Lần dở lại trang nhựt ký của Cụ Trần văn Ân “Chung quanh sự xung đột giữa Nhà Ngô và Giáo phái Miền nam” – Nguyễn văn Trần

Cac Bai Khac

No sub-categories

Lần dở lại trang nhựt ký của Cụ Trần văn Ân “Chung quanh sự xung đột giữa Nhà Ngô và Giáo phái Miền nam” – Nguyễn văn Trần

Nhơn ngày cuối năm, người ta có thói quen và cũng vì có nhiều ngày giờ rỗi rảnh do sanh hoạt nông nghiệp lúc còn ở Việt nam, nghỉ lễ cuối năm khi ở hải ngoại, thường nhắc lại chuyện cũ. Chuyện trong gia tộc, chuyện  đất nước. Nhắc để nhin lại quá khứ, xác định hiện tại. Nhắc lại để thấy mình hôm nay.

Lịch sử Việt nam trong giai đoạn bị thực dân đô hộ và toàn dân tranh đấu giành độc lập vô cùng phức tạp. Xã hội nam kỳ có nhiều đặc tính mà người ở vùng khác không hiểu được do không có cùng điều kiện địa lý và lịch sử.

Đạo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo là hai tôn giáo hoàn toàn Việt nam và của Nam kỳ, không từ ngoài du nhập vào qua các giáo sĩ truyền đạo. Do hoàn cảnh lịch sử, Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo lần lượt xuất hiện ở Mìền Đông và Miền Tây Nam kỳ vào nửa đầu thế kỷ XX. Khi toàn dân đứng lên kháng chiến giành độc lập, tín đồ của hai tôn giáo cũng tổ chức hàng ngũ tham gia. Từ tầm vông vạt nhọn tới súng tự động, họ từng bước võ trang và trở thành 2 tôn giáo ái quốc có lực lượng quân sự. Quân đội tôn giáo cho tới 1955, vẫngiữ được an ninh trong vùng của họ. Việt Minh cộng sản không kiểm soát được dân ở những nơi này.

Năm 1948, Bảy Viễn, Tư lệnh Khu 7, bỏ Việt Minh, kéo quân về Thành hợp tác với Chánh quyền Quốc gia, đóng quân ở Bình Xuyên, giữ an ninh vùng Sài gòn – Chợ lớn, lần lần đẩy lui Việt Minh ra xa khỏi vùng phụ cận, thủ tiêu những hoạt động nội thành của Việt Minh.

Khi dẹp những tổ chức «Tôn giáo-quân sự» này, nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm gọi đó là những «Giáo phái». Nghĩa của từ ngữ «Giáo phái» trong những bìểu văn tuyên truyền của chế độ Ngô Đình Diệm hàm ý dè bỉu, mạ lỵ. Những người liên hệ Giáo phái đều bị lên án phản động, đưa ra Tòa lảnh án tù giam tời tử hình.

Cụ Trần văn Ân, nhận lới Cố vấn ở Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Giáo chủ Đạo Cao Đài, bị án tử hình. Chưa kịp xử vì bị ảnh hưởng xấu của vụ tử hình Tướng Hòa Hảo Ba Cụt trước đó, Cụ Trần văn Ân cùng những người khác bị đày ra Côn Đảo, nằm khám cấm cố suốt 9 năm.

Nhưng, cụ thể, trường hợp của Cụ Trần văn Ân như thế nào mà bị chế độ dành cho Cụ bản án tối đa như vậy?

Nay sự việc đã qua hơn nửa thế kỷ. Nhắc lại là nhắc

một sự kiện lịch sử. Theo những tư liệu của người trong cuộc để lại. Của chứng nhân và nạn nhân.

Tới tháng 4/1955

Trước tiên, Cụ Trần văn Ân xác nhận khi thành lập Mặt Trận Quốc gia Thống nhứt tại Thánh Thất Cao Đài ở Tây ninh, giữa Đại diện Cao Đài, Dân Xã Đảng của Phật Giáo Hòa Hảo và Bình Xuyên, không có mặt Trần văn Ân và Trần văn Ân không có tham dự.

Xin nhắc lại Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo là 2 tổ chức nhân xã đặc biệt riêng của đất Nam kỳ, không có ở những vùng khác Việt nam. Nó vừa tôn giáo, vừa chánh trị và cả quân sự. Nó vừa là sản phẩm, vừa là tác nhân của một giai đoạn nghiêm trọng lịch sử Nam kỳ.

Từ trước tháng 4/1955, hai Giáo phái và quân đội Quốc gia Bình xuyên đã bắt đầu xung đột ít nhiều với chánh quyển Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Nhưng xung đột đã được giàn xếp với sự tham gia chánh phủ của Tướng Nguyễn Thành Phương bên Cao Đài, Tướng Trần văn Soái Năm Lửa của Phật Giáo Hòa Hảo với chức vụ Quốc vụ Khanh. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Tướng Năm Lửa và Nguyễn Thành Phương bỏ ra khỏi Chánh phủ, cùng với các Ông Lại Hữu Tài của Bình Xuyên, Sĩ Thanh Phạm văn Sơn của Phật Giáo Hòa Hảo, thành lập Mặt Trận Thống Nhứt Toàn lực Quốc gia dẫn đến xung đột kỳ này mạnh, với võ trang. Sau cùng bị quân đội chánh phủ Ngô Đình Diệm đánh, đẩy lui xuống Rừng Sát và thanh toán luôn.

Theo Hồi ký, Cụ Trân văn Ân trước đó, sau hai lần tham chánh trong chánh phủ Nguyễn văn Xuân với tư cách Tổng trưởng Thông tin, đã tuyên bố «không tiếp tục tham gia chánh trị đảng phái nữa».

Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc của Cao Đài tổ chức họp báo tại Trụ sở Văn phòng Đại dìện Thánh Thất Tây ninh ở đường Trần Hưng Đạo, Chợ quán, bên cạnh Trụ sở Tuần báo Đời Mới của Cụ Trần văn Ân. Cụ được Đức Hộ Pháp mời qua tham dự họp báo. Nhà báo, Cụ Ân nhận lời không do dự. Sau buổi họp báo, Đức Hộ Pháp, Tướng Lê văn Viễn và tất cả anh em Dân Xã Đảng của Phật Giáo Hòa Hảo đều ân cần mời Cụ tham dự Mặt Trận Thống Nhứt Toàn lực Quốc gia. Chẳng đặng đừng, Cụ nhận lời làm Cố vấn cho Mặt Trận. Cụ hoàn toàn không tham gia riêng một tổ chức nào trong Mặt trận. Tánh cả nể đã đưa cụ ra Côn đảo diện bích suốt 9 năm dài, nằm cấm cố, nghe tiếng sóng biển, làm được ba tập thơ tù, nhờ phước đức thoát khỏi máy chém của Đội Phước.

Xin trở lại với Trần văn Ân trong vai trò Cố vấn của Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia. Cuối tháng 4/1955, Cụ được Mặt trận yêu cầu đi với phái đoàn Mặt trận hội kiến Thủ tướng Ngô Đình Diệm tại Dinh Độc lập. Ông Thành Nam Nguyễn Long, Tham mưu của Tướng Năm Lửa, làm phát ngôn nhơn của phái đoàn. Ông giữ sẳn bản dự thảo một chánh phủ đoàn kết quốc gia nhằm tạo sức mạnh đương đầu với áp lực cộng sản lúc này, sẽ trình Thủ tướng Ngô Đình Diệm nếu cuộc hội kiến đưa đến kết quả thuận lợi.

Trong cuộc hội kiến, Cụ Trần văn Ân có trình qua sự chuẩn bị chánh trị của Mặt trận:

«Chống cộng, giữ nước, phải có quần chúng. Tín đồ các Giáo phái miền nam xưa nay nhiệt thành chống thực dân pháp và chống cộng sản. Chính người dân có đức tin, tay lấm, chơn bùn, mới là người giữ nước và hết lòng với Cụ. Khoa bảng và nhà giàu, họ sẽ lo chạy trước và bỏ Cụ khi nước nhà lâm nguy. Cụ nên đón nhận tín đồ tôn giáo miền nam. Thêm nữa là họ có thành tích chống cộng. Binh lính Bình Xuyên là những người đi đầu khi khởi nghĩa kháng chiến chống thực dân pháp. Cụ không nên bỏ qua. Nếu Cụ chịu đoàn kết thì Ông Thành Nam Nguyễn Long, Phát ngôn nhơn của Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia, sẽ trao cho Cụ sơ đồ dự án tổ chức tân chánh phủ, do tôi soạn thảo, chỉ có 9 Bộ, dành cho Cụ những Bộ quan trọng như Quốc phòng, Nội vụ, Ngoại giao, Thông tin. Phần nhiều là Tổng Giám đốc. Tôi đã tính cho các ông lớn tuổi của Giáo phái sẽ đi ra ngoại quốc sống. Mình giữ những người trẻ ở lại làm một tổ chức mạnh chống cộng sản. Các ông lớn tuổi đã ưng thuận. Xin Cụ yên lòng. Cụ thường nói với tôi lúc còn Việt nam Phục quốc Đồng minh Hội là khi nào vào Nam, Cụ chỉ tìm tôi nói chuyện nước. Cụ nên vững tin».

Theo Cụ Ân thì Ông Diệm có vẻ xiêu lòng. Nhưng ít phút sau, ông kết thúc buổi hội kiến:

«Thôi mấy ông về đi. Tôi sẽ xét lại».

Ông Diệm không trả lời dứt khoát chắc ông muốn nói chuyện lại với Ông Ngô Đình Nhu.

Trên đường ra về, Cụ Ân nói với phái đoàn là việc hỏng rồi.

Xung đột võ trang

Vào những ngày cuối tháng 4/1955, một trái lựu đạn lìệng vào bót Cảnh sát Đô thành ở Đại lộ Trần Hưng Đạo do Bình Xuyên nắm giữ. Lập tức Công an Xung phong của Bình Xuyên do Ông Lại Hữu Sang chỉ huy phản ứng. Thế là quân đội quốc gia thi hành quyết định của Thủ tướng Ngô Đình Diệm bắt đầu tấn công các cơ quan và căn cứ võ trang của Bình Xuyên. Áp lực quân sự của phía chánh quyền ngày càng mạnh. Căn cứ của Bình Xuyên ở phía bên kia cầu Chữ Y mất, toàn bộ phải rút xuống Rừng Sát.

Theo Cụ Ân thì trái lựu đạn liệng vào Bót Cảnh sát Đô thành là do Đại tá CIA Lansdale tổ chức nhằm gây hấn tạo cái cớ để quân đội tinh nhuệ quốc gia ra tay dẹp Bình Xuyên và dẹp luôn Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia. Nguồn tin này do một học giả người Huê kỳ cho Cụ Ân biết sau này, lúc Cụ làm Tổng trưởng Thông tin trong chánh phủ Nguyễn Khánh. Điều này cũng nhắc lại người đọc một chi tiết liên quan đến báo cáo của Đại tá Lansdale về Hoa-thạnh-đốn là Ông Diệm đã chỉ huy được quân đội quốc gia và đã hoàn toàn ổn định được tình hình Sài gòn và Việt nam. Báo cáo của Đại tá Lansdale đã làm thay đổi lập trường của Hoa thạnh đốn từ «muốn bỏ Ông Diệm vì bất lực tới giữ lại Ông Dìệm ở nhiệm vụ Thủ tướng và còn ủng hộ ông» (Xem Kenneth Todd Young của Steohen B. Young, Việt Luận, Thời Luận, Đàn Chim Việt, …)

Lực lượng Bình Xuyên rút về Rừng Sát, chiến khu thời kháng chiến chống thực dân của họ. Chiến dịch Hoàng Diệu do Đại tá Dương văn Minh và Đại tá Nguyễn Khánh chỉ huy bao vây Rừng Sát. «Một con kiến cũng không lọt ra được», Đại tá Dương văn Minh tuyên bố với báo chí.

Nhận thấy có nhiều anh em cựu kháng chiến, thanh niên mới gia nhập khá đông, tất cả đều trong tình trạng bất lợi, hai Cụ Trần văn Ân và Nguyễn Hữu Thuần tình nguyện, nhơn danh Ông Viễn, đi ra gặp Tư lệnh Chiến dịch thương thuyết ngưng bắn. Trên đường đi, hai cụ phải ngủ đêm trong Rừng Sát. Ngọn đèn pha của tàu chiến rọi sáng tưởng họ đã thấy được hai cụ. Sáng ra, hai cụ đi xe đò tới Biên hòa thật sớm, vào Dinh Tỉnh trưởng, gặp Trung tá Tỉnh trưởng Nguyễn Linh Chiêu. Cụ Trần văn Ân, vốn quen biết với Ông Nguyễn Linh Chiêu nên xin Ông Chiêu cho một bữa ăn sáng ngon lành. Ông Chiêu cho dọn một bữa ăn sáng tươm tất mời hai cụ. Ăn sáng xong, hai cụ nhờ Trung tá Chiêu đưa đi gặp Đại tá Mai Hữu Xuân, rồi gặp Đại tá Dương văn Minh và Đại tá Nguyễn Khánh, chỉ huy Chiến dịch. Như vậy có 2 con kiến đã đi ra tới Biên Hòa (Ông Nguyễn Linh Chiêu vừa mất ở Cal, anh của Bs Nguyễn Quốc Nam hiện ở 95 610 Éragny sur Orge, phía Tây-Bắc cách Paris, lối 30km).

Hai bên, Ông Trần văn Ân và Ông Nguyễn Hữu Thuần, bên kia là Đại tá Dương văn Minh, thương thuyết ngưng bắn, binh sĩ Bình Xuyên ra về hợp tác với chánh quyền quốc gia hoặc về quê trở lại đời sống dân sự bình thường. Họ trở về không bị khó khăn, tù tội, … Hai bên đạt được sự thỏa thuận tạm ngưng bắn. Giấy thỏa thuận được hai bên ký. Một trong hai người, cụ Ân hoặc Cụ Thuần sẽ trở về Rừng Sát gặp Ông Viễn để chuẩn bị thi hành thỏa thuận ngưng bắn. Bỗng Ông Hồ Hữu Tường ra nhận lấy tờ thỏa thuận cầm về cho Ông Viễn. Cụ Ân bàn riêng với Ông Tường nên để những người quan trọng như Ông Viễn, Ông Paul, con trai của Ông Viễn ở lại Rừng Sát, Ông Lại Hữu Tài tạm lánh mặt,…

Ông Tường trở về Rừng Sát gặp Ông Viễn, không biết Ông Tường bàn với Ông Viễn như thế nào mà Ông Viễn không chấp nhận bản thỏa thuận. Cuộc thương thuyết hóa ra bất thành.

Sau đó, hai Cụ Trần văn Ân và Nguyễn Hữu Thuần ký giấy, với tư cách cá nhơn, ở lại về với chánh quyền. Từ đây, hai cụ trở thành tù nhơn và bị nhốt nhiều nơi vì chiến dịch thanh toán giáo phái chưa kết thúc.

Có nhiều truyền đơn rải kêu gọi binh sĩ Bình Xuyên và Phật Giáo Hòa Hảo hảy ra về sẽ không bị xem có tội.  Vài tháng sau, binh sĩ Bình Xuyên kéo về thành gần hết, ngoại trừ Tiểu đoàn Bảy Môn thoát khỏi vòng vây, trở lại với Việt Minh.

Ra Tòa án Quân sự tối cao

Sau thời gian thụ lý, có 10 người bị Tòa án Quân sự Tối cao ở Sài gòn tuyên án tử hình. Riêng Tướng Cao Đài Nguyễn văn Thành do một Tòa án riêng xử vì ông là Tướng của Quân đội quốc gia. Trong lúc chờ ra Tòa lãnh án, những người này, nhứt là những người quan trọng như Cụ Trần văn Ân, Nguyễn Hữu Thuần, Hồ Hữu Tuờng, …bị báo chí theo chế độ chửi bới thậm tệ, đặc chuyện nói xấu đủ điều để chuẩn bị dư luận cho những bản án sắp được công bố.

Hai ông Trần văn Ân và Nguyễn Hữu Thuần tự nguyện ra về để thương thuyết ngưng bắn và tự nguyện ở lại để chánh quyên tùy nghi xử lý. Trước Tòa, hai Cụ có yêu cầu hai Đại tá Mai Hữu Xuân và Dương văn Minh ra làm chứng nhưng cả hai ông đều vắng mặt. Nếu có tội thật sự thì hai cụ phải hưởng được trường hợp giảm khinh. Trái lại, hai cụ không hưởng đưọc qui định này của luật pháp.

Nhiều sĩ quan Bình Xuyên khai có truyền đơn kêu gọi binh lính hảy quay về, không bị buộc tội và hợp tác với chánh phủ nên họ mới ra về. Ông Chánh án Trịnh Xuân Ngạn đòi bị can hãy trình những tờ truyền đơn ấy cho Tòa xem. Ông lấy đút vào túi hết và những tờ truyền đơn không hề được nhắc tới trong suốt thời gian xét xử.

Cũng trước Tòa, Ủy viên Chánh phủ Công tố viên, Ông Nguyễn Phu, không hề đặt vấn đề tại sao ở Nam kỳ sản sanh ra Giáo phái? Vai trò xã hội và chánh trị của Giáo phái ở Miền Đông và Miền Tây, nhứt là sự đóng góp của Giáo phái trong công cuộc toàn dân chống thực dân và chống cộng sản từ 1945, tức trưóc khi có chánh quyền Ngô Đình Diệm đang xét xử họ. Thái độ của Ủy viên Chánh phủ cũng thiếu nghiêm chỉnh. Trước Tòa án, ông lại lớn tiếng chửi bới, có nhiều lời lẽ khinh miệt Giáo phái và các bị can. Ông mỉa mai «Trí thức là bọn chạy theo kiếm ghế Bộ trưởng». Ủy viên Chánh phủ chửi xong, bảy Quan Tòa vào trong nghị án để tuyên bố bản án tử hình cho 10 người trong Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia về «Tội phiến loạn bị bắt tại trận».

Sự thật không có ai là người bị bắt tại trận hết cả !

Trong hồi ký, tuy dành cho con cháu và thân hữu, Cụ Trần văn Ân viết «Từ lâu, Ân tôi không hề muốn nói ra điêu xấu hổ này. Nay thấy phải viết cho chư hữu Phục Việt (**) đọc trong tinh thần Tư Vô Tà!»

Phạm nhơn tử hình trong vụ Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia hay còn gọi vụ «Phiến loạn Bình Xuyên» chưa đem ra hành quyết gấp như vụ Tướng Ba Cụt vì chánh phủ Ngô Đình Diệm hãy còn bị ám ảnh hồn ma Tướng Ba Cụt!

Tất cả tội nhơn tạm thời bị đưa ra Côn đảo bằng tàu biển. Họ bị nhốt dưới hầm tàu chung với heo. Ở Miền Bắc, trí thức như Triết gia Trần Đức Thảo bị đày lên Việt Bắc chăn bò để biết giá trị của lao động. Để thấm thía «Trí thức không bằng cục phân» của Mao Trạch-đông. Tới Côn đảo, tôi tử hình bị nhốt vào xà-liêm cấm cố, hai chơn bị còng vào thanh sắt dài. Cụ Trần văn Ân bị còng suốt hai năm tại cấm cố 3. Không có sách báo đọc. Thêm cái khổ ngoài những đau đớn thể xác.

Trở về đất liền

Sau Cách mạng 1-11-1963, tất cả tù nhơn trong vụ Giáo phái hay «Phiến loạn Bình Xuyên» được đưa về nhốt tại khám Chí Hòa ở Sài gòn.

Cụ Trần văn Ân, pyjama, chống gậy đứng giữa,, phía sau, trái, Hồ Hữu Tường, ngay bên trái, Tướng Cao Đài Nguyễn văn Thành, đứng sau ông, bên trái, Nguyễn Hữu Thuần. Thứ ba, từ mặt qua, Kỹ sư Lê văn Ngọ (nhạc phụ Bs Lữ Y). Người áo bá ba đen, cao lớn là Tướng Kháng chiến Trịnh Khánh Vàng. Ảnh chụp tại Côn đảo lúc ra tù.

Tới phiên Tướng Nguyễn Khánh làm đảo chánh, hạ bệ Tướng Dương văn Minh, Quốc trưởng và Đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Thơ, Thủ tướng Chánh phủ. Tướng Nguyễn Khánh mới cho thả những tù tử hình còn nhốt trong Khám Chì Hòa. Sau đó, Tòa án Sài gòn làm thủ tục phá án và trả tự do cho tất cả.

Không ai hiểu tại sao Tướng Dương văn Minh và cả Nhà Hành chánh Nguyễn Ngọc Thơ, Thủ tướng Chánh phủ, đều không thả những tù nhơn chánh trị này.

Cụ Trần văn Ân thêm lời

Tập hồi ký trong đó có phần cụ kể lại chuyện của cụ bị Tòa án Sài gòn kết án tử hình đươc cụ viết xong tháng 5/1994 tại tư gia ở Thành phố Rennes, vùng Bretagne, Tây-Bắc nước Pháp. Ở cuối phần này, Cụ Trần văn Ân có viết thêm một đoạn ngắn:

«Tôi đã suy nghĩ nhiều đêm, nên viết ra điều này, sau khi đốt nén hương dâng Bàn thờ Tổ quốc và vái vong linh các bậc tiền bối, chí sĩ Việt nam và hướng tâm mình về Linh điện Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, trong tinh thần TƯ VÔ TÀ. Tôi quả quyết rằng Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia hay Giáo phái chỉ nhằm làm áp lực chánh quyền, không hề có ý nghĩ dùng võ lực lật đổ chánh quyền. Vào Rừng Sát, tôi thấy Ông Viễn hoàn toàn không có dự bị chiến đấu, không có dự bị chạy giặc hay ẩn núp máy bay. Tôi cho Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia là chánh trị không đường lui!

Ngoài ra, tôi muốn ghi nơi đây rằng giữa Ông Ngô Đình Diệm và Trân văn Ân, tôi, quen biết nhau từ trước khi tôi nhận làm Tổng thư ký Phục quốc Đồng Minh Hội của Cụ Cường Để (Ông Diệm cũng là nhơn sĩ của tổ chức này), chỉ có cảm tình, chớ hoàn toàn không có giận hờn hay thù oán. Lúc nào Ông Diệm cũng niềm nở khi gặp tôi. Và chúng tôi có đi chung với nhau nhiều lần».

Roissy en Brie, Pháp, Cuối thu 2014

Để tưởng nhớ một Đấu sĩ của thế kỳ XX

Ghi chú

(*) Tựa của Cụ Trần văn Ân

(**) Hội Phục Việt, Trụ sở tại 4, Place de la Méditerrannée, 95200 Sarcelles, Pháp, chủ trương báo Hồn Nước. Cụ Trần văn Ân là người đỡ đầu và hướng dẩn sanh hoạt của nhóm anh em vào đầu thập niên 80.

Phụ bản

Qua sự giới thiệu của Bác sĩ Nguyễn Hoài Vân ở Rennes, Tử đệ của Cụ Trần văn Ân, Bác sĩ Trần Kim Tuyến ở Cambridge, nguyên Giám đốc Sở Nghìên cứu Chánh  trị của Phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm, quen bìết với Cụ Ân, chuyện vản và thư từ qua lại với nhau. Sau thời gian ngắn, Bs Trần Kim Tuyến nói ra «rất tiếc trước kia đã hiểu Cụ Ân hoàn toàn sai lạc».

Nhơn đây, chúng tôi xin đính kèm phụ bản 1 thiệp chúc Tết với bài thơ họa của Bs Trần Kim Tuyến gởi Cụ Ân, nhờ Bs Nguyễn Hoài Vân còn giữ được.