Lãnh đạo CSVN nào cũng bị tố cáo?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Lãnh đạo CSVN nào cũng bị tố cáo?

AFP

THEO BBC – 12 tháng 1 2016
Trả lời báo chí về làn sóng đơn tố cáo lãnh đạo lan ra trước Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12, một cựu bộ trưởng ở Việt Nam nói “lãnh đạo nào cũng bị tố cáo, khiếu nại” nên cần “phản bác thông tin sai, nói xấu lãnh đạo”.
Lê Doãn Hợp, người từng giữ chức Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, được trang Tuổi Trẻ hôm 11/1 trích lời nói:
“Đã là lãnh đạo thì không anh nào không bị khiếu nại hay tố cáo cả, chỉ có ít hay nhiều, đúng hay sai mà thôi.”
“Vì đã làm lãnh đạo là phải có đụng chạm. Một người lãnh đạo là một người vì số đông chứ không phải vì tất cả bởi anh phải bảo vệ người tốt và nghiêm khắc với người xấu.”
Dù ý của Hợp là “các đơn tố cáo, khiếu nại” đến vì công tác lãnh đạo tất gây ra va chạm, phát biểu của ông thừa nhận một thực tế là lãnh đạo các cấp ở Việt Nam bị khiếu nại, tố cáo.
Theo Hợp, trước các đơn thư này, thái độ đúng nhất là:
“Nếu đúng thì tiếp thu, sai thì phải phản bác, đấu tranh lại để tự bảo vệ mình.”
Ông cũng nói về trường hợp bản thân từng bị đơn thư khiếu nại, tố cáo:
“Khi tôi nhận đơn thư liên quan đến mình, tôi tận dụng các diễn đàn để tiếp thu ý kiến đúng và phản bác lại những thông tin sai.”
Ông cũng tự kể lại:
“Ngay cả Bộ Thông tin – truyền thông hồi tôi còn làm lãnh đạo có một bộ phận bám mạng xã hội mỗi ngày.”
“Giao ban báo chí hằng tuần, chúng tôi cũng bàn về dư luận trên mạng xã hội. Đối với những thông tin đăng sai sự thật, mang tính vu khống, bôi nhọ cá nhân thì nhất quyết phải xử lý theo pháp luật.”
Ông diễn giải về cách dùng thông tin mạng để “phản bác tin xấu”:
“Có bốn cách quản lý thông tin trên mạng xã hội. Một là, luật pháp phải chặt để bảo vệ người tốt và ngăn chặn người xấu. Hai là, phải cải thiện thể chế sao cho người tốt luôn có chỗ dựa và người xấu không dám lộng hành.
“Thứ ba là phải nâng dân trí, làm sao để người dân có thể tự phòng vệ trước luồng thông tin tiếp nhận, biết đâu là thông tin độc hại và thông tin hữu ích.
“Thứ tư, phải đấu tranh, phản bác trước những thông tin sai. Cái gì không đúng phải nói lại một cách có lý, có tình, chặt chẽ và thuyết phục.”
Ông cũng nói rằng dù vậy, “một xã hội minh bạch là một xã hội mà ai làm gì thì người đó phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình”.
Vấn đề Lê Doãn Hợp chưa đề cập đến là các đơn thư nêu ra những cáo buộc nghiêm trọng về đường lối chính sách và thái độ của lãnh đạo, như “thân Trung Quốc”, “im lặng để mất biển đảo”, chứ không phải là tố cáo tham nhũng bình thường.
Ngoài ra, một làn sóng “tài liệu tiết lộ” về thân nhân, gia đình, chuyện làm ăn riêng của một số lãnh đạo của các cựu quan chức cao cấp khác cũng lọt ra dư luận.
Chưa kể có những trang web chuyên nhắm vào cá nhân một số nhà lãnh đạo Việt Nam từ vài ba năm qua để công kích họ mà không bị chặn.
Làn sóng đơn thư tố cáo lãnh đạo cao cấp rộ lên trước các đợt hội nghị trung ương chuẩn bị cho Đại hội Đảng 12.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A cảnh báo về các luồng thông tin trên mạng hiện nay. Trên Facebook cá nhân, ông Quang A viết:
“Người dân bàn tán, nhất là trên mạng, thậm chí chia ra nhiều “phe” ủng hộ ông này, mặt sát ông kia. Còn bản thân các ông ấy thì không trừ thủ đoạn bẩn thỉu nào để hạ sát nhau nhằm giữ ghế. Và người dân cũng bị cuốn theo và rất tiếc đôi khi cũng mạt sát nhau không kém.
Theo nhà hoạt động này thì “không nên ủng hộ phe nào cả, chúng đều xấu và càng không nên mạt sát lẫn nhau gây chia rẽ.”
“Theo tôi, nếu họ là đảng viên ĐCSVN hay cảm tình viên của ĐCSVN thì họ làm thế là phải và chúng ta nên tôn trọng ý kiến “choảng nhau” của họ.
“Không thể ủng hộ bất cứ kẻ nào có thái độ và việc làm nhằm duy trì chế độ độc tài, làm tay sai bán nước; chúng ta cũng không thể ủng hộ bọn tham nhũng, trục lợi (và hai bọn này rất có thể là một),”  Tiến sỹ Nguyễn Quang A bình luận.