Lễ Lao động: Biểu tình tại nhiều nước trên thế giới

Cac Bai Khac

No sub-categories

Lễ Lao động: Biểu tình tại nhiều nước trên thế giới

Công nhân Cam Bốt biểu tình ngày 01/05 đòi tăng lương lên thành 160$/ tháng – REUTERS /Samrang Pring

Theo RFI –  Thụy My – Thứ Năm 01 Tháng Năm 2014

Hàng triệu người hôm nay 01/05/2014 trên thế giới xuống đường nhân dịp lễ Quốc tế Lao động, trong bối cảnh đôi khi căng thẳng như ở Istanbul hay Phnom Penh, nơi xảy ra các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.

Tại Istanbul, vào đầu giờ sáng nay cảnh sát đã dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình đang cố thách thức lệnh cấm tụ tập tại quảng trường Taksim, địa điểm mang tính biểu tượng cho phong trào phản kháng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm ngoái đã từng diễn ra các cuộc chạm trán bạo động giữa cảnh sát và người biểu tình xung quanh quảng trường này, làm dấy lên phong trào rộng lớn phản đối chính phủ của ông Recep Tayyip Erdogan, bị lên án là có xu hướng độc đoán và thiên về Hồi giáo. Để đối phó với đám đông biểu tình hàng năm ở hai bên bờ Bosphore, chính quyền đã phong tỏa đường sá, cho các phà ngưng hoạt động và đóng cửa các trạm xe điện ngầm.

Ngày lễ Quốc tế Lao động cũng có nhiều xáo động tại Cam Bốt. Các nghiệp đoàn đã kêu gọi xuống đường ủng hộ công nhân dệt may đang đình công tại hai đặc khu kinh tế gần biên giới Việt Nam. Hầu hết công nhân ngành công nghiệp xương sống của Cam Bốt thu dụng 650.000 người, chỉ lãnh được dưới 100 đô la mỗi tháng.

Cảnh sát trang bị dùi cui và gậy gộc đã giải tán đám đông biểu tình xung quanh Công viên Tự do ở Phnom Penh, hiện đang bị đóng cửa để ngăn chận những người đối lập với Thủ tướng Hun Sen cầm quyền từ 30 năm qua. Một phóng viên ảnh của AFP nhận thấy nhiều người bị đánh đập thô bạo.

Tại Kuala Lumpur, hàng ngàn người tuần hành phản đối một dự án luật thuế mới, và việc tòa phúc thẩm kết án lãnh tụ đối lập Malaysia Anwar Ibrahim – bị lãnh án vì quan hệ đồng tính và được trắng án năm 2012.

Những cuộc biểu tình cũng diễn ra tại Indonesia, Philippines hay những nền kinh tế phát triển hơn của châu Á như Hồng Kông, Singapore, Seoul, hoặc Đài Loan – nơi trên 10.000 người xuống đường đòi tăng lương.

Đặc biệt tại Matxcơva, lần đầu tiên kể từ năm 1991 đến nay, khoảng 100.000 người đã tuần hành trên Quảng trường Đỏ, quay lại với truyền thống thời Liên Xô cũ, trong bối cảnh làn sóng ái quốc trỗi dậy tại nước Nga với cuộc khủng hoảng Ukraina. Nhiều biểu ngữ mang hàng chữ « Tôi hãnh diện vì đất nước tôi », « Putin có lý » bên cạnh những lá quốc kỳ và những quả bóng ba màu xanh, trắng, đỏ – màu cờ Nga. Các đại diện nghiệp đoàn chào mừng việc sáp nhập Crimée vào Nga. Theo chủ tịch Liên minh các nghiệp đoàn Nga, có trên hai triệu người tham gia mít-tinh trên toàn quốc.

Tại châu Âu, nơi nhiều nước đang phải đối mặt với các hậu quả của chính sách khắc khổ, những cuộc biểu tình mang màu sắc chính trị, vào lúc chỉ còn một tháng nữa là đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Ở Pháp, các nghiệp đoàn một lần nữa lại tổ chức diễu hành mừng lễ Quốc tế Lao động một cách riêng rẽ, do bất đồng ý kiến trước kế hoạch tiết kiệm 50 tỉ đô la được chính phủ loan báo. Tại Paris, đảng cựu hữu Mặt trận Quốc gia hy vọng huy động đông đảo người tham gia. Kết quả thăm dò cho thấy đảng này có thể thu được 20 đến 25% phiếu trong cuộc bầu cử châu Âu.

Tây Ban Nha đang dần ra khỏi tình trạng đình đốn kinh tế nhưng thất nghiệp vẫn đang ở mức kỷ lục, người dân tại 70 thành phố của nước này cũng xuống đường. Biểu tình cũng diễn ra tại Hy Lạp và tại Ý, nơi tân thủ tướng trẻ tuổi Matteo Renzi đang mong tái lập được niềm tin nơi người dân, sau hai năm suy thoái.