Kinh tế Trung Quốc thời Donald Trump

Cac Bai Khac

No sub-categories

Kinh tế Trung Quốc thời Donald Trump
Saturday, December 3, 2016
Ngô Nhân Dụng 
Theo Nguoi-viet 
Ảnh minh họa – Nguồn: internet

Tuần trước, Giáo Sư Dư Vĩnh Ðịnh (Yu Yongding) nguyên cố vấn Ngân Hàng Trung Ương ở Bắc Kinh đã viết trên tờ báo chính thức của đảng khuyên Trung Cộng hãy ngưng cố gắng bảo vệ giá trị đồng nguyên. Hãy để cho đồng tiền tụt giá so với đô la Mỹ, trước khi ông Donald Trump nhậm chức đầu năm 2017. Bởi vì dù cố gắng đến mấy để giữ giá, đồng nguyên sẽ còn xuống nhanh hơn nữa, khi chính sách kinh tế của vị tân tổng thống Mỹ được thực hiện.

Theo hứa hẹn của ông Donald Trump khi tranh cử, trong năm đầu tiên ông sẽ cắt giảm thuế cho các công ty và những người lợi tức cao nhất nước Mỹ, đồng thời sẽ bắt đầu một kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở như đường sá, cầu cống, vân vân. Hai biện pháp đó sẽ tăng số tiền lưu hành ở nước Mỹ, thúc các hoạt động kinh tế lên cao, nhưng lạm phát chắc chắn lên cao hơn. Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) sẽ phải tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Khi lãi suất ở Mỹ tăng, giá trị của đồng đô la sẽ lên theo.

Từ sang năm, ngân sách Mỹ sẽ thêm khiếm hụt, số nợ công sẽ tăng, khi chính phủ vay thêm, mà Quốc Hội Mỹ cùng một đảng Cộng Hòa sẽ không ngăn cản. Sau các nguồn vốn nội địa sẵn sàng cho chính phủ Mỹ vay nợ, ngoài các quốc gia xuất cảng dầu lửa còn có các nước Á Ðông. Từ hai chục năm nay, tiền từ các nước Á Ðông đem cho nước Mỹ vay vì đó là nơi gửi tiền an toàn nhất, mà cũng vì người dân các nước đó bị “cưỡng bức tiết kiệm.” Người tiêu thụ Trung Hoa lục địa và Nhật Bản đều chi tiêu rất ít so với dân Mỹ, không phải vì họ muốn như vậy nhưng vì chính sách của các chính phủ ưu đãi việc xuất cảng, bỏ rơi thị trường nội địa, bắt dân phải tiết giảm tiêu thụ. Thí dụ, vào năm 2014, trong khi dân Mỹ tiêu dùng 68% GDP thì số chi tiêu của dân Nhật Bản lớn bằng 60% tổng sản lượng nội địa, dân Tàu chỉ được tiêu hơn 37% số tiền họ tạo ra.

Ðồng đô la Mỹ sẽ lên giá; khi các nước Á Ðông đem tiền cho Mỹ vay vì lãi suất lên cao hấp dẫn. Nhưng đô la lên mãi sẽ tới lúc phải xuống; đến khi chính phủ Mỹ trả lại lãi và vốn các món nợ cũ thì những nước cho vay sẽ thiệt vì nhận đồng tiền giá trị thấp hơn. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc bắt dân nhịn tiêu thụ để đem tiền cho vay, cuối cùng sẽ thiệt.

Cố giữ cho đồng nguyên vững giá so với đô la Mỹ là trái ngược với quyền lợi của chính nước Tàu! Nhưng Cộng Sản Trung Quốc đang cố làm công việc đó, trong khi tổng thống tân cử Donad Trump vẫn lớn tiếng chỉ trích Trung Cộng “âm mưu” hạ giá đồng tiền của mình để hàng xuất cảng sang Mỹ giá rẻ hơn.

Trước khi ông Trump nhậm chức, tiền ở Trung Quốc vẫn tiếp tục được đổi sang đô la Mỹ, USD, để chuyển ra nước ngoài, khiến đồng nguyên xuống giá nhanh hơn. Ngân Hàng Trung Ương Bắc Kinh đã can thiệp mạnh mẽ trong mấy tuần cuối tháng 11 để ngăn ngừa, khi thấy đồng nguyên mất 7% giá trị so với đô la trong một năm qua. Ngân Hàng Nhân Dân cấm dùng thẻ tín dụng xài đô la; ra lệnh dân Tàu không được mua bảo hiểm của nước ngoài; không cho phép các xí nghiệp trong nước Tàu đầu tư quá $10 tỷ; không cho các doanh nghiệp nhà nước mua các xí nghiệp ngoại quốc hoặc mua các cơ sở địa ốc ở nước ngoài với giá cao hơn $1 tỷ. Một lệnh khác của Ngân Hàng Trung Ương cấm các xí nghiệp không được chuyển ra nước ngoài số tiền cao hơn 30% số vốn.

Tất cả các biện pháp đó đều nhằm ngăn cản việc đổi đồng nguyên lấy đô la, cốt giữ vững giá đồng tiền và ngăn chặn thất thoát ngoại tệ. Nguyên nhân chính khiến quỹ dự trữ ngoại tệ Trung Quốc giảm sụt là tiền vốn chạy ra nước ngoài. Năm 2014, số dự trữ này lên cao nhất, tới gần $4,000 tỷ, hiện nay chỉ còn hơn $3,000 tỷ. Riêng trong tháng 11 vừa qua, quỹ đã giảm bớt $46 tỷ.

Lý do chính khiến đồng nguyên mất giá là kinh tế Trung Quốc không còn tăng trưởng với tốc độ cũ. Trong năm 2016, GDP sẽ chỉ tăng 6.7%, so với tỷ lệ 6.9% đạt được năm ngoái. Ông Tập Cận Bình đã tuyên bố chấp nhận tỷ lệ thấp, nhưng vẫn muốn sẽ không xuống dưới 6.5%, là tỷ lệ tối thiểu để không gây nạn thất nghiệp trầm trọng.

Nhưng đồng nguyên sẽ tiếp tục xuống giá so với đô la Mỹ trong thời gian tới. Một lý do khác là số nợ chồng chất trong nền kinh tế đã lên quá cao, Ngân hàng trung ương sẽ phải tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp để các con nợ không bị phá sản; khi họ phải vay nợ mới trả nợ cũ. Trong khi đó, lãi suất ở Mỹ sẽ tăng lên thì đổi tiền Tàu lấy tiền Mỹ cho vay lợi hơn nhiều.

Lý do thứ hai là số lượng hàng xuất cảng của Trung Quốc đang xuống. Nhiều công ty quốc tế, kể cả các công ty Trung Quốc, đã chuyển cơ xưởng sản xuất qua những nước còn giữ đồng lương thấp hơn. Ðể giảm bớt tốc độ đi xuống của ngành xuất cảng, Bắc Kinh không thể cho giá đồng nguyên tăng lên để mất lợi thế.

Ðảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ phải đối phó trước viễn tượng đồng nguyên xuống giá. Vì trong năm tới đồng đô la Mỹ sẽ lên giá, khi Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed) sẽ phải tăng lãi suất trước mối đe dọa của lạm phát khi ngân sách Mỹ khiếm hụt vì vừa cắt giảm thuế vừa tăng công chi.

Theo lời khuyên của Giáo Sư Dư Vĩnh Ðịnh, họ có thể chọn hành động mạnh, chính thức hạ giá đồng nguyên một lần trước khi ông Trump nhậm chức. Làm sớm để tránh phản ứng nặng nề, vì ông Trump vẫn kết án Trung Cộng âm mưu hạ thấp đồng tiền để bán hàng. Nhưng năm ngoái, Bắc Kinh đã phá giá đồng nguyên một lần khi thị trường chứng khoán sụp đổ. Một hành động mạnh bây giờ không phải chỉ khiến Mỹ và các nước Tây phương đồng loạt phản đối, mà còn khiến người dân nước Tàu nghi ngờ khả năng điều khiển kinh tế của giới lãnh đạo!

Cho nên, có thể đoán rằng Bắc Kinh sẽ còn cố tỏ thiện chí với ông Trump bằng cách bảo vệ giá trị đồng nguyên, như Nhân Dân Ngân Hàng đang làm trong mấy tuần qua. Sau đó, họ sẽ chấp nhận cho đồng nguyên xuống giá từ từ, biện minh rằng đó là do áp lực của thị trường.

Trong số những người được ông Trump bổ nhiệm trong các vai trò điều khiển kinh tế, tài chánh có rất nhiều người xuất thân từ công ty tài chánh Goldman Sachs, mà chính công ty này từ đầu năm 2016 đã tiên đoán đồng nguyên phải xuống giá, vì các lý do kinh tế khách quan chứ không phải do chính sách của Cộng Sản Trung Hoa. Tình trạng đồng nguyên xuống giá là điều chính quyền Bắc Kinh không thể cưỡng lại được; nó chỉ chứng tỏ kinh tế Trung Quốc vẫn còn yếu.

Một điều Trung Cộng có thể an tâm là kế hoạch kinh tế của ông Trump trong năm tới sẽ khiến chính phủ Mỹ phải vay nợ nhiều hơn; và Trung Quốc là một nguồn vốn cho vay sẵn sàng chấp nhận lãi suất thấp. Ông Trump có thể đưa ra những biện pháp tức thời nhằm “trừng phạt” Trung Cộng để làm vui lòng những cử tri đã bầu cho ông, như tăng thuế nhập cảng hàng sắt thép và nhôm từ Trung Quốc. Nhưng không một nhà kinh tế nào lại nghĩ nước Mỹ sẽ làm lấy những thứ hàng rẻ tiền như dân Trung Quốc hoặc Việt Nam đang làm. Ông Trump sẽ chỉ yêu cầu Trung Cộng cũng như các nước Á Châu mở cửa cho hàng hóa Mỹ được bán vào dễ dàng hơn.

Ðây có thể là một cơ hội cho Trung Cộng. Trước các áp lực đó, họ có cơ hội thực hiện việc cải tổ kinh tế nhanh hơn. Bao lâu nay, Trung Cộng vẫn đặt ưu tiên cho các xí nghiệp quốc doanh đầu tư trong khi dân không được tiêu thụ, gây ra tình trạng mất thăng bằng. Ở một nước với bao nhiêu xí nghiệp sản xuất dư thừa, không bán được hàng, trong khi đó giá hàng hóa vẫn cao khiến người dân không được tiêu thụ, đó là do chính sách của đảng Cộng Sản gây ra từ hàng chục năm nay. Cuộc cải tổ cơ cấu mà ông Tập Cận Bình vẫn hô hào hai năm nay nhưng không tiến được, vì bị các thủ lãnh địa phương trì hoãn. Bao nhiêu nhà máy quốc doanh lỗ lã được lệnh đóng cửa nhưng vẫn hoạt động, trung ương không làm gì được! Sang năm họp đại hội đảng, Tập Cận Bình có thể nhân thời cơ thay thế hết các thủ lãnh địa phương!

Cộng Sản Trung Hoa sẽ phải thay đổi cơ cấu kinh tế lỗi thời. Phải chấm dứt chính sách cưỡng bức tiết kiệm, trả lại đồng tiền vào tay dân chúng tiêu thụ, thay vì cứ đưa cho các cán bộ nhà nước phung phí trong những dự án đầu tư không có lời. Những đe dọa của ông Trump có thể giúp đảng Trung Cộng bắt đầu cải tổ nhanh hơn.

Nước Mỹ đang sản xuất một phần tư giá trị kinh tế trên địa cầu (25% GDP thế giới) dù dân số chỉ lớn bằng 5% toàn thể nhân loại. Ngược lại, dân Trung Hoa lục địa lớn bằng 18% dân số toàn cầu nhưng hiện nay sức sản xuất chỉ bằng 15% toàn thể. Không ai có thể chối cãi rằng Trung Quốc sẽ phải trở thành một cường quốc kinh tế. Trong hiện tại, họ đã là nước buôn bán nhiều nhất với thế giới bên ngoài. Trong tương lai, khi giới trung lưu Trung Hoa giầu hơn, họ sẽ là khối người tiêu thụ lớn nhất, bất cứ nhà kinh doanh hoặc ông tổng thống Mỹ nào cũng không thể bỏ qua!

Ðứng trước viễn tượng đó, người Việt Nam chỉ có một con đường để thoát khỏi cảnh lệ thuộc là tự mình cải tổ, sớm hơn và nhanh hơn Cộng Sản Trung Quốc. Không nên mơ tưởng các nước lớn sẽ đấu đá nhau cho nước mình thừa cơ thủ lợi. Chỉ có một đường đi là làm sao kinh tế nước Việt Nam hưng thịnh. Guồng máy chính trị độc tài là nguyên nhân chính khiến kinh tế chậm lụt. Cho nên, phải cải tổ triệt để, nghĩa là trên cả hai lãnh vực, kinh tế và chính trị.