Lần Đầu Tiên Làm Chuyện Ấy

Cac Bai Khac

No sub-categories

Lần Đầu Tiên Làm Chuyện Ấy

DL – Sau khi giằng co chán chê, họ kéo tôi đi, theo bản năng, tôi ôm lấy những người còn ở lại. Nhưng hai cánh tay bị họ bóp đau điếng buộc tôi phải buông, họ vừa lôi, vừa kéo vừa gần như nhấc bổng tôi lên xe, đôi giày bị tuột lại ở dưới đất.

Cô bé này “lanh” thật, thoáng nhìn tựa bài tường thuật thiên hạ tưởng rằng cô sẽ kể chuyện thầm kín, đến khi đọc lướt qua, mới hiểu cô nói vậy nhưng không phải vậy. Cô đã tường thuật thái độ hiên ngang trước áp lực của bọn ác ôn côn đồ công an cộng sản; thật đáng khen. HNĐB

Bởi Đa Nguyên -27/04/2015 – FB Trang

Hai cô gái bị những người đàn ông lực lưỡng giằng xé

Nhiều người khác cũng bị lôi xềnh xệch và bị ném vào ghế, một bác lớn tuổi cầm chiếc giày đưa cho tôi và nói: “Con giữ lấy. Sẽ có người cầm giúp con chiếc kia”. Chiếc xe chạy mãi, có xe cảnh sát dẫn đường, tôi thầm mong chiếc xe này sẽ đưa chúng tôi đến một nơi nào đó xa xa thành phố rồi thả ở đó để chúng tôi tự về, nhưng các cô bị bắt cùng nói: “Lại đi Lộc Hà rồi”.

Xe chạy khoảng nửa giờ thì dừng lại ở CA Quận Long Biên. Tâm trạng mọi người vui vẻ nên tôi cũng thấy thoải mái. Chị Đoan Trang và một cô tên Tuyết liên tục trấn an: “Đừng sợ, không việc gì phải sợ” nên tôi yên tâm hơn. Khi họ tách chúng tôi và nhét mỗi người vào một phòng, thì tôi bắt đầu cảm thấy hoang mang khi nghĩ đến những người đã chết cách bất thường sau khi họ làm việc với công an.

Họ đẩy tôi vào một căn phòng khá rộng, trong đó có sẵn ba anh đang ngồi chơi game. Thấy tôi lếch thếch một tay xách túi một tay xách giày đi vào, một anh ngước lên hỏi:

– Phản động à?

Tôi im lặng ngồi xuống ghế, lôi điện thoại ra bấm bấm mà chẳng biết gọi cho ai. Một cảm giác cô đơn, tủi thân khiến tôi trào nước mắt.

Anh lúc nãy lại hỏi:

Công an (CA): Ai làm cái gì mà khóc? Nhận được bao nhiêu tiền của bọn nó?

Tôi: Tiền gì?

CA: Tiền của Việt Tân.

Tôi: Việt Tân là cái gì?

Cả hai bên đều im lặng, tôi nghe nhạc còn anh ta lại chơi game.

5 phút sau, một anh khác hỏi:

CA: Có con chưa?

Tôi: Chưa.

CA: Có chồng chưa?

Tôi: Chưa.

CA: Có người yêu chưa?

Tôi im lặng.

CA: Theo Việt Tân từ bao giờ?

Có cuộc gọi đến của một anh bạn hỏi thăm tình hình. Anh ta định giật điện thoại, tôi mở máy giữ chặt điện thoại và nói nhanh: “Vâng, con bận, lát con gọi lại nhé”.

Anh ta yêu cầu tôi tắt máy và để lên bàn. Tôi chấp hành, tắt máy nhưng cất vào túi xách. Anh ta nhắc tôi đặt máy lên bàn nhưng tự nhiên tôi giở chứng bướng, tôi khoá túi lại và ngồi im. Ngay lập tức, anh ta trừng mắt quát:

– Để máy lên trên bàn.

Tôi vẫn lì ra coi như điếc, lúc này tự nhiên lại chẳng sợ hãi gì nữa.

Ba anh đang chơi game cũng bắt đầu hóng. Cả ba cùng nói: “Nhẹ nhàng không ưa lại ưa nặng à?”. Rồi một anh đến chỗ tôi và giằng chiếc túi của tôi, lôi cái điện thoại ra, rồi hỏi: “Còn cái nào nữa không?”.

Tôi đáp: Hết rồi.

– Để xem nào.

Sau khi thấy trong túi chỉ có một băng VS, một hộp phấn, một chìa khoá xe, thì anh ta trả lại túi cho tôi và hỏi:

– Chứng minh thư nhân dân đâu?

Tôi: Không có ở đây.

– Tại sao không có?

Tôi: Thì em không mang theo.

– Thế thì làm sao anh biết em là ai và ở đâu, nhỡ em là người nước ngoài vượt biên hoặc là đối tượng truy nã thì sao?

Tôi: Em là người Việt Nam và em chưa từng làm gì phạm pháp để đến nỗi bị truy nã cả.

– Làm sao anh biết em là người Việt Nam? Anh làm việc trên giấy trắng mực đen và anh yêu cầu em phải có chứng minh thư nhân dân.

Tôi: Em không mang theo thì sao?

– Thì em không được về, em sẽ bị chụp hình và lăn tay, sau đó đưa về trại Lộc Hà theo diện người lang thang không quốc tịch. Nếu không làm rõ được, còn phải khám cả người xem em có ma túy không ấy.

Nói rồi, anh ta đưa cho tôi một tờ giấy và yêu cầu tôi làm bản tường trình.

Tôi nói: Thôi, đằng nào em cũng không có giấy tờ tùy thân gì. Anh cứ chụp hình lăn tay mà xác minh đi đỡ phải viết cho mất thời gian của các anh.

CA: Bố mẹ em làm gì?

Tôi: Em không ở cùng bố mẹ.

CA: Bố em vừa gọi cho em đấy thôi.

Tôi: Anh dựa vào đâu mà nói đấy là bố em?

CA: Em bảo lát con gọi lại còn gì nữa.

Tôi: Tất cả những người đáng tuổi cô dì chú bác em đều xưng con.

Anh ta im lặng và bật điện thoại của tôi lên đọc tin nhắn, rồi mò từng số danh bạ một.

CA: Theo Việt Tân lâu chưa?

Tôi: Việt Tân là cái gì?

CA: Nói thế thôi, còn em tự hiểu.

Tôi: Em chẳng hiểu anh đang nói về vấn đề gì nữa

CA: “Mẹ VT” là gì? Và “mẹ VN” là gì?

Tôi: Đó là số mẹ em. Số Viettel thì em ghi là “mẹ VT”. Số Vinaphone thì lưu là “mẹ VN”.

CA: Thế à, anh tưởng mẹ Việt Tân.

CA: Em uống nước không?

Tôi: Có.

Anh ta lấy cho tôi một cốc nước, rồi tiếp tục hỏi:

CA: Điện thoại Tàu à? Việt Tân sao lại dùng cái con cùi này thì chụp ảnh sao?

Tôi im lặng.

Cả ba anh đến xem xét điện thoại tôi, say sưa bàn tán giá cả rồi kết luận:

– Nhìn hầm hố thế này chắc chắn là của Mỹ ngụy rồi.

Ngồi chơi game một lúc thì ba anh lần lượt đi ăn cơm (luôn có một người ở lại canh chừng tôi).

Lát sau, cửa mở, một anh CA mặc áo xanh bước vào. Về sau, tôi biết anh ta là CA quận Hoàn Kiếm.

Tôi làm việc với anh này với sự mệt mỏi và chán chường. Vừa đói, vừa mệt và buồn ngủ.

CA: Em là Trang phải không?

Tôi: Vâng.

CA: Buổi sáng em ra Bờ Hồ làm gì?

Tôi: Em chụp hình.

CA: Em ra khỏi nhà lúc mấy giờ, và đi đâu đến mấy giờ rồi làm sao bị đưa lên đây? (Anh ta đưa tôi một tờ giấy và hướng dẫn tôi viết tường trình).

“Buổi sáng em ra khỏi nhà lúc 6h. Đến nhà thờ lớn dự lễ từ 7h đến 8h. Sau đó đi bộ ra Bờ Hồ ăn sáng, chụp hình, rồi bị lôi lên xe đưa về đây” – đó là nội dung bản tường trình của tôi.

Sau khi hỏi tên tuổi, quê quán, nghê nghiệp của tôi thì anh ta bắt đầu vào vấn đề:

CA: Sáng em đi lúc mấy giờ?

Tôi: 6h. Đến nhà thờ lúc 7h. 8h lễ xong.

CA: Lễ một tiếng à?

Tôi: Vâng.

CA: Đi cùng ai?

Tôi: Em đi một mình.

CA: Đi phương tiện gì?

Tôi: Xe máy

CA: Biển bao nhiêu?

Tôi đọc biển số xe. (Đọc xong rồi mới thấy mình ngu quá trời đất :(( )

CA: Em ăn sáng ở đường nào?

Tôi: Em không nhớ.

CA: Khi ra Bờ Hồ em thấy gì?

Tôi: Em thấy người.

CA: Người đang làm gì?

Tôi: Đi bộ.

CA: Có tụ tập tụm năm tụm bảy hò hét biểu tình không?

Tôi: Không.

CA: Thế thấy họ đang làm gì?

Tôi: Họ nhảy múa, hát rầm trời ngay chân tượng đài Lý Thái Tổ. (Ý tôi nói đến những người tham dự buổi marathon quảng cáo cho thương hiệu Nutrilife gì đó).

CA: Họ có khoảng bao nhiêu người?

Tôi: Em chả biết. Không đếm thử.

CA: Theo em em ước tính thì họ có chừng khoảng bao nhiêu người?

Tôi: Chắc một nghìn người.

CA: Ngoài ra còn nhóm nào tụ tập nữa không?

Tôi: Còn ạ.

CA: Họ làm gì? Có giăng biểu ngữ phản đối hay hò hét gì không?

Tôi: Không. Họ không có biểu ngữ nhưng họ hò hét.

CA: Em thấy họ nói những gì, có còn nhớ không?

Tôi: Họ mặc áo công an, dân phòng, cơ động. Họ cầm dùi cui, cầm loa và hò hét gì đó, loa rè quá em không nghe thấy gì cả.

CA: Còn nhóm nào nữa không?

Tôi: Còn

CA: Họ là ai, họ làm gì?

Tôi: Họ là những người dân yêu Hà Nội Xanh, họ yêu cây, và họ đi tuần hành để phản đối chính quyền Hà Nội chặt phá cây của họ.

Trang (mặc áo dài thứ hai từ phải sang) và những người bạn đã xuống đường vì tình yêu với cây xanh Hà Nội. Ảnh: JB Nguyễn Hữu Vinh

CA: Họ có mang theo băng rôn khẩu hiệu không?

Tôi: Có.

CA: Băng rôn to bằng nào. Dài bao nhiêu?

Tôi: To bằng cái bàn này, dài bằng cái bàn này.

CA: Trên đó viết gì?

Tôi: “Phản đối chặt cây. Bảo vệ môi trường, trừng trị kẻ nào phá hoại cây xanh”.

CA: Họ có hò hét gì không?

Tôi: Họ không hò hét nhưng họ hô khẩu hiệu.

CA: Hô thế nào?

Tôi: Đả đảo công an đánh người. Phản đối bạo lực.

CA: Trong quá trình nào, Trang được mời lên đây làm việc?

Tôi: Em không được mời mà là em bị lôi đi.

CA: Em trình bày rõ đi.

Tôi: Em đang đi bộ thì thấy có một nhóm công an và một nhóm người dân đang giằng co, em đi tới chụp hình thì cũng bị lôi vào cuộc chiến.

CA: Vậy em thấy việc chặt cây là đúng hay sai?

Tôi: Là sai.

CA: Vậy em có hành động gì khi thấy việc chặt cây là sai?

Tôi: Em ra đó chụp hình và đi cùng với họ.

CA: Ừ. Vậy em thấy việc tụ tập đông người nơi công cộng là đúng hay sai?

Tôi: Em không biết.

CA: Vậy em có biết việc Hà Nội đã xem xét giải quyết ngừng việc chặt cây rồi không?

Tôi: Ngừng đâu mà ngừng. Hai hôm trước em còn thấy hai xe chở đầy cây đi trên phố Hà Nội.

CA: Em thấy ở đường nào?

Tôi: Em quên rồi.

CA: Việc tụ tập đông người là vi phạm pháp luật, em có biết không?

Tôi: Hôm nay có nhiều nhóm tụ tập đông người, tại sao họ múa hát rầm rầm mà các anh không bắt?

CA: Đấy là họ tổ chức sự kiện. Mà tổ chức sự kiện thì họ đã xin và được cấp phép rồi.

Tôi: Vậy bằng cách nào để em phân biệt được nhóm nào là nhóm được cấp phép và nhóm nào không được cấp phép?

CA: Em theo Việt Tân lâu chưa?

Tôi: Việt Tân là sao?

CA: Em có mạng xã hội, cụ thể là Facebok không?

Tôi: Không.

CA: Có biết dùng Facebook không?

Tôi: Có nghe và thấy bạn bè xử dụng nhưng em không có điều kiện sử dụng.

CA: Em theo đạo Thiên Chúa à?

Tôi: Không.

CA: Thế đeo cái gì ở cổ kia?

Tôi: Thánh giá.

CA: Không phải người Thiên Chúa thì đeo làm gì?

Tôi: Em là người Công Giáo.

CA: Cũng thế còn gì

Tôi: Thiên Chúa bao gồm cả Tin Lành và nhiều đạo khác cũng thờ Thiên Chúa. Đạo của em là Công Giáo.

CA: Người Công Giáo sao không sống……

Tôi (ngắt lời): Em không làm gì vi phạm pháp luật. Chưa từng có tiền án, tiền sự. Không đánh nhau, không buôn hàng cấm, không hút chích… Vậy sao không phải là một người Công Giáo tốt?

CA: Thì anh có nói là em không tốt đâu. Bố mẹ em làm gì?

Tôi: Làm ruộng.

CA: Sao không chịu khó làm ăn gửi tiền về giúp đỡ bố mẹ mà lại tụ tập gây mất trật tự công công thế này?

Tôi: Em vẫn đi làm bình thường, hôm nay nghỉ.

Sau đó họ hỏi đi hỏi lại nhiều lần những câu cũ rích như: Em có chồng, con chưa? Người của tổ chức Việt Tân à? Quen ai trong nhóm đó?…

Có một người khác cầm máy ảnh vào chụp tôi. Họ không lăn tay tôi.

Anh CA quận Hoàn Kiếm hỏi:

– Giày dép đâu lại đi chân đất?

Tôi: Em mất giày rồi.

CA: Mất à? Đi xuống dưới này anh kiếm cho đôi khác mà đi.

Tôi theo anh đi xuống tầng một, sau khi loay hoay tìm hết mấy phòng nhưng không kiếm được đôi nào cho tôi, anh quay lại gãi tai gượng cười: “Đi đằng này em”. Rồi đưa tôi ra phía cổng.

Ra cổng, tôi lếch thếch lôi thôi, vừa đói vừa mệt, đang lo lắng không biết làm thế nào để đi về thì bỗng thấy mấy anh chạy ra hỏi han chúc mừng. Một anh nhường cho tôi đôi dép đang đi ở chân. Sau đó một anh chở tôi về phía cổng trước, nơi mọi người đang đợi từng người chúng tôi.

Gặp lại bạn, gặp lại những gương mặt quen và không quen, được mọi người “tiếp tế” bánh và nước, mọi buồn bã lo lắng đều tan biến, dù rất mệt nhưng tôi thấy ấm áp trong sự quan tâm, hỏi han của mọi người. Tôi muốn nói lời cảm ơn đến tất cả.

Cô gái trẻ với chỉ một bên chiếc giày lếch thếch ra cổng công an quận Long Biên