Lãnh đạo ASEAN dự kiến đến Miến Điện tuần này

Cac Bai Khac

No sub-categories

Lãnh đạo ASEAN dự kiến đến Miến Điện tuần này

Chủ tịch và tổng thư ký của ASEAN dự kiến đến Miến Điện vào tuần này. Theo bốn nguồn tin của ngày 01/06/2021, ông Erywan Yusof, thứ trưởng Ngoại Giao Brunei (nước chủ tịch luân phiên ASEAN) và tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi có thể sẽ gặp lãnh đạo tập đoàn quân sự và các bên liên quan.

Tuy nhiên, chuyến đi cũng có thể sẽ bị hoãn hoặc bị thay đổi vào phút chót do trở ngại về ngoại giao hoặc khâu chuẩn bị. Ngoài ra, cũng không rõ là phái đoàn ASEAN có gặp gỡ đại diện của phong trào phản kháng hay không, kể cả những người bị cầm tù hoặc phải ẩn trốn.

Được Reuters liên lạc, phát ngôn viên của ASEAN và chính phủ đoàn kết dân tộc của phe đối lập Miến Điện chưa đưa ra bình luận.

Một người biểu tình chống đảo chính vẩy sơn vào các đồng phục, tỏ thái độ tẩy chay ngày tựu trường để phản đối quân đội đàn áp. Ảnh chụp ngày 27/04/2021.
Một người biểu tình chống đảo chính vẩy sơn vào các đồng phục, tỏ thái độ tẩy chay ngày tựu trường để phản đối quân đội đàn áp. Ảnh chụp ngày 27/04/2021. AP

Giáo viên, học sinh tẩy chay tựu trường phản đối quân đội trấn áp

Nỗ lực ngoại giao của ASEAN được đưa ra vào thời điểm tròn bốn tháng xảy ra đảo chính ở Miến Điện. Tập đoàn quân sự Miến Điện cho biết tiếp tục ngừng mọi chiến dịch quân sự cho đến cuối tháng Sáu để đàm phán hòa bình với 10 lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số và để học sinh trở lại trường từ ngày 01/06, sau một thời gian các trường phải đóng cửa do chống dịch và do đảo chính.

Thế nhưng, vài trăm nghìn học sinh và giáo viên Miến Điện đã tẩy chay ngày tựu trường để phản đối cuộc đảo chính của tập đoàn quân sự và chiến dịch đàn áp đẫm máu từ bốn tháng qua.

Theo Reuters, những người ủng hộ dân chủ Miến Điện tiếp tục xuống đường ngày 01/06 ở nhiều khu vực, trong khi quân đội và các lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số vẫn giao tranh ở nhiều vùng biên giới. Người biểu tình ở những khu vực thành thị hoạt động linh hoạt hơn để tránh đối đầu với cảnh sát, như tụ tập biểu tình chớp nhoáng (flashmob), hoặc bất ngờ tổ chức các cuộc biểu tình nhỏ rồi nhanh chóng giải tán.

Dù trường học mở cửa trở lại nhưng vắng cả thầy và trò. Thứ nhất, theo AFP, có khoảng 150.000 giáo viên (chiếm khoảng 2/3 tổng số giáo viên) tham gia phong trào phản kháng đã bị tập đoàn quân sự đình chỉ công tác. Nhiều người trong số họ đã bị bắt giam theo một đạo luật cấm cổ vũ binh biến và thiếu trách nhiệm đối với quân đội. Nhiều giáo viên không lên lớp vì không muốn « dạy tuyên truyền cho học sinh ».

Thứ hai, học sinh và phụ huynh cũng tẩy chay chương trình giáo dục của tập đoàn quân sự. Trang Myanmar Now cho biết hai ngày trước khi kết thúc đăng ký, 90% học sinh vẫn không ghi danh lại. Rất nhiều phụ huynh lo con họ bị tuyên truyền.

Một số ít các trường đại học đã mở cửa trở lại từ đầu tháng Năm, nhưng cũng vắng sinh viên, vì rất nhiều người ở trên tuyến đầu phong trào phản kháng.

Trong một thông cáo chung vào cuối tháng Năm của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc – UNICEF, UNESCO và tổ chức phi chính phủ Save The Children, «có hơn 12 triệu trẻ em và thanh niên Miến Điện không được theo học chương trình có tổ chức từ hơn một năm nay».

Thu Hằng – 1/6/21

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210601-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-gi%C3%A1o-vi%C3%AAn-h%E1%BB%8Dc-sinh-t%E1%BA%A9y-chay-ng%C3%A0y-t%E1%BB%B1u-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-%C4%91%E1%BB%83-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-qu%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%99i