Lãi suất Trung Cộng tác động thị trường thế giới
Việc Trung Cộng (TC) cắt lãi suất và lãnh đạo ngân hàng trung ương Âu châu đưa ra nhận xét đã khiến các thị trường toàn cầu khởi sắc.
Ngân hàng Nhân dân TC vừa giảm mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn một năm từ 3,0% xuống 2,75% nhằm thúc đẩy kinh tế trong nước.
Cùng lúc, Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu châu (ECB) nói ông sẽ “tăng áp lực” nhằm kích thích kinh tế châu Âu, vốn đang vật lộn với những khó khăn.
Chỉ trong vòng nửa giờ sau khi mở cửa hôm thứ Sáu vừa rồi, chỉ số công nghệ Dow Jones ở Mỹ đã tăng gần 1% lên mức cao kỷ lục mới, 17.866 điểm.
Tại Anh, các loại chứng khoán ngành khai mỏ tăng từ 3% đến 5%, với hy vọng lớn là doanh số bán sản phẩm thô sang TC sẽ tăng.
Năm cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thuộc về các hãng dầu khí hoặc khai mỏ.
Đồng tiền của Úc và New Zealand cũng mạnh lên, cho thấy sự phụ thuộc thương mại của hai nước này vào TC.
Việc cắt giảm lãi suất của TC, điều đã gây kinh ngạc cho các thị trường, là lần cắt giảm đầu tiên kể từ 2012 tới nay và bắt đầu có hiệu lực vào hôm thứ Bảy. Lãi suất cho vay thời hạn một năm cũng giảm từ 6% xuống 5,6%.
Hôm thứ Năm, các số liệu cho thấy sản lượng của các nhà máy TC đã giảm lần đầu tiên trong vòng sáu tháng qua.
Mức tăng trưởng kinh tế đã chững lại ở mức thấp nhất trong vòng năm năm qua, đạt 7,3% trong quý trước.
Để cân đối cho tác động của việc giảm lãi suất đối với những người gửi tiền tiết kiệm, ngân hàng trung ương TC nói sẽ cho phép các ngân hàng được linh hoạt trong việc áp dụng mức lãi suất tiền gửi cao hơn, tới tối đa là 1,2 lần so với mức mà ngân hàng trung ương đưa ra thay vì chỉ 1,1 lần.
Phát biểu của Chủ tịch ECB
Cũng trong hôm thứ Sáu, ông Draghi khi phát biểu tại Frankfurt nói rằng ông quyết tâm sử dụng các biện pháp, chẳng hạn như tiến hành mua tài sản với quy mô lớn, để đảm bảo châu Âu không rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ làm những gì phải làm nhằm tăng mức lạm phát và các dự đoán lạm phát càng nhanh càng tốt.”
Lạm phát ở khối các nước sử dụng đồng tiền chung euro hồi tháng trước chỉ đạt 0,4%, thấp hơn nhiều so với mức 2% mà ECB muốn có.
Nếu các nỗ lực hiện thời không đem lại kết quả, thì ông Draghi nói ECB sẽ “thậm chỉ mở rộng thêm các kênh khác mà chúng ta có thể can thiệp vào được”.
Với nhiều người, đây là một tín hiệu rõ ràng cho thấy ECB sẽ sớm tiến hành mua trái phiếu chính phủ.
Kinh tế ở khối eurozone trong quý ba năm nay chỉ đạt tăng trưởng 0,2% so với quý hai.
Đức, vốn là nước mạnh trong khối, chỉ tăng trưởng có 0,1% sau khi bị giảm xuống cũng ở mức đó trong quý trước.
Cổ phiếu ở các thị trường chứng khoán chính của châu Âu đã tăng lên mức cao nhất trong vòng tám tuần qua sau bài phát biểu của ông Draghi.
Sức mạnh Trung Cộng
TC đã rất nôn nóng trong việc muốn chứng tỏ cho thế giới thấy nước này sẽ không tiếp tục phát triển chậm lại trong lĩnh vực kinh tế.
Hồi đầu tháng, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với các quan chức kinh doanh hàng đầu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương rằng các rủi ro mà kinh tế TC đang đối diện là “không đáng sợ đến thế”.
Tập nói chính phủ TC tin rằng họ sẽ qua được những nguy hiểm.
Tập nói ngay cả khi kinh tế TC chỉ tăng trưởng 7% thì nước này vẫn dẫn trước so với các nền kinh tế khác trên thế giới. – Theo BBC