Lea E. Williams – Trường hợp đặc biệt của Việt Nam
Từ lâu trước khi đế quốc Trung Quốc thống nhất, rất nhiều dân tộc sống ở những vùng miền tây và miền nam mà ngày nay thuộc về Trung Quốc. Nền văn minh Trung Quốc, ra đời dọc theo sông Hoàng Hà ở phương bắc, rồi theo thời gian di chuyển giống như băng hà để bao phủ những vùng đất ở phương nam. Cũng giống như băng hà, văn minh Trung Quốc không đến được nhiều vùng cao nguyên, nên những dân tộc trên vùng cao vẫn tiếp tục duy trì nếp văn hóa truyền thống của họ. Những dân tộc không phải là người Trung Quốc, nằm ngay trên con đường tiến của nền văn minh xâm lăng, thông thường phải chạy trốn hay phải chấp nhận Hán hóa.
Ở miền duyên hải hình cung bên dưới sông Dương Tử có dân tộc mà người Trung Quốc gọi là người Yueh. Những người Yueh này ở khu vực phía bắc của quê hương truyền thống của họ, do sớm bị tác động văn hóa nặng nề từ những người hàng xóm Trung Quốc tràn xuống, cho nên đến thế kỷ thứ ba trước Công nguyên họ hầu như đã bị đồng hóa. Tuy nhiên, đồng bào họ ở phương nam, vì ở xa nên tránh được toàn bộ sức mạnh bành trướng của Trung Quốc, nhờ thế mà đã không mất đi bản sắc của mình. Như vậy, khi triều đại Trung Quốc đầu tiên sụp đổ vào cuối thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, dân tộc tự xưng là Nan Yueh (người Yueh ở phương nam), để phân biệt với đồng bào mình ở phương bắc vốn đã bị Hán hóa, đã lập thành vương quốc độc lập, mà người Trung Quốc gọi là Nan Yueh, và theo cách phát âm của dân chúng nước này là Nam Việt, về sau là Việt Nam.
Nền độc lập của nước Nam Việt kéo dài trong gần trăm năm, nhưng cuối cùng nền độc lập ấy bị đè bẹp vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên bởi sức mạnh của người Trung Quốc dưới triều vị vua tài ba và đầy quyết tâm, Hán Vũ Đế… Từ đấy trở đi cho mãi đến năm 939 sau Công Nguyên, người Việt Nam không có tổ quốc, chỉ sống trong phần đất của nước Trung Quốc tên An-Nan hay An Nam, tức Phương Nam đã được bình định, cái tên tự nhiên khiến ta liên tưởng đến sự đô hộ qua chinh phạt và chiếm đóng.
Một ngàn năm lẽ ra là thời gian có thừa để đồng hóa hoàn toàn người Việt qua Hán hóa, nhưng, vì những lý do mà có lẽ mãi mãi vẫn còn phần nào không rõ ràng, nhân dân An Nam đã chống lại Hán hóa. Họ chấp nhận hệ thống học thuật và chữ viết của Trung Quốc, quả thực tầng lớp thượng lưu đã đón nhận chúng. Nho giáo và sau cùng Phật giáo Đại thừa đã thay đổi tôn giáo của cả người thượng lưu lẫn hạ lưu. Chế độ cai trị bởi tầng lớp quan lại hấp thụ nho giáo được đặt ra, và đến thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên người Việt gia nhập vào nhóm danh giá của những nước có thể chế công chức. Rất nhiều trường hợp của các dân tộc khác bị Trung Quốc cai trị rồi biến mất qua Hán hóa đã cung cấp luận lý và những tiền lệ mà chứng tỏ rằng trường hợp duy nhất của Việt Nam là điều lẽ ra không thể nào có được. Lý luận và niềm tin rằng lịch sử lặp lại hóa ra không có giá trị!
Chìa khóa khám phá sự bí ẩn của tinh thần quật cường của người Việt có lẽ mãi mãi nằm chôn vùi dưới lịch sử không được ghi chép lại của vô số làng mạc. Mọi suy đoán về vấn đề này có thể đưa ra nhiều manh mối nhưng không bao giờ có thể nào đưa đến điều gì chắc chắn. Ta thử cố gắng đưa ra một lời giải thích, mặc dầu có thể không có giá trị, về lòng quyết tâm rất phi thường và rất đặc biệt của người Việt khi đối diện với sự đô hộ văn hóa áp đảo của người Trung Quốc trong hơn một ngàn năm.
Việc xử dụng liên tục tiếng nói Việt trong suốt thời kỳ Bắc thuộc chắn chắn là sự thể hiện rõ ràng nhất bản sắc dân tộc. Mỗi lần có người nói, bản sắc Việt Nam lại tái khẳng định. Hàng ngàn từ vay mượn và hệ thống chữ viết mượn từ Trung Quốc đã không hủy diệt nền tảng chữ Nôm của người Việt. Thế giới đã đưa ra rất nhiều trường hợp yêu nước là yêu tiếng nước mình cho nên không phải vô lý khi cho rằng nhân dân An Nam dưới sự đô hộ của Trung Quốc đã bắt đầu gắn bó tình cảm mãnh liệt với tiếng nước họ.
Văn hóa dân gian Việt Nam, như biểu lộ qua thần thoại và phong tục làng, đã vẫn tồn tại qua tác động của ngoại bang và hiển nhiên vẫn không phải là văn hóa dân gian Trung Quốc. Điều này không có gì ngạc nhiên, vì các quan lại và tầng lớp quý tộc, cả người Trung Quốc lẫn người bản xứ, tuy là công cụ của Hán hóa, nhưng lại xa cách với nông dân. Trong trường hợp Việt Nam dưới sự đô hộ của Trung Quốc, sự khác biệt giữa văn hóa của tầng lớp thượng lưu với văn hóa của quần chúng là sự khác biệt về địa vị kinh tế và nguồn gốc dân tộc.
Hàng bao thế kỷ chiến tranh lúc có lúc không giữa người Việt và người Chiêm Thành, bắt đầu dưới sự bảo hộ của Trung Quốc nhưng vẫn tiếp tục dưới thời Việt Nam độc lập từ thế kỷ thứ mười đến thế kỷ thứ mười lăm, chỉ có thể góp phần nâng cao hơn nhiệt tình yêu nước và làm cho thấm nhuần hơn những phẩm chất tốt đẹp của quân đội. Không có gì khích thích ý thức bản sắc riêng biệt và quyết tâm bảo vệ tổ quốc cho bằng hiểm họa ngoại xâm. Sau khi thoát ra mười thế kỷ đô hộ của Trung Quốc người Việt được trang bị một truyền thống anh dũng và lòng yêu nước có lẽ được hun đúc mãnh liệt nhất ở Đông Nam Á.
Ta có thể đưa ra điểu ức đoán cuối cùng. Đó là chế độ quan lại của Trung Quốc theo tục lệ thường đưa những viên chức yếu kém hay những thượng cấp chống đối đến nhậm chức ở những vùng xa xôi nơi cuộc sống thường gian khổ và hiếm khi được thăng chức. Việt Nam là nơi lưu đày như thế. Có bằng chứng trong những lời thơ nhớ nhà, tuyệt vọng của những viên quan bị lưu đày rằng việc nhậm chức ở Việt Nam đã sinh ra bất mãn và đau khổ mà ắt hẳn đã được phản ánh qua chế độ cai trị độc đoán, thậm chí tàn bạo.
Triều đại nhà Đường sụp đổ đã tạo ra những lực ly tâm cuối cùng đẩy người Việt vào dòng lịch sử của chính họ. Những cuộc khởi nghĩa từ xa xưa để phá tung ách đô hộ của Trung Quốc, tuy thất bại, nhưng chứng tỏ rằng bất mãn dâng cao trong suốt thời gian dài. Một khi nền độc lập đã được thiết lập, nhà nước Việt Nam cẩn thận bắt chước nhà nước Trung Quốc theo cách mà chứng tỏ rằng phương thức đánh bại cường quốc thực dân bây giờ quen thuộc bằng cách dùng vũ khí và tiềm lực kinh tế và chính trị thu được từ chính nó đã được nắm vững. Cũng có chỗ cho suy đoán rằng, vì bản sắc Việt Nam đã được gìn giữ trọn vẹn nhất bởi những người dân làng, nên những lực lượng trong cuộc đấu tranh chống Trung Quốc tiêu biểu cho tiền thân của những đội quân nông dân tham gia vào “những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”, mượn từ ngữ trong ngôn từ cộng sản của Mao.
Người Tàu đã nhiều lần cố gắng bình định Phương Nam một lần nữa. Tất cả đều thất bại. Mông Cổ kéo quân sang Việt Nam, và những kẻ kế thừa họ, các vua nhà Minh, cũng kéo quân sang trong thời kỳ bành trướng mà chứng kiến những cuộc hải hành của Trịnh Hòa. Nhà Thanh can thiệp trong cả hai thế kỷ mười tám và mười chín, lần đầu trong cuộc tranh đấu trong nước để giành ngai vàng Việt Nam và lần thứ hai ngăn chặn sự xâm lược của Pháp… Chủ đề trường tồn nhất trong lịch sử Việt Nam là chủ đề về cuộc đấu tranh gìn giữ nền độc lập từ Trung Quốc.
Lea E. Williams là Chủ tịch Khoa Lịch sử Châu Á của trường đại học Brown, Hoa Kỳ.
Nguồn: Dịch từ tác phẩm “Southeast Asia: A History” của giáo sư Lea E.Williams, nhà xuất bản Oxford University Press, New York, 1976, trang 40-43.