Làm sao để tránh những vụ như Đồng Tâm?
Ngô Ngọc Trai
23-10-2017
Thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là mới đây huyện ủy Mỹ Đức đã khai trừ đảng đối với bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã.
Như vậy là sau chuỗi sự kiện người dân bắt giữ rồi thả 38 cán bộ đảng viên và cảnh sát cơ động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết không khởi tố, nhưng sau đó cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội lại ra quyết định khởi tố triệu tập người dân Đồng Tâm, tới nay Bí thư đảng ủy xã bị khai trừ, cho thấy vụ việc vẫn còn căng thẳng.
Theo chiều hướng này vụ việc ở Đồng Tâm sẽ còn là điểm nóng dư luận trong một thời gian dài nữa, những tính toán rất có thể sai lầm của các bên không loại trừ sẽ dẫn đến tái diễn bùng nổ bạo lực. Về phía chính quyền cho thấy họ đã quyết ăn thua đủ và không muốn cho qua chuyện này, còn người dân thì có vẻ như cũng dám chấp nhận hy sinh.
Vậy làm sao để giảm tránh những vụ việc như Đồng Tâm về sau?
Vai trò của Tòa án
Một điều thấy rõ trong vụ việc này là mặc dù tranh chấp kéo dài qua nhiều năm những đã không được Tòa án đứng ra phân định đúng sai về sự việc.
Cho đến thời điểm này những kết luận về đất đồng Sênh là đất quốc phòng hay đất của người dân đều chỉ là kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo của các cấp chính quyền địa phương gồm xã, huyện và thành phố Hà Nội.
Theo thông tin bài báo ‘Khai trừ Đảng Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm’ trên báo Motthegioi cho biết thì, ngày 31.10.2016 UBND TP. Hà Nội đã có kết luận nội dung tố cáo của một số công dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm về việc việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, di dời một số hộ dân đang sử dụng đất tại khu vực sân bay Miếu Môn.
Huyện uỷ Mỹ Đức cho rằng, mặc dù văn bản của thành phố Hà Nội đã khẳng định đất khu vực sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng nhưng bà Nguyễn Thị Lan đã không chỉ đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện đúng theo tinh thần trên nên đã kỷ luật khai trừ bà Lan.
Nhưng ở đây có một vấn đề, đó là kết luận của UBND thành phố Hà Nội là kết luận của người có trách nhiệm nghĩa vụ liên quan đến việc quản lý khu đất, đó không phải là kết quả giải quyết của một cơ quan trung gian công tâm, không thiên vị và bất vụ lợi, giúp tạo dựng sự tin tưởng của người dân vào kết quả giải quyết.
Nếu vụ việc tranh cãi về nguồn gốc đất được giải quyết bởi Tòa án, thì mặc dù ngành Tòa án VN hiện cũng còn tồn tại nhiều vấn đề, nhưng dù sao đó cũng là cách giải quyết khả dĩ trong việc đưa đến một kết quả đỡ bị chống đối.
Vì quy trình giải quyết của Tòa án là công khai, tại đó phía người dân được đưa ra mọi ý kiến lập luận, được cất lên tiếng nói và được lắng nghe, họ có cơ hội giãi bày tâm trạng, giải tỏa nỗi niềm, cái có ý nghĩa tinh thần không kém phần quan trọng so với việc đòi hỏi lợi ích vật chất.
Còn quy trình giải quyết khiếu nại là lối giải quyết áp đặt quan điểm của kẻ mạnh đối với kẻ yếu. Và người dân sẽ không thể tâm phục khẩu phục cho một lối giải quyết như vậy, mà điều này là rất quan trọng trong việc giữ ổn cố đời sống xã hội.
Thực tế cho thấy, khiếu nại đến cái người lấy đất mà mong người ta thay đổi ý kiến thì cái cơ chế như vậy luôn khiến cho người dân ở vào trạng thái tuyệt vọng.
Hơn cả pháp luật
Vấn đề bản chất tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm là do tồn tại sự thiếu rõ ràng về hồ sơ giấy tờ căn cứ.
Cho nên việc giải quyết vụ việc không chỉ đơn thuần căn cứ theo các quy định pháp luật hiện tại.
Có thể hình dung là mấy chục năm trước do nhu cầu của chiến tranh, một cấp chính quyền nào đó đã quyết định sử dụng khu đất ở Đồng Tâm làm sân bay. Nhưng ranh giới mốc giới không xác định rõ ràng và không lập hàng rào quản lý chặt chẽ, dẫn đến người dân tái sử dụng, đến nay chính quyền lại muốn lấy ra cho quân đội.
Nhiều vấn đề sẽ cần làm rõ như xác định gianh giới mốc giới ở đâu, chứng từ sổ sách có lưu giữ không, nhân chứng địa phương ý kiến thế nào, trách nhiệm của cơ quan được giao quản lý đất ra sao, quyền lợi người dân sử dụng đất giải quyết thế nào?
Phải dựa vào các dự kiện thực tế như vậy thì việc giải quyết mới thấu tình đạt lý, và quyền lợi chính đáng cho các bên mới được bảo đảm. Điều đó đòi hỏi sự việc phải được giải quyết bởi Tòa án chứ không thể do chính quyền địa phương giải quyết mà được.
Sự không rõ ràng của hồ sơ chứng cứ khiến cho việc vận dụng pháp luật bị hạn chế và cần đến nhiều nhận định chủ quan, khi đó càng cần đến sự xét đoán công tâm khách quan của Tòa án thay vì Ủy ban nhân dân là cơ quan có trách nhiệm liên quan.
Cho nên giải quyết vụ việc ở Đồng Tâm ngay từ ban đầu đã sai về cách làm, đó cũng do bởi pháp luật về giải quyết khiếu nại đã quy định như vậy và thực tế đáng buồn là Tòa án đã không được nhờ cậy.
Vẫn là Tòa án
Trong một xã hội ai sẽ là người đứng ra bảo vệ cho người dân trước sự xâm hại, mà rất nhiều khi kẻ xâm hại lại là chính quyền?
Trả lời câu hỏi này, lịch sử văn minh nhân loại đã nghĩ ra mô hình chính quyền với ba quyền phân lập gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp. Để nhánh quyền lực này sẽ khắc chế ngăn chặn nhánh kia bảo vệ người dân.
Khi phân chia quyền lực làm ba nhánh, người ta hy vọng rằng sự tha hóa thối nát nếu có sẽ xảy ra không đồng thời, và một trong các nhánh còn lại vẫn giữ được sự trung thành bảo vệ người dân.
Ở VN lâu nay ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp không được phân chia mà tập trung khiến cho quyền lực của các cấp chính quyền quá lớn tạo nguy cơ xấu đối với quyền lợi dân chúng.
Trong vụ việc ở Đồng Tâm thì chính quyền địa phương nắm giữ cả bà quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, người dân không có chỗ nương tựa vào đâu để bảo vệ quyền lợi.
Tòa án đã không hề có vai trò và không hề được nhắc đến như là một thiết chế giải pháp có năng lực giải quyết vụ việc. Quyền hạn của Tòa án quá yếu kém nên không đảm đương được vai trò là định chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.
Rộng hơn một chút, rất nhiều vấn đề lộn xộn hiện nay trong đời sống xã hội đều có nguyên nhân là tư pháp yếu kém đã không đóng góp giúp ích được nhiều cho quản trị quốc gia. Nói cách khác, do Tòa án được thiết kế kém quyền trong hệ thống bộ máy nhà nước lâu nay, đó là nguyên nhân đã dẫn đến nhiều thực trạng xấu của đời sống xã hội.
Nay vụ Đồng Tâm đã xảy ra như vậy, để tránh những trường hợp tương tự về sau, đã đến lúc các ban ngành cần nhận ra vai trò của Tòa án trong quản trị quốc gia, tháo gỡ các xung đột quyền lợi.
Ngành tư pháp VN cần được tăng quyền để làm tốt hơn vai trò trò phân xử tranh cãi, ngăn chặn những sai trái lạm quyền của các cấp chính quyền. Để việc cưỡng chế người dân chỉ được thực hiện sau khi đã có quyết định giải quyết của Tòa án về vụ việc.