Lào trông đợi cân bằng ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của TC

Cac Bai Khac

No sub-categories

Lào trông đợi cân bằng ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của TC

Những tháp điện chạy dọc theo cánh đồng lúa gần đập thủy điện Nam Theun 2 trong tỉnh Khammouane của Lào

Theo VOA – 24.04.2015

Ảnh hưởng ngày càng tăng của TC ở Lào, nổi bật là sự mở rộng đầu tư và thương mại, đã khiến một số cơ quan quốc tế cảnh báo Lào về một sự lệ thuộc tài chính không lành mạnh vào TC. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, Lào đang trông đợi quân bình ảnh hưởng của TC bằng cách thu hút sự hỗ trợ của Việt Nam lâu nay vẫn giúp đỡ Lào, cũng như của phương Tây.

Năm 2014, TC trở thành nhà đầu tư dẫn đầu ở Lào với các khoản tiền tổng cộng trên 5 tỷ đôla, trong các dự án khai mỏ, tài nguyên, thủy điện và kinh doanh nông sản.

Lào và TC đã đồng ý xây dựng một dự án đường sắt cao tốc 7 tỷ đôla, trong khuôn khổ sách lược ‘Một vòng đai, Một con đường’ của TC, kế hoạch nối liền đường sắt xuyên suốt Trung Á cũng như Đông Nam Á.

Các tuyến hỏa xa vào Đông Nam Á sẽ bắt đầu từ Côn Minh ở tỉnh Vân Nam của TC, với hơn 150 cây cầu, 76 đường hầm, và 31 nhà ga xuyên qua Lào đến Vientiane. Từ đó, tuyến này sẽ nối với Thái Lan bằng những chuyến tàu cuối cùng đi đến Singapore.

Ông Carl Thayer, một chuyên gia quốc phòng của Trường Đại học New South Wales nói rằng công cuộc đầu tư này đánh dấu một sự bành trướng thế lực của TC, nhất là vào các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN, đặc biệt là Thái Lan, Myanmar và Kampuchea:

“Tất cả đều nằm trong cuộc vận động của Trung Quốc nhằm phát triển tuyến đường thương mại về phía nam và cải thiện cơ sở hạ tầng – sự nối kết ASEAN –và rõ ràng là cần thiết cho Thái Lan bởi vì nó sẽ đi xuyên qua Lào và kết thúc ở Thái Lan. Ta có một sự mở rộng liên tục của Trung Quốc – tuyến hỏa xa cao tốc sẽ khiến Lào mắc nợ nặng vì những khoản ưu tiên cho vay.”

Các chuyên gia phân tích nói các khoản cho vay này, mà Lào phải dùng khoáng sản chưa khai thác để thế chấp, sẽ làm số nợ của Lào tăng vọt, với những khoản vay mượn chiếm gần 90% sản lượng kinh tế thường niên của nước này,

Ngân hàng Phát triển Á châu ADB nói việc đầu tư vào tuyến đường sắt là không thể kham nổi với một nền kinh tế nhỏ bé 6 triệu dân, mà sinh kế đa phần dựa vào nông nghiệp.

TC cũng là một nước đầu tư hàng đầu vào thủy điện, với nhiều đập nước dự định xây trên các chi nhánh của sông Mekong với các báo cáo cho thấy TC đang chuẩn bị ký các hợp đồng xây tới 9 đập nước mới. Các tỉnh miền bắc Lào dựa vào điện của TC, vì phần lớn điện thủy lực của Lào được xuất khẩu qua lân quốc Thái Lan.

Các nhà phân tích cho rằng vị thế bao trùm của TC đang gây ra những lo ngại về việc phá hoại sự đa dạng sinh thái, chiếm dụng đất đai và thất nghiệp trong khối nông dân bị dời cư.

Nhà khoa học chính trị của trường Đại học Chulalongkorn, ông Thitinan Pongsudirak, nói TC coi Lào như một bước chủ chốt trong việc mở rộng ảnh hưởng trong vùng:

“Trong số các nước có liên quan, Lào có nhiều rủi ro nhất bị đặt dưới sự thống trị của TC. Lào là một nước nhỏ, một nền kinh tế nhỏ, và TC không sợ hãi biến không gian nằm trong đất liền ở Đông Nam Á này thành sân sau của chính nhà mình. Họ đang làm như thế ngay lúc này. Đông Nam Á lục địa hoàn toàn nằm trong quỹ đạo của TC.”

Tăng trưởng kinh tế của Lào đang ở mức gần 7%, nhưng vẫn lệ thuộc vào những khu vực có mức tuyển dụng lao động thấp, như khai thác tài nguyên và thủy điện.

Ngân hàng Thế giới đã kêu gọi Lào đa dạng hóa nền kinh tế để có thể tạo công ăn việc làm cho hơn 90 ngàn người gia nhập thị trường lao động hàng năm.

Tình trạng tài chính của Lào cũng rất yếu kém. Tháng 7 năm ngoái, chính phủ bổ nhiệm một vị bộ trưởng tài chính mới giữa lục thâm hụt ngân sách gia tăng với chính phủ. Một sắc lệnh kêu gọi công chúng siết chặt ngân quỹ gia đình và kiềm chế chi tiêu.

Ông Thitinan nói vị thế tài chính yếu kém làm tăng thêm sự yếu thế của Lào:

“Các hạn chế tài chính đã đặt Lào vào một thế nguy hiểm. Kinh tế vĩ mô của Lào ở trong thể trạng không tốt. Hậu quả là Lào phải dựa vào TC và TC lợi dụng việc này rất có hiệu quả – bằng cách cho vay thêm các khoản nợ và thực hiện thêm các dự án ở Lào. Do đó Lào phải rất thận trọng.”

Về mặt lịch sử, Lào có quan hệ gần gũi lâu đời với lân quốc Việt Nam, ngay cả từ trước các cuộc chiến tranh Đông dương trong thập niên 1960 và 1970. Các mối quan hệ chặt chẽ này đã tiếp tục giữa hai chính phủ cộng sản kể từ các cuộc chiến tranh Đông Dương.

Nhưng ông Martin Stuart-Fox, giáo sư danh dự về Lịch sử tại trường Đại học Queensland, nói TC đã khai triển một chính sách nhắm mục tiêu làm suy yếu các mối liên hệ giữa Lào và Việt Nam:

“Trong lúc ảnh hưởng kinh tế của TC gia tăng – thì nó đi kèm với ảnh hưởng chính trị cũng gia tăng. Phía TC vốn luôn kiên quyết muốn rằng họ sẽ có ảnh hưởng ít nhất là ngang với phía Việt Nam. Đã có một quyết định ở Bắc Kinh rằng Lào sẽ không rơi vào tầm ảnh hưởng của Việt Nam.”

Các chuyên gia nói chính phủ Lào thừa nhận sự cần thiết phải đạt một thế cân bằng giữa TC và CSVN, và thu hút hậu thuẫn từ phương Tây.

Năm 2016, Lào sẽ tiếp nhận chức chủ tịch ASEAN, được coi như một cơ hội để Vientiane có thêm lợi thế và quyền mặc cả trong khi đối phó với các lân quốc lớn hơn đối đầu nhau.