Lê Hải Bình nói nước đôi, Tôn Nữ Thị Ninh lại muốn dạy khôn nước Mỹ
Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp bà chưa bao giờ hé răng nói gì về kẻ thù trước mắt nhức nhối là Trung cộng. Trái lại, bà vẫn mang nặng thành kiến với người Mỹ.
Cựu viên chức ngoại giao VN Tôn Nữ Thị Ninh
Tôn Nữ Thị Ninh muốn dạy khôn nước Mỹ
Nhân việc ông Bob Kerrey được bổ nhiệm giám đốc Đại học Fulbright Việt Nam, bà Tôn Nữ Thị Ninh nổ phát súng hằn học trên báo Zing.vn với tựa đề “Lẽ nào nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerrey?’
Báo biên tập báo Zing.vn cẩn thận viết rõ “Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, tòa soạn giữ quyền biên tập”.
Trên mạng xã hội, rất nhiều người phản đối quan điểm hận thù cực đoan của bà Ninh. Ít ai không biết bà là một “nhà ngoại giao” có môn bài. Và thiên hạ ngạc nhiên vì điều đó.
Tôi xin phép hầu chuyện bà, từng điểm một, theo thứ tự trình bày của bà trong bài báo nói trên.
Mở đầu bà khoe ngay hai việc.
Bà Ninh viết:
Thời sinh viên, tôi từng tham gia biểu tình ở Paris chống chiến tranh Việt Nam trong những năm 1960-70. Mặt khác, luận án thạc sĩ của tôi là về nhà văn Mỹ William Faulkner.
Thưa bà
Bà vội khoe ngay từ câu đầu, rằng bà “chống chiến tranh Việt Nam từ thập kỷ 60”. Xin hỏi, hồi ấy bà chống phe Mỹ hay chống phe Ta, sao không nói rõ ? Đây là lời đầu tiên của bà, hàm ý gì ? Ai cũng biết, thập niên 60s HSSV ở Paris thủ đô tự do dân chủ tha hồ tung tăng đi biểu tình chống Mỹ hoặc chống Cộng, cũng như đi picnic, có chi mà đáng kể. Giá như bà kể gần đây có đi biểu tình chống Trung cộng xâm lược biển đảo ở Việt Nam hay tuần hành Bảo vệ Môi trường thì có giá trị hơn nhiều.
Câu thứ hai, bà khoe bà “làm đề tài luận văn thạc sỹ về nhà văn William Faulkner”, thì tôi phải suy ngẫm nhiều hơn. Căn cứ thái độ hành xử của bà với ông Bob Kerrey khiến tôi buộc phải nghi ngờ chất lượng cái luận văn THS của bà. Các giáo sư người Pháp dạy dỗ bà thế nào chẳng biết nữa. Đã nghiên cứu William Faulkner thì hẳn bà phải biết thiên truyện ngắn “A Rose For Emily” (Bông Hồng Cho Emily) nổi tiếng vào bậc nhất của ông ấy chứ ạ ? Tôi mạn phép nói kỹ đôi chút. William Faulkner là nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel văn chương năm 1949 và hai giải Pulitzer, một trong số nhà văn quan trọng nhất của thế kỷ 20. Tôi dám chắc bà chưa thấu hiểu thông điệp của thiên truyện “A Rose For Emily”, bởi nghe quan điểm của bà trong bài báo phản đối Bob Kerrey thấy nó trái ngược với thông điệp của thiên truyện làm nên học vị thạc sỹ của bà.
Tôi xin phép nhắc lại giúp bà nhớ lại bài học làm thạc sĩ hồi xưa. Câu chuyện đó xảy ra trong bối cảnh miền Nam nước Mỹ sau Nội chiến 1861-1865: cô tiểu thư Emily quá lứa lỡ thì là một nhân vật đại diện giai cấp phong kiến điền chủ, tài chủ miền Nam nước Mỹ chống lại đường lối xây dựng đất nước của chính phủ trung ương đóng ở miền Bắc. Sau Nội chiến Bắc- Nam, cô Emily thuộc “bên thua cuộc” tự ti mặc cảm sống thu mình khép kín phòng khuê. Sau sự thay đổi chế độ cũ qua chế độ mới, chính quyền và người dân thị trấn vẫn kính trọng và ưu tiên mở lòng bao dung với cô. Còn cô vẫn bảo thủ, cô giữ thói kén chọn người môn đăng hộ đối, mãi đến tuổi già đành phải bồ bịch với một anh da màu nghèo lang thang cho qua thì và chết cô đơn trong tòa lâu đài quí tộc hôi hám ẩm mốc… Hai chục năm sau, ở Paris, cô sinh viên cao học Tôn Nữ Thị Ninh thích truyện này vì có điểm tương đồng nào đó về thân phận. Chế độ phong kiến nửa thực dân nhà Nguyễn đã bị thay thế. Dòng tộc nội thân ngoại thích nhà Nguyễn dần dà cũng thích nghi với thời đại mới. Có một tôn nữ nhà Nguyễn quí danh Thị Ninh được “cách mạng” ưu đãi và trọng dụng vì có tài ngoại giao, và bà được hưởng nhiều ân sủng của chế độ. Họ sử dụng bà vì thực dụng chứ chẳng phải vì bản chất bao dung. Cuộc thay đổi thời thế tiếp tục diễn ra trong giai đoạn lịch sử hiện đại đau thương triền miên ở nước ta. Từ sự có mặt người Mỹ ở Việt Nam đến khi họ cam chịu rút đi, tạo ra vết hằn hai chế độ. Bà đã từng làm đề tài luận văn thạc sỹ về sự bao dung, sự thích nghi và cuộc đời bà cũng minh chứng điều đó. Đáng lẽ cuối đời bà phải có tư tưởng bao dung hơn nữa mới phải. Bởi vậy, chúng tôi kinh ngạc vì hành động nông nổi của bà khi viết bài báo gây bão trên tờ Zing.vn nói trên.
Bà tiếp tục khoe mẽ “Trong gần 30 năm hoạt động đối ngoại, tôi đã xây dựng được những mối quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và bạn bè với đông đảo người Mỹ thuộc nhiều thành phần, từ các nhà ngoại giao như Đại sứ Pete Peterson (bà viết hoa chữ Đại trong danh từ“đại sứ” là sai ngữ pháp tiếng Việt rồi đấy) .v.v. và vân vân.
Bà tỏ ra bi thảm: “Tuy nhiên, khi biết rằng cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey được bổ nhiệm làm chủ tịch của Đại học mới, tôi vô cùng bàng hoàng và không thể hiểu nổi”.
– Thưa bà, một nhà ngoại giao kỳ cựu như bà mà phải “vô cùng bàng hoàng và không hiểu nổi”, nghe có vẻ không phù hợp nghề nghiệp và địa vị của bà lắm.
Bà Ninh nói tiếp:“Ông Bob Kerrey là người đã trực tiếp tham gia vào cuộc thảm sát thường dân vô tội, phụ nữ, trẻ em, người già tại thôn Thạnh Phong vào tháng 2/1969. Điều này không thể chối cãi và chính ông Kerrey cũng thừa nhận.
– Xin hỏi bà Thị Ninh, bà nói “kẻ phạm tội, nếu là gián tiếp thì nhẹ tội hơn trực tiếp được sao ? Người “chủ mưu”, tất nhiên hành động gián tiếp, thì sẽ nhẹ tội hơn trực tiếp ư?
– Lại xin nhắc bà, câu nói trên dư thừa hẳn vế đầu “không thể chối cãi” vì chẳng có ai cũng như ông Bob Kerrey chối cãi quá khứ. Bà thích nói dằn giọng cho“đã nư”thôi. Về mặt ngữ văn, câu trên thuộc phong cách “cãi lộn”, không phải lời bình luận nghiêm túc của một nhà chính trị ngoại giao.
Bà Ninh xổ tiếp: “Có thể nhìn nhận vấn đề ở nhiều mức độ khác nhau, cả phía Việt Nam và phía Mỹ. Nhưng một điều chắc chắn, sự việc đó là đủ để kết luận Bob Kerrey, nói theo cách nhẹ nhất, hoàn toàn không thể giữ vị trí Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam. Và cũng không thể nhân danh tương lai mà bỏ qua sự thật đó”.
– Thưa bà, bà thích dùng các từ tối đa, tuyệt diệt như “một điều chắc chắn,…hoàn toàn không thể” với cảm xúc nóng nảy giả tạo, rõ là bà mang một động cơ riêng nào đó. Bà kém tình người, chẳng thấu nhân tình bằng mấy người thường dân ở xã Thạnh Phong, Bến Tre có thân nhân bị sát hại. Báo Soha đi phỏng vấn, lắng nghe thái độ của họ: Hòa bình rồi, oán thù không muốn giữ lâu. Gợi nhớ hồi ức, không ai không nhắc đến nỗi đau và thù hận, nhưng khi được hỏi nếu như bây giờ một trong những người lính Mỹ năm ấy đến nhà xin tha thứ thì mọi người có bỏ qua không. Ai cũng cho rằng thù hận thì không nên giữ lại, họ đã buông bỏ từ lâu rồi.
Bà tiếp tục hùng hổ trâng tráo:“Việc ông hối hận về vai trò trong vụ thảm sát Thạnh Phong tôi không thể biết vàchỉ có mình ông Kerrey biết. Không thể coi việc giữ vị trí lãnh đạo của đại học nhiều tham vọng như ĐH Fulbright là cách sửa sai cho những hành động trong quá khứ.
– Thưa bà, bà nói “Việc ông hối hận…tôi không thể biết”. Ô hay, bà không nắm được thông tin đó là lỗi của bà, Bà là cái quái gì mà ông Bob Kerrey phải xin lỗi với bà ! Chưa biết thì xin mời bà đọc bản tin sau đây:
“Bob Kerrey trả lời phóng viên Vietnamnet. Ông nói:“Hành động của tôi ở Việt Nam là kinh khủng và tôi tin đã được điều tra kĩ càng…”. Bob Kerrey không để cho ai bào chữa cũng quyết không tự bào chữa cho mình, ông biết ông là một tội phạm”.
Bà Ninh nôn nóng ráo riết dồn ông Bob Kerrey vào ngõ cụt:“Tôi nghĩ, không cần chần chừ hơn nữa, nếu ông rời vị trí ngay bây giờ như ông tuyên bố “sẵn sàng” thì cử chỉ đó là cử chỉ tự trọng và sẽ được người Việt Nam đánh giá cao. Thiết nghĩ, nhiều người Mỹ sẽ đồng tình với quyết định đó của ông”.
Bà Thị Ninh lại hỏi cắc cớ như muốn dạy khôn nước Mỹ:.
“Tôi xin hỏi, lẽ nào nước Mỹ không còn ai có thể vận động vốn cho trường ĐH Fulbright Việt Nam ngoài Bob Kerrey?
Vận động vốn và nhiều công phu vận động khác là việc ông Bob Kerrey đã tự nguyện làm. Công lao của ông Bob đã thuộc về thì hiện tại hoàn thành rồi, lẽ nào bà rành tiếng Tây mà quên cả cách chia thì, lẫn lộn hiện tại với tương lai.
Tiếp tục bà Ninh còn tung ra những lời xỉ vả cay nghiệt tới mức đanh đá:
“Sẽ là một vết đen không thể xoá sạch khỏi sự ra đời của trường đại học danh giá như ĐH Fulbright Việt Nam nếu đây là chủ tịch sáng lập của ĐH này. Những người bạn Mỹ mà tôi có trao đổi hai hôm nay cùng chia sẻ quan điểm như thế”.
Rồi bà quay lại kể tội Bob Kerrey lần nữa:
“Trong chiến tranh Việt Nam, Kerrey là (…) Mọi việc chỉ được hé lộ sau loạt bài điều tra của New York Times và chương trình truyền hình “60 Minutes II” nổi tiếng của đài CBS vào năm 2001.Trong bài phỏng vấn với chương trình “60 Minutes II” của CBS, Kerrey nhận trách nhiệm về toàn bộ vụ việc dù nói rằng không trực tiếp giết người nào.”.
– Thưa bà thị Ninh, bà dằn lại thông tin trên, nhưng bà có nhận thấy tinh thần Mỹ cao thượng như thế nào chăng ? Chính báo chí Mỹ đã điều tra vạch ra trách nhiệm của ông Bob Kerry hồi chiến tranh đấy, còn người Việt có biết gì đâu. Thế là họ công bằng sòng phẳng, liệu phe ta – phe của bà có làm được việc gì tương tự như người Mỹ không?
– Đọc kỹ thư bà, tôi xin nói thẳng, bà chính là người phụ nữ “nói lời ràng buộc thì tay cũng già” như Truyện Kiều nói về Hoạn Thư vậy. Đâu rồi một nhà ngoại giao mềm mỏng, mà nay chỉ còn giọng điệu nanh nọc ác khẩu, như là cùng hệ với nữ nhà báo tai tiếng Tạ Bích Loan của VTV vậy !
Báo Zinh.vn đưa ra câu hash tag ở cuối bài báo:
“# Đừng quên quá khứ nhưng đừng mãi sống với thù hận”.
Không đồng tình với thư phản đối của bà tôn nữ Thị Ninh, đã có nhiều trí thức học giả lên tiếng trên công luận:
Gs Nguyễn Minh Thuyết nói “Sự hối lỗi của Bob Kerrey không phải chỉ thể hiện bằng lời. Cũng giống như nhiều cựu binh khác của Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, Bob Kerrey sửa chữa lỗi lầm bằng cách đóng góp vào việc chấm dứt cấm vận, bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, ủng hộ việc mở rộng quan hệ song phương và đặc biệt là có những đóng góp rất thiết thực, hiệu quả vào việc thúc đẩy các dự án đào tạo nhân lực cho Việt Nam thông qua Chương trình Fulbright, trong đó có dự án thành lập Đại học Fulbright Việt Nam”. Đọc ý kiến của ông BOB KERRY trên Viet NamNet: “Tôi sẽ vui mừng mà rút lui nếu tôi tin rằng sự có mặt của tôi đặt sự phát triển của ngôi trường này vào tình thế khó khăn”, tôi nhận thấy trong thái độ sẵn sàng chấp nhận đó có cả sự ngậm ngùi lẫn trách nhiệm của ông với ngôi trường mà suốt 25 năm nay ông đã bỏ rất nhiều tâm sức xây dựng dự án, vận động tài chính để nó có thể ra đời vào đúng dịp Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam, chuyến thăm không chỉ mở ra một chương mới trong quan hệ Việt – Mỹ mà còn ghi đậm dấu ấn về tinh thần hòa hiếu, nhân văn của của dân tộc Việt Nam như cảm nhận của chính ngài Tổng thống: “sự thân thiện của các bạn đã chạm tới trái tim của chúng tôi”.
Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết:
“ông Bob Kerrey cũng là một trong những nhân vật hàng đầu thiết kế chương trình, kiên trì suốt nhiều năm cho sự ra đời của FUV hôm nay. Có thể nói không quá, ông đã làm tất cả cho Việt Nam, cho giáo dục Việt Nam… Nhưng chưa bao giờ ông coi là có thể bù đắp tội lỗi đã gây ra….“Thượng nghị sĩ McCain và ngoại trưởng John Kerry đến gặp Bob để giúp ông trước nỗi ám ánh tội lỗi đeo đẳng, thì Bob đưa ra cho các bạn ông một yêu cầu buộc họ phải cam đoan: tuyệt đối không được bào chữa cho ông!”
“Bob Kerrey trả lời phóng viên Vietnamnet, “ông biết ông là một tội phạm không cầu mong được tha thứ, nhưng đồng thời bằng trải nghiệm đau đớn nhất của mình, ông cũng chỉ ra mâu thuẫn chết người trong cái mà ông gọi là “chiến thuật của chúng tôi”, tức của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam: để tiêu diệt Việt Cộng phải đánh bật họ ra khỏi dân thường, ra khỏi “phụ nữ và trẻ con” (còn được gọi là chiến thuật “tát nước để bắt cá”).
Nhà văn Nguyên Ngọc lại tự vấn “Còn riêng đối với chúng tôi thì sao, chúng tôi, những người từng là lính Việt Cộng thời thảm khốc ấy, khi chúng tôi vẫn từng “nấp” trong nhân dân vô tội, để họ có thể cùng chết với chúng tôi? Kể cả, ngày ấy, như chính tôi từng được trải nghiệm, có bao bà mẹ và cả các em bé nữa, sẵn sàng chết để che cho chúng tôi ?
Hóa ra tự chúng tôi cũng còn một câu hỏi…”. (“Câu hỏi” nào đấy của nhà văn Nguyên Ngọc về những điều khuất khúc của phe ta, bộ đội ta trong chiến tranh Việt Nam, gợi ra một chủ đề nghiêm túc khác, chúng tôi xin để lại cho dịp khác. Trước mắt bạn đọc ghi nhận lời tự vấn chân thành và đau xót của nhà văn Nguyên Ngọc).
Vì sao Tôn Nữ Thị Ninh phản đối Bob Kerrey?
– Đây rồi “trâu buộc ghét trâu ăn” !
Bạn Nguyễn Minh Phương viết phản hồi trên blog chu Teu:
“Tôi không rõ động cơ gì khiến bà Ninh muốn Bob Kerry “không chần chừ gì nữa, rời bỏ vị trí này”. Bà đã khơi mào cho các phản biện chống lại Bob Kerrey và FUV. Tôi cho rằng có thể là động cơ cá nhân…Tôi còn nhớ bà Ninh đã sang California để tìm sự ủng hộ, đầu tư cho trường Trí Việt của bà, và bà đã bị tẩy chay. FUV có thể là đối thủ cạnh tranh của bà chăng?”
Một bản tin khác “Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng sáng lập Dự án ĐH quốc tế Trí Việt, bà Tôn Nữ Thị Ninh cùng nhóm trí thức người Việt đang nỗ lực tạo dựng trường đại học tư thục “xanh” đầu tiên của Việt Nam”
Bà Tôn Nữ Thị Ninh trả lời câu hỏi của báo Doanh Nhân – Đã gần 4 năm trôi qua, đến giờ dự án vẫn đang là dự án, theo bà, thời gian để dự án thành hiện thực có là quá dài không? Bà chém gió “Tôi không bi quan, tôi tự tin!”
Riêng tôi xin góp ý với cái tên đại học tư thục “TRÍ VIỆT” của bà Ninh còn đang thai nghén. Trí tuệ đại học là trí tuệ phải đạt tầm nhân loại, phải thừa kế tinh hoa trí tuệ nhân loại. Cái tên “trí Việt” nghe sến sến, có vẻ nịnh dân tộc Việt, nghe có vẻ hưởng ứng “nghị quyết giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc” mang màu sắc chính trị đã nhàm chán. Kỳ thực bà hạ thấp đại học Việt Nam, chẳng hay ho gì đâu. Bà nên đổi tên Trường trước khi may ra nó có thể ra đời trong èo uột.
Cũng xin báo cho bà Ninh biết, người Việt Nam năm 2016 đã quá chán nản về tình trạng đại học mọc lên ùn ùn như nấm, sau những cơn mưa chữ ký phê duyệt của cựu TT Nguyễn Tấn Dũng… SV tốt nghiệp ế ẩm cả vài trăm nghìn, ĐH tư thục của bà không thể mọc mũi sủi tăm được đâu, xin bà đừng gieo thêm tai vạ cho ngành đại học VN nữa, đừng hi vọng hão huyền vào cái “uy tín” của bà.
Sau cùng, việc bà phản ứng ầm ĩ lố bịch về ông giám đốc Bob Kerrey mang động cơ cá nhân, cạnh tranh kém lành mạnh như thế đã huỷ diệt uy tín của bà. Bà sẽ hứng lấy cảnh tẩy chay của dân chúng và sinh viên sau này.
Lê Hải Bình nói nước đôi
Lê Hải Bình- một phong cách phát ngôn vô cảm, giọng thiếu thần sắc, lạnh tanh, khô hốc như giọng robot. Tất nhiên ông Bình đã tập luyện một phong cách phát ngôn có chủ ý, đã được nghiệm thu, chớ không phải tự nhiên. Ông trả lời phỏng vấn trong cuộc họp báo, nhiều báo đăng lại, trong đó có Zing.vn:
“Với tinh thần đó, chúng tôi cho rằng phía Hoa Kỳ cũng như ban lãnh đạo đại học Fulbright sẽ có một quyết định đúng đắn phù hợp với xu thế phát triển quan hệ rất tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ, mang lại những lợi ích thiết thực và cụ thể cho nhân dân hai nước“, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Ông Bình nhấn vào 1 điểm:
“Chúng tôi nghĩ rằng phía Hoa Kỳ cũng như ban lãnh đạo đại học Fulbright sẽ có một quyết định đúng đắn”. Hàm ý của ông là quyết định bổ nhiệm ông Bob Kerrey vừa rồi là “chưa đúng đắn” (!)
Túm lại, ông Bình, hẳn đã nhận được ý kiến chỉ đạo của ngoại trưởng Phạm Bình Minh.
Một bộ ngoại giao mà không có một chủ kiến, hoặc có mà không dám nói, sợ bị hớ sợ bị lỗi. Lo nhân dân Việt Nam bực mình và cũng ngại mất lòng phía Hoa Kỳ (Có lẽ đó là “Tư tưởng ngoại giao HCM” chăng?). Bóng đã lăn tới chân, ông Bình đá cho kẻ khác. Bình an vô sự. Kiểu vô trách nhiệm như vậy dễ thấy ở các quan chức cao cấp chế độ Ta.
Nhà báo Phương Thảo viết trên VNTB “Hận thù không làm người ta lớn lên, hận thù chỉ làm cho người ta yếu hèn”. Chuyến công du của Obama vẫn còn chưa nguội, người dân vẫn ngất ngây với các bài phát biểu đầy tính nhân văn một vị tổng thống đầy năng lượng, gần gũi và tươi cười, đi kèm với những cam kết hợp tác giữa hai nước về giáo dục, quân sự, thương mại, nhân quyền là việc Đại Học Fulbright được chính thức thành lập. Niềm vui con em nước Việt rồi đây sẽ được hưởng một nền giáo dục tốt ngay trên chính quê hương mình do người Mỹ đảm nhận lại không còn được trọn vẹn. Bóng ma quá khứ vẫn ám ảnh cho dù hai bên đã đồng ý gác lại quá khứ, hướng đến tương lai.”.
Tôi nghĩ, một trong cái “bóng ma” ấy chính là bà – bà Tôn Nữ Thị Ninh, tác giả bài báo quái gở kia.
TB: Bổ sung chân dung bà Ninh
Đạo diễn Song Chi nhắc một chuyện cũ cách đây 12 năm: khi chính phủ VN bị chỉ trích về nhân quyền, đàn áp người dân, bà đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh xuất hiện tại buổi họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2004. Bà Ninh nói về những người đấu tranh dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam bị đàn áprằng: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.”
LỜI BÌNH: Bà ví von quan hệ quốc tế với “anh hàng xóm đừng gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng” chứng tỏ bà vô cùng dốt nát về tình làng nghĩa xóm của người Việt, lại càng không biết gì về quan hệ quốc tế. Chao ôi một đại sứ ở châu Âu, kinh khủng thật.
Qua lời biện minh của bà ở Hoa Kỳ năm ấy, bà để lộ cái đuôi phong kiến hoàng tộc cuộn giấu hơn nửa thế kỷ, giờ lại lòi ra. Cái đuôi gia trưởng phong kiến, chúng coi dân chúng như “con cháu”. Khi bốc hỏa tam bành lên thì bà quên luôn tư tưởng HCM “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”. Bà la hét lên ở nước Mỹ, đem những người đấu tranh dân chủ “đóng cửa lại trừng trị”. Ai ngờ đâu đại sứ Thị Ninh tôn nữ lại có giọng điệu hung hăng công an đến mức như rứa!
Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp bà chưa bao giờ hé răng nói gì về kẻ thù trước mắt nhức nhối là Trung cộng. Trái lại, bà vẫn mang nặng thành kiến với người Mỹ. Bà phát ngôn chanh chua chẳng có vẻ làm nghề ngoại giao, chả dính dáng đến “tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh” mà suốt đời bà tụng ca và thực hiện. Lại thêm một học trò cá biệt không xuất sắc của “Người”.
- Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả