỵ nạn không còn nhiều.

Bà nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ tìm thêm được thuyền tỵ nạn, cứu được nhiều người và cho phép một số người được lên bờ. Tuy nhiên dường như điều này không xảy ra”.

Nhà chức trách Indonesia đã khuyến cáo ngư dân của họ không nên giúp các thuyền nhân trừ khi thuyền của họ bị đắm và họ bị chìm dưới nước.

      Nhiều quốc gia không muốn tiếp nhận người tỵ nạn                    

Người phát ngôn cho quân đội nước này, ông Fuad Basya, nói ngư dân có thể mang thức ăn, nhiên liệu và nước cho các thuyền nhân cũng như giúp họ sửa chữa tàu, nhưng mang họ lên bờ thì lại là nhập cảnh trái phép Indonesia.

Một số ngư dân ở tỉnh Aceh nói với BBC rằng họ không được phép giúp thuyền nhân ngay cả khi những người này sắp chết đuối.

Hàng nghìn người, đa số là người Hồi giáo Rohingya trốn chạy nghèo đói và đàn áp ở Myanmar, đang trôi nổi trên biển. Bên cạnh đó cũng có nhiều người Bangladesh đi tìm việc làm.

Trong khi đó, thị trưởng Langsa, hải cảng ở Indonesia nơi nhiều thuyền nhân đang được cứu chữa, nói thành phố của ông không có ngân sách để giúp người tỵ nạn mà cũng chưa được Jakarta hỗ trợ gì.

Ông Usman Abdullah nói: “Vâng, chúng tôi cần hỗ trợ ngay lập tức từ chính quyền trung ương cũng như từ các tổ chức quốc tế và phi chính phủ để có thể chăm sóc những người Rohingya đã dạt vào chỗ chúng tôi”.