Lên Sáu

Cac Bai Khac

No sub-categories

Lên Sáu

Bài thơ giáo khoa của nhà thơ TẢN ĐÀ viết cho trẻ em lên sáu tuổi, năm 1919. Bài thơ đã 101 năm, nhưng vẫn còn nguyên ý nghĩa về sự giáo dục con người.
LÊN SÁU

Sách quốc ngữ – Chữ nước ta,
Con cái nhà – Đều phải học.
Miệng thì đọc- Tai thì nghe
Đừng ngủ nhè -Chớ láu táu
Con lên sáu – Đang vỡ lòng
Học cho thông – Thầy khỏi mắng.
.
Trong trời đất – Nhất là người
Ở trên đời – Hơn giống vật
Con bé thật – Chưa biết gì
Còn ngu si – Phải dạy bảo
Cho biết đạo – Mới nên thân
Sau lớn dần – Con sẽ khá
.
Ai đẻ ta – Cha cùng mẹ
Bồng lại bế – Thương và yêu
Ơn nhường bao – Con phải ngẫm
Áo mặc ấm – Mẹ may cho
Cơm ăn no – Cha kiếm hộ
Cha mẹ đó – Là hai thân
.
Hai thân là – Là thân nhất
Trong trời đất – Không ai hơn
Con biết ơn – Nên phải hiếu
Nghĩa chữ hiếu – Đạo làm con
Con còn non – Nên học trước
Đi một bước – Nhớ hai thân
.
Con còn nhỏ – Có mẹ cha
Lúc vào ra – Được vui vẻ
Con còn bé – Mẹ hay chiều
Thấy mẹ yêu – Chớ làm nũng
Đã đi học – Phải cho ngoan
Hay quấy càn – Là chẳng hiếu.
.
Con còn bé – Mẹ hay lo
Ăn muốn cho – Lại sợ độc
Con ốm nhọc – Mẹ lo thương
Tìm thuốc thang – Che nắng gió
Con nghĩ đó – Sao cho ngoan
Hay ăn càn – Là chẳng hiếu
.
Anh em ruột – Một mẹ cha
Mẹ đẻ ra – Trước sau đó
Cùng máu mủ – Như tay chân
Nên yêu thân – Chớ ganh tị
Em coi chị – Cũng như anh
Trước là tình – Sau có lễ
.
Người trong họ – Tổ sinh ra
Ông đến cha – Bác cùng chú
Họ nội đó – Là tông chi
Cậu và dì – Về họ mẹ
Con còn bé – Nên dạy qua
Còn họ xa – Sau mới biết
.
Người trong họ – Có bề trên
Lạ hay quen – Đều phải kính
Có khách đến – Không được đùa
Ai cho quà – Đừng lấy vội
Ông bà gọi – Phải dạ thưa
Phàm người nhà – Không được hỗn

.

Con bé dại – Mãi vui chơi
Muốn ra người – Phải chăm học
Miệng đang đọc – Đừng trông ngang
Học dở dang – Đừng có chán
Học có bạn – Con dễ hay
Mến trọng thầy – Học chóng biết
.
Dạy con biết – Phép vệ sinh
Ăn quả xanh – Khó tiêu hoá
Uống nước lã – Có nhiều sâu
Áo mặc lâu – Sinh ghẻ lở
Mặt không rửa – Sinh u mê
Đang mùa hè – Càng phải giữ
.
Các giống vật – Thật là nhiều.
Như con hươu – Ở rừng cỏ
Như con chó – Nuôi giữ nhà
Con ba ba – Loài máu lạnh
Loài có cánh – Như chim câu
Còn loài sâu – Như bọ róm
.
Cây và cỏ – Có khác loài
Trông bề ngoài – Cũng dễ biết
Như cây mít – Có nhiều cành
Lúa,. cỏ gianh – Có từng đốt
Còn trong ruột – Lại khác nhau.
Vài năm sau – Con biết kỹ
.
Đá bờ sông – Không sống chết
Không có biết – Không có ăn
Không người lăn – Cứ nằm đây
Như đá cuội – Như đá xanh
Như mảnh sành – Như đất thó
Các vật đó – Theo loài kim
.
Các loài kim – Tìm ở đất
Nhất là sắt – Nhì là đồng
Làm đồ dùng – Khắp trong nước
Như vàng bạc – Càng quý hơn
Đúc làm tiền – Để mua bán.
Ai có vạn – Là người giàu.
.
Vốn xưa là – Nhà Hồng Lạc
Nay tên nước – Gọi Việt Nam
Bốn nghìn năm – Ngày mở rộng
Nam và Bắc – Ấy hai miền
Tuy khác tên – Đất vẫn một
Lào, Miên, Việt – Là Đông Dương
.
Đầu trị nước – Đức Kinh dương
Truyển Hùng Vương – Mười tám chúa
Qua mấy họ – Quân Tàu sang
Vua Đinh hoàng – Khai nghiệp đế
Trải Đinh, Lý – Đến Trần, Lê
Nay nước ta – Là nước Việt
.
Chữ nước ta – Ta phải học
Cho trí óc – Ngày mở mang
Muốn vẻ vang – Phải làm lụng
Đừng lêu lổng – Mà hư thân
Nước đang cần – Người tài giỏi
Cố học hỏi – Để tiến nhanh
.
Vừa ích mình – Vừa lợi nước
Chớ lùi bước – Là kẻ hèn

(Nghiêm Hàm ấn quán xuất bản, 1924)