Kinh tế Việt Nam khởi sắc hay ngược lại?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Kinh tế Việt Nam khởi sắc hay ngược lại?
07/12/2017
Phạm Chí Dũng – VOA

Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. (Hình: Trích từ website của The Economist)

Andy Mukherjee – cây bút bình luận về kinh tế và tài chính của Bloomberg – trong một bài báo gần đây có tựa đề “(Nền kinh tế) Việt Nam không còn là con cá bé nữa”, đã tỏ ra ngạc nhiên xen lẫn thán phục về “hệ thống ngân hàng sạch hơn về nợ xấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ, sự tham gia và chuỗi sản xuất điện thoại thông minh trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu đang tốt hơn là những yếu tố đang giúp cho kinh tế Việt Nam khởi sắc mà dấu hiệu là thị trường chứng khoán Việt Nam có tăng trưởng đột biến” (Bài “Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc”, VOA tiếng Việt 29/11/2017).
Cùng thời gian trên, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc báo cáo ra Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền và ra Quốc hội về chỉ số tăng trưởng GDP quốc gia lên đến 7,46% vào quý 3 năm 2017, để “quyết tâm” đạt GDP bình quân 2017 là 6,7%, đưa tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam gấp hơn hai lần nước Mỹ, gấp 3 lần châu Âu và vào nhóm cao nhất thế giới, cùng nhiều chỉ số khác mà ông Phúc tự hào là “thành tích kinh tế”…
Nhưng sự thật về những gì đang xảy ra trong nền kinh tế Việt Nam có đúng như những gì mà Andy Mukherjee mô tả và phân tích?
“Thị trường cờ bạc” chẳng tác động gì đến nền kinh tế!
Chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán đã tăng vọt từ gần 700 điểm vào đầu năm 2017 lên gần 1.000 điểm vào đầu tháng 12 cùng năm, nhưng chưa có dấu hiệu suy giảm trở lại mà vẫn còn có xu hướng tăng tiếp, thậm chí còn có thể tăng cho đến khi nào vượt qua mốc kỷ lục được thiết lập vào tháng Ba năm 2007 là 1.167 điểm.
Nhưng có thật VN-Index là đặc trưng cho sức khỏe của cả nền kinh tế Việt Nam như các kênh báo đảng và kênh báo chính phủ thường khoe mẽ và Bloomberg thán phục?
Một trong những chuyên gia đã quan sát, phân tích và trực tiếp tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ hàng chục năm qua – Tiến sĩ Đinh Thế Hiển – trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Đất Việt trong nước vào tháng 11/2017 đã cho rằng không phải bây giờ mà suốt từ năm 2007, VN-Index hoàn toàn không phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh nội địa mà nó dựa vào cổ phiếu của một nhóm gồm vài ba công ty rất lớn. Do đó, VN-Index hiện nay chưa đủ phản ánh sức khỏe nền kinh tế.

Vậy vì sao không phản ánh nội lực kinh tế mà VN-Index vẫn “lên” quá dễ dàng?

“Chỉ cần có một vài cổ phiếu dịch lên một chút cũng đủ khiến chỉ số VN-Index tăng lên. Những mã này số lượng giao dịch không lớn, vẫn là những nhà đầu tư Nhà nước hay nhà đầu tư chủ chốt nắm quyền chi phối, đặc biệt là những cổ phiếu có chủ đầu tư chủ chốt nắm quyền chi phối thì nó càng không đại diện cho giá trị thực tế” – ông Đinh Thế Hiển lý giải.
Đáng chú ý, quan điểm của ông Đinh Thế Hiển không phải là cá biệt trong giới chuyên gia tài chính và chứng khoán ở Việt Nam. Từ trước đến nay và đặc biệt càng về sau này, bất chấp lối tuyên giáo một chiều và cưỡng ép về “thị trường chứng khoán phản ánh sức khỏe nền kinh tế”, ngày càng nhiều chuyên gia và nhà đầu tư nói thẳng rằng về thực chất, đây chỉ là một thị trường cờ bạc, một thị trường mà “tiền không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ biến từ túi kẻ này sang túi kẻ khác”, trong khi chẳng đóng góp gì hoặc chủ đóng góp rất ít ỏi cho nền kinh tế.
Chỉ ở trong chăn mới biết chăn có rệp – đó là thâm niên kinh nghiệm và cũng là trải nghiệm xương máu của quá nhiều nhà đầu tư và giới phân tích tài chính, bởi hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” là một đặc trưng rất rõ và cũng hết sức tàn nhẫn của VN-Index. Một thị trường của khoảng 20 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn như VIC, VNM, GAS… mà chỉ cần những cổ phiếu này tăng hay giảm về giá là chắc chắn làm diện mạo VN-Index lập tức chuyển từ xanh sang đỏ.
Tiền từ đâu ra?
Chứng khoán không thể tăng nếu không có tiền. Tiền bơm vào càng mạnh, chứng khoán càng bay cao. Tiền từ đâu ra?
Khác hẳn với những đợt tăng trước, năm nay không có gói kích thích nào từ chính phủ.
Nhưng vào giữa năm 2017, Thủ tướng Phúc đã “chỉ đạo quyết liệt” về việc các ngân hàng phải đẩy tín dụng ra lưu thông, nâng cao mức tăng trưởng tín dụng của cả năm 2017 lên từ 19 đến 21% – một động thái rất dễ được hiểu là “tăng tín dụng tức tăng GDP và tăng thành tích”. Điều đó có nghĩa là hệ thống ngân hàng phải tung vào thị trường tín dụng và tài chính một con số khổng lồ khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, trong bối cảnh ngân hàng thừa mứa tiền đồng – một hệ quả rất có thể khởi nguyên từ cơ chế in tiền ồ ạt trong hàng chục năm trước mà đã khiến Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) không ít lần phải khuyến cáo “Việt Nam không nên in quá nhiều tiền”.
Ngân hàng lại chính là “tay to” của thị trường chứng khoán, để một khi ngân hàng câu kết với giới đại gia các ngành khác thì VN-Index mới có thể “thăng hoa” – tương tự chỉ số GDP bay cao đến 7,46% của Thủ tướng Phúc.
Nhưng hậu quả của chuyện “bay cao” trên là lần đầu tiên kể từ khi chính thức nhậm chức thủ tướng vào giữa năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc bị dư luận xã hội và giới chuyên gia và kể cả Quốc hội bật lên mối nghi ngờ nặng nề về những kết quả “thành tích điều hành kinh tế” do ông báo cáo trong kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2017.
“Giả số liệu”
Nghi ngờ lớn nhất đối với Thủ tướng Phúc tập trung vào kết quả “tăng trưởng 7,46% GDP trong quý 3 năm 2017”.
Không ít dư luận còn cho rằng số liệu trên là giả.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam, có một bài phân tích trên trang báo điện tử Vietnamnet và mát mẻ: “chưa năm nào có sự cải thiện tăng trưởng từ quý I đến quý III như năm nay”. Nhờ vậy, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm lên tới 6,4%.
Tiến sĩ Thành cũng giễu cợt: “Với dự kiến quý IV/2017 có tốc độ tăng trưởng còn cao hơn nữa, có lẽ không cần đợi đến số liệu thực tế vào cuối năm, Chính phủ đã có thể báo cáo ngay với Quốc hội là mục tiêu tăng trưởng 6,7% của 2017 sẽ đạt được”.
Một trong những phản biện chi tiết được Tiến sĩ Thành đề cập về “đóng góp lớn cho con số đẹp này là sự tăng trưởng cao của công nghiệp chế biến – chế tạo (lên tới 12,8% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ)”, là “điện chỉ tăng 8,3% làm sao công nghiệp chế biến chế tạo tăng được 11 – 12%?”. Vì theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, kinh nghiệm các năm cho thấy khi GDP tăng 6 – 6,5%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11 – 12% thì sản lượng điện tăng 11 – 12%. Nhưng trong 9 tháng năm 2017, trong khi GDP tăng 6,4% và công nghiệp chế biến chế tạo tăng tới 12,8% thì điện chỉ tăng có 8,3%…
Trong khi đó, có chuyên gia tính toán rằng chỉ cần làm vài phép tính đơn giản sẽ thấy ngay GDP Việt Nam chỉ vào khoảng hơn 3%.
Trước đó tại phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội vào giữa tháng 10/2017, Chủ tịch quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Tăng trưởng GDP 6,7% nhưng tăng thu ngân sách so với dự toán chỉ 2,3%? Giải ngân vốn đầu tư thì chậm mà tăng trưởng lại cao, điều này nghe có mâu thuẫn?…”.
Với kết quả “tăng trưởng 7,46% GDP trong quý 3 năm 2017” để “đạt tăng trưởng bình quân năm 2017 là 6,7%”, có thể nhận ra rằng ông Nguyễn Xuân Phúc đang rất cần những thành tích kinh tế để tôn tạo vai trò không chỉ thủ tướng mà còn ứng cử viên tổng bí thư.
Tuy nhiên, ngày càng dày đặc dấu hiệu cho thấy ông Phúc đang sa vào lối mòn về chủ nghĩa cường điệu và khoe khoang thành tích không biết chán của Nguyễn Tấn Dũng.
Trước khi bị “rớt đài” tại đại hội 12 của đảng cầm quyền, Nguyễn Tấn Dũng cũng đã bị các đối thủ chính trị đả kích mạnh về thói huênh hoang thành tích nhưng rất thiếu cơ sở khoa học. Còn giờ đây, Thủ tướng Phúc cũng có thể phải đối mặt với những đối thủ chính trị không ưa gì ông và luôn biết cách khai thác điểm yếu của ông, nhất là căn bệnh “giả số liệu”.
Còn “xử lý nợ xấu”? 
Tại hai kỳ họp quốc hội vào tháng 5 – 6 năm 2017 và 10 – 11 năm 2017, con số mới nhất về nợ xấu ngân hàng, còn được mệnh danh là “cục máu đông” được công bố: 600.000 tỷ đồng.
Nhưng về thực chất và cộng với khoảng 300.000 tỷ đồng mà Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua – trên thực tế là mua trên giấy chứ không phải bằng “tiền tươi thóc thật” – số nợ xấu hiện thời lên đến khoảng 900.000 tỷ đồng.
Sau 6 năm từ thời điểm 2011 khi thực hiện đề án xử lý nợ xấu, bất chấp vô số tuyên truyền một chiều của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và kể cả thời hậu đại hội 12 của đảng cầm quyền, cho tới nay nợ xấu ngân hàng không những không giảm đi mà còn tăng mạnh.
Ngay cả việc chấp nhận con số 600.000 tỷ đồng nợ xấu hiện thời theo báo cáo của Ngân Hàng Nhà Nước, người ta cũng nhìn thấy ngay một nan đề hoàn toàn bế tắc: sau hơn ba năm kể từ lúc thành lập VAMC, nợ xấu đã chạy đủ một đường vòng “đúng quy trình”: từ ngân hàng đến VAMC, rồi lại từ VAMC trở về ngân hàng. Giữa những khoảng trống vận động ấy, vẫn chưa có gì được lấp bù. Nghĩa là nợ xấu vẫn nguyên vẹn cùng lãi mẹ đẻ lãi con.
Cho tới tận giờ đây và kể cả sau khi Quốc hội ban hành một nghị quyết về xử lý nợ xấu, hậu quả chôn vốn vẫn còn quá lớn. Các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước mới chỉ kịp thoái khoảng hơn 50% vốn bị “ngâm, trong khi hệ thống ngân hàng vẫn chưa biết làm sao để thu hồi được nợ vay từ các con nợ “tiềm năng” của mình. Theo giới chuyên gia phản biện độc lập, nợ xấu hiện thời là vô phương cứu chữa vì các kênh tiêu thụ nợ xấu hầu cũng bế tắc.
Mầm mống khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng bởi thế ngày càng lộ diện.
Tương lai hầu như không cần bàn cãi là nếu không sớm xử lý được khối nợ xấu ngân hàng, e rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có một số ngân hàng loại nhỏ phải “đội nón ra đi,” và không loại trừ làn sóng này sẽ gây ra hiệu ứng domino đến một số ngân hàng hạng trung và cả ngân hàng loại lớn của nhà nước.
Bất kỳ ai cũng có thể đặt một câu hỏi phản biện với Thủ tướng Phúc và Ngân hàng nhà nước: nợ xấu có nguồn gốc chủ yếu từ ngân hàng, và nếu công tác xử lý nợ xấu thật sự đạt được hiệu quả như báo cáo của Chính phủ thì tại sao vào tháng 11/2017, Chính phủ lại phải ban hành chính sách “thí điểm phá sản ngân hàng”, mà thực chất có đến 30% trong số hơn 30 ngân hàng thương mại không còn cách nào khác phải bị cho phá sản – theo giới chuyên gia?
Đó là chưa kể quốc nạn nợ công. Cho đến nay, chính phủ và các bộ ngành ở Việt Nam vẫn chỉ thừa nhận nợ công “sát ngưỡng nguy hiểm 65% GDP.” Nhưng từ năm 2011 đến nay, đã xuất hiện không ít phân tích và đánh giá của giới chuyên gia phản biện độc lập về thực trạng nợ công lên đến hàng trăm % GDP.
Vào đầu năm 2017, một chuyên gia phản biện độc lập là Tiến Sĩ Vũ Quang Việt – người có thâm niên lâu năm là vụ trưởng vụ thống kê của Liên Hiệp Quốc – đã tính toán rằng nợ công quốc gia Việt Nam phải lên đến 210% GDP, tức đến khoảng 450 tỷ USD.
Nợ công, nợ xấu, phá sản ngân hàng lại là những tử huyệt của nền kinh tế Việt Nam lẫn chính thể độc đảng.
Bloomberg và Ngân hàng thế giới có động cơ gì?
Những năm gần đây, Bloomberg và Ngân hàng thế giới (WB) là hai tổ chức thỉnh thoảng có những báo cáo và bài viết hoặc công nhận những số liệu cơ bản về kinh tế trong báo cáo của Chính phủ Việt Nam, hoặc có vẻ ca ngợi “thành tích điều hành kinh tế” của chính phủ này.
Nhưng hậu quả nào đã và sẽ xảy ra nếu họ – những tổ chức có uy tín trên thế giới – đưa ra những phân tích và nhận định chỉ dựa trên bề mặt mà thiếu chiều sâu, vừa không thực tế vừa sai lệch với tình cảnh nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào năm suy thoái thứ 9 liên tiếp mà vẫn chưa hoặc còn lâu mới ngóc đầu lên được?