Thư ngỏ gởi ông Vũ Quang Hiển
25/04/2015 – Lâm Bình Duy Nhiên – Theo FB Lâm Bình Duy Nhiên
Thưa ông, Bốn mươi năm là một khoảng thời gian khá dài, thậm chí quá lâu để làm thước đo cho sức chịu đựng của một dân tộc. Chịu đựng trong nghèo nàn, lạc hậu. Chịu đựng để ngoi ngóp thở trong một xã hội suy dinh dưỡng, xuống cấp trầm trọng từ đạo đức, nhân cách đến niềm tin. Bốn mươi năm, kể từ ngày «đại thắng mùa Xuân 1975», một xã hội thật sự dân chủ và phồn thịnh vẫn là một giấc mơ xa vời đối với người dân Việt Nam, thay vào đó là một xã hội độc tài, tràn đầy bất công, cách biệt giàu nghèo ngày càng trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Đó là một phát hoạ sơ bộ cho hiện trạng của Việt Nam sau 40 năm «thống nhất đất nước». Nói chung là tồi, là tệ lắm thưa ông! Và còn tệ hơn khi nghe cuộc trao đổi giữa ông và đài BBC tiếng Việt. Tôi đã phải nghe lại nhiều lần để hiểu rõ những gì ông nói. Thưa ông, Khi cho rằng không có ngược đãi đối với mọi người sau chiến tranh và nhất là việc học tập cải tạo chỉ là «để học cho nó rõ chính sách của nhà nước Việt Nam thời bấy giờ» hay đó «không có nghĩa là một chế độ tù đày» thì ông đã vô tình hay cố ý khơi dậy một nỗi đau, một vết thương vẫn còn âm ỉ, đau nhói trong lòng của rất nhiều người. Đúng như ông nói là đã không có một cuộc «tắm máu» nào khi quân đội Bắc Việt vào Sài Gòn. Nhưng thay vào đó là một cuộc thanh trừng, trừng phạt toàn bộ xã hội miền Nam Việt Nam nhằm tàn phá, xoá bỏ tận gốc rễ mọi vết tích từ tư tưởng đến văn hoá. Suy cho cùng, thưa ông, nó còn tàn nhẫn hơn là nổ súng giết người! Nói không ngoa, nhưng cả một xã hội đã trở thành một thứ trại tù. Một trại tù kinh khủng và vô nhân đạo, nơi đó, tội ác do chính kẻ cầm quyền gây nên. Có ai hiểu rõ cái loại địa ngục tù đày trong những chế độ độc tài cộng sản hơn Aleksandr I. Solzhenitsyn. Nhà văn Nga đã miêu tả một cách chân thật về hệ thống ngục tù khắc nghiệt thời Liên Xô qua tác phẩm nổi tiếng Quần đảo Gulag. Sự tàn ác, khủng bố tinh thần, bắt bớ một cách vô tội vạ, không cần toà án và pháp luật chính là những đặc tính nổi bật của chế độ. Tù đày, giam cầm, tra tấn, bức bách, khiến sự sợ hãi bao trùm cả xã hội. Những bản án vô nhân đạo, những tiếng nói bất đồng chính kiến bị đoạ đày, thậm chí bị thủ tiêu trong sự bí mật tuyệt đối. Chính Solzhenitsyn cũng đã nếm mùi của những ngục tù khủng khiếp ấy ! Đó không chỉ là Liên bang Xô Viết, qua tác phẩm của mình, ông đã gióng lên hồi chuông cảnh báo sự độc ác của toàn thể các chế độ độc tài cộng sản trên thế giới. Tại Việt Nam, sau biến cố 30/4/1975, nhà cầm quyền đã đơn giản «sao y bản chính», bắt chước đàn anh, xây dựng nên một hệ thống nhà tù, từ Bắc vào Nam, không kém phần khắc nghiệt để trừng phạt những ai liên quan đến chế độ VNCH. Hàng trăm ngàn người bị bỏ tù dưới cái gọi là «học tập cải tạo». Đôi ba năm, thậm chí hơn chục năm và biết bao người đã phải bỏ mạng nơi chốn lao tù. Xã hội bị triệt phá một cách thâm độc, sách vở bị thiêu đốt, người tài bị vứt vào tù hay bị đào thải ra khỏi cuộc sống. Tất cả đều là «tệ nạn xã hội», do đó phải bị «cải tạo». Trí thức đạp xích lô, ba gác, làm khuân vác, vá xe bên lề đường… bùi ngùi, đau khổ trước bản án mà những kẻ chiến thắng đã dành cho mình. Họ không còn cơ hội nào, ngay cả chính con cái của họ cũng thế! Trắng tay, họ mất tất cả, nhưng quan trọng hơn hết chính là sự tự do đã bị tước đoạt một cách trắng trợn. 30/4/1975 đánh dấu sự rạn nứt, đổ vỡ và chia rẽ. Hơn nửa đất nước tìm đường ra đi, bất chấp tính mạng và hiểm nguy. Với tư cách là một sử gia, tôi nghĩ ông phải thấy và hiểu rõ bản chất của thảm cảnh trên. Ông không thể nào đánh đồng những bài học tuyên truyền, sáo rỗng với sự thật mà phân nửa đất nước phải hứng chịu. Thưa ông, Sự ngược đãi đối với những tàn dư, chứng tích của «chế độ cũ» vẫn còn thể hiện rõ sau 40 năm «hoà bình». Ngay cả những nấm mồ của những người lính VNCH tại Nghĩa trang quân đội Biên Hoà cũng bị nhà cầm quyền cố tình một cách nhỏ mọn đưa vào lãng quên, bỏ mặt trong hoang tàn, vắng lạnh. Những thương phế binh của chế độ cũ vẫn còn bị khinh rẻ, ruồng bỏ ngay tại quê nhà. Những mảnh đời đau thương của họ vào tuổi cuối đời vẫn không nhận được một chế độ đãi ngộ nào của nhà cầm quyền, dẫu chỉ tượng trưng. Ngược lại, khi các tổ chức dân sự muốn chăm sóc hay tri ân thì bị chính quyền quấy nhiễu, ngăn cấm! Công sức của những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh hòng bảo vệ Hoàng Sa trong cuộc chiến với Trung Cộng vẫn không được nhìn nhận một cách trung thực. Đó mới chính là nỗi xấu hổ của dân tộc! Ông cho rằng nếu nói tù đày sau 1975 thì đó là một sự «xuyên tạc». Xin lỗi ông, có lẽ chúng ta không có cùng nhận thức về vấn đề. Không thể nào gọi là xuyên tạc khi nói đến một sự thật nhất là khi nó đã được phơi bày trước công luận quốc tế và được kể lại qua bao nhân chứng sống. Ông bảo vệ cái chế độ đã đào tạo nên ông là điều hiển nhiên. Nhưng đến mức nhắm mắt phủ nhận sự thật thì ông mới chính là người xuyên tạc lịch sử dân tộc. Có lẽ ông đã đọc qua bài thơ Ta về của Tô Thuỳ Yên. Hẳn ông cảm nhận được đôi chút về những gì mà người tù VNCH đã phải trải qua sau bao năm tháng bị giam cầm để «học tập cải tạo», để thông hiểu và sáng suốt với tinh thần của cái học thuyết phi nhân, phản khoa học mà đảng của ông đang bảo vệ. Mười năm tù đày, thưa ông. Cái mạng con người còn gì sau chừng ấy thời gian bị mất tự do, bị hành hạ, bị khủng bố? Còn nhiều lắm chứ. Còn cả tinh thần hiên ngang, khảng khái của kẻ sĩ, dẫu bị đời ngược đãi. Đó cũng chính là thái độ cương quyết, không sợ hãi của bao người tù mà chế độ của các ông muốn trừng trị. Ta về một bóng trên đường lớn Thơ chẳng ai đề vạt áo phai Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay Vĩnh biệt ta – mười năm chết dấp Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu Mười năm mặt sạm soi khe nước Ta hoá thân thành vượn cổ sơ Mười năm, hai mươi năm, ừ thì đã sao. Sợ gì! Ta về như lá rơi về cội Bếp lửa nhân quần ấm tối nay Chút rượu hồng đây xin rưới xuống Giải oan cho cuộc biển dâu này Solzhenitsyn miêu tả cái sự khốn nạn, tồi bại, tàn nhẫn của nhà tù cộng sản. Tô Thuỳ Yên ngạo mạn, mỉa mai xem thường mười năm tù tội cộng sản. Cái mẫu số chung là chế độ độc tài phi nhân tính, dẫu tàn bạo đến đâu vẫn không thể tước đoạt khát vọng Sống và nhân cách của một xã hội văn minh! Ông có nói «hoà hợp ở Việt Nam về cơ bản đã giải toả». Tôi không nghĩ như thế. Và đó chính là điều đáng buồn sau 40 năm. Làm sao có thể hoà giải khi mà nhà cầm quyền vẫn còn bưng bít sự thật về một cuộc chiến đau thương mà chính người Việt chúng ta mới là nạn nhân! Hoà giải sao được khi lòng người còn đớn đau bên những người cộng sản vẫn hống hách phô trương chiến thắng và độc quyền lãnh đạo đất nước. Hoà giải và hoà hợp không thể chỉ là những lời nói suông mà còn phải được thể hiện bởi những hành động cụ thể của nhà cầm quyền. Thưa ông, Ông là một trí thức, một sử gia của chế độ, hơn nữa là một nhà giáo. Ông hiểu nhiều về học thuyết cộng sản, một học thuyết vốn bị nhân loại từ bỏ một cách cương quyết. Nhưng ông không có cái dũng và cái tâm của một trí thức biết đớn đau trước tương lai và vận mệnh của đất nước. Cái dũng là dám lên tiếng chống lại bất công, độc tài. Ông có thể bảo vệ cái chế độ ấy, đó là quyền tự do của ông, cũng như ông có quyền tuyên bố bất cứ những gì ông muốn (như ông đã làm với BBC tiếng Việt) về cuộc chiến vừa qua. Nhưng nên nhớ lương tâm của một trí thức là phải nói lên sự thật và đứng về lẽ phải, nếu không, đó chính là một sự xuyên tạc trắng trợn đối với những trang sử của dân tộc. Và dẫu biết rằng «lịch sử luôn được viết bởi người chiến thắng», nhưng giá trị đích thực của lịch sử sẽ luôn luôn được tái lập một cách công tâm và trung thực vì đó là một qui luật bất biến của văn minh nhân loại. Lương tâm chính là yếu tố cao cả của người viết sử. Tiếc thay, ở ông, hoàn toàn không có điều ấy! Chúc ông mau thức tỉnh để đất nước sớm thoát khỏi sự dối trá, ngục tù và hoà mình vào thế giới tự do, dân chủ! Lâm Bình Duy Nhiên, 25/4/2015