Lá thư Canada: Thiên tài về Nhạc và Thơ
Mà các cụ có biết tôi đang đọc sách gì không ? Chắc là không vì ở hải ngoại này có biết cơ man nào là sách. Tôi xin kể từ từ nha. Xin cho tôi tạm quên chuyện tháp Chàm để nói về cuốn sách quý mà tôi đang có trong tay. Thưa đó là cuốn ‘ Lang Thang Trên Nước Mỹ’ của Tu Dinh ở Colorado. Ông nhà văn này lạ lắm, ông như người đi rong chơi trong vườn, ông thấy hoa gì lạ mắt và đẹp là ông hái và làm thành một bó hoa, rồi ông đem khoe với mọi người. Đây là tập sách thứ 5 ông khoe các sưu tầm của ông. Ông có một cái nhìn rất trí thức về rất nhiều vấn đề. Từ việc Vua Pháp Macron trẻ hơn vợ 30 tuổi với khẩu hiệu ‘Tiến Lên’, En Marche, tới Vua Trump với khẩu hiệu cũng ý tiến lên ‘ Make America Great Again’… Khi viết về nước Mỹ, trang 1375 ông viết : Trong cuộc chiến Việt Nam, chiến lợi phẩm của nước Mỹ là nước Tàu. Qủa là đúng, phải không cơ. Hai miền VN chỉ là hai con bài.
Bên cạnh những ý nghĩ tiến bộ như vậy, tác giả còn trích dẫn cả lời hô hào ngày xưa của đại lãnh tụ Trường Chinh trong việc bài trừ chữ quốc ngữ ABC vì là của Tây. Rồi ông ta hô hào trở về cái chữ của cha ông là chữ nho của Trung Quốc. Sau đó ông hô hào hãy bỏ cái y khoa chỉ đục khoét nạo của bọn đế quốc Tây Phương mà hãy dùng thuốc nam của cha ông lấy từ thuốc Tàu danh tiếng khắp hoàn cầu…
Sau đó có những bài rất tươi mát cho ta xả hơi. Tu Dinh hết lời ca ngợi sắc đẹp của phụ nữ. Ông chủ trương phụ nữ là những sinh vật đẹp nhất hành tinh, thân xác của họ là những tuyệt phẩm của tạo hóa, và ông chứng minh bằng rất nhiều trang hình mầu, hình những thiếu nữ không mặc quần áo. Ông là một nhà nghệ thuật, những hình ông trích dẫn thật là đẹp và mát mắt, không hề gợi dục. Rồi bên cạnh những kỳ tích đó ông còn trích dẫn những bài của nhiều tác giả mà ông thích, chẳng hạn bài của TS Mai Thanh Truyết, của GS Đàm Trung Pháp, của cụ Trà Lũ… Rồi đến bài của chính ông, như những bài bàn về CS, bàn về ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’. Xưa nay nhiều người vẫn thắc mắc ‘ theo định hướng xã hội’ là theo cái gì’. Ông giải nghĩa rất dễ hiểu:
– Giao thương với thế giới, cộng sản bắt buộc phải theo luật kinh tế thị trường là kinh tế tự do, còn ở trong nước, công sản áp dụng kinh tế xã hội chủ nghĩa tức là kinh tế độc quyền.
Mà ‘kinh tế độc quyền’ là gì ? Là 9 cái độc này:
– Nắm lập pháp = quốc hội là của đảng
– Nắm tư pháp = các tòa án là của đảng
– Nắm hành pháp = chính phủ là của đảng
– Nắm tự do ngôn luận = báo chí và truyền thông là của đảng
– Nắm giáo dục = áp dụng sách lược nhồi sọ và ngu dân
– Độc quyền tư tưởng = dân phải theo tư tưởng của đảng
– Kiểm soát và hạn chế Internet = không có tự do internet
– Nắm đất đai và tài nguyên = kho vàng của đảng
– Nắm hệ thống tài chánh = kho tiền của đảng
Nắm giáo dục nhồi sọ và độc quyền tư tưởng, người cộng sản suy nghĩ giùm người dân, người dân không được quyền suy nghĩ khác. Người cộng sản sợ nhất là Tự Do.
Xin hết các chuyện miên man về cả cuốn sách , bây giờ xin trở về trang 1386 mà tôi đang đọc. Theo tác giả Tu Dinh thì cái đảng CSVN hiện nay là cái ‘quả’ của cái ‘nhân’ diệt chủng mà tổ tiên người VN đã gây ra ngày xưa. Tu Dinh viết:
… Các vua chúa VN từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18 đã chiếm toàn bộ lãnh thổ của vương quốc Champa, và diệt hết dân tộc Champa. Đất nước của họ không còn trên bản đồ thế giới, hiện chỉ còn rải rác từ Miền Trung đến Miền Nam những ngọn tháp và đền đài hoang tàn của dân tộc Champa ngày xưa, và một ít người Champa hiện đang lang thang ngay trên đất nước đã mất của chính họ, nó còn mang linh hồn Champa. Trên trái đất này, hình như chưa có dân tộc nào đã chiếm trọn lãnh thổ và tiêu diệt sạch một dân tộc khác trên bản đồ thế giới. Duy nhứt, chỉ Việt Nam đã có hành động diệt chủng rất tàn bạo này. Việt Nam ta quả là tàn ác.
Tác giả kết luận : Nhân sinh ra qủa, đó là luật đất trời. Bởi cái nhân diệt chủng dân tộc Champa qúa ư tàn bạo của các vua chúa Việt Nam, nên ngày nay dân tộc VN phải sống trong cái ‘qủa’ là thảm họa cộng sản, đã kéo dài gần thế kỷ, và còn tiếp tục.
Nghe đến đây thì ông bạn già vừa đi VN về gật gù cái đầu ra chiều đồng ý với tôi và ông Tu Dinh về luật nhân quả này. Ông cười hì hì rồi bảo : Chắc ta phải mời ca sĩ Chế Linh liên lạc với sắc dân Champa hiện còn sống , liên kết họ lại và giúp họ bảo trì các đền đài lăng miếu tổ tiên ngày xưa của họ hiện bị bỏ hoang tàn. Đây là những di tích lịch sử quý báu, ta phải bảo tồn. Chế Linh là con cháu của Vua Chế Bông Nga ngày xưa mà.
Nghe tới Chế Bông Nga thì ông bạn già lại cười hắc hắc. Đây cũng là trường hợp quả báo hay nhân quả. Ông bảo theo nhà sử học Nguyễn Văn Thư, thời đó, từ năm 1377, Vua Chế Bồng Nga của nước Chiêm Thành còn gọi là người Chăm hay Champa, hung hăng đem quân ra tấn công và tàn phá thành Thăng Long thủ đô của VN những 3 lần, cướp bóc và bắt đem về nhiều thanh niên thiếu nữ làm nô lệ, khiến nhiều người nghĩ rằng dân Việt mất đến nơi. Nhưng với lòng dũng cảm, đoàn kết và khôn ngoan, dân ta đã lật ngược thế cờ. Chế Bồng Nga đã tử trận. Tổng kết các cuộc chiến mấy trăm năm với họ như sau:
– Lê Đại Hành san phẳng kinh đô Indrapura
– Lý Thánh Tông hạ Chế Ma na, sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị. Sau đó Chiêm Thành chịu thần phục, nhưng đã nhiều lần nổi loạn đòi lại đất
– Trần Nhân Tông gả Công Chúa Huyền Trân cho Chế Mân, và được tặng Châu Ô và Châu Ri, tức xứ Huế ngày nay.
– Cha con Hồ Quý Ly chiếm lấy Đà Nẵng và Quảng Ngãi
– Chúa Nguyễn Phúc Tần tiến vào Nam chiếm đến Nha Trang và Khánh Hòa
– Chúa Nguyễn Phúc Chu bắt vua Chiêm, chiếm đất Bình Thuận, Phan Rí, Phan Rang. Chiêm Thành bị xóa tên trên bản đồ vào cuối thế kỷ 18.
– Cuối cùng, thế kỷ 19, Vua Minh Mạng xóa sổ Thuận Thành Trấn, chấm dứt lịch sử nước Chiêm Thành…
Nghe đến đây thì ông bạn già hỏi tôi : Theo như ông, và Ông Tu Dinh thì hồn Vua Chế Bồng Nga và tổ tiên của ông ta đã dùng nạn cộng sản để trả thù dân VN sao? Vậy muốn chấm dứt CSVN thì ta phải lập đền thờ tạ tội cùng vua Chế và xin vua Chế tha tội ngày xưa, đúng không?
Về đề nghị này , các cụ độc giả nghĩ sao cơ?
Chuyện Tháp Chàm ở Miền Trung đã đưa các cụ đi xa qúa rồi. Lâu lắm tôi và ông bạn gìa mới có dịp gặp nhau nên chúng tôi miên man rất nhiều chuyện là vậy. Để chấm dứt chuyện người Chàm, tôi hỏi ông chuyện ở VN : Ngôn ngữ ở Saigon và Hà Nội nay ra sao ? Ông lại cười, ông bảo : Có rất nhiều tiếng mới, những thứ tiếng nghe vừa lạ tai vừa thấy kỳ cục và buồn cười. Ví dụ nha. Khi nói về một phi cơ dành riêng cho lãnh tụ nào đó, VC gọi là ‘chuyên cơ’, phi công trưởng gọi là cơ trưởng, phi công phó gọi la ‘cơ phó’, phi hành đoàn là ‘tổ lái’, nghe có lạ tai không. Về làm ăn buôn bán, cái gì cũng phải chạy chọt đút lót, nghĩa là hối lộ. Bây giờ ở VN người ta gọi hối lộ là ‘lịch sự’ hay ‘bôi trơn’. Nếu đem dâng tiền hối lộ mà được cho lại một ít thì VC gọi là ‘tiền lùi’. Đồ giả thì gọi là đồ ‘đểu’, như hàng đểu, bằng đểu, rượu đểu, thuốc đểu…Nghĩ mà buốn cười, nhân loại đã qua các thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, còn VN ta bây giờ tiến tới đồ đểu!
Rồi tôi hỏi ông bạn về âm nhạc hiện nay thì sao?
Ông như được hứng, nói ngay: Ngày xưa, sau 1975 khi tôi còn kẹt ở VN thì nhạc rừng rú của VC từ Hà Lội tràn vào Saigon. Nhưng dân Miền Nam đã khựng lại, họ không thèm hát ‘thề phanh thây uống máu quân thù’, bây giờ là nhạc vàng như thủa xưa, tiếng quen thuộc ai cũng nói bây giờ là nhạc bolero. Dân ưa thích những Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Nguyễn Văn Đông. À, tháng Ba vừa rồi có đám tang của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, ông là cựu đại tá của VNCH ngày xưa. Ở tù VC ra, Ông không thèm đi Mỹ. Đám tang của ông có biết bao nhiêu là vòng hoa. Điều cảm động nhất là khi xe tang chạy qua, tôi thấy người đàn ông con trai nào cũng giơ tay lên chào rất nghiêm trang và kính cẩn.
Rồi ông bạn tôi miên man bàn tới Phạm Duy và Trinh Công Sơn. Ông bảo đây là 2 thiên tài. Giới trẻ miền Bắc rất thích nhạc Trịnh Công Sơn. Nhiều người bây giờ coi Trịnh Công Sơn vừa là thi sĩ vừa là nhạc sĩ, mặt nào cũng tuyệt vời. Già trẻ lớn bé gì cũng thấy bóng dáng mình trong nhạc Trịnh Công Sơn. Tác giả Từ Thức người đi du lịch rất nhiều kể 2 chuyện này làm tôi cảm động quá:
– Một buổi chiều tàn, trong một bià rừng Brazil khỉ ho cò gáy tôi nghe có tiếng khàn khàn vọng ra từ một căn nhà gỗ : Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Dài tay em với những thoáng mây bay…Người hát là một ông già Ấn Độ, sống ở VN từ nhỏ. Ông vượt biển, tàu bị đắm, ông được một tàu của Ba Tây vớt. Ông ở lại Ba Tây làm nghề canh rừng. Suốt ngày ông lủi thủi một mình, tháng năm đằng đẵng, nên ông mơ đến những cơn mưa trên tầng tháp cổ… Trịnh Công Sơn đã đem giấc mơ này tới cho ông.
– Một ngày ở ngoại ô La Havanne, trong một tiệm ăn nhỏ bên bờ biển, nơi người ta đamg bán lậu tôm hùm cho du khách, tôi nghe một giọng hát đàn bà, rất trong rất ngọt, từ trong bếp vọng ra: Ngày gió lớn. Tai nghe môi gọi thầm. Gọi tên em, tên Việt nam, trong tiếng nói da vàng. Người hát là một bà Bắc Kỳ, từ Hà Nội sang Cuba, trong một chương trình hợp tác gì đó. Có lẽ bà đã mệt nhoài sau nhiều năm hát thề phanh thây uống máu quân thù…
Trịnh Công Sơn nhỏ bé gầy gò, ăn nói nhỏ nhẹ và ôn tồn, Sơn trở thành bạn của mọi người một cách rất tự nhiện. Đặc biệt Trịnh Công Sơn có đôi mắt rất tinh anh và láu lỉnh, còn nụ cười thì hiền lành như một thày tu khiêm tốn. Đây là phong thái của một người có thực tài.
Sơn gốc người Huế, học trường Pháp nhưng lời nhạc của anh là lời thơ. Người khác dùng thì là lời tầm thường, Sơn dùng thì nó biến thành ma lực, thành lời có hồn. Người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ… Mùa thu không về, mùa xuân cũng ra đi… Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…
Kẻ thù của Sơn là chiến tranh. Lời nhạc của anh là những tiếng nức nở: …Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng, Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn…
Nhiều người hễ nói tới Trịnh Công Sơn thì liền kết án bảo anh là người phản chiến. Người hiểu Sơn nhất, quý Sơn nhất, không muốn mất một thiên tài là thiếu tướng Lưu Kim Cương của Không quân VNCH biệt khu Tân Sơn Nhứt. Trong các lời ca, Sơn không hề có một lời ca ngợi CS, Sơn chỉ nói tới tình yêu và chiến tranh tàn khốc mà thôi. Bạn bè tôi cho biết khi người ta hỏi Phạm Duy về tình yêu nơi Trịnh Công Sơn, Phạm Duy đáp ngay : Tình yêu của Sơn chỉ hương hoa, lãng mạn, trên mây trên gió, không thực. Còn tôi í à, yêu là xáp lá cà, là tới bến luôn’. Tôi cho câu nói này của Phạm Duy rất đúng, đúng cho cả 2 người.
Nghe các bài của Trịnh Công Sơn, giọng nhừa nhựa đầy khói thuốc của Khánh Ly, giọng vượt thời gian của Thái Thanh, giọng truyền cảm của Lệ Thu, ta thấy lòng mình chơi vơi…
Sau 1975, Trịnh Công Sơn có kết thân với nhạc sĩ Văn Cao. Văn Cao phê bình về người bạn mới: Sơn làm nhạc và lời dễ như lấy từ trong túi áo ra.
Thật tiếc một thiên tài đã bỏ chúng ta ra đi khi vừa 62 tuổi, vào ngày đầu tháng Tư này, năm 2001. Nhạc sĩ Phạm Duy thọ 92, hơn Trịnh Công Sơn 30 tuổi. Giá mà thiên tài Trịnh Công Sơn thọ bằng thiên tài Phạm Duy thì vườn hoa thi ca và âm nhạc Việt Nam sẽ đẹp thêm biết chừng nào!
TRÀ LŨ