Lần đầu tiên Pháp thành-công trong việc bán phi-cơ Rafale cho nước ngoài – Nhữ Đình Hùng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Lần đầu tiên Pháp thành-công trong việc bán phi-cơ Rafale cho nước ngoài – Nhữ Đình Hùng

Nước Pháp đã ký kết với Ai-Cập vào ngày  thứ hai 16.02.2015 tại Caire một khế-ước về việc bán 24 phi-cơ Rafale cho Ai Cập và nhiều quân-dụng, vũ-khí khác. Đây là lần đầu tiên Pháp thành công trong việc xuất-cảng phi cơ này. Chủ-tịch tổng-giám-đốc xí-nghiệp Dassault Aviation, Eric Trappier, đã phó-thự khế-ước này tại phủ tổng-thống Ai-Cập với sự hiện-diện của tổng-thống Ai-cập Abdel Fattah Al-Sissi và tồng-trưởng quốc-phòng Pháp Jean-Yves Le Drian.

Khế-ước bán vũ khí của Pháp cho Ai-cập có trị-giá 5,2 tỉ euros gồm có:

– khế-ước bán 24 phi-cơ Rafale của hãng Dassault Aviation

– khế-ước bán chiến-hạm đa-nhiệm Fremm do DCNS đóng

-khế-ước bán hoả-tiễn không-đối-không Mica và hoả-tiễn di-hành Scalp của MBDA

– khế ước bán hoả-tiễn không-đối-địa 2ASM của Sagem

– khế-ước về việc bán các ‘mục-tiêu đánh lừa’ (leurre) dùng cho Rafale của hãng Lacroix.

Các tin tức về việc bán các phi-cơ Rafale, chiến hạm loại Fremm và các trang-bị vũ-khí khác đã được loan-báo ở Pháp vào ngày 12.02 và sau đó tổng-trưởng quốc-phòng Jean-Yves Le Drian đã lên đường sang Caire ngày 16.02 để ký kết thoả-hiệp về việc bán các vũ-khí này. Sự việc như thế đã diễn tiến nhanh chóng, nếu không muốn nói là quá nhanh chóng nếu so với các lần điều đình về việc bán Rafale trước đây đã đi từ thất bại này đến thất bại khác. Về phiá Ai Cập, họ đã cho biết các yêu-cầu trang-bị vũ-khí của họ cho Pháp biết vào mùa thu năm 2014 và chỉ năm tháng sau,  thoả-hiệp được ký kết. Sự  thoả-thuận nhanh chóng này được phiá Pháp giải-thích là nhờ ‘những người đối thoại biết rõ những gì họ cần. Và chính tổng-thống Ai-cập đã cùng với tướng Mohammed Al Assar, dẫn dắt cuộc thương thảo!’.

Việc giao hàng cũng rất nhanh chóng: 3 phi-cơ Rafale phải được giao ngay trong năm nay (dự trù cuối muà hè), ba chiếc giao trong năm 2016 và 18 chiếc còn lại trong vòng 5 năm tới. Ba chiếc Rafale giao trong năm nay sẽ được lấy từ số phi-cơ thực hiện cho không lực Pháp. Chiến-hạm loại Premm cũng được giao vào cuối mùa hè, trích trong số thực hiện dành cho hải quân Pháp!


Phi cơ chiến-đấu Rafale (ảnh của không-quân Pháp)

Tổng-trưởng quốc-phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã coi việc bán lần đầu tiên các phi-cơ Rafale cho Ai-cập là một thành-quả quan-trọng ‘ đây là một khế-ước ngoại-hạng cho kỹ-nghệ quốc-phòng của chúng ta đã làm rõ giá-trị của Rafale… một phi-cơ thực hoàn hảo’. Ông Le Drian cũng nói đến các lý-do khiến Ai-cập quyết-định mua các phi-cơ này:’ Tổng-thống al-Sissi trước hết có một cần-thiết chiến-lược : việc bảo-vệ kinh đào Suez mà một phần lớn vận chuyển quốc-tế đi qua đó. Đó là lý do đầu tiên việc cấp-thiết phải có vừa khả năng hàng hải và không trung để bảo đảm việc an-ninh này’. Kinh đào Suez dài 195 cây số, nối liền Địa Trung Hải và Hồng Hải, việc vận chuyển qua kinh đào này chiếm 6% khối lượng vận chuyển hàng-hải của thế-giới! Theo Global Fire Power, không-lực Ai-cập đứng hàng thứ tám trên thế giới, có khoảng 1100 phi cơ trong số có 343 phi-cơ truy-kích ( nhiều hơn Pháp), nếu kể số lượng phi-cơ tấn công các mục tiêu trên đất liền, Ai-cập đứng hàng thứ năm trên thế-giới. Sự lựa chọn mua Rafale còn dựa trên vấn-đề kỹ thuật, trong khi F-16 là một phi cơ truy-kích, Rafale là một phi-cơ đa-năng, vừa là săn đuổi, chận đánh, trinh-sát và tấn-công các mục tiêu trên mặt đất! Các chuyến tân-công của Pháp vào lực-lượng Daech đã chứng tỏ khả-năng đa-hiệu của phi-cơ Rafale.

Ngoài nhu-cầu an-ninh, Ai-cập xem chừng còn có một nhu cầu kinh-tế chánh-trị: đó là việc giảm-thiểu sự lệ-thuộc vào khu-vực đô-la. Trước đây, hằng năm Mỹ cung cấp một ngân-khoản lên tới 1 tỉ rưỡi đô la trong đó 1 tỉ ba là hỗ-trợ quân-sự. Nhưng sau việc quân-đội lật đổ tổng-thống Morsi, một phần viện-trợ này đã bị ngưng lại kể từ tháng 10/2013. Trước đây, Ai-cập mua phi-cơ truy kích F-16 của Mỹ (không lực Ai-cập có 240 chiếc F-16) nhưng nay quyết định mua Rafale của Pháp, điều cho thấy nước này không muốn lệ-thuộc hoàn toàn vào Mỹ về quân-sự và tài-chánh (Hiện Bỉ cũng đang suy nghĩ về việc thay thế F-16). Việc Ai-cập muốn giảm ảnh-hưởng của Mỹ cũng còn thấy qua việc Ai-cập ký kết việc mua một trung-tâm nguyên-tử của Nga, ngoài ra việc thương mãi giữa Nga và Ai-cập có thể thanh-toán bằng tiền quốc-gia thay vì đồng đô-la.

Ai-cập là một trong những nước mua vũ-khí nhiều nhất trong khu-vực trung-đông. Trong lần mua vũ-khí này từ Pháp, Ai-cập đã phải dựng ra một cơ cấu tài chánh trong đó Ai-cập đóng góp một nửa vốn, phần còn lại do một tập-hợp các ngân-hàng Pháp cho vay. Nước Pháp, qua tổ-chức Coface, bảo-đảm 100% vốn vay các ngân-hàng với một lãi suất chấp nhận được, tương tự như các điều áp-dụng cho các quốc-gia Âu-châu. Ai-cập sẽ đóng một khoản đặt cọc (acompte) trong vòng hai hay ba tuần lễ kể từ khi ký thoả ước! Ai-cập sẽ làm việc này nhanh chóng để có thể cho bay biểu diễn các Rafale của mình và cho chiến hạm Fremm lướt sóng vào ngày 05.08.2015 nhân dịp khánh-thành việc mở rộng kinh đào Suez.

Về phần vốn ‘riêng’ của Ai-cập, nước này trông cậy vào viện-trợ tài-chánh của Arabie Saoudite và Emirats arabes unis. Vào năm 1970, khi mua các phi-cơ Mirage của Pháp, Ai-cập cũng đã từng được Arabie Saoudite tài-trợ!

Ngoài việc bán các phi-cơ Rafale, chiến-hạm Fremm và các võ-khí, không có vấn-đề chuyển các tin-tức kỹ-thuật cho Ai-cập. Việc huấn-luyện các phi-công Ai-cập sẽ được làm ngay để các phi-công này có thể thực-hiện các phi vụ vào đầu tháng tám. Đây là một thách đố lớn vì phi-cơ Rafale khá phức tạp. Việc huấn luyện thủy-thủ-đoàn Ai-cập cũng thế. Bộ quốc-phòng Pháp nghĩ rằng các khó khăn này sẽ được vượt qua. Được biết các phi-cơ sẽ được giao cho Ai-cập đang được lắp ráp tại Mérignac thuộc Gironde, trước đây dự định chuyển giao cho không-quân Pháp. 24 phi cơ được bán cho Ai-cập bao gồm 8 phi-cơ một người lái và 16 phi-cơ hai người lái.

Chiến hạm Fremm được thực hiện ở Lorient thuộc Morbihan, trước đây dự định giao cho hải-quân Pháp dưới tên Normandie. Tàu sẽ được giao cho Ai-cập không có trang-bị hoả-tiễn di-hành.

La FREMM Normandie (© DCNS) http://defense.blogs.lavoixdunord.fr/archive/2014/03/12/la-fremm-normandie-poursuit-ses-essais-

Việc bán lần đầu tiên Rafale ra nước ngoài đem lại cho hãng Dassault Avion trước hết việc ‘thanh thản’ trong lĩnh vực tài-chính để tiếp tục dây chuyền sản xuất. Mặt khác, có thể tạo một ‘kích-thích’ đối với những nước đang muốn mua Rafale. Từ ba năm qua, Ấn-độ thương-thuyết mua 126 phi-cơ Rafale, các giai-đoạn thương-thuyết đã gần như xong, ngoại trừ việc Án-độ đòi hỏi Pháp bảo-đảm kỹ-thuật các phi-cơ các phi-cơ do Ấn-độ chế-tạo tại chỗ, điều bị Dassault từ chối (Ấn-độ đề nghị mua ngay 18 phi-cơ chế-tạo tại Pháp, phần còn lại được thực-hiện tại Ấn do xí-nghiệp Ấn-độ HAL, điều này hàm ý có chuyển-giao kỹ-thuật chế-tạo cho Ấn-độ).

Vào cuối tháng12/2014, tổng-trưởng quốc-phòng Ấn, Manohar Parrikar đã gợi ra việc có thể thất-bại trong việc điều đình nhưng vào ngày 18.02 cho biết chánh-phủ Ấn chờ đợi từ nay đến đầu tháng ba phúc-trình về giá thành của Rafale liên can đến việc mua 126 phi-cơ này của hãng Dassault. Manohar Parrikar tuyên bố  ‘tôi không đưa ra bình luận gì cho đến khi Ủy-Ban thương thuyết khế ước CNC (Contract Negotiations Comittee) lập phúc-trình chung cuộc vào cuối tháng hai đầu tháng ba’ trong cuộc họp báo ở cuộc triễn lãm hàng-không Ấn và quốc phòng tại Bangalor thuộc Nam Ấn. Trong khi đó, thứ-trưởng quốc-phòng Rao Inderjit Singh cho biết chánh-quyền Ấn muốn Dassault có một cam-kết về việc chuyển-giao kỹ-thuật cho Ấn và không có một thoả-hiệp gì về phẩm chất cũng như đặc-tính của phi-cơ.

Được biết tổng-trưởng quốc-phòng Le Drian sẽ lên đường sang Ấn-độ và ở đây hai ngày thứ hai 23.02 và thứ ba 24.02.

Ngoài Ấn-độ, một khách hàng khác cũng có thể mua Rafale là Qatars. Các thương thuyết có nhiều triển-vọng tốt, Qatars có thể mua 36 Rafale trong số Có 12 chiếc là nhiệm ý!

Từ nhiều năm qua, Emirats muốn mua 60 phi-cơ nhưng các cuộc thương thuyết bị ‘ngâm tôm’ trong lúc này. Pháp cũng đang dò tìm thị trường ở Mã-Lai và ở Bỉ (nước này có dự định thay thế các F.16).

Với khế ước bán Rafale cho Ai-cập (trị giá 5,2 tỉ), xuất cảng vũ-khí của Pháp cho năm 2015 đã vượt qua 10 tỉ euros, vượt hẳn năm 2014 chỉ xuất cảng được 8 tỉ euros!

Nhữ Đình Hùng/21.02.2015/tổng hợp

Nguồn:

http://www.lemonde.fr/economie/article/2015/02/16/le-contrat-de-vente-du-rafale-a-l-egypte-en-cinq-questions_4577395_3234.html#7T9Arxjwjoztjscm.99

http://www.lemonde.fr/economie-francaise/article/2015/02/13/la-vente-du-rafale-au-caire-bouclee-en-un-temps-record_4575865_1656968.html#Lfik2fM9SyIFCha0.99

http://www.latribune.fr/entreprises-finance/industrie/aeronautique-defense/20150212tribb22e2e443/rafale-la-vente-de-24-avions-a-l-egypte-sera-signee-lundi.html

http://www.huffingtonpost.fr/2015/02/16/vente-rafale-egypte-avions-de-chasse-francais-daech-libyue-sinai_n_6690710.html

http://www.usinenouvelle.com/article/les-discussions-sur-la-vente-de-36-rafale-au-qatar-au-stade-final.N314453