Lần đầu tiên Nhật Bản công bố tên triều đại mới trước khi nhà vua lên ngôi
Nhật Bản hôm thứ Hai (1/4), đã tiết lộ tên kỷ nguyên mới của quốc gia là “Reiwa”. Lần đầu tiên, một cụm từ thuộc văn học Nhật Bản được sử dụng để mô tả triều đại mới của một tân hoàng đế, theo Nikkei.
Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga đã công bố tên của triều đại mới – trước một tháng khi Thái tử Naruhito lên ngôi vào ngày 1/5 để chính thức bắt đầu một kỷ nguyên mới. Đây cũng là lần đầu tiên, tên của triều đại mới của Nhật Bản được công bố trước khi vua mới đăng cơ.
Cụm từ “Reiwa” được lấy từ tuyển tập Man’yoshu (khoảng 600-759) – là một tuyển tập thơ ca lâu đời nhất của Nhật Bản. Tên của các thời đại trước đây đều xuất phát từ văn học Trung Quốc. Theo Nikkei, ký tự của từ “Rei” có thể được tạm dịch là “điềm tốt lành”, và còn có nghĩa là “an hòa” hoặc “hòa bình”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng, bằng cách tham khảo từ tuyển tập Man’yoshu – tác phẩm phản ánh sự đa dạng của các mùa và thiên nhiên – ông muốn truyền lại di sản của Nhật Bản cho thế hệ kế tiếp. “Tôi muốn Nhật Bản kiêu hãnh như hoa anh đào nở rộ”, ông Abe nói với phóng viên tại Tokyo, “Hoa anh đào nở đẹp sau mùa đông khắc nghiệt là dấu hiệu báo mùa xuân về”.
Theo Nikkei, nội các chính phủ Nhật Bản đã dành nhiều tháng để xem xét những đề xuất từ các học giả về văn học Nhật Bản và văn học cổ điển Trung Hoa cũng như là lịch sử Nhật Bản và lịch sử phương Đông.
Tên của triều đại mới được tham vấn bởi một nhóm gồm 9 chuyên gia, trong đó có ông Shinya Yamanaka, người đã đoạt giải Nobel và là Giáo sư tại Đại học Kyoto.
Ông Abe nói rằng, việc sử dụng thuật ngữ trong tuyển tập Man’yoshu rất quan trọng, vì nó tổng hợp lại các bài hát không chỉ từ giới quý tộc và các quan chức cấp dưới và những người nông dân. Thủ tướng nói thêm rằng, ông mong muốn cái tên này sẽ mang lại một cảm giác thống nhất ở Nhật Bản, và giúp thúc đẩy cải cách đất nước.
Nhật Bản hiện nay vẫn sử dụng lịch Hoàng gia cùng với lịch phương Tây cho các tài liệu giấy tờ chính thức tại nước này, như giấy phép lái xe, ngày trên các tờ báo, và các ấn phẩm khác. Hệ thống này đã có nguồn gốc sâu xa từ hơn một thiên niên kỷ ở Nhật Bản, mỗi tên của một triều đại được sử dụng để mô tả các giai đoạn lịch sử.
Thời đại Showa (1926-1989) tượng trưng cho thời kỳ hỗn loạn bắt đầu từ lúc Nhật Bản quân sự hóa và Thế chiến II, sau đó là sự trỗi dậy của quốc gia từ tro tàn thất bại trở thành cường quốc kinh tế toàn cầu. Thời đại Heisei (1989-2019) được biết với sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng sau nhiều năm giảm phát, cũng như thảm họa động đất 11/3/2011, sóng thần và hạt nhân Fukushima.
Hoàng đế Akihito, hiện là người đứng đầu Hoàng gia Nhật Bản, cũng sẽ là hoàng đế đầu tiên thoái vị trong thời Nhật Bản hiện đại.
Thời đại Reiwa cũng sẽ chứng kiến Nhật Bản vật lộn với dân số già dẫn tới tình trạng thiếu lao động đe dọa tới sự tăng trưởng, thúc đẩy ông ABe thực hiện các chính sách đưa nữ giới vào nguồn nhân lực lao động, và cho phép số lao động nước ngoài vào nước này nhiều hơn.
Nhật Bản đã có 247 tên thời đại, kể từ dưới thời Hoàng đế Kokotu vào năm 645, và kể từ thời Minh Trị (Meiji 1868-1912), mỗi triều đại mới của Nhật Bản có một tên gọi riêng cho một thời gian trị vì của hoàng đế mới. Năm 2019 được gọi là Heisei 31 trong lịch Nhật Bản, nhưng kể từ ngày 1/5, nó sẽ được gọi là Reiwa 1.