Kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Đại học Huế: Huế, Viện Ðại Học, Cha Luận và Chúng Tôi
(GS Nguyễn Văn Trường, nhà giáo và chính khách nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh năm 1930 tại Vĩnh Long; giáo sư tại Viện Đại học Huế; hai lần đảm trách chức vụ Tổng trưởng (tức Bộ trưởng) Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa. Ông là người tích cực vận động và đóng góp vào sự ra đời của Viện Đại học Cần Thơ vào năm 1966).
Huế, trong hồi ức của tôi, qua suốt ba thập niên dài, 1945 – 1975, là Huế của những biến cố, những biến động, của những huy hoàng và tang thương. Cho đến 1954, Huế là cơ ngơi của Nguyễn triều, sống với niềm kiêu hãnh của một đế đô, có chật hẹp, có tù túng, nhưng gạo vẫn trắng, nước vẫn trong. Thành phố của bình an và lặng lẽ. Nam Kỳ, tuy xa lạ với Nguyễn Triều suốt non một thế kỷ, vẫn nhìn Huế là Thủ đô. Nhà Vua là linh hồn của giang sơn gấm vóc từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Rồi ông Bảo Đại đi, ông Diệm về, Huế cũng vẫn là xứ sở của một triều đại mới, và vẫn được nuông chiều. Huế chỉ thực sự đi vào dâu bể của lịch sử từ những năm sau 63.
Năm đó, khởi đầu bằng một cuộc cách mạng, Huế lần hồi trở thành thành phố của hận thù, của tranh chấp, của những cơn sốt chính trị. Cha, thầy, sư sãi, quốc cộng, sinh viên, chợ Đông Ba, lên đường, xuống đường. Rồi Mậu Thân 68, cuộc thảm sát. Rồi mùa hè lửa đỏ 72, Quảng Trị thất thủ, Huế trở thành vùng địa đầu giới tuyến. Phập phòng lo âu. Rồi tháng 3-75. Cuộc rút quân thê thảm. Từ đó Huế như đi khỏi đời tôi. Hay nói một cách khác, tôi sợ, mỗi khi nghĩ về Huế.
Nhưng đó là chuyện cũ. Từ đó đến nay, cũng đã thêm gần một phần tư thế kỷ trôi qua. Tôi bây giờ đã già, lòng đã lắng xuống, để có những cái nhìn chín chắn hơn. Tôi bây giờ đã biết nói tới, nói lui, đã biết nhìn xuôi, nhìn ngược. Trong một tâm trạng hồi niệm, tôi muốn viết về Huế của một giai đoạn ngắn ngủi, từ 57-63, mà chúng tôi thường gọi là giai đoạn phát triển đại học. Tôi muốn nói về Huế của những năm bừng lên trong một khí sắc mới, nói đến sự hình thành của Đại học Huế, nói đến Cha Luận, nói đến lũ trẻ chúng tôi, không sợ trời, không sợ đất, khuấy động cái yên tĩnh của thành phố lặng lờ như giòng Hương giang đó. Tôi muốn nói một chút về phần đời của tôi và cái hạnh phúc nhỏ của riêng tôi, nhỏ mà thật bền, mà tôi đã tìm được trong thời gian 6 năm ở Huế.
Phải thành thật thú nhận, khi nhận sự vụ lệnh ra dạy ở Viện Đại học Huế, cả gia đình, mẹ tôi và các anh chị tôi, không ai vui. Riêng tôi, tuy có cái thú phiêu lưu nơi đất lạ, nhưng nghe nói về Huế, thật không có gì hấp dẫn cuốn lôi. Huế là một nước khác, ngoài nước Nam kỳ. Huế xa xôi. Huế tù túng, chắc không hợp với một thằng người Nam, thích ăn tục, nói lớn, không có ý niệm về quyền uy, thứ bậc của triều đình mà âm vang vẫn còn đâu đó trong các giai tầng xã hội Huế. Đại học thời tân lập, mới hiện diện trên giấy tờ. Ông Viện Trưởng lại là một ông cha, cha Cao Văn Luận.
Ngày đó tôi còn trẻ lắm, chưa biết sống theo lề luật, chưa biết tôn trọng những giá trị tinh thần, nhất là những giá trị tinh thần có tính áp đặt tôn giáo. Tôi không rõ học với ai hồi nào, nhưng trong tôi đã có một thành kiến rất mạnh về các nhà tu: học không xong, cua gái, gái chê, nên mới đi tu. Ngày còn nhỏ, tôi vẫn tin, sáng sớm ra đường gặp ông lục[i] là cả ngày xui không thể tả. Tôi là một thứ Lệnh Hồ Xung. Lạy các cha, các thầy, tha cho con, tha cho những vọng tưởng, vọng ngôn, vọng ngữ tồi tệ, không xứng đáng này.
Vậy là tôi ra Huế, và ở lại nơi này 6 năm, từ 1957, ngày viện đại học mới thành lập, cho đến 1963, khi viện đã trở thành một định chế văn hóa vững chắc. Tôi rời Huế, vào Sài Gòn, nhận nhiệm vụ mới. Tôi đi, mang theo một người Huế bên tôi, mẹ của mấy đứa con tôi, và bây giờ là bà ngoại của đứa cháu suốt ngày gọi tôi: “Ông ngoại! Ông ngoại!”. Huế không còn là Huế của những ngày tôi mới đến, Huế đã là một phần đời của tôi.
Với Viện Đại học Huế, với những em sinh viên, học trò của tôi, tôi mang theo như những hành trang trân quý, mang theo cho đến bây giờ.
Với cha Luận, cái nhìn của tôi thuở ban sơ và bây giờ cũng khác đi nhiều. Cha là người linh mục độc nhất làm viện trưởng một viện đại học công lập. Nếu giáo sư Nguyễn Quang Trình là ông viện trưởng đầu tiên, có công hóa giải sự chống đối việc thành lập Viện Đại học Huế của một số khoa bảng Sài Gòn lúc bấy giờ thì cha Luận là ông Viện trưởng đã xây dựng và hình thành những cơ sở chính yếu của Viện Đại học Huế: khởi đầu là trường luật, văn khoa, khoa học, sư phạm.
Sau đó thêm trường y. Tôi có lắm dị đồng với cha viện trưởng của tôi, nhất là trong mấy niên học đầu. Dị đồng, và mâu thuẫn, ở cái nhìn, cách hành xử. Cha là nhân vật nhiều người bàn cãi nhất ở Huế trong giai đoạn đó. Người không thích cha thường nói: “Cha Thích[ii], chết về trời; cha Luận chết,… kẹt… dưới thế gian”. Tôi nghĩ, vốn dĩ là con người, thì không ai là thánh, không ai hoàn hảo. Thiện ác, chánh tà, thời cũng do bởi ở tiêu chuẩn người đời đặt ra. Thương ghét, cũng tùy chủ quan được mất của một người. Hôm nay, tôi viết về cha, lời viết sẽ không mang tính phán đoán.
Hôm nay, viết về Cha, tôi phân vân giữa hai từ: ngài hoặc cha. Có sự kính trọng người quá cố, nhưng không chỉ có bấy nhiêu. Tôi không viết một bài điếu văn để đọc tưởng niệm. Tôi chỉ muốn ghi lòng mến thương, và sự kính trọng chân thành từ trong sâu xa của tôi đối với Cha. Buổi đầu, trong giao tiếp hàng ngày, tôi xưng con và gọi ngài là Cha. Tôi không là người Ki Tô Giáo, nhập gia thì phải tùy tục, nên cũng có lắm ngỡ ngàng, lâu dần mới quen được với cách xưng hô đó. Bây giờ, tôi cũng chỉ muốn gọi ngài là cha, Cha Luận, nhưng là do lòng kính mến.
Tôi cũng sẽ viết về Huế, viết về ngôi trường, viết về những đồng nghiệp, đồng sự, về những người sinh viên Huế, đến từ cái duyên tương ngộ với Cha.
Cha Luận là người đầu tàu, người tiên phong, lãnh đạo trong việc xây dựng một viện đại học công cho cả miền Trung Việt. Ngài là người cho tôi duyên lành tương ngộ với cảnh đẹp, người đẹp của sông Hương, núi Ngự. Huế với tôi, đã trở thành là thơ, là mộng, là tình yêu, là tình người; tình người đồng sự, tình sư đệ, tình bạn. Huế mở đầu cho tôi một cuộc dấn thân, một tiến trình trách nhiệm, học hỏi, trăn trở, lo âu, sợ hãi, và hy vọng.
Huế, cảnh vật hiền lành, con người tao nhã, lễ nghi. Huế như một tiểu thơ, e ấp trong phòng the, mà lại muốn mọi người phải biết đến, phải trân trọng, không phải chỉ trong cái nhất thời, mà cả suốt chiều sâu lịch sử. Huế muốn chuyển mình theo cuộc sống mới, mà vẫn muốn giữ nguyên nét cổ kính cố hữu không tìm thấy ở một nơi nào khác. Cho nên, viễn khách có bị cuốn lôi bởi nét tịch mịch, nên thơ của Huế, thì đồng thời cũng có chút khó chịu về những vẽ vời nghi thức. Người Huế không nói ăn, ngủ. Nói vậy là thô. Người Huế nói xơi, thời, ngơi, nghỉ. Cô gái Huế không mấy khi đầu trần, nhìn thẳng. Cô nhìn xuyên dưới vành nón lá, làm cô thêm vẻ thơ ngây, xinh đẹp. Lời không nói hết ý tình của Huế, vì lời không tải được hết ý, hết tình. Không hiểu được Huế nếu không hiểu ngôn ngữ của dấu hiệu, cử chỉ, thái độ, những biểu hiện trên gương mặt, trong ánh mắt, qua hơi thở nhẹ, hay trong tiếng cười thoảng.
Cứ nhìn những nét mâu thuẫn trong đời sống, trong cung cách của những con người xứ Huế… Từ sáng đến tối, cả một sư đoàn các cô, các bà bán bún bò, bánh canh, bánh nậm, cơm hến… đi khắp phố phường, đường hoàng trong chiếc áo dài cố hữu, có những mảnh vá, có chỗ bạc màu, có bụi đường, có mồ hôi, như thách thức với tiết trời nóng nực của mùa gió Lào, như nhắn nhủ phải gìn giữ cái nếp, cái nền, cái phong, cái cách.
Tôi nhìn thấy Huế như thế đó.
Tôi đến Huế như một kẻ lạc loài, ngây ngô, hoang dại. Không giống ai trong cách ăn mặc, trong cử chỉ, thái độ, ngôn từ. Sự ân cần của các vị đồng sự có thể là một việc đương nhiên trong tập tục xứ thần kinh: trọng kẻ sĩ. Điều này cho tôi một khích lệ vô cùng lớn, nhưng cũng lắm ngại ngùng lo âu. Tôi ngại không đáp ứng được những yêu cầu, những mong đợi của sinh viên, của phụ huynh, của các bạn tôi, nói chung của người dân xứ Huế. Tôi đâu muốn làm kẻ sĩ, hay đóng vai kẻ sĩ. Tôi còn quá trẻ. Tôi chỉ là một giảng nghiệm viên, và mong muốn có một cuộc sống bình thường. Chỉ mới vài tháng trước, chớ đâu lâu lắc chi, tôi còn đi học, đi thi, còn làm giám thị nội trú cho một trường trung học, còn dạy mỗi tuần tám tiếng cho một trường trung học ở Pháp để kiếm sống.
Giờ đây, bỗng nhiên trở thành quan trọng, được đứng lớp dạy Toán học Đại cương, Toán Lý Hóa, năm thứ nhất Trường Đại học Sư phạm; đôi lần được hứa hẹn sẽ là một ông quyền Khoa trưởng; tương lai thật “xáng lạn”. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, tôi lại nhìn sự việc tối tăm hơn. Thư viện quá thô sơ, lai rai vài quyển sách cho học trò. Ngoài phố, lơ sơ mấy tiệm sách nghèo nàn, nghèo như người học trò xứ Huế. Đồng nghiệp cùng chia nhau công việc dạy toán, chỉ có một: anh Nguyễn Văn Hai. Cả hai đều là cá mè một lứa. Trên không có thầy, dưới không phụ tá, vì giảng nghiệm viên là cấp bậc thấp nhất đếm từ trên xuống trong đẳng cấp đại học, và trong hầu hết các khoa, là bậc cao nhất từ dưới lên, trong trạng huống không mấy bình thường của Đại học Huế buổi đầu.
Còn bên ngoài, nói chung Huế hiền mà không hiền. Thành phố nhỏ, đi xuống, đi lên, chỉ có hai con phố. Bên dưới cái trầm yên, tĩnh mịch ấy, là những cơn sóng. Dễ mà khó, cái khó gấp trăm lần những cơn giông bão gào thét của miền Nam. Huế có Tổng thống, có “Ông Cậu”, có Đức Tổng giám mục, có Thượng tọa Trí Quang, Thiện Minh, Trí Thủ… Huế còn là cái nôi của chế độ. Nhưng Huế có những dồn nén… Huế nghèo, Huế cũng là nôi những tham vọng của những người làm tôn giáo, làm chính trị. Nhưng cũng vì đó mà Huế đáng thương biết bao nhiêu, cũng cơ cực biết bao nhiêu, thiệt thòi biết bao nhiêu. Và việc mở một trường đại học cho những con người cần cù, hiếu học vào lúc đó, âu cũng là một đền bù. Chỉ tiếc rằng trong lúc mọi nguời đang chăm lo mở mang cuộc sống của người dân Huế, trong lúc mà viện đại học đang trên đà phát triển, thì bỗng dưng Huế lại phiêu lưu vào những đấu tranh chính trị, giành giựt phe phái, làm cho cuộc sống đã khó khăn, trở nên khó khăn hơn gấp bội. Âu đó cũng là mệnh trời.
Có lẽ vì Huế là vậy mà đông đảo những người con của Huế tìm phương lập nghiệp ở những nơi khác. Thoảng hoặc họ có trở về, cũng chỉ để thăm viếng, cúng kỵ mà thôi. Huế đi để mà nhớ, chứ không phải sống để mà thương. Cha Viện trưởng, vài năm trước khi thành lập Viện Đại học Huế, đã có kế hoạch trồng người. Cha gởi nhiều học trò giỏi đi du học. Muốn là giáo chủ, khai đạo, phải có tông đồ. Nhưng tông đồ của cha, người đi thì có, người về không mấy ai. Cha tự an ủi: “Ở Sài Gòn, tức là thủ đô thời bấy giờ, quí vị ấy giúp Cha nhiều hơn”.
Và cũng vì thế, cha phải tuyển các hộ pháp, thời quân, sứ giả của cha ở nhiều nguồn khác nhau: tại chỗ, Sài Gòn, Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Bỉ… và đa số thì rất trẻ. Bên những bậc cha anh như Cụ Nhu, Cha Thích, bọn trẻ học hỏi và trưởng thành. Tôi bỗng dưng trở thành thời quân của Cha. Cũng tội cho tôi. Nhưng tôi đã được đền bù. Cuộc đời tôi nhờ đó mà đi lên.
Triều đình của Cha lúc bấy giờ có: Lê Khắc Phò, “tổng bí thơ” và một “Ban Bí thơ Trung ương” gồm toàn những hiền tài, quí ông, bà: Đỗ Ngọc Châu, Trần Đinh, Mệ Viễn Dung, Đinh Văn Kinh, Trần Thị Như Chương, Bùi Trí, Nguyễn Văn Thùy, Tôn Thất Quỳnh Thọ, Paul Vogle, Lương Hoàng Phiệt, Nguyễn Bính… Nói chung, nhân sự tương đối khá mỏng và hầu hết đều là bậc trưởng lão. Thế nhưng, sự hiểu biết, lòng tích cực và chân thành trong công tác đã giúp cho Viện Đại học qua những khó khăn lớn nhỏ của thuở ban đầu. Chí đến ngài “Tổng bí thơ”, với một bên ngoài khắc khổ và khắt khe, và lúc nào cũng đạo mạo trong âu phục, chẳng mấy khi rời cái áo bành tô, như sợ lạnh, nhưng thật sự, không “lạnh chân”, “lạnh cẳng”, không ngại khó như dáng vẻ của anh. Lòng anh lúc nào cũng nhiệt tình với đồng nghiệp, với sinh viên, với sự mở mang của Viện.
Viện Đại Học Huế thành lập do Sắc lệnh ngày 1-3-1957 (SL 45/GD, do Bộ trưởng Nguyễn Dương Đôn ký), và khai giảng vào tháng 9-1957.
Về việc sáng lập Viện Đại học Huế, GS Nguyễn Văn Hai có viết:“… Số là sau khi mới về Việt Nam nhậm chức, ông Ngô Đình Diệm ra Huế. Lẽ tất nhiên ông ấy cần một sự tiếp đón nồng hậu của dân Huế nói chung và của học sinh Huế nói riêng. Linh mục Cao Văn Luận lúc bấy giờ là giáo sư Triết học tại trường. Ngài năn nỉ tôi tổ chức diễn hành tiếp đón. Tôi bàn với một số giáo sư, trưởng lớp và trưởng ban sinh hoạt của trường. Tất cả đồng ý đặt điều kiện là Ông Diệm phải hứa sau này có quyền hành thời phải mở một Đại học tại Huế để con em miền Trung nghèo có cơ hội cầu tiến. Lời yêu cầu cũng vừa hợp ý ông Diệm. Sau khi được đoan chắc như vậy, chúng tôi mới mặc đồng phục quần trắng có thắt cà vạt xanh lơ mang biểu ngữ đòi mở Đại học Huế đi hàng lối chỉnh tề diễn hành chào đón. Sau đó, Tổng thống Ngô Đình Diệm giữ lời hứa cho mở Đại học Huế mặc dầu có sự phản đối dữ dội của các vị khoa bảng ở Sài Gòn. Đại học Huế được thành lập, con em miền Trung có chỗ trau dồi chuyên môn, và nhiều lớp sinh viên tốt nghiệp đã góp công xây dựng nước Việt Nam”.
Trực thuộc Viện có Viện Hán học, Trường Cao đẳng Mỹ thuật và các khoa: Văn khoa, Khoa học, Sư phạm, Luật khoa, Y khoa. Nói chung cấu trúc Viện khá qui mô.
Triều đình mỏng. Lực lượng sứ giả truyền giáo lúc bấy giờ cũng rất mỏng so với qui mô các khoa viện, trường trực thuộc. Một số lớp trường Khoa học, Văn khoa và Sư phạm được ghép học chung, một số giáo sư được mời từ Sài Gòn ra dạy, vì thiếu nhân viên giảng huấn.
Sau đây là danh sách quí vị Khoa trưởng và Giám đốc đầu tiên của Viện Đại học Huế
Văn khoa: Ông Lê Văn Diệm
Khoa học: Bs. Vũ Đình Chính, Ông Trần Văn Bé.
Sư phạm: Ông Lê Văn
Luật khoa: Bà Tăng Thị Thành Trai, Ông Phan Văn Thiết.
Y khoa: Ông Lê Tấn Vĩnh, Ông Lê Khắc Quyến.
Trường Cao đẳng Mỹ thuật: Ông Tôn Thất Đào
Viện Hán học: LM Nguyễn Văn Thích.
Ban Giảng huấn của những năm đầu của các khoa, trường, viện: Trần văn Bé, Nguyễn Thị Bão Xuyến, LM Urbain, Lê Thanh Minh Châu, Tôn Thất Đào, Lê Văn Diệm, Sư Huynh Ferdinand, Nguyễn Văn Hai, Trần Kinh Hòa, Tôn Thất Hanh, Hồ Thị Hường, Lê Hữu Mục, Bùi Nam, Trần Quang Ngọc, LM Nguyễn Phương, Cụ Nhu, Lê Đình Phòng, Lê Khắc Quyến, Phan Xuân Sanh, Krainick, Trần Nhật Tân, Trần Văn Tấn, LM Nguyễn Văn Thích, Bùi Hòe Thực, Nguyễn Toại, Tăng Thị Thành Trai, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn văn Trường, Lê Tuyên, Lê Văn, Lê Bá Vận, Nguyễn văn Vĩnh, Lê Trọng Vinh, Trương Đình Ý, Lê Yên.
Ban Thỉnh giảng của những năm đầu: Đặng Đình Áng, Nguyễn Chánh, Trương Văn Chình, LM Trần Thái Đỉnh, Âu Ngọc Hồ, Phạm Hoàng Hộ, Trương Bửu Lâm, LM. Lê Văn Lý, Lê Tôn Nghiêm, Từ Ngọc Tỉnh, Nguyễn Quang Tuân, Thái Công Tụng, Bùi Quang Tung, Phạm Việt Tuyền, LM Thanh Lãng, Lê Tài Triển…
Nghĩ cho cùng người sứ giả hữu hiệu nhất để giới thiệu Viện Đại học Huế chỉ có thể là các sinh viên của Viện. Rời khuôn viên đại học, họ tung cánh bay đi. Họ là quân nhân, là công nhân viên chức, là giáo chức, luật sư, bác sĩ, hành nghề tự do. “Họ đã góp phần xây dựng nước Việt Nam”. Hiện nay họ rải rác khắp năm châu, và hầu hết đều minh chứng một cá tính, một khả năng đáng kính phục.
Tôi may mắn được sớm biết Tiến sĩ Dzương Đức Như, giáo sư Anh văn, học giả, nghiên cứu Hán, Nôm, hát chèo, hát nói, thật đa tài; Tiến sĩ Ngô Đồng, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Quảng Đà; Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên là Khoa trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế; Bác sĩ Trần Đình Tùng, nguyên Trưởng khoa Sản Bệnh viện Triều Châu; Tiến sĩ Võ Văn Thơ, hiện nay là giáo sư của một Đại học Canada.
Tôi có duyên học đạo với Ni sư Trí Hải trong một thời gian khá dài. Và khi đến Houston được duyên may tương ngộ với Bác sĩ Nguyễn Văn Thuận. Tôi không những được thưởng thức văn của Từ Nguyên, Trần Hoàng, mà còn đàm thoại, đổi trao cái nhìn về thế sự. Có khi tôi nhờ Từ Nguyên, đọc, góp ý, giúp cho lời văn của tôi trôi chảy, mạch lạc hơn. Từ Nguyên, Trần Hoàng có một thể văn đa dạng, có cái sắc bén của ngòi viết đấu tranh, có cái trung thực của con người cầm bút. Khi nói về tình, tình mẹ, tình cha con, tình chồng vợ, tình anh lính chiến, tình quê hương, Từ Nguyên có thể làm cho người đọc dễ sa nước mắt. Tôi có cái duyên tương ngộ với những con người nhiều khả năng, nhiều sắc thái đặc thù, hơn hẳn các thế hệ đàn anh trong nhiều bình diện.
Và còn nhiều người khác nữa.
Tên của họ: Bùi Thị Ấu Lăng, Bùi Xuân Diêu, Phan Bang, Trịnh Viết Bách, Nguyễn Mộng Giác, Lê Thanh Hà, Tôn Thất Hà, Phạm Hòa, Đoàn Khoách, Hồng Khuê, Nguyễn Phụng Hoàng, Nguyễn Văn Hường, Trương Thị Lệ Khanh, Trương Thị Kim Sa, Nguyễn Ký, Nguyễn Khắc Lãng, Nguyễn Phú Liễm, Lê Thị Liên, Tôn Thất Liệu, Vương Thúy Nga, Nguyễn Nhuận, Hồ Thanh Phác, Tôn Thất Quÿ, Tôn Quang Sung, Nguyễn Bá Tiết, Tôn Nữ Tiểu Bích, Nguyễn Ngọc Thanh, Nguyễn Ngọc Thọ, Lê Mậu Thống, Dương Đình Tri, Lê Thị Tường Loan, Võ Văn Thơ, Trần Tuệ, Dư Tế Xuân, Vĩnh Quyền, Vĩnh Thiều, Nguyễn Gia Ứng… Gặp lại họ, gương mặt, mái tóc họ đã có nhuộm chút nét thời gian, nhưng mỗi người đều có một nét đẹp riêng, nói lên những khả năng, nghị lực, cá tính, ẩn tàng đâu đó như cái đẹp cố hữu của xứ thần kinh.
Và còn biết bao nhiêu người tôi muốn nhắc tên.
Tên tuổi họ có thể không nói nên nhiều. Nhưng với tôi, như gắn liền khắc cốt. Cũng dễ hiểu vì cuộc sống thầy giáo của tôi khi về nước bắt đầu với họ. Cho nên, tôi không thể quên một Châu Khắc Túy, nhỏ người, thư sinh, rất vui nhưng cũng rất liếng láu, chuyên viên “câu giờ”, mà tránh được mọi khắt khe của kỷ luật thời bấy giờ. Được biết anh không còn nữa, anh là nạn nhân của VC trong Tết Mậu Thân. Ngay hai năm đầu, hai sinh viên của tôi, một ở ban Toán cấp tốc, một ở ban Lý Hóa, viết thơ, ghi rõ tên họ và địa chỉ quở rằng tôi quá nóng tính, mà nóng tính thì chẳng dạy “mô tê” gì được; chỉ làm cho người học rối rắm, chẳng học được “mô tê” gì.
Tôi tìm gặp ở các em cái đẹp đặc thù ấy.
Tôi học ở các em sự khiêm cung, độc lập, thẳng thắn, chân tình, cần cù chịu khó và trách nhiệm.
Tôi học ở các em nghề dạy học, học sống trong tình sư đệ; nhờ các em tôi học tình đồng liêu, tình quê, tình người. Nhưng chắc chắn không chỉ là có bao nhiêu đó.Thật khó mô tả cái đa dạng, đa màu, những cảm nhận của một thời thành lời, thành ý.
Sáu niên học ở Viện Đại học Huế (1957-1963), bể dâu lắm chuyện. Nhưng đặc thù cho giai đoạn “lập quốc” này, thiết nghĩ các sự việc sau đây là nổi bật nhất:
Trong một chừng mực nào đó, Viện Đại học độc lập đối với các đảng phái chính trị, tôn giáo và tự trị đối với chính quyền. Tự trị và độc lập là hai từ lớn. Nếu không nói rõ nghĩa thì hoặc chúng trống nghĩa hoặc có nhiều nghĩa nên dễ ngộ nhận.
Theo văn bản, thì Viện Đại học tùy thuộc Bộ Giáo dục. Cụ thể như sau đây:
“Về học vụ, sự thành lập các khoa, trường, ngành học, văn bằng, chứng chỉ phải do Bộ Giáo dục chấp thuận. Về nhân viên, việc tuyển dụng, lương bổng, thăng thưởng, sa thải phải do Bộ Giáo dục và Tổng nha Công vụ chấp thuận. Về Ngân sách: Quyền chuẩn chi được ủy nhiệm cho Viện trưởng”.
Như vậy, về hành chánh, Viện Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục, và có thể bị chi phối bởi Bộ Giáo dục và Tổng nha Công vụ.
Tuy nhiên, trong thực tế, chúng tôi không cảm thấy một sức ép nào từ những cơ quan nêu trên. Sự duyệt y các kết quả thi cử, các văn bản thành lập phòng ban, v.v. có khi là cần thiết. Tự trị không có nghĩa là không luật pháp. Nhà nước cung cấp ngân sách cho Viện, sự biện minh các chi tiêu, sự kiểm soát đương nhiên là cần thiết. Có điều là khi mình thấy thong dong trong luật pháp, mình không cảm nhận bị buộc ràng, gọi như thế là tự trị, một sự tự trị thực tế, chủ quan và tương đối.
Viện đứng ngoài mọi đảng phái chính trị kể cả đảng chính quyền, các tổ chức tôn giáo. Gọi như thế là độc lập. Nhưng trên hết, tự trị và độc lập của nền giáo dục đại học nằm ở chỗ tự do truyền bá, phát huy, và thu nhận của giáo chức và sinh viên. Lẽ dĩ nhiên là trong một giới hạn khả chấp. Điều này là một giá trị hiển nhiên của nền giáo dục Miền Nam, và là một điểm son của chế độ.
Sứ mạng, nhiệm vụ, mục tiêu, đường lối của Viện Đại học được minh định rõ trong những văn bản mà đôi bên, chính quyền và viện đại học đều nghiêm túc tôn trọng. Từ nào cũng có nhiều nghĩa, tùy cái nhìn chủ quan của mỗi người. Cho nên, những văn bản có thể giải thích khác nhau, và trong việc này đôi bên đều tỏ thiện chí, và biết tương nhượng trong những giới hạn của khả năng của đôi bên.
Giáo dục là đường dài. Cổ văn viết đó là việc trăm năm trồng người. Nhà cầm quyền thời bấy giờ, có hiểu điều này và có dành cho chúng tôi một sự cảm thông ít có. Dầu vậy, vẫn có những va chạm, xung đột gây ra nhiều thử thách. Sau đây là những thử thách mà tôi còn nhớ.
Sức ép chính trị.
Có một lần chúng tôi được rỉ tai rằng là sinh viên và chúng tôi phải gia nhập Phong trào Cách mạng Quốc gia, đi học và đi làm phải mặc đồng phục màu xanh. Chúng tôi trình bày những thuận nghịch; lợi đâu không thấy, cái hại thì vô cùng. Các Viện Đại học Quốc gia không thể là nôi của một phong trào chính trị, huống chi phong trào này là tiền thân của Đảng Cần Lao Nhân Vị. Trong bối cảnh riêng của Huế, tổ chức đại học chưa được ổn định. Phụ huynh và sinh viên đã tõ thấu hiểu thực tế của đất nước, đã chấp nhận cái ban sơ thiếu thốn mọi điều của Viện Đại học. Chính trị hóa môi trường sinh hoạt đại học chỉ làm cho mọi sự rối rắm thêm.
Chúng tôi không thể để việc dạy, việc nghiên cứu ngưng đọng lại, hay trở thành phụ thuộc. Chúng tôi không muốn và không thể mang một nhãn hiệu chính trị nào, để phụ huynh và sinh viên ngộ nhận rằng chúng tôi là những con rối chính trị, hay cố tình dùng Viện Đại học làm bức thang cho sự nghiệp chính trị. Chúng tôi cũng không thể để học sinh mình và chính mình bị ép buộc vào một đảng phái chỉ vì muốn học, muốn mở rộng kiến thức, muốn có một cái nghề, hay một sinh kế. Chính quyền cũng không thể vì nhu cầu của một khắc mà chà đạp trên những văn bản mà chính mình long trọng lập ra chỉ vài năm trước đây. Có người nói rằng trong chúng tôi có những con mọt, những con người muốn lập công, muốn tiến thân trên nấc thang chính trị. Thiết nghĩ, nghĩ khác và làm khác là việc bình thường; nhưng trong đội ngũ chúng tôi, rất khó có những con người phủ nhận những nguyên tắc sinh hoạt nghề nghiệp của mình.
Cơn lốc qua, chúng tôi trở lại cuộc sống bình thường thuở trước, mỗi người trở lại cái tự do chọn lựa chính trị hay phi chính trị của riêng mình.
Một lần khác, vào dịp hè Bộ Giáo dục tổ chức một khóa hội thảo về Cần Lao Nhân Vị cho giáo chức đại học ở Suối Lồ ồ. Chỉ thị là tất cả chúng tôi đều phải có mặt; dĩ nhiên là ngoại trừ có lý do thích đáng, nhưng bên trong qua lời lẽ các viên chức của Bộ Giáo dục thì không có một lý do nào chính đáng cả. Học triết thuyết về đường lối chính sách của chính quyền chỉ có thể là một điều tốt. Nhưng một số chúng tôi, vì cái ương ngạnh của tuổi trẻ, đã nhẹ nhàng xin Cha Viện trưởng ký một sự vụ lệnh tổ chức trại hè ở Đà Lạt cho sinh viên Sư phạm, ngay trong những ngày ấy. Ông Đổng lý Văn phòng Bộ Giáo dục có thúc giục bảo dẹp tất cả, để đi học. Chúng tôi không vâng dạ được, vì có nhiệm vụ lệnh trong tay. Sau đó ông có la to, dọa lớn, tay có giơ cao, nhưng rồi lẳng lặng rút về.
Được những điều này có thể là nhờ cái vị thế đặc thù của Cha Viện trưởng. Cũng có thể là nhờ thái độ của quí vị đàn anh trong Viện Đại học Sài Gòn. Cũng có thể là nhờ sự hiểu biết của chính quyền lúc bấy giờ. Cũng có thể là cái hồn ma tự trị đại học ghi trong qui chế mà người Pháp để lại cho Viện Đại học Sài Gòn còn chập chờn đâu đó trong lòng người. Cũng có thể là Bộ Giáo dục hay Chính quyền chưa rảnh tay để đưa chúng tôi vào khuôn nếp. Sau mươi hôm khủng hoảng, gió lặng, cuộc sống trở lại bình thường, nhưng tôi cảm thấy gần Cha Viện trưởng của tôi hơn: chúng tôi đã cùng nhau trong một chiến tuyến.
Sức ép quyền thế.
Viện Đại học cũng đứng ngoài các thế lực phong kiến. Lúc nào thời nào cũng có thế lực phong kiến. Thế lực phong kiến trong bối cảnh Viện Đại học Huế, thời bấy giờ, phải hiểu là quí vị cố vấn của Tổng thống, quí vị cận thần có nhiều ảnh hưởng, có quyền thế, có khả năng khuynh đảo thế sự. Người ta có đồn đãi về uy quyền của quí vị này rất nhiều, tốt có, xấu có.
Trước mỗi kỳ thi vào Trường Đại học Sư phạm, Cha Viện trưởng đều có họp chúng tôi, nhắc đi nhắc lại là học bổng 1.500 đồng của người sinh viên Huế có thể là lợi tức sống cho một gia đình đông con, nhắc nhở chúng tôi phải thận trọng, cân nhắc, liêm chính, công minh. Suốt thời gian cộng sự với Cha, Cha cùng các đồng nghiệp của tôi, chẳng một ai gởi gấm trong các kỳ thi. Hình như mọi đồng nghiệp tôi xem đó là đương nhiên.
Tuy nhiên, có một lần, một nhân vật quan trọng hàng đầu đã nhắn gởi một em vào ban Lý Hóa Trường Đại học Sư phạm. Sự gởi gắm từ bên trên, và Ban Giám đốc Đại học Sư phạm được yêu cầu đặc biệt giúp đỡ. Chúng tôi đã chối từ sự gởi gắm này với cung cách lễ độ rất là Huế.
Trong thực tế em này lãnh 0/20 với Nguyễn Hữu Trí (Lý), 1,5/20 với Trần Nhật Tân (Toán), 8,5/20 với Tôn Thất Hanh (Hóa học). Nói cách khác là em rớt ở mọi bộ môn. Chúng tôi không có gì hãnh diện ở thành quả này, chúng tôi không có ý ác, cũng không có ý thiện, cũng không có cái thương ghét riêng tư trong vấn đề này. Tuy nhiên, phải nói là phước trời.
Nói là phước vì sau 1975, khi tìm đường vượt biên ở một tỉnh lẻ trong Nam, tôi được biết em đó giờ là một ông bác sĩ có tiếng là giỏi, đi chui không lọt, và nhờ là giỏi nên đã được tỉnh ủy cho rước về, không phải tù. Con người không ra chi về toán lý, thì lại rất giỏi về y khoa. Cũng nói phước là chúng tôi tai qua nạn khỏi mà không hề hấn gì. Phước cũng là được thấy được bạn bè tôi đẹp và gương mẫu trong thử thách. Phước cũng vì nhờ đó chúng tôi gần nhau hơn, có thêm một bước gần Cha Viện trưởng hơn, an tâm hơn. Người có quyền thế đã thấy được thân phận và giữ được phẩm cách của mình.
Sau mỗi kỳ thi, thường là có một buổi cơm thịnh soạn khao quân. Tôi có cảm tưởng là sau kỳ thi đó, Cha Viện trưởng, dầu biết rõ chuyện này, và có thể vì đó mà thọ thương, vẫn cho ăn ngon hơn, trân trọng hơn, đương nhiên là có rượu hà nàm, rượu vang, và những món quỉ quái khác của anh Vũ Đình Chính. Khao quân lớn hơn, nhưng nhẹ nhàng không thách thức, làm như không có chuyện gì xảy ra.
Tôi có cảm tưởng Cha là cây dù lớn. Cha có quyền, có thế. Nhưng không lấy quyền thế ấy mà bao che cho những điều xằng bậy. Ông đã dùng quyền thế ấy để tạo một không khí thích hợp với cái nhìn chung của đông đảo anh em chúng tôi về giáo dục và riêng về giáo dục đại học. Ông đã biết sử dụng vị thế hết sức đặc biệt của mình để đối thoại với các thế lực chính trị, tôn giáo, đoàn thể. Chính quyền đương thời cũng hiểu sức khỏe mong manh của một tổ chức đại học mới đâm chồi, và biết trân trọng với những thành quả đầu tiên. Những lời đồn đãi được nghe về Ông Cậu làm cho tôi có thật sự lo âu, e ngại.
Nhưng, sáu năm ở Viện Đại học Huế, chẳng nghe Ông có gởi gắm một ai, hoặc tạo một sức ép chính trị hay làm bất cứ việc gì đem lại sự bất ổn cho giới đại học. Những lần ít ỏi mà chúng tôi được gặp Ông, chúng tôi được tiếp đãi với một sự trân trọng, ân ần, ưu ái ít có. Cho nên, riêng về Viện Đại học Huế, có thể nói gia đình của Tổng thống Ngô Đình Diệm có đóng góp một phần quan trọng, trong đó phải ghi nhận cái không khí độc lập với các tôn giáo, đối với các đoàn thể chính trị (cả Phong trào Cách mạng Quốc gia và Cần Lao Nhân Vị), một không khí cởi mở, thích hợp cho việc dạy và học’
Chỉ tiếc rằng cuộc thế không cứ mãi là như vậy. Khi thời suy, vận nước mạt, nhiều điều không may xảy đến. Cha Luận cũng vì muốn bảo vệ cái công trình mà ngài đã gầy dựng, muốn bảo vệ cái nguyên tắc tự trị đại học cao quý mà đành phải dứt tình với nhà Ngô. Cha mất dần cái quyền, cái thế, Cha chỉ còn cái tình của chúng tôi, và của anh chị em sinh viên.
Tháng 8-1963, Cha Luận bị huyền chức. Chánh quyền đã bổ nhậm Cha, thì đương nhiên có quyền thay thế Cha. Đó là bình thường. Nhưng trong bối cảnh bất ổn ngày đó, giáo chức, sinh viên và nhân viên lại hoang mang, xao động tột độ. Ai cũng nghĩ phải vĩnh biệt một thời vàng son của không khí tự do. Từ đây, khởi đầu giai đoạn ô nhiễm chính trị. Ông Viện trưởng mới, giáo sư Trần Hữu Thế, là một cựu bộ trưởng, và là đương kim đại sứ ở Phi Luật Tân. Người của ngành ngoại giao, ắt phải mềm mỏng; nhưng giữa mềm mỏng và mềm như bún thiu, khoảng cách có khi rất ít.
Chưa thấy người vào việc, chưa thấy diễn tiến sự việc, mà đã nghĩ thế này thế khác, là tiên kiến; ắt phải sai lầm. Có thể là thế. Nhưng khi đã mất niềm tin, không thấy còn tin ở một quyền lực nào có phương tiện điều hợp và quản lý thỏa đáng công việc, thì chỉ còn cách là từ nhiệm, trở về với chức năng dạy học của mình. Thế rồi, chúng tôi bị bắt giữ, kẻ năm ngày người vài tháng. Phòng ốc của Công an có chật hẹp, thiếu mọi tiện nghi, nhưng cách đối đãi đứng đắn; dầu vậy, lòng vẫn dao động, tâm không an; tuổi còn trẻ, nhưng muốn bắt chước người xưa lánh xa thế sự. Việc của Cố Đô sau đó trở thành của cả nước; thế giới bắt đầu nhìn vào.
Tháng 11-1963, Đảo chánh. Chấm dứt triều đại Nhà Ngô, và cũng là chấm dứt một giai đoạn ổn định hiếm thấy.
Sinh viên, học sinh, thân hào nhân sĩ, cả thành phố Huế rước Cha Viện trưởng trở về cơ ngơi cũ, trong vinh quang cùng tột. Nhưng chỉ 9 tháng sau, Cha lại rời nhiệm sở, rời Huế, không phải do chính quyền, mà chính do đông đảo thành phần năng động nhất của Huế đuổi Cha đi. Cha đi bỏ lại đàng sau tất cả của đời cha. Cha đi, vì đã hoàn tất một nhiệm vụ, hay cha đi vì bản chất phản bội cố hữu của con người?
Chúa Nhật Lá, dân chúng thành Nazareth đón rước Chúa Jésus trong vinh quang tột đỉnh; vài hôm sau, họ đóng đinh Chúa Jésus trên Thập Tự Giá. Sự đổi thay, thương ghét trong lòng người, của quần chúng là thường tình. Lịch sử như lập lại. Có người lấy đó mà trách rằng Cha có học Kinh Thánh, nhưng không học được bài học của Chúa Jesus. Cha không nên trở lại chức vụ Viện trưởng.
Thiết nghĩ Cha cũng chỉ là cha, Cha không là Chúa Jesus, dầu rằng nhiệm vụ của cả hai đều là gieo ánh sáng. Nhưng ánh sáng của Đức Chúa Trời khác cái ánh sáng hạn hẹp của tri thức và của cuộc đời, của những đứa con của Chúa. Việc trên Trời và việc dưới thế có khác. Người ăn thịt cầy không nên chê trách các nhà tu hành là không biết “nếm mùi đời cho đủ thứ mà chơi”, bậc chân tu không kết tội người ăn thịt cầy là phạm giới. Người ngoại cuộc, nên có một cái nhìn hiểu biết hơn.
Nhiều người trách cha Luận sao đã tàn nhẫn dứt tình với nhà Ngô trong những ngày mạt thế của Ngô triều, trách cha đã quên chữ trung, chữ nghĩa của kẻ sĩ.
Cũng nhiều người cũng đã trách cha sao không biết cái thế, cái thời, cái tiến, cái lui, ham chi chút đỉnh chung mà trở về tại Huế sau Cách Mạng 11-1963. Sao Cha không làm một Bá Di, Thúc Tề, để tiếng cho người sau.
Trách thì cứ trách, chê thì cứ chê. Vì người chê, kẻ trách ai cũng có lý. Nhưng nói đi thì cũng phải nghĩ lại. Nghĩ cho cùng, ơn mưa móc nhà Ngô, Cha đã hưởng được gì. Cũng những bữa cơm đạm bạc, cũng chiếc áo choàng nhà tu. Lụa là, nem công chả phụng gì cho cam. Cái quyền, cái thế Cha có được, Cha cũng đã chỉ đem ra gầy dựng cho Viện Đại học Huế. Nói “trung”, nói “nghĩa, sao không nói “đạo trời không thân riêng ai”. Đó cũng là câu của người xưa vậy.
Lại nói, khi Cha trở về sau tháng 11-1963, không ai không thấy quyết định nông cạn của Cha. Nhưng cũng nên nghĩ lại mà thương Cha. Cha là cha triều mà không có họ đạo, có khác chi kẻ vô gia cư. Cả cuộc đời, Cha lo công việc giáo dục, lấy học trò làm con, lấy ngôi trường làm nhà ở. Nhà ở của Cha, cuộc đời của Cha là Viện Đại học Huế. Hành động của Cha cũng nên được nhìn như là một lần trở về với gia đình, với mái nhà của Cha, để tìm ở đó một chút thân thương cuối cùng trong cuộc sống. Cha đã không tìm được điều đó, điều mong ước độc nhất trong cuộc đời Cha. Và người ta đã đuổi Cha đi, đuổi Cha ra khỏi mái ấm gia đình của Cha. Sao lại nỡ trách Cha, mà không hiểu cho Cha!
Trong việc thế tục, Viện Đại học Huế chỉ là một điểm nhỏ li ti trong không gian, và thời khoảng sáu bảy năm chỉ là khoảnh khắc trong chiều dài vô tận của thời gian. Cá nhân còn nhỏ hơn nữa và lại giới hạn gần như ở mọi chiều, không gian, thời gian, tình cảm, kiến thức, tầm nhìn… Không có gì để phê phán, biện minh, hay vinh danh. Dầu vậy, thiết nghĩ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” có lắm chuyện trọng đại mật thiết với Đại học hoặc có một ảnh hưởng nhất định trên một số đông chúng tôi nên phải ghi:
Vào lúc giữa Đức Tổng giám mục và Cha Luận có chuyện cơm không lành, canh không ngọt, thì một hôm chúng tôi được hấp tấp vời đến nhà Đức Cha. Ông từ lầu trên bước xuống, nói chuyện với chúng tôi, hay cho một huấn từ dạy dỗ, bằng một tiếng Pháp rất chuẩn và trong sáng. Đức Cha chê trách Viện Đại học Huế nhiều điều, trong đó có chủ trương sử dụng tiếng Việt làm chuyển ngữ, và riêng Cha Luận, Đức Cha dành cho tĩnh từ không mấy dễ chịu: “prétentieux”.
Tôi không nghĩ như vậy. Giáo dục đại học sẽ không trọn vẹn chức năng nếu chuyển ngữ không là quốc ngữ. Dùng quốc ngữ làm chuyển ngữ cho các bộ môn đã được thực hiện tốt đẹp từ lớp 1 đến lớp 12, từ Văn, Triết, Sử, Địa cho đến Toán, Lý, Hóa, Sinh vật. Ban đầu, cũng có cái loạn thuật ngữ, có cái loạn “trăm hoa đua nở”. Nhưng dần dần trật tự được ổn định, các sách giáo khoa đã thống nhất danh từ. Nội dung bài dạy được diễn tả trong sáng. Việc sử dụng quốc ngữ làm chuyển ngữ là một phép lạ kỳ diệu cho việc đại chúng hóa giáo dục học đường.
Nhưng quí vị đàn anh chúng tôi ở Viện Đại học Sài Gòn có dè dặt, e ngại sử dụng tiếng Việt. Dè dặt là phải; chỉ nói riêng về khoa học, thì quyển “Danh từ khoa học” của Cụ Hoàng Xuân Hãn cần phải được tu chỉnh và bổ sung nhiều. Tiếng nói của người sử dụng rất cần thiết, cho nên cần tu chỉnh. Khoa học càng ngày càng tiến nhanh, phải thêm từ mới. Sự cập nhật hóa là đương nhiên cần thiết. Và trong khi chờ đợi có một cơ quan thẩm quyền minh định nghĩa các từ cho thống nhất, ai cũng ngại cái loạn từ ngữ. Nhưng nếu không bắt đầu, thì ai sẽ bắt đầu, và khi nào mới bắt đầu.
Ngoài ra, hồn ma người Pháp vẫn còn lảng vảng đâu đó trong đại học. Tiếng Pháp chính xác, rõ ràng, súc tích. Giới đại học lúc bấy giờ rất quen thuộc. Đông đảo những người biết thơ văn triết học, văn minh Đông Tây qua tiếng Pháp. Họ biết Lamartine, Chateaubriand, Apollinaire… hơn Ôn Như Hầu, Bà Huyện Thanh Quan hay Đoàn Thị Điểm. Thay thế tiếng Pháp với họ là một mất mát. Không một ai muốn mất những sở đắc của mình. Sử dụng tiếng Việt trong đại học là mới mà cái mới nào cũng có tính phiêu lưu và những đau đầu nhất định của nó.
Cho nên, nếu ý có muốn thì lòng không muốn. Tại sao phải rời bỏ những thói quen dễ chịu mà lại được xã hội “thượng lưu” xem trọng? Người giàu và có ảnh hưởng thì nghĩ con em mình phải du học ở Pháp; đọc, viết, nói, nghĩ như người Pháp để không gặp khó khăn khi vào một trường ở Pháp. Lúc bấy giờ, người Mỹ chỉ hiện diện qua một số cố vấn, tiếng Anh chưa được trọng. Người phụ huynh cũng có lý khi e ngại rằng con em họ không đọc được sách báo ngoại quốc, trong khi các quốc gia ngày càng tùy thuộc lẫn nhau, thế giới như thu hẹp lại. Thật ra, họ chưa thấy sử dụng tiếng Việt làm chuyển ngữ không mâu thuẫn với việc học sinh ngữ, sử dụng sinh ngữ trong việc xuất bản các nghiên cứu của mình.
Riêng tôi, tôi có khó khăn nói tiếng Pháp với người Việt: có một cái gì không tự nhiên, làm cho tôi ngượng trong lúc phát âm. Tiếng Việt thì tôi rất trôi chảy, nhưng vốn liếng rất nhiêu khê. Có lần tôi phê trong bài của một sinh viên là “dài giòng danh tự” để nói là “dài giòng văn tự”, may mà tôi chưa viết “vài vòng danh tự” hay những cái điên khùng tương tự. Miền Trung có thịt ba chỉ, mà trong Sài Gòn gọi là thịt ba rọi. Trong những tháng đầu tôi phải nói ba chỉ, nửa nac nửa mỡ, và tôi phải tạm hài lòng với lối diễn tả kỳ cú ấy. Nửa nạc nửa mơ không có nghĩa là nửa giọng Huế, nửa giọng Nam, mà là nửa Pháp nửa Việt. Vấn đề không là dịch, mà là nghĩ suy và diễn tả bằng Việt ngữ. Dần dần tôi có được tự tin, và tin rằng quốc ngữ diễn tả được mọi vấn đề. Phải vượt qua những mặc cảm, phải sử dụng tiếng Việt mới làm giàu được tiếng Việt. Có lần tôi buộc phải viết bài cho Tập san Đại học Sư phạm Huế, muốn góp mặt, phải đánh liều nhắm mắt đưa chân. May thay có anh Lê Tuyên còn “hoang dại” tình nguyện sửa chữa lời văn và chính tả. Thế là tôi đã đứng trên văn đàn đại học. Tôi được bạn bè khuyến khích. Điều này đã cho tôi nhiều phấn khởi nhất định.
Những người biết khả năng tiếng Việt của tôi thuở ấy, phải ngạc nhiên khi đọc những bài tôi viết gần đây. Anh Hai, anh Châu, anh Văn, và nhiều bạn trẻ khác có lần khen văn của tôi. Thưa quí anh chị, đó là nhờ Viện Đại học Huế. Ở đó, tôi khởi sự học làm giàu tiếng mẹ đẻ của tôi.
Một việc khác nữa là Viện Đại học Huế có được một nhà in khá tối tân, tương đối với thời bấy giờ, do Ông Đại sứ Ngô Đình Luyện tặng. Và Nhà xuất bản Đại Học theo đó chào đời. Tôi không nhớ được những tác phẩm in ra. Tôi không nhớ rõ tôn chỉ và cũng không theo dõi những hoạt động của nhà xuất bản. Tôi chỉ nhớ là nhà xuất bản ưu tiên và hỗ trợ cho những công trình nghiên cứu mà độc giả rất chi là chọn lọc. Thí dụ những tác phẩm phiên âm chữ Nôm, dịch và phiên âm chữ Hán, hoặc một số sách giáo khoa. Thỉnh thoảng tôi có được tặng, nhưng phải nói thật rằng không mấy khi đọc, vì vốn liếng văn học còn non, và nhất là chưa có thói quen. Truyện Tàu hay truyện của Kim Dung lôi cuốn hấp dẫn hơn nhiều.
Viện Đại học Huế có gởi một số giáo chức sang Paris để sang lại những microfilm mà Thư viện thành phố Paris cho hay là sắp hư và không có ngân sách để sao chép lưu trữ. Sau NXB có xuất bản những tài liệu này. Hai anh Lê Tuyên và Lê Hữu Mục rõ những điều này hơn tôi.
Đối với người trong Nam, Huế là nước ngoài vì phong tục tập quán, vì giọng nói, vì những ngôn ngữ địa phương. Giọng Huế nặng, nhưng không nặng như Nghệ An, Hà Tịnh. Tuy nhiên, muốn lãnh hội được hết cái âm hưởng tình ý trong lời nói của người Huế, cũng phải lắm công phu. Có khi, điều này buộc tâm phải trầm lặng như giòng sông Hương những ngày nắng tốt, hoặc nhẹ nhàng tịch mịch như các sân chùa lúc trưa hè. Người trong Nam ra Huế phải gột bỏ cái tính ào ào, bồng bột như mưa giông miền Nam mới nghe thấy được một phần cái thật, gói trong lời của người Huế. Người không thích thì nói rằng người Huế thâm. Với tôi, nghe người Huế nói chuyện, như nghe hát Nam ai, Nam bình, hoặc nghe một bản nhạc cổ điển, cần có thời gian thấm thấu.
Nói riêng, phải mất một thời gian khoảng một năm, và nhờ một sinh viên của tôi lặp lại từng chữ một, tôi mới nghe được câu: “Thưa thầy, con không biết đến nơi”. Bạn đọc đừng vội chê trách rằng không hiểu được những lời lẽ đơn sơ như thế thì dạy dỗ được ai. Lời chê có cơ sở. Nhưng ông Trời như đã sắp đặt trước cả cho chúng tôi rồi. Sinh viên chúng tôi có đủ khả năng biết phân phải trái, và biết bổ túc cho những thiếu sót của ông thầy.
Quí vị cũng nên nghĩ cho rằng chúng tôi bắt đầu từ cái bắt đầu, thư viện lưa thưa, phòng thí nghiệm thì phải trang bị từ A đến Z. Bôi bảng thì cả một cực hình, chưa bao giờ chúng tôi có những cái bảng ương ngạnh đến mức độ ấy. Người làm bảng thì chọn nước sơn tốt nhất, bóng láng nhất, thế nên có hiện tượng phản chiếu, bên trái thấy rõ thì bên phải không thấy, đó là lòng tốt mà hại người. Còn phấn, lắm khi viết không ăn bảng, nó trượt dài trên bảng.
Cho nên, nên thương chúng tôi nhiều hơn là trách.
Nói âm rồi phải nói dương. Huế đã dành cho Viện Đại học những công ốc đẹp nhất, tiện nghi nhất, và những địa điểm trang trọng nhất: Tòa Đại biểu Chính phủ, Tòa nhà Ngân hàng Đông Dương, Thương xá Morin, Tòa Khâm. Nói riêng, nơi cư ngụ của giáo chức có những tiện nghi nhất định.
Để kết luận, thiết nghĩ nên ghi rằng:
Có một thời dân cư xứ Huế, thân hào nhân sĩ, học giả, công nhân viên chức, ở mọi giai tầng xã hội, cùng với một bọn trẻ, động cơ khác nhau, từ những nguồn gốc khác nhau, có người ngoại quốc, cùng nhau sát cánh với Linh mục Cao Văn Luận xây dựng một Viện Đại học cho con em hiếu học. Viện Đại học này, trong phạm vi khả thể, đã làm tròn trách vụ của mình. Bao nhiêu người trẻ hiếu học đã có được cơ hội học hỏi thăng tiến. Luật khoa, Văn khoa, Khoa học, Y khoa đã đào tạo được bao nhiêu con người hữu dụng cho đất nước. Sư phạm là một thành công lớn trong việc đào tạo được một đội ngũ giáo chức hùng hậu và nghiêm túc nhất, đủ để đáp ứng cho nhu cầu giáo dục của cả miền Trung.
Cuối cùng Đại học Huế là niềm hãnh diện, hứng khởi, lò sinh khí cho miền Trung. Đã có một lúc nào đó, Huế, Viện Đại Học, Cha Luận, và chúng tôi (chữ chúng tôi xin được viết thật nhỏ) và những người sinh viên trẻ… đã là một khối, một khối tinh chất dưới ánh mặt trời.
Còn riêng tôi, tôi đã viết nên được một phần nào tâm trạng của tôi, một tâm trạng biến đổi từ cực âm sang cực dương, qua 6 năm ở Huế. Có điều là dầu đã cố gắng đến mức độ tối đa tôi cũng đã không trình bày được những ý tình của tôi, không ghi chép lại được những sự kiện, một cách mạch lạc và rõ ràng. Nhưng thử hỏi, có ai mà kể chuyện về Huế được rõ ràng, mạch lạc, nhất là khi không nói được tiếng Huế, giọng Huế, cử chỉ, thái độ Huế? Đó cũng vì cái tình, cái ý không bao giờ rõ ràng, mạch lạc đã trở thành bản chất của xứ Huế? Riêng tôi, tui có tội tình chi mô nà.
Tri Ơn: Tôi chân thành cám ơn giáo sư Lê Thanh Minh Châu, Nguyễn Văn Hai, Lê Văn, và Từ Nguyên đã góp một phần vào dữ kiện và hình thức, lời văn của bài này.
Houston, ngày 23-9-1997
GS NGUYỄN VĂN TRƯỜNG
Thursday, June 2, 2022