Ký ức, thời gian dưới ngòi bút của Kazuo Ishiguro
TẠP CHÍ VĂN HÓA
Nhà văn Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro, tân khôi nguyên Nobel Văn Học 2017, trả lời phỏng vấn bên ngoài nhà riêng tại Luân Đôn, ngày 05/10/2017.REUTERS/Toby Melville
Theo cha mẹ đến Anh Quốc từ năm 6 tuổi, Kazuo Ishiguro (sinh ngày 08/11/1954 tại Nagasaki) chưa từng nghĩ một ngày sẽ theo nghiệp văn chương. Ông từng mơ biểu diễn ghi-ta trên sân khấu nhạc rock hơn là cầm bút, vì 5 tuổi, cậu bé Kazuo đã biết chơi piano và 14 tuổi, đã chơi thành thạo ghi-ta.
Suốt thời thanh niên trong những năm 1970, Kazuo Ishiguro không đoái hoài đến văn chương vì “có rất ít nhà văn gây phấn khích, ngoài Kerouac và Beat Generation”, như ông từng thổ lộ với tạp chí L’Express năm 1997 khi giới thiệu với độc giả Pháp cuốn The Unconsoled (tạm dịch : Kẻ không khuây khỏa).
Cuối cùng, ông chọn con đường văn chương khi bắt đầu “đối chiếu giữa cuộc sống ở Anh với nhiều sự kiện diễn ra trong nước Nhật ngày trước. Năm 23 tuổi, tôi muốn trưởng thành và muốn làm sống lại ký ức của quê hương mình mà tôi có cảm giác đang biến mất”. (L’Express, 1997).
Tốt nghiệp trường đại học Kent năm 1978 và nhận bằng thạc sĩ khóa sáng tác văn chương của trường đại học East Anglia năm 1980, ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ năm 1982 với tác phẩm đầu tay A Pale View of Hills (tạm dịch : Những ngọn đồi xa mờ), đoạt giải thưởng Winifred Holtby của Viện Văn Học Hoàng gia Anh, tiếp theo là An Artist of the Floating World(1986). Cả hai tác phẩm gợi lại một nước Nhật thời hậu chiến, chật vật đứng lên từ đống đổ nát, về số phận của các nhân vật bị coi là “phản quốc”.
Từ đó đến nay, ông viết thêm nhiều cuốn tiểu thuyết khác, với chất lượng khá ổn định : The Remains of the Day (tạm dịch : Tàn dư ngày ấy, 1989, đoạt giải Booker), The Unconsoled (tạm dịch : Kẻ không khuây khỏa, 1995), When We Were Orphans (tạm dịch : Khi chúng ta mồ côi, 2000), Never Let Me Go (Mãi đừng xa tôi, 2005) và The Buried Giant (Người khổng lồ ngủ quên, 2015) và một tập truyện ngắn Nocturnes : Five Stories of Music and Nightfall (Dạ khúc : Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông, 2009).
Cuốn tiểu thuyết Never Let Me Go (Mãi đừng xa tôi) được Time Magazine xếp vào danh sách 100 cuốn sách tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến năm 2005. The Remains of the Day được James Ivory chuyển thể thành phim cùng tên năm 1993 với hai diễn viên chính Anthony Hopkins vào vai quản gia Stevens tận tụy, lịch thiệp chấp nhận chối bỏ và chôn sâu cả tình yêu thầm lặng với cô Kenton (Emma Thompson) dành cho ông. Năm 2010, khát khao tình yêu, hạnh phúc trong thế giới “giả tưởng” của ba nhân vật Kathy, Ruth và Tommy có chung một số phận được định đoạt trong Mãi đừng xa tôi được Mark Romanek đưa lên màn ảnh nhỏ.
Hai tác phẩm được chuyển thể thành phim này cùng với cuốn The Unconsoled nằm trong danh sách ba tác phẩm cần đọc, theo nhật báo Le Figaro, nhân dịp công bố tân khôi nguyên Nobel Văn Học 2017.
Bìa ba tác phẩm của nhà văn Kazuo Ishiguro được Nhã Nam xuất bản tại Việt Nam.RFI / Tiếng Việt
Tác phẩm của Kazuo Ishiguro : 10 năm có mặt tại Việt Nam
Riêng tại Việt Nam, tiểu thuyết gia Kazuo Ishiguro không phải là một tên tuổi xa lạ. Ba trong số tám tác phẩm của ông đã được Nhà xuất bản Nhã Nam kết hợp với Hội Nhà Văn biên dịch và phát hành : Mãi đừng xa tôi, Dạ khúc : Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông, Người khổng lồ ngủ quên.
Trả lời RFI tiếng Việt, anh Nguyễn Xuân Minh, phụ trách bản quyền của Nhã Nam, giải thích thêm về tân khôi nguyên Nobel Văn Học 2017.
RFI : Nhà xuất bản Nhã Nam dịch và phát hành ba tác phẩm của nhà văn Kazuo Ishiguro từ cách đây vài năm, dĩ nhiên trước khi ông được trao giải Nobel Văn Học 2017. Những điểm nổi bật nào của nhà văn Anh gốc Nhật đã thu hút Nhã Nam ?
Nguyễn Xuân Minh : Tác phẩm đầu tiên của Kazuo Ishiguro mà Nhã Nam xuất bản là tác phẩm Mãi đừng xa tôi, không phải là vài năm trước mà là 10 năm trước, từ những năm đầu tiên Nhã Nam mới thành lập. Sau đó, đến năm 2015, chúng tôi ra tiếp một tập truyện ngắn của ông tên là Dạ khúc : Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông. Và gần đây nhất, chúng tôi mới ra tác phẩm, và cũng là tác phẩm mới nhất của ông, Người khổng lồ ngủ quên.
Tác giả này đã được Nhã Nam khai thác từ những năm đầu tiên. Vì khi đó chúng tôi có quan niệm muốn giới thiệu những tác giả văn chương đương đại, có phong cách đặc biệt, đến với độc giả Việt Nam, bởi vì khi đó, thị trường sách văn học Việt Nam, trong thời điểm 10 năm trước, không được phong phú như bây giờ. Chúng tôi cảm thấy cần có trách nhiệm giới thiệu những tác giả xuất sắc của văn chương thế giới, như Ishiguro, Ian McEwan, Salman Rushdie, Margaret Atwood và Mugakami đến với độc giả Việt Nam.
Khi đó, cùng với Ian McEwan, Ishiguro là một trong hai tác giả người Anh mà chúng tôi lựa chọn, vì chất văn chương rất đặc trưng của nước Anh. Dù ông là người gốc Nhật, nhưng ảnh hưởng của gốc gác đối với văn chương của ông không nhiều, mà ông viết rất đặc trưng chất Anh. Chính vì thế, chúng tôi đã muốn giới thiệu tác giả này với độc giả Việt Nam từ 10 năm trước.
RFI : Có nhiều ý kiến cho rằng văn phong của Kazuo Ishiguro mang phong cách cổ điển, đôi khi quá trau chuốt về câu chữ. Liệu điều này có phải là một trở ngại để thu hút nhiều độc giả Việt Nam hơn, khi mà hiện nay nhiều tác phẩm được viết với phong cách nhẹ nhàng đang rất “ăn khách” ?
Nguyễn Xuân Minh : Về mặt đón nhận, khi chúng tôi xuất bản Mãi đừng xa tôi lần đầu tiên, chúng tôi nhận được nhiều lời khen và nhận xét tích cực từ giới phê bình và độc giả yêu văn chương. Tuy nhiên, cũng như nhiều tác giả văn chương đương đại khác rất nổi tiếng trên thế giới, khi mà xuất bản tại Việt Nam, các tác phẩm này đều khá kén chọn độc giả và không phải có nhiều người biết đến tác phẩm Mãi đừng xa tôi. Một phần cũng do khi đó, công tác truyền thông của Nhã Nam chưa tốt lắm nên chúng tôi lấy làm tiếc là không có nhiều người biết đến tác phẩm này. Đấy cũng là một phần nguyên nhân khiến chúng tôi đã không nghĩ đến xuất bản tiếp các tác phẩm của Ishiguro.
Đến năm 2013-2014, chúng tôi nhận được một vài tác phẩm mới do người đại diện của tác giả gửi đến, vì Nhã Nam là đơn vị đầu tiên xuất bản Ishiguro tại Việt Nam, nên khi có tác phẩm mới, họ gửi đến. Chúng tôi đọc thử và cảm thấy là văn phong và câu chuyện của ông đều rất tuyệt vời và chúng tôi nghĩ là không thể không tiếp tục xuất bản, nên chúng tôi tiếp tục mua bản quyền thêm ba cuốn của Ishiguro : Dạ Khúc, Người khổng lồ ngủ quên và cuốn nổi tiếng nhất của ông là cuốn được giải Booker là The Remains of Day, tạm dịch là Tàn dư ngày ấy. Cuốn này là cuốn đạt giải cao nhất của ông và khá dầy và tương đối khó dịch nên chúng tôi hy vọng có thể xuất bản được vào năm 2018.
RFI :Độc giả Việt Nam đón nhận các tác phẩm của nhà văn Anh gốc Nhật này như thế nào ?
Nguyễn Xuân Minh : Trước khi ông được giải Nobel, cũng có một bộ phận độc giả yêu văn chương nước ngoài, yêu văn chương Anh rất thích tác phẩm này (Xin đừng xa tôi) và cũng có nhiều người đã gửi thư và gửi tin nhắn cho chúng tôi, yêu cầu chúng tôi xuất bản thêm các tác phẩm của ông. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trước là văn chương của ông khá kén độc giả. Con số bán hàng ở Việt Nam cho thấy chưa phải là có nhiều người thực sự đọc và yêu thích Ishiguro.
Thực ra, mỗi khi có một cuốn sách quan trọng được xuất bản, chúng tôi đều cố gắng tổ chức chương trình tọa đàm, những buổi ra mắt để giới thiệu sách đến với độc giả. Ví dụ khi cuốn Mãi đừng xa tôi được xuất bản lần đầu, chúng tôi cũng có một buổi tọa đàm, giới thiệu tác phẩm này ở Hội Đồng Anh (Hà Nội). Có khá đông đảo phóng viên và bạn đọc đến tham dự buổi ra mắt này. Buổi đó khá là lớn.
Sau khi ông được giải Nobel, tất nhiên chúng tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ được nhiều độc giả biết đến hơn và được đọc rộng rãi ở Việt Nam.
***
Kazuo Ishiguro (dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng), Mãi đừng xa tôi, NXB Văn Học, Nhã Nam, 2013, 434 trang.
Kazuo Ishiguro (dịch giả An Lý), Dạ khúc : Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông, NXB Nhã Nam, 2013, 294 trang.
Kazuo Ishiguro (dịch giả Lan Young), Người khổng lồ ngủ quên, NXB Văn học, Nhã Nam, 2017, 460 trang.