Lang bang đôi điều sau khi WEF 2018 kết thúc
January 30, 2018 luongtruong Bình Luận
Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (World Economic Forum –WEF) nhóm họp năm nay ở Davos, từ 22 – 26/1, qui tụ nhiều nguyên thủ, và trên 3.000 người tham dự. Trong số các nguyên thủ tham dự có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Justin Trudeau của Canada, Tổng thống Mauricio Macri của Argentina, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump… Chủ đề của Diễn Đàn năm nay là: “Creating a shared future in a fractured world – Tạo một tương lai chung trong thế giới rạn nứt”, nhưng có thể nói Diễn Đàn năm nay đã phản ảnh sự rạn nứt chưa từng có. Trước khi Tổng thống Trump đọc diễn văn, nhiều nguyên thủ Âu Châu đã mạnh mẽ chỉ trích chủ trương bảo vệ mậu dịch, giới hạn di dân v.v. và v.v.
Thủ tướng Đức Merkel gián tiếp: “Từ đế quốc La Mã, từ Vạn Lý Trường Thành, chúng ta biết rằng việc tự đóng cửa nhốt mình không giúp bảo vệ biên giới của bạn. Bạn cần hợp tác tốt với láng giềng của mình, bạn cần có các hiệp ước tốt, các thỏa thuận chắc chắn, được tôn trọng.” Tổng thống Pháp Macron thì diễu cợt: “Khi bạn đến đây và nhìn thấy tuyết, sẽ thật sự khó tin vào sự hâm nóng toàn cầu. Rõ ràng là bạn không mời những người hoài nghi về sự hâm nóng toàn cầu trong năm nay.”
Trước đó, Thủ tướng Justin Trudeau của Canada thông báo 11 nước TPP còn lại sắp ký kết hiệp ước TPP mới. Hiệp ước mới hoàn toàn hủy bỏ chương “Tài sản Trí Tuệ – Intellectual Property – IP”. Trước đây, Canada là nước mạnh mẽ vận động bỏ hẳn chương này, nhưng các nhà kỷ nghệ Hoa Kỳ mạnh mẽ vận động cho IP. Việc TPP mới hủy bỏ IP có thể đưa tới trả đũa của chính phủ Trump trong lúc thương lượng lại hiệp ước Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ -NAFTA – gồm Hoa Kỳ, Canada và Mexico, có thể tạo thêm chia rẽ giữa 3 nước láng giềng.
Mexico và Hoa Kỳ đang căng thẳng vì chương trình trục xuất di dân và xây bức tường. Trước khi đi Davos, Tổng thống Trump đòi quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận ngân sách 25 tỷ để xây tường biên giới, đổi lại ông ta sẽ cấp quốc tịch cho những người đã được đưa qua Hoa Kỳ bất hợp pháp thời còn trẻ em. Hoa Kỳ hiện có trên 700.000 thành phần này gọi là Dreamer. Họ là những người đã được lớn lên ở Mỹ, học hành ở Mỹ, thành công trong học vấn, có công ăn việc làm và nhiều người có vợ con. Và, trước khi TT Trump đọc diễn văn, nhiều Tổng Giám Đốc Phi Châu đã công khai vận động tẩy chay, bước ra khỏi phòng họp để phản đối việc ông ta đã gọi các nước Phi Châu là shithole – nơi bẩn thiểu, người viết không dám dịch sát nghĩa!
Tuy nhiên, lúc TT Trump đọc diễn văn trong phòng họp cũng có trên 1.500 cử tọa, dù ông ta không nhận được một tiếng vỗ tay nào. Qua bài diễn văn, TT Trump chỉ nói lên sự thành công kinh tế trong thời gian một năm qua của ông ta làm tổng thống, kêu gọi các công ty đầu tư vào Hoa Kỳ.. Tổng thống Trump chỉ bị cử tọa chế diễu, la ó trong phần Hỏi và Đáp, khi ông ta cho rằng báo chí chỉ tung các tin thất thiệt đối với ông ta. Trước đó nhiều CEO đã khen ngợi chính sách giảm thuế công ty của TT Trump, hy vọng các nước khác noi gương. Có lẽ người viết tán đồng đối với TT Trump một việc duy nhất là giảm thuế lợi tức công ty. Trong 10 năm qua, thuế lợi tức công ty trên thế giới tiếp tục giảm, trong khi con số 38.91% của Hoa Kỳ là con số quá cao, làm cho Hoa Kỳ là nước có mức Thuế công ty cao đứng hàng thứ 4 trên thế giới, sau Á Rập Thống Nhất Emirates, Comoros và Puerto Rico. Từ đóng thuế 38.91% xuống còn 21%, các công ty Hoa Kỳ sẽ có tiền để tân trang, phát triển.. cũng giúp làm giảm việc các công ty Hoa Kỳ dời ra nước ngoài để trốn thuế. Tuy nhiên, 21% có phải là con số lôi cuốn các công ty ngoại quốc hay không là một việc còn phải chờ đợi. Ở Âu châu, các nước khu vực đồng euro đều có mức thuế công ty cao nhưng mức thuế trung bình của Âu Châu là 18.88%, mức thuế trung bình ở Á Châu là 20.1%, và mức trung bình trên thế giới hiện giờ là 22%.
Sự thảo luận chính của WEF năm nay tập trung vào các lãnh vực bất bình đẳng, không công bằng, sự nghèo đói, sự cải tiến, thay đổi kỷ thuật, môi trường, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp..
Điều đáng chú ý đối với WEF 2018 là đồng chủ tịch (co-chair) đều là 7 phụ nữ, có lẽ nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ đối với nền kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là nguyên thủ đọc diễn văn đầu tiên. Qua bài diễn văn, Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh tới 2 nguy cơ lớn đối với nền kinh tế toàn cầu là chủ nghĩa khủng bố và hâm nóng địa cầu: “Thứ nhất là Chủ nghĩa khủng bố..…chúng tôi luôn phản đối chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi nói với sự xác tín rằng khủng bố là tệ hại trong mọi hình thức và khía cạnh của nó. Nó là tệ hại bất kể nguồn gốc hoặc mục tiêu hoạt động. …” và “Thách thức toàn cầu thứ hai là vấn đề thay đổi khí hậu. Trong văn hoá của chúng tôi, Thiên Nhiên là người mẹ. Chúng tôi cũng tin rằng con người chỉ có quyền uống sữa của nó; không thể hủy hoại nó. Đó là lý do tại sao, thông qua Hiệp định Paris, chúng tôi đã đảm bảo với cộng đồng thế giới rằng quá trình phát triển của chúng tôi sẽ hoàn toàn phù hợp với đặc tính văn hoá của chúng tôi đối với các biện pháp bảo vệ môi trường…”
Theo dõi WEF 2018, chúng tôi có phần nào buồn lo, buồn lo cho thế giới tự do đang phân hóa, đang rạn nứt thêm dù chủ đề của WEF 2018 là “Creating a shared future in a fractured world”. Cái tương lai chung này sẽ như thế nào khi rõ rệt đang có sự rạn nứt xuyên Đại Tây Dương và cũng đang có sự rạn nứt xuyên Thái Bình Dương..
Người Việt có câu: “làm thầy thuốc mà lầm thì chỉ giết chết một người, làm văn hóa mà lầm giết chết một thế hệ, làm chính trị mà sai lầm giết chết một dân tộc”. Tuy nhiên, sống trong thế giới tự do, con người có nhiều chủ kiến, có nhiều chủ trương, sự trái nghịch nếu có cũng là điều tất nhiên, nhưng trong thế giới tự do, một nguyên thủ, một chính phủ không phải là điều lâu dài. Làm được việc, làm cho kinh tế ổn định, phát triển thì cũng 4-8 năm, mà làm sai lầm thì sẽ sớm ra đi…. người dân trong thế giới tự do có thể quyết định số phận của chính phủ. Cho nên, các nhà chính trị trong thế giới tự do dù có sai lầm, cũng không mang lại hậu quả quá nghiêm trọng như câu nói của các cụ ta ngày xưa.
Điều chúng tôi quan tâm nhất hiện giờ là sự thay đổi khí hậu
Theo bản Phúc trình Nguy cơ Toàn Cầu (The Global Risks Report) của WEF 2018, thế giới đang đối diện với 5 nguy cơ lớn: Thứ nhất là không công bằng và bình đẳng, thứ nhì là nguy cơ xung đột, thứ 3 là thay đổi khí hậu, thứ tư là nạn tin tặc và thứ 5 là nguy cơ hệ thống. Sau khi đọc bản phúc trình, chúng tôi nghĩ rằng những nguy cơ gây ra do con người, gây ra giữa con người với con người, giữa quốc gia và quốc gia là nguy cơ con người có thể giải quyết, nhưng nguy cơ do con người gây ra cho thiên nhiên, rồi thiên nhiên gây ra cho con người sẽ khó khăn giải quyết hàng trăm ngàn lần. Tiếp tục hủy hoại môi trường thiên nhiên sẽ có thể hủy diệt cả nhân loại.
Theo phúc trình của The Global Risks, trong 13 năm qua, nguy cơ môi trường gia tăng, nhiệt độ gia tăng đã đẩy nhanh sự mất mát đa diện sinh học. Thời tiết bất thường có thể thấy rõ trong năm 2017 với 3 trận bão lớn Harvey, Irma va Maria. Tích lũy Năng lượng Bão – Accumulated cyclone energy (ACE) là phương pháp sử dụng để đo cường độ bão, và tháng 9/2017 là tháng có cường độ mạnh nhất ở Đại Tây Dương từ trước đến nay. Trong nửa năm đầu 2017, lượng mưa quá lớn cũng đã gây ra 10 thảm họa thiên nhiên rất lớn.
Trong năm 2016, trên 76% trong số trên 31 triệu người di dời chỗ ở trên thế giới là do thời tiết khắc nghiệt gây ra. Mục tiêu của Hiệp định Paris là không để cho nhiệt độ địa cầu tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền kỷ nghệ, nhưng năm 2016, nhiệt độ đã cao hơn thời kỳ tiền kỷ nghệ là 1,1 độ C. Năm 2017 được coi là năm nhiệt độ kỷ lục ở Nam Âu, Đông và Nam Phi Châu, Nam Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tiểu bang California đã có mùa hè nóng nhất, và vào cuối tháng 11, nạn cháy rừng ở Hoa Kỳ tăng 46% so với mức trung bình trong 10 năm liên tiếp. Chile có số lượng cháy rừng cao gấp 8 lần so với mức trung bình.
Nhiệt đọ địa cầu tăng, có thể làm sụp đổ hệ thống canh tác, sản xuất lương thực. Theo Tổ chức Lương Nông (FAO) của Liên hiệp quốc, 75% thực phẩm của nhân loại hiện nay được cung cấp từ 12 loại thực vật và 5 loài động vật chính. Tình trạng hạn hán, lũ lụt gia tăng sẽ làm thiệt hại cho nguồn lương thực này. Lo ngại đối với tình trạng Armageddon Sinh Thái (Tận thế sinh thái) cũng đang gia tăng thêm vì sự biến mất của nhiều loài côn trùng cần thiết cho sự đơm hoa kết trái. Theo các nhà nghiên cứu Đức, trong 27 năm qua, số lượng côn trùng trên thế giới giảm 75%. Từ năm 1970 tới 2012, số lượng động vât có xương sống giảm 58%.
Như vậy, thiệt hại đa diện sinh học đang diễn ra với tốc độ kinh khiếp. Khoảng 80% động vật và thực vật ở trên đất liền, nên khai thác than đá, dầu hỏa.. phá rừng, cháy rừng là nguyên nhân chính hủy hoại sinh thái, hủy hoại động vật, thực vật. Năm 2016, khoảng 30 triệu hecta rừng bị hủy hoại, cao hơn năm 2015 khoảng 50%.
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), trên 90% dân số thế giới đang sống trong những khu vực có mức độ ô nhiễm cao hơn tiêu chuẩn của WHO và khoảng 1/10 số người chết trên thế giới có liên quan tới ô nhiễm không khí.. Các nhà nghiên cứu khoa học còn mới cho biết, một số lượng nhựa rác thải (plastic waste) rất lớn, khoảng 8 triệu tấn mỗi năm đang chui vào cơ thể con người. Người ăn hải sản có thể đã nuốt vào cơ thể 11.000 sợi nhựa li ti. Các sợi nhựa li ti này có mặt trong trên 83% số lượng nước uống trên thế giới. Năm 2017, cũng là năm làm cho con người thấy rõ ngăn chận hâm nóng địa cầu trở nên khẩn cấp hơn. Khí Co2 trong bầu không khí đã lên con số 403 ppm (parts per million) trong năm 2016 so với 280 ppm của thời kỳ tiền kỷ nghệ, thì trong tháng 5/2017 lại lên con số 407ppm.
Hậu quả hâm nóng địa cầu đối với con người không phân biệt da đen, da trắng, da vàng; không phân biệt châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, người Trung Quốc, Ấn Độ, VN hay Hoa Kỳ.. và ngăn chận nó phải là nỗ lực chung, sự tích cực chung.. Hiệp ước Paris là sự thành công chung, nhưng thi hành, thực hiện đến đâu trong thế giới đang có nhiều vấn đề tài chánh, kinh tế và rạn nứt là điều rất đáng lo.
Huệ Vũ
https://baotgm.net/hue-vu-lang-bang-doi-dieu-sau-khi-wef-2018-ket-thuc/