Làm gì khi không thể đấu tranh ôn hòa công khai? – Vũ Thạch
Lần lượt các bản án càng lúc càng vô lý, vô nhân bủa xuống Mẹ Nấm, Chị Trần Thị Nga, Anh Hoàng Bình, và đặc biệt 6 anh chị Đài – Đức – Tôn – Truyển – Hà – Trội; và lần lượt các đòn phép trấn áp của nhà cầm quyền CSVN đối với Hội Anh Em Dân Chủ, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, nhóm Giáo Chức Chu Văn An, nhóm vận động Văn Đoàn Độc Lập, nhóm nạn nhân Formosa, v.v. đã dẫn chúng ta đến một kết luận khó chối cãi: cách đấu tranh ôn hòa và công khai chưa áp dụng được lúc này tại VN.
Điều cần nói ngay, không phải phương thức Đấu Tranh Bất Bạo Động (ĐT/BBĐ) sai hay không dùng được tại VN. Nếu đào sâu vào kinh nghiệm đấu tranh tại các nước đã thoát ách độc tài, ta sẽ thấy điều kiện tối thiểu để đấu tranh ôn hòa và công khai là khi những kẻ cầm quyền còn bị ràng buộc thực sự bởi luật pháp quốc gia và còn bị sức ép trừng phạt đến mức kiệt quệ của quốc tế.
Hiện giờ giới cầm quyền CSVN không chỉ ngồi trên pháp luật mà còn dùng hệ thống tư pháp, bao gồm cả tòa án và nhà tù, làm công cụ riêng để khủng bố. Và trong tình hình quốc tế hiện nay, đặc biệt với thái độ của Hoa Kỳ đối với nhân quyền trên thế giới, giới lãnh đạo đảng CSVN không những chẳng còn gì để ngán sợ mà còn tận dụng tình hình để càn quét đối kháng.
Vậy chúng ta phải làm gì vào lúc này?
Một lần nữa, nếu học hỏi kinh nghiệm của các dân tộc đã đi qua giai đoạn bị trấn áp tương tự, ta có thể cô đọng vào 3 nguyên tắc sau đây:
Nguyên tắc 1: KHÔNG NGƯNG HOẠT ĐỘNG, KHÔNG ĐỂ MÌNH XUỐNG TINH THẦN. Chúng ta có trách nhiệm, có món nợ tinh thần đối với các anh chị em đang ngồi tù. Phải tiếp tục hoạt động nhưng đổi cách làm cho phù hợp. Cùng lúc không quên bảo bọc gia đình các anh chị em trong tù.
Nguyên tắc 2: Chuyển mọi hành động tuyển mộ, hỗ trợ, phát triển, kết nối TỪ CÔNG KHAI SANG KÍN ĐÁO để bảo toàn lực lượng và kéo dài hoạt động.
Nguyên tắc 3: HOÀ VÀO QUẦN CHÚNG, hoạt động với tỉ số 5% CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG + 95% DÂN CHÚNG BỨC XÚC. Tiếp tục tận dụng các cách đánh Bất Bạo Động bằng số đông.
Áp dụng vào thực tế, 3 nguyên tắc trên trở thành các nỗ lực sau đây:
- Các nhà hoạt động tỏa vào những nơi dân chúng bức xúc nhiều và đang muốn hoặc đã tự đứng lên đòi quyền sống nhưng thiếu kinh nghiệm phản đối tập thể.
- Các nhà hoạt động có thể giúp đỡ phương tiện và cố vấn cho bà con về
- các cách liên lạc an toàn,
- kiến thức luật pháp để đối phó với cán bộ địa phương và gia tăng tự tin,
- cách chọn loại hành động ĐT/BBĐ nào hữu hiệu nhất,
- kế hoạch tiến thoái nhịp nhàng, và
- cách quảng bá hình ảnh, chứng cớ khi bà con bị bạo quyền đàn áp.
- Anh chị em hoạt động sẽ không nổi bật ra như những người cầm đầu nhưng hoà lẫn vào số đông dân chúng và làm việc sát cánh với nhóm bà con dám đứng mũi chịu sào.
- Giới hoạt động làm gạch nối kín đáo chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp hỗ trợ nhau giữa các nhóm quần chúng đấu tranh.
- Và quan tâm nhận diện, khuyến khích thêm số người dấn thân từ các nhóm quần chúng đấu tranh để gia tăng số nhà hoạt động.
Chỉ khi nào các cuộc phản đối, đòi quyền sống của dân chúng nổi lên khắp nơi và những kẻ cầm quyền phải đối phó với quá nhiều đám cháy thì lúc đó sợi xích trấn áp đang trói chặt giới hoạt động dân chủ như hiện nay mới bị bỏ rơi hay đứt đoạn.
18 tháng trước mặt nên là giai đoạn chúng ta cùng tạm để qua bên các mục tiêu đấu tranh đòi các quyền chính trị. Thay vào đó, hãy cùng tỏa ra, lan sâu vào những nơi đang có các cuộc nổi lên tự phát, tự nhiên để giúp bà con đòi quyền sống trước đã.