Lại vấn đề dân chủ tại Việt Nam – Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa

Cac Bai Khac

No sub-categories

Lại vấn đề dân chủ tại Việt Nam – Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa

Tại nước nhà cũng như tại ngoại quốc, không lúc nào vấn đề dân chủ lại được đề cập đến nhiều bằng lúc này: nào dân chủ  tự do , dân chủ xã hội , dân chủ nhân dân, nào liên minh dân chủ, v.v…  Vì đó, tôi cũng xin lạm bàn đến, và bài viết của tôi gồm có 5 phần sau đây:

1.- Dân chủ là gì?

2.- Có mấy loại dân chủ ?

3.- So sánh các loại dân chủ đã lưu hành.

4.- Làm thế nào để biết một nước thật sự có dân chủ?

5.- Làm thế nào để thực hiện dân chủ tại Việt Nam?

 

I.- Dân chủ là gì?

Dân chủ là chế độ trong đó người dân làm chủ đất nước, trái hẳn với quân chủ là chế độ do nhà vua cầm quyền. Tư tưởng dân chủ phát khởi ở các nước Tây Âu vào thế kỷ thứ 17.  Vào lúc đó, tổ chức xã hội tại các nước Tây Âu còn quá khắc nghiệt, thiếu hẳn công bình.

Trong nước, ngoài nhà vua ra, có 3 hạng là: quí tộc, tăng lữ, và thứ dân.  Quí tộc và tăng lữ  là hai hạng được hoàn toàn ưu đãi.  Quí tộc đã được quyền thế tập còn được giữ hết các chức vụ lớn nhỏ trong triều đình; còn tăng lữ thì hưởng rất nhiều đặc ơn, đặc lợi của  nhà nước.  Người thứ dân , dầu có tài cao học rộng, cũng không được tham gia chánh sự.  Đã vậy, triều đình lại can thiệp quá nhiều vào đời sống của dân.  Nông dân bị hoàn toàn lệ thuộc vào các nhà quí tộc địa chủ nên không được đổi chỗ ở, cũng không được đổi nghề, v.v. .. Họ là nông nô, nên suốt đời bị cột chặt vào mảnh đất của địa chủ họ.  Thợ thuyền  ở đô thị thì tương đối đỡ khổ hơn, nhưng lại bị lệ thuộc quá nhiều vào các luật lệ khắc nghiệt của các phường công nghiệp nên đời sống của họ cũng không sáng sủa hơn gì.  Ngoài ra, cả nông nô lẫn thợ thuyền đều bị bắt buộc phải theo đạo của nhà vua.  Người nào theo đạo khác thì bị khủng bố, giết hại, khó lòng sống yên ổn được.  Họ không có được chút nào về tự do cư trú, tự do đi lại, tự do nghề  nghiệp, tự do tôn giáo,… Triều đình lại ăn tiêu xa xỉ, thuế khoá càng ngày càng nặng, mà các hạng quí tộc, tăng lữ lại được miễn thuế, không phải đóng, nên tất cả gánh nặng thuế khoá, dân chúng phải lãnh đủ.

Đời sống của dân chúng bấy giờ thật vô cùng khổ sở. Nhận thấy sự cùng cực của họ là do sự bất công của chế độ xã hội đương thời, nên một số học giả như John Locke ở Anh, Jean Jacques Rousseau ở Pháp, nêu ra thuyết Dân Chủ, lấy Tự Do, Bình Đẳng làm nền tảng.

Theo lý thuyết Dân Chủ,  mọi người sinh ra tánh vốn tốt, và đều được tự do và bình đẳng.  Chỉ vì xã hội hủ bại cho nên họ trở nên xấu, mất hết tự do và phải chịu nhiều bất công, thành ra khổ sở vô cùng. Muốn cho người được hạnh phúc, thì phải cải tổ xã hội cho tốt trở lại, đồng thời phải bảo đảm cho mọi người  được tự do và bình đẳng với nhau.

Dân chúng tại các nước Tây Âu đang khao khát tự do và bình đẳng nên nhiệt liệt hoan nghênh lý thuyết  Dân chủ .  Họ lần lượt nổi lên đánh đổ những nhà vua chuyên chế và thiết lập chế độ dân chủ .  Trong chế độ này, mọi người dân được quyền tham gia chánh sự bằng cách bầu cử người thay mình vào Quốc Hội làm ra luật pháp , ban bố mọi quyền tự do căn bản, đồng thời công nhận mọi người đều bình đẳng với nhau trước luật pháp.

I I.- Có mấy loại dân chủ?

Trong lý thuyết Dân Chủ của John Locke và Jean Jacques Rousseau, có hai yếu tố quan trọng là tự do và bình đẳng. Có đủ hai yếu tố này mới gọi là dân chủ . Thiếu một chưa phải là dân chủ.Phải có đủ hai yếu tố mới gọi là dân chủ được. Nhưng tự do và bình đẳng thường chống chọi nhau, mâu thuẫn nhau, ít đi đôi với nhau được.

Con người sinh ra vốn mạnh yếu, khôn dại, giởi dở khác nhau. Nếu cho họ được hoàn toàn tự do hoạt động thì người mạnh hơn kẻ yếu, người khôn hơn kẻ dại, người giỏi hơn kẻ dở, nên sự bình đẳng không thể có được. Bằng trái lại, muốn cho mọi người đồng đều như nhau, tức bình đẳng với nhau, thì phải hạn chế sự hoạt động của những người  mạnh, người khôn, người giỏi, mà làm như vậy là hạn chế sự tự do hoạt động của họ rồi.

Vậy hai lý tưởng Tự Do và Bình Đẳng thường chống chọi nhau, không thể đi chung với nhau, cho nên một xã hội tự do bình đẳng thật sự khó thực hiện được. Vì đó, trong hai yếu tố, chỉ chọn một, hoặc Tự Do, hoặc Bình Đẳng, rồi cố gắng khắc phục yếu tố kia, được nhiều chừng nào, tốt chừng nấy, chớ không thể thực hiện cùng một lúc cả Tự Do lẫn Bình Đẳng được.

1.- Tại các nước Tây phương, người ta rất chuộng tự do. Đối với họ, tự do hay là chết.  Vì đó trong hai yếu tố tự do và bình đẳng của dân chủ, họ chọn yếu tố tự do , rồi cố gắng khắc phục cho được phần nào bình đẳng, như bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trước bổn phận và quyền lợi công dân, v.v.. . Vì đó, người ta gọi dân chủ tại các nước Tây phương là nền Dân chủ Tự do.

2.- Các nước xã hội chủ nghĩa , trái lại, cho rằng tự do là mờ ảo, trừu tượng không có được. Nếu có là đối với người giàu, có quyền thế, còn đối với người nghèo, yếu thế, thì không thể nào có được tự do. Như quyền tự do du lịch, tự do mở nhàn in, xuất bản báo chí, tự do kinh doanh, lập công ty, mở ngân hàng,v.v. .. Những quyền tự do đó, chỉ những người giàu có, quyền thế là hưởng thôi, còn người nghèo khó thì chỉ biết ngồi nhìn và mơ ước. Vì đó, người cộng sản gạt qua bên yếu tố tự do, chỉ nhằm chủ trương thực hiện bình đẳng thôi.

Để thực hiện bình đẳng, cộng sản chủ trương tập trung mọi tài sản trong nước làm của chung giao cho nhà nước quản lý, không ai còn có của riêng, không còn kẻ giàu người nghèo, nên bình đẳng với nhau. Nhà nước sẽ thực hiện chế độ cộng sản không giai cấp, trong đó, nhơn loại sẽ sống thân ái với nhau trong cảnh hoan lạc của thế giới đại đồng. Vì đó, dân chủ tại các nước cộng sản được gọi là Dân chủ Bình đẳng (hay Dân chủ Bình Dân, nhưng sau này được gọi thông dụng nhứt là Dân chủ Nhân Dân, như Cọng Hòa Dân Chủ Nhơn Dân Trung Quốc, Cọng Hòa Dân Chủ Nhơn Dân Triều Tiên, v.v. ..).

3.- Ngoài hai loại Dân chủ Tự Do và Dân chủ Bình Đẳng kể trên, còn có loại Dân chủ thứ ba là Dân chủ hướng dẫn ( Démocratie dirigée).

Số là vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, ông Soekarno, Tổng Thống Nam Dương, và Thái Tử Sihanouk, Quốc Trưởng Cao Miên, thấy rằng theo Dân chủ Tự Do là làm tay sai cho Tư bản; còn theo Dân chủ Bình Đẳng là làm đàn em của Cộng sản, nên hai ông cùng đề ra một loại dân chủ mới là Dân chủ Hướng dẫn.

Theo hai ông Soekarno và Sihanouk, dân chủ cao siêu ảo diệu lắm, chỉ những người học cao, dày dặn trong chánh trường thì mới hiểu được và áp dụng tốt, còn dân chúng thì dốt nát, hoặc ít học nên không sao hiểu được. Vậy phải nghe lời dạy bảo, chỉ dẫn của nhà cầm quyền thì mới không làm sai được.  Vì đó, dân chủ được hai ông Soekarno và Sihanouk đề xuớng được gọi là Dân chủ hướng dẫn

Nhưng vì nền dân chủ này vừa mới được manh nha vào đầu thập niên 60 thì đến năm 1965, Tổng Thống Soekarno bị Cộng sản Nam Dương lật đổ (sau đó, đám loạn quân cộng sản này bị tướng Suharto tàn sát, nên mới vãn hồi trật tự được); rồi đến năm 1970, Quốc Trưởng Cao Miên Sihanouk bị Tướng Lon Nol đảo chánh phải lưu vong ra ngoại quốc . Vì đó, thuyết Dân chủ hướng dẫn chưa kịp chào đời đã chết từ trong trứng nước.

Rốt cuộc, trên thế gian chỉ còn có hai loại dân chủ, là Dân chủ Tự do (hay Dân chủ Tư sản, theo lối nói của người cộng sản) và Dân chủ Bình đẳng (hay Dân chủ Bình dân, hay Dân chủ Nhân dân, theo lối nói của người Tựdo).

I I I.- So sánh Dân Chủ Tự Do và Dân Chủ Bình Đẳng.

Dân chủ gồm có hai yếu tố cấu thành là tự do và bình đẳng. Có đủ cả hai yếu tố đó mới được gọi là Dân chủ, thiếu một cũng không được.

Nếu cụ thể hóa Dân chủ bằng con số để làm một cuộc so sánh thô thiển, thì Dân chủ được ví với con số 100, còn Tự do là 50 và Bình đẳng cũng 50:

Dân chủ 100 = Tự do 50 + Bình đẳng 50

Dựa vào phương trình trên đây, ta thử làm một cuộc so sánh giữa Dân chủ Tự do và Dân chủ Bình đẳng.

1.- Dân chủ Tự do.

Người  Tây phương chuộng tự do  nên rong hai yếu tố của dân chủ, họ chọn yếu tố tự do , nên nền dân chủ của Tây phương được gọi là Dân chủ Tự do.

Trong nền dân chủ này, họ áp dụng đủ mọi thứ tự do , từ tự do cư trú, tự do đi lại, tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do du lịch, tự do tín ngưỡng, đến tự do kinh doanh, tự do lập hội, tự do hội họp,v.v. .. Vậy trong 50% tự do, họ đạt ít nhất cũng 40%.

Thiếu bình đẳng, họ cố gắng khắc phục bằng bình đẳng trước pháp luật, trước bổn phận và quyền lợi công dân. Trước luật pháp, cùng phạm một tội, người quốc trưởng và người thứ dân đều bị xử y như nhau, nếu bị kết tội thì cùng bị kết tội như nhau; nếu được tha bỗng thì cùng được tha như hau, nghĩa là cả hai, dù sang hay hèn, dầu giàu hay nghèo, đều bị xử y như nhau, đều bình đẳng nhau trước luật pháp. Còn trước bổn phận và quyền lợi công dân, thì nếu phải thi hành quân dịch, phải đóng thuế hay được hưởng một quyền lợi gì, thì mỗi người phải thi hành nghĩa vụ như nhau, chiếu theo luật pháp qui định về phần mình. Tóm lại, nhờ biết áp dụng nhiều biện pháp khắc phục, nên họ cũng đạt được ít lắm là 30% trong 50% của bình đẳng.

Kể chung, trong 100% của Dân chủ, nền Dân chủ Tự do của Tây phương cũng đạt được đến 70%  (40% của yếu tố Tự do và 30% của yếu tố Bình đẳng).

2.- Dân chủ Bình đẳng (hay Dân chủ Nhơn dân).

Người cộng sản phủ nhận hoàn toàn yếu tố Tự do.  Họ cho rằng tự do là ảo vọng, chỉ có bọn giàu có có nhiều phương tiện mới huởng được, còn bọn nghèo khó chỉ nhìn thôi, chớ chẳng hưởng được gì, nên họ gạt tự do ra khỏi dân chủ . Vì đó trong Dân chủ của họ, chẳng có tự do gì cả, từ các tự do lớn như tự do hội họp, tự do lập hội, tự do tư tưởng, tự do báo chí,. .. cho đến các tự do nhỏ như tự do du lịch, tự do đi lại, tự do cư trú, mà cũng không có nữa.  Tất cả đều phải xin phép. Việc cư trú là vấn đề rất bình thường tại các nước tự do , muốn ở đâu thì ở, không cần phải xin phép, vậy mà ở Việt Nam , cư trú là vấn đề trọng đại.  Phải mất rất nhiều công sức, lắm khi rất nhiều tiền bạc mới được cấp cho cái thể hộ khẩu! Vậy trong Dân chủ Bình đẳng của thế giới cộng sản, chưa đạt được 10% trong 50% của yếu tố Tự do.

Về Bình đẳng, tuy mang danh là Dân chủ Bình đẳng, nhưng trên thực tế, đâu đâu cũng đều thể hiện rõ ràng sự bất bình đẳng: trong bầu cử, chỉ có đảng viên (3 triệu) là được quyền ứng cử, còn toàn thể dân chúng (80 triệu) vì phải bị trải qua cuộc sàn lọc của Mặt Trận Tổ Quốc, đều bị loại hết.  Nhập Bịnh viện, vào học đường, chỉ có đảng viên và gia đình họ là được ưu tiên. Cả được học bỗng, xuất ngoại cũng đều vậy hết. Tóm lại, họ chưa đạt được 20% trong 50% của yếu tố Bình đẳng.

Kể chung, trong 100% của Dân chủ, thì nền Dân chủ Bình đẳng của Cộng sản chỉ đạt được tối đa là 30% (10% của yếu tố Tự do và 20% của yếu tố Bình đẳng). Trong lúc đó, nền Dân chủ Tự do của Tây phương đạt đến 70% của Dân chủ (gồm 40% của yếu tố Tự do và 30% của Yếu tố Bình đẳng).

Nếu làm một cuộc so sánh cụ thể, ta có thể ví nền dân chủ hoàn toàn với cả hai yếu tố Tự do và Bình đẳng (100%) với bầu trời xanh trong, nền Dân chủ Tự do (70%) với Vườn Thú Sài gòn, nền Dân chủ Bình đẳng (30%) với lồng chim trong vườn thú, và dân chúng với chim chóc, thì ta mới hình dung được sự khác biệt của các nền dân chủ này. Chim trong vườn cũng như trong lồng đều được tự do, không bị trói buộc gì cả. Chúng được tự do bay nhảy. Có điều lồng hẹp lại làm bằng gỗ cứng, chắc, nên chúng bị va đầu nhiều, đau đớn, tù túng. Còn chim trong vườn thì hờ vườn rộng, rào thưa, nên thoải mái, tung tăng, chuyền từ cành này sang cành khác. Con người trong hai chế độ cũng vậy: đều được tự do cả. Có khác biệt là do phạm vi rộng hẹp mà thôi. Vì đó, chim trong lồng bao giờ cũng muốn được sổ lồng ra vuờn, còn chim trong vườn không bao giờ muốn bị vào lồng.

Vì Dân chủ được quan niệm nhiều cách khác nhau như vậy, nên ngày nay để dễ phân biệt, người ta không còn gọi Dân chủ suông như trước kia, mà thường gọi kèm như Dân chủ Tự do, để chỉ nền Dân chủ Tây phương, và Dân chủ Nhơn dân để chỉ nền Dân chủ của Khối Xã Hội chủ nghĩa.

IV.- Làm thế nào để biết một nước thật sự có dân chủ?

Muốn biết một nước thật sự có dân chủ hay không, phải dựa vào 4 tiêu chuẩn sau đây:

1.- Có bầu cử thật sự tự do và trong sạch không?

2.- Có tam quyền phân lập không?

3.- Có đối lập chánh trị không?

4.- Có thay đổi nhà cầm quyền không?

Nếu có đủ cả 4 tiêu chuẩn là có dân chủ thật sự, bằng không có hoặc có mà chưa đủ là không có dân chủ hoặc dân chủ chưa hoàn toàn.  Sau đây là các chi tiết:

               1.- Có bầu cử thật sự tự do và ngay thẳng không?

Nói đến bầu cử tự do là nói đến bầu cử trong dó mọi người dân, mọi xu hướng, tổ chúc chánh trị đều được quyền tham dự. Vậy, trong nước đã có đa nguyên, đa đảng rồi. Còn trong sạch là bầu cử ngay thẳng, không có gian lận.

Vậy câu bầu cử thật sự tự do và trong sạch ám tàng trong nước đã có tự do chánh trị, mọi người bất luận thuộc tổ chức đảng phái nào cũng đều được quyền ứng cử, và cuộc bầu cử được tổ chức ngay thẳng, không gian lận.

2.- Tam quyền phải phân lập.

Ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp phải hoàn toàn phân biệt nhau và độc lập với nhau. Có như vậy, luật pháp mới được minh định rõ ràng và công lý mới được bảo đảm.

               3.- Có đối lập chánh trị không?

Đối lập chánh trị rất cần thiết trong sinh hoạt chánh trị. Nó rất cần cho chế độ, giống như thuốc uống rất cần cho con người , và cái thắng rất cần cho chiếc xe. Con người, lúc mạnh không cần dến thuốc, nhưng lúc ốm đau, phải uống thuốc, vậy trong nhà phải có tủ thuốc để phòng hờ.  Chiếc xe, lúc chạy bình thường, không cần đến thắng, nhưng khi quẹo cua, phải rà thắng, hay khi tai nạn bất ngờ xảy ra, phải thắng gấp để tránh tai nạn.  Chánh quyền cũng vậy, lúc bình thường (tức mạnh khoẻ) không cần đến đối lập, nhưng khi gặp khó khăn, khủng hoảng (tức đau yếu, bịnh hoạn) cần có đối lập để sửa chữa kịp thời.

Đối lập chính trị phải tập thể, công khai, hợp pháp, bất bạo động, và xây dựng.  Cá nhân, dù tài giỏi thế mấy, cũng không được nhận là đối lập.  Phải là một chánh đảng mạnh, một tổ chức lớn, mới được chấp nhận là đối lập chính trị. Và đối lập chính trị là để xây dựng, xây dựng cho tốt đẹp hơn, luơng hảo hơn, cho nên cần phải phân biệt đối lập xây dựng với đả phá, chống dối.

4.- Nhà cầm quyền phải luôn luôn thay đổi.

Người cầm quyền chỉ giữ chức vụ theo nhiệm kỳ, thông thường là 2 nhiệm kỳ, sau đó phải rút lui, nhường chỗ cho người sau.  Bởi vì cầm quyền lâu ngày đưa đến các tệ trạng quan liêu, hách dịch, bè phái, lạm quyền, lộng quyền, nguyên nhơn của tham nhũng, thối nát, độc tài. Salazar ở Bồ Đào Nha, Lý Thừa Vãng ở Nam Hàn, Marcos ở Phi Luật Tân, Suharto ở Nam Dương,v.v. .. là những bằng chứng điển hình.

Tóm lại, nước nào có bầu cử thật sự tự do và trong sạch, có tam quyền phân lập, có chấp nhận đối lập chính trị , và có thay đổI nhà cầm quyền thì nước đó có dân chủ thật sự. Bằng chưa có hoặc có mà chưa đủ là chưa có dân chủ.

Dựa vào 4 tiêu chuẩn trên đây, ta thử xét nước Hoa Kỳ , tiêu biểu cho nền Dân chủ Tự do, và Việt Nam CHXHCN tiêu biểu cho nền Dân chủ Bình đẳng, xem tại hai nước đó đã có dân chủ thật sự chưa?

          A.- Tại Hoa Kỳ .

1.- Về bầu cử, nếu không phạm tội theo luật pháp qui định, người nào cũng được ứng cử, bầu cử, không bị hạn chế vì lý do nào. Vậy tại Hoa Kỳ, có bầu cử tự do, và cũng trong sạch, không gian lận nữa. Điển hình là trong cuộc bầu cử năm 1992, Tổng Thống đương nhiệm là ông Bush cha tái ứng cử lại bị thất cử thì không thể bảo rằng có bầu cử gian lận được.

2.- Về tam quyền phân lập, thì tại Hoa Kỳ, các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp được phân chia và biệt lập rất rõ ràng, không quyền nào lấn quyền nào. Khi hành pháp và lập pháp có mâu thuẫn gì không giải quyết được thì đưa ra cho Tối Cao Pháp Viện phán quyết. Và phán quyết của Tốii Cao Pháp Viện là chung thẩm, lập pháp và hành pháp phải chấp hành.  Như trường hợp cựu TT Clinton lạng quạng với cô Monica Lewinsky bị Quốc Hội làm to chuyện, định truất phế ông Clinton. Vụ việc không giải quyết được phải đưa ra Tối Cao Pháp Viện, nội vụ mới êm được. Vậy, tại Hoa Kỳ, tam quyền có phân lập rõ ràng.

3.- Về đối lập chính trị, tại Hoa Kỳ,sau các cuộc bầu cử, đảng nào thắng cử, đảng đó cầm quyền, đảng thất cử đóng vai trò đối lập. Rồi cứ thế tiếp diễn, đảng nào giữ vai trò của đảng nấy, hoặc cầm quyền, hoặc đối lập, và thi hành đúng nhiệm vụ của mình, nên việc chính trị rất điều hòa, nước nhà được ổn định và phát triển.

Và chỉ đối lập về những vấn đề dân sinh thông thường trong nước thôi, còn những vấn đề quan trọng liên quan đến vận mạng nước nhà thì đối lập tường hợp tác với chánh quyền để giải quyết. Như các vấn đề chống khủng bố, can thiệp vào A Phú Hãn (2001), vào Irak (2003), v.v. .. đảng Dân Chủ đối lập đều bỏ thăm ủng hộ lập trường của đảng Cộng Hòa cầm quyèn.  Đó là đối lập xây dựng, và đối lập tại Hoa Kỳ đã chứng tỏ được sự trưởng thành chính trị của mình.

4.- Về nhà cầm quyền phải thay đổi, tại Hoa Kỳ,nhà cầm quyền luôn luôn thay đổi. Mỗi Tổng Thống chỉ cầm quyền có một hay hai nhiệm kỳ là tối đa.  Chỉ có Tổng Thống Roosevelt là làm đến 4 nhiệm kỳ.  Đó là trường hợp đặc biệt và hi hữu. Số là vào năm 1932, Hoa Kỳ trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề. Ông Roosevelt đưa ra chánh sách giải quyết kinh tế thích hợp, nên được dân chúng ủng hộ và ông đắc cử. Biện pháp của ông tỏ ra hữu hiệu. Nạn khủng hoảng được giải quyết, nên đến bầu cử năm 1936, ông được tái đắc cử vẻ vang. Đến cuộc bầu cử năm 1940, đáng lẽ ông không còn được quyền tái ứng cử nữa, nhưng vì lúc bấy giờ, Đệ Nhị Thế Chiến đã xảy ra, tình hình thế giới rất nghiêm trọng, Hoa Kỳ cần có người tài ba, giàu kinh ngiệm lãnh đạo đất nước để đối phó với tình thế, nên ông Roosevelt được đặc cách tái ứng cử lần thứ ba, và cũng thắng cử vẻ vang. Đến năm 1944, chiến tranh vẫn chưa chấm dứt, nên ông lại được đặc cách tái ứng cử lần nữa để đưa chiến tranh đến thắng lợi. Và năm sau – 1945 –  Hoa Kỳ đang bước chân đến chiến thắng thì ông mất, sau khi làm Tổng Thống liên tiếp 4 nhiệm kỳ.

Sau khi ông mất, Hoa Kỳ tu chính Hiến pháp, qui định không ai được làm Tổng Thống quá 2 nhiệm kỳ. Vì đó, nhà cầm quyền tại Hoa Kỳ luôn luôn được thay đổi.

Tóm lại, trong 4 tiêu chuẩn qui định về dân chủ, Hoa Kỳ hội đủ cả 4, nên tại Hoa Kỳ có dân chủ thật sự.

B.- Tại CHXHCN Việt Nam.

1.- Về bầu cử, tại CHXHCN Việt Nam , không tự do cũng không trong sạch.Không tự do, vì tại Việt Nam chỉ có những đảng viên cộng sản là được quyền ứng cử , còn ngườI ngoài đảng, vì phải trải qua cuộc sàn lọc của Mặt Trận Tổ Quốc, nên tất cả đều bị loại. Việt Nam có 83 triệu dân. Trừ 3 triệu đảng viên, còn 80 triệu còn lại đều bị loại.  Vì đó, tham dự bầu cử và đắc cử đều là người cộng sản.

Tại Hoa Kỳ, các cuộc bầu cử đều tự do, ai cũng được quyền ứng cử. Vì đó, ứng cử viên đều là người của dân, được dắc cử là do dân ủng hộ bầu ra, cho nên sau khi đắc cử, họ phải vì dân mà tranh đấu (bằng không, kỳ sau dân sẽ không bầu lại nữa). Vì đó, chế độ tại Hoa Kỳ là chế độ của dân, do dân và vì dân.  Đó là chế độ Dân trị.

Tại CHXHCN Việt Nam , qua cuộc sàn lọc của Mặt Trận Tổ Quốc, các ứng cử viên đều là người của Đảng , được đắc cử là do Đảng xếp đặt, cho nên sau khi đắc cử, phải vì Đảng mà tranh đấu. Vì đó, chế độ tại CHXHCN Việt Nam là chế độ của Đảng, do Đảng và vì Đảng.  Đó là chế độ Đảng trị.

Các cuộc bầu cử tại CHXHCN Việt Nam cũng không trong sạch. Tất cả đều gian lận. Có những ứng cử viên miền Bắc chưa biết gì đến miền Nam, nhưng lại được chỉ định ứng cử trong Nam, và khi công bố kết quả, đã được đắc cử với số phiếu rất cao. Tại các nước dân chủ Tây phương, đắc cử với  60% số phiếu là vẻ vang lắm rồi, nhưng tại Việt Nam trước đây, được 95 – 97 % số phiếu mới là bình thường, phải 99  –  99,99 %  mới được gọi là đắc cử vẻ vang.

Vậy tại Việt Nam , bầu cử không tự do và cũng không trong sạch.

2.- Tam quyền phân lập:  Tại CHXHCN Việt Nam , không có tam quyền phân lập. Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp là một, không có phân quyền rõ rệt.  Và các đảng viên, tuỳ nhu cầu đảng vụ, có khi được điều động hoạt động trong nhiều cơ quan khác nhau. Nhưng dầu 3 cơ quan này có phân quyền đi  nữa, thì sự phân quyền cũng chỉ là trên danh nghĩa, còn trên thực tế, đều đặt dưới sự lãnh đạo duy nhứt của Bộ Chánh Trị.  Bộ Chánh Trị là cơ quan tối cao đầy quyền lực. Mọi mạng lệnh đều xuất phát từ đây. Nó là tổ chức siêu chánh quyền tuy vô trách nhiệm, nhưng có quyền năng vô hạn bao trùm lên cả 3 cơ quan lập pháp, hành pháp,và tư pháp. Chính vì là cơ quan siêu chánh quyền lại vô trách nhiệm, nên Bộ Chính trị thường hoạt động tuỳ tiện, bất kể hợp pháp hay phi pháp, vượt lên cả Hiến pháp nữa. Vì đó, tại CHXHCN Việt Nam , không có tam quyền phân lập.

3.- Có đối lập chính trị không?

Về đối lập chính trị, tại CHXHCN Việt Nam, không có ! Việt Nam là quốc gia độc đảng, chỉ có một đảng duy nhứt là đảng Cộng sản Việt Nam , thì làm gì có đảng thứ hai để làm đối lập. Vả lại, đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn tự cho mình là siêu việt, không bao giờ sai lầm, nên nếu đối lập lại đảng, là phản đảng rồi. Cho nên, từ khi lập quốc đến nay, tại Việt Nam chỉ có đảng chánh quyền mà không bao giờ có đảng đối lập!

4.- Nhà cầm quyền có thay đổi không?

Về vấn đề này, tại các nước cộng sản trước đây, nhà cầm quyền làm cho đến chết mới thôi, không bao giờ chịu thay đổi, như Lénine, Staline tại Liên Xô; Mao Trạch Đông, Châu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình tại Trung Quốc; Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Trường Chinh, Phạm Hùng.. . tại Việt Nam.  Mà càng cầm quyền lâu, càng dễ sinh ra quan liêu, bè phái, lạm quyền, tham nhũng, thối nát.. ..

Tóm lại, trong 4 tiêu chuẩn để qui định dân chủ, tại CHXNCN Việt Nam, không có được một tiêu chuẩn nào.  Vậy tại Việt Nam, không có dân chủ.

V.- Làm thế nào để thực hiện dân chủ thật sự tại Việt Nam?

Muốn thực hiện dân chủ,trước hết, phải có tinh thần dân chủ. Không có tinh thần dân chủ, chớ nói đến dân chủ, vì nếu nói đến, chỉ là nói dối, lừa bịp. Ngoài ra, còn phải có thêm tinh thần khoan dung nữa.  Bởi vì dân chủ vốn đa nguyên đa đảng, nếu không có tinh thần khoan dung để chấp nhận các tư tưởng của các chánh đảng khác với tư tưởng chánh đảng của mình, thì làm sao có dân chủ được?  Vậy, tinh thần dân chủ và tinh thần khoan dung là hai điều kiện tối cần cho việc      thực thi dân chủ.

Muốn có dân chủ , trước hết, trong nước phải có một hệ thống chánh đảng hoạt  động điều hòa.  Không có hệ thống chánh đảng điều hòa, không thể hoạt động chính trị ổn định được. Vậy, hệ thống chính trị hoạt động điều hòa là điều kiện tiên quyết tối cần cho sự ổn định đất nước vậy.

Hãy nh ìn ra thế giới: nước nào có được hệ thống chính trị trưởng thành hoạt động điều hòa, thì nước đó rất ổn định về chính trị, và phát triển về kinh tế. Đó là các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Tại các nước này, dân chúng được sống trong an bình, ấm no và hạnh phúc.

Trái lại, tại các nước chưa có hệ thống chánh đảng, hoặc có mà còn ấu trĩ, chưa hoạt động điều hòa thì luôn luôn bị bất ổn về chính trị và chậm tiến về kinh tế. Đó là các nước thuộc Châu Mỹ La Tinh (tức Trung Mỹ và Nam Mỹ) và phần lớn các nước tại Phi Châu. Tại đây, vì đảo chánh bất ổn triền miên, nên kinh tế không phát triển được. Vì đó, dân chúng tại các nước này rất khốn đốn vì loạn lạc và khổ sở vì nghèo khó.

Hãy nhìn lại các nước gần ta, tại Á Đông này. Đó là các nước Nhựt, Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân, Thái Lan, Nam Dương. Tại sáu nước này, nước nào cũng có hệ thống chánh đảng cả, nhưng các nước Nhựt, Nam Hàn, Đài Loan thì luôn luôn ổn định, còn tại các nước Phi Luật Tân, Thái Lan, Nam Dương thì bất ổn triền miên. Vì sao ? Vì tại Nhựt, Nam Hàn, Đài Loan, các chánh đảng đã trưởng thành, hoạt động điều hòa, đâu ra đó, đúng theo luật pháp qui định, nên chánh trị rất ổn định, không bao giờ có chánh biến.

Còn tại các nước Phi Luật Tân, Thái Lan, Nam Dương, vì các chánh đảng chưa trưởng thành, chưa hoạt động được điều hòa, nên nắm được trọng quyền, họ hay lạm quyền mà gây ra những cuộc chánh biến. Và phần đông, những cuộc chánh biến này đều do quân đội gây ra, cho nên gọi là binh biến mới đúng.

Tóm lại, muốn có dân chủ thật sự tại Việt Nam, trước hết, cần phải có một hệ thống chánh đảng. Không có hệ thống chánh đảng hay chỉ có độc đảng như  CHXHCN Việt Nam hiện nay thì chớ có nói đến dân chủ. Nhưng có hệ thống chánh đảng chỉ mới là điều kiện cần chớ chưa đủ. Muốn có đủ thì hệ thống chánh đảng đó phải trưởng thành, hoạt động điều hòa thì mới có dân chủ thật sự được. Vậy, có hệ thống chánh đảng và các chánh đảng đó đều phải hoạt động điều hòa là hai điều kiện tối cần để thực hiện dân chủ thật sự tại Việt Nam. Nhưng Cộng sản Việt Nam lại rất ngại dân chủ. Họ sợ có dân chủ sẽ bất ổn, sẽ mất chánh quyền, cho nên họ chỉ đổi mới kinh tế, mà không dám đổi mới chính trị để thực hiện dân chủ. Sợ rồi không dám thì không bao giờ có dân chủ được.

Thực hiện dân chủ giống như tập lội hay tập đi xe đạp. Tập lội phải bị uống nước vài lần. Nếu sợ bị uống nước thì không bao giờ biết lội. Tập đi xe đạp cũng vậy, phải chấp nhận té vài lần. Nếu sợ té thì không bao giờ biết đi xe đạp. Thực hiện dân chủ cũng vậy, phải chấp nhận bất ổn vài lần thì sẽ thực hiện được. Như cuộc Cách Mạng Dân Quyền tại Pháp. Cuộc Cách Mạng ”long trời lỡ đất” xảy ra từ năm 1789, vậy mà phải đợi đến nền Đệ Nhứt, Đệ Nhị, Đệ Tam Cộng Hòa rồi đến hết Đệ Nhứt Thế Chiến (1914-1918) chấm dứt, tức gần 130 năm sau, mới có dân chủ thật sự.

Nhựt Bổn, Đài Loan, Nam Hàn có được nền chính trị ổn định như ngày nay là nhờ họ dám thực hiện dân chủ, dám chấp nhận những bất ổn ban đầu, rút tỉa kinh nghiệm để lần lần trưởng thành. Phi Luật Tân, Thái Lan, Nam Dương, nếu cứ tiếp tục con đường dân chủ hóa, điều hòa các hoạt động của mình thì nền chính trị nước họ sẽ lần lần trưởng thành như các nước Nhựt, Đài Loan, Nam Hàn vậy.

Tóm lại, dân chủ gồm có tự do và bình đẳng, nhưng hai yếu tố này lại mâu thuẫn nhau, không đi đôi với nhau được , cho nên trong hai chỉ chọn một. Thế giới Tây phương yêu tự do, chọn yếu tố tự do, nên nền dân chủ của họ gọi là dân chủ tự do. Trong nền dân chủ này, dân chúng được hưởng mọi quyền tự do căn bản, không thiếu quyền nào; còn về bình đẳng, nếu thiếu, thì có quyền bình đảng trước luật pháp, và bình đẳng trước quyền lợi và bổn phận công dân khắc phục.  Thế giới cộng sản thì cho rằng tự do không có thật, chỉ có kẻ giàu là được hưởng, còn người nghèo thì chịu thiệt thòi nên họ phủ nhận hết tự do, chỉ chọn bình đẳng  – bình đẳng về kinh tế , tức mọi người đều vô sản như nhau. Vì đó, nền dân chủ của họ được gọi là  Dân chủ Bình đẳng hay dân chủ bình dân hoặc nhơn dân. Vì người cộng sản phủ nhận mọi quyền tự do, cho nên khi họ nói đến tự do là họ nói dối, nhằm phỉnh gạt thôi. Còn về bình đẳng, thì chỉ có một số đảng viên cộng sản là được hưởng thôi (như ứng cử, quyền lợi), còn dân chúng thì hoàn toàn bị gạt bỏ, chẳng hưởng được gì. Vậy, trong dân chủ bình đẳng, dân chúng đã không có tự do, lại không được quyền bình đẳng nữa!

Việt Nam hiện nay là nước độc đảng, độc tài toàn trị. Từ độc đảng độc tài sang đa đảng tự do, con đường đã nhiêu khê còn diệu vợi, nên phải có thiện chí, quyết tâm, kiên trì mới thực hiện được. Lại phải có tinh thần khoan dung để chấp nhận những tư tưởng và chánh đảng khác, giống như các đảng Cộng sản ở  các nước Tây phương, thì mới mong có được dân chủ ở Việt Nam. Bằng cộng sản cứ khư khư giáo điều, hẹp hòi cố chấp như hiện nay, không chấp nhận đổi mới chính trị, thì vấn đề dân chủ hóa thật sự Việt Nam vẫn luôn luôn là giấc mộng không thành.

Nam California, ngày 27/9/2006

Hoài Sơn