Làm gì với trang ‘Chân dung quyền lực?’
Theo BBC – 25 tháng 1 2015
Hôm 23/01/2015, một nhà quan sát về chính sách từ Hà Nội cho rằng nếu nhà nước giữ lựa chọn giữ im lặng với ‘Chân dung Quyền lực’, trong khi lại xử lý nhiều trang mạng, trang blog khác ở trong nước được cho là ‘ôn hòa hơn’ thì có vẻ đã thiếu một ‘chỉ đạo thống nhất’ về truyền thông mạng.
Gây lợi và bất lợi?
Hôm thứ Sáu, trao đổi với BBC về chủ đề ‘khiếu nại, tố cáo’ dưới các hình thức và vai trò của thanh tra, điều tra của nhà nước, chính phủ, PGS. TS. Phạm Quý Thọ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin rằng việc ‘giữ im lặng’ với trang mạng như ‘Chân dung Quyền lực’ có thể tạo ra tình huống một số người này có lợi, trong khi một số người khác trong ban lãnh đạo ở Việt Nam gặp ‘bất lợi’. Ông Thọ nói: “Tôi cho rằng người ta vẫn cứ im lặng để người ta hiểu như rằng đây cũng coi nó như một bức thư nặc danh vậy. “Và người ta lờ đi, và trong cái lờ đi như thế này thì chắc chắn người ta quan tâm, người ta đọc thì sẽ có lợi cho một số người và cũng lại không có lợi cho một số người khác về mặt vận động hoặc đặc biệt là về nhân sự trước Đại hội 12 này.”
Phán đoán về ứng xử của Chính phủ đối với trang mạng này, ông Thọ nói thêm: “Thường thường muốn giải quyết nó thì phải có những cơ quan cao nhất về chống tham nhũng, hoặc là phải có những nhân vật quyền lực lắm để người ta có thể giải quyết được vấn đề này. “Tất nhiên ai mà đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm như thế này thì người ta sẽ hết sức thận trọng, cho nên tôi cho rằng chưa thể một sớm một chiều mà đưa trang này ra công khai hoặc là có những ý kiến chính thức từ một cơ quan nào đó hoặc là từ một vị lãnh đạo nào đó. “Cho nên cái trang này vẫn còn đang là một bí ẩn ất thú vị hiện nay,” Phó Giáo sư Thọ nói với BBC từ Hà Nội.
‘Ảnh hưởng tới chính trường’
Việc có một luồng thông tin như thế, việc tín nhiệm (với các lãnh đạo VN) thì chưa rõ lắm. Nhưng nó có một ảnh hưởng rõ ràng với chính trường VN, cũng rất là thú vị và quan trọng – Phó Giáo sư, TS. Jonathan London
Cũng bình luận về trang mạng đang gây tranh cãi này, trong một Tọa đàm bàn tròn thời sự cuối tuần trước, Phó Giáo sư Jonathan London, từ Đại học Thành thị Hong Kong nêu quan điểm: “Đấy là một sự kiện hết sức thú vị, bởi vì từ trước đến nay chưa bao giờ có một luồng thông tin như vậy… “Và tôi biết rằng việc có một luồng thông tin như thế, việc tín nhiệm (với các lãnh đạo Việt Nam) thì chưa rõ lắm. “Nhưng nó có một ảnh hưởng rõ ràng với chính trường Việt Nam, cũng rất là thú vị và quan trọng. “Và chúng ta cũng có thể trao đổi xem sự phát triển của trang này và cách tiếp cận của các nhóm khác nhau sẽ thế nào. “Nhưng rõ ràng là một sự kiện đáng nghe.”
Nói là bịa thì không phải là bịa, có những tin tôi cũng đã nắm được và tôi cũng đưa lên trang của tôi. – Bà Lê Hiền Đức
Đánh giá về cấp độ xác thực của trang Chân dung Quyền lực và các thông tin mà trang này sản xuất – công bố, một nhà vận động chống tham nhũng từ Hà Nội hôm 23/01/2015 nói với BBC: “Nói là bịa thì không phải là bịa, có những tin tôi cũng đã nắm được và tôi cũng đưa lên trang của tôi,” bà Lê Hiền Đức, công dân chống tham nhũng, một trong hai người được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) trao ‘Giải thưởng Liêm chính’ năm 2007, bình luận. “Tất tật cả thì tôi không dám nói toàn bộ đúng, làm sao tôi quan sát được hết các bài được. “Tôi chỉ biết có những bài là tôi tin được và tôi cũng cùng theo dõi, cùng quan sát…,” bà Hiền Đức nói thêm.
‘Cần phải điều tra’
Một số nhà quan sát cũng nói với BBC cho rằng chính việc nhà nước ‘giữ im lặng’ và chưa đưa ra đối sách ‘chính thức, công khai’ với trang ‘Chân dung Quyền lực’ có thể là một trong các lý do khiến công luận tiếp tục chú ý. Có ý kiến trên mạng xã hội và Internet gần đây còn kêu gọi nhà nước nên tiến hành điều tra ngay về trang này cùng nhiều thông tin được cho là ‘nhạy cảm’ mà ‘Chân dung Quyền lực’ công bố. Mới đây, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội, Luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC cho rằng Đảng và chính quyền nên tiến hành ‘khởi tố’ trang mạng này. Ông Thuận nói: “Trang ‘Chân dung Quyền lực’ là một trang gây rối nội bộ và dĩ nhiên trang này cũng đưa ra nhiều thông tin mà có người nói đến, như ông Lê Đăng Doanh nói là trang này độ chính xác rất cao.
Nếu nói như thế cũng có lý bởi vì cái thứ nhất ông phải biết chủ của nó là ai, thì mới có thể truy tố được, không có thì truy tố một trang ảo, rõ ràng không thể làm được điều đó – PGS. TS. Phạm Quý Thọ
“Tôi nghĩ nếu trường hợp mà Đảng quyết tâm tìm ra rõ ai là người đứng sau trang ‘Chân dung Quyền lực’, thì chỉ cần khởi tố vụ án, điều tra gọi là ‘lộ bí mật công tác’, bởi vì mỗi quyết định bổ nhậm cán bộ cũng là bí mật công tác, thì tự nhiên nó sẽ ra ngay, nhưng những tin đồn đó, tôi cho là không có cơ sở để tin được.” Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nếu chưa biết ‘ai là tác giả’ của trang này và khi chưa kiểm chứng, xác minh chính thức được độ chân thực của các thông tin mà trang này sản xuất và công bố, thì ‘làm sao có thể đặt vấn đề khởi tố’. Bình luận về vấn đề này hôm thứ Sáu, PGS. Phạm Quý Thọ từ Hà Nội nói: “Nếu nói như thế cũng có lý bởi vì cái thứ nhất ông phải biết chủ của nó là ai, thì mới có thể truy tố được, không có thì truy tố một trang ảo, thì rõ ràng không thể làm được điều đó. “Thứ hai nữa cũng coi như là nếu anh không ra mặt thì những thông tin viết ở trên đấy, cũng coi như là những bức thư nặc danh, và có thể những vị lãnh đạo hoặc những cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan những vấn đề này cho rằng đấy là những thư nặc danh, nên người ta cũng không để ý đến chăng. “Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ rằng là khi mà đưa lên mạng và được mọi người chú ý, thì những thông tin này vẫn được quan tâm ít hay nhiều,” ông Thọ nói với BBC.