Kinh tế Nga bấp bênh giữa trận chiến trừng phạt qua lại với phương Tây
Nga cấm nhập khẩu phần lớn thực phẩm từ các nước phương Tây
Theo VOA 21.08.2014
Giờ bước vào mùa của sự bất mãn kinh tế tại Nga, với những biện pháp trừng phạt kiểu ăn miếng trả miếng giữa Moscow và phương Tây để đáp lại cuộc nổi dậy được Nga hậu thuẫn vẫn đang diễn tiến ở miền đông Ukraine. Thông tín viên VOA Mike Eckel tường thuật lợi hại của các biện pháp trừng phạt này.
Điện Kremlin tuần này vừa đưa ra lời dọa dẫm không mấy tế nhị rằng Nga có thể áp đặt những biện pháp trừng phạt về xe hơi nhập khẩu nếu Mỹ và các nước phương Tây lại tung ra những chế tài mới nhắm vào Nga. Nhật báo uy tín Vedomosti hôm thứ Hai dẫn lời những quan chức chính phủ không nêu tên cho biết rằng các biện pháp đang được xem xét bao gồm lệnh cấm một phần hoặc toàn phần đối với xe hơi nhập khẩu.
Những khả năng khác bao gồm không cho các hãng hàng không quốc tế bay qua không phận của Nga, hoặc áp dụng những biện pháp bảo hộ mới cho các ngành công nghiệp máy bay, đóng tàu và ô tô.
Một vòng trừng phạt mà Moscow công bố trước đó trong tháng này được mô tả là sự đáp trả thích đáng đối với những chính sách của phương Tây, và cũng là một cách để tăng cường ngành công nghiệp và nông nghiệp trong nước của Nga. Thế nhưng các nhà phân tích cho rằng đây có thể chỉ là mơ tưởng, vì quy mô kinh tế Nga còn nhỏ so với những nền kinh tế lớn khác và nhiều ngành công nghiệp của Nga còn kém phát triển.
Nói cách khác, Điện Kremlin có thể đang vô tình tự hại mình.
“Điều kỳ lạ là trong khi phương Tây không thực hiện những biện pháp trừng phạt thương mại, Nga thì lại làm quá thường xuyên mặc dù là bên yếu hơn,” ông Anders Aslund, một nhà phân tích tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson , viết trong trang diễn đàn độc giả gần đây. “Đây là chính sách kém khôn ngoan, có thể gây tổn hại cho Nga còn hơn những biện pháp trừng phạt của phương Tây.”
Các biện pháp trừng phạt của Nga, do Thủ tướng Dmitry Medvedev công bố ngày 7 tháng 8, nhắm mục tiêu vào cá, trái cây, rau củ, thịt bò, thịt heo và các sản phẩm sữa nhập khẩu từ Mỹ, Liên minh châu Âu và các khu vực khác, nhằm trả đũa các biện pháp của phương Tây.
Đối với Mỹ, nước xuất khẩu 1,3 tỉ USD nông sản sang Nga vào năm 2013, lệnh cấm mới chỉ ảnh hưởng đến hơn phân nửa số sản phẩm đó. Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính tác động tổng thể đối với hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ là hạn chế.
Ngay cả trước khi có lệnh cấm, bóng ma tăng trưởng trì trệ đã ám ảnh nền kinh tế của Nga. Dự báo trước đó cho biết tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng trưởng 1,8 phần trăm trong năm nay. Giờ với những biện pháp trừng phạt, các nhà đầu tư bồn chồn và đồng ruble suy yếu, nền kinh tế khá lắm thì chỉ có thể tăng trưởng 0,5%, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.
Ngay cả trước khi có lệnh cấm, bóng ma tăng trưởng trì trệ đã ám ảnh nền kinh tế của Nga. Dự báo trước đó cho biết tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng trưởng 1,8 phần trăm trong năm nay. Giờ với những biện pháp trừng phạt, các nhà đầu tư bồn chồn và đồng ruble suy yếu, nền kinh tế khá lắm thì chỉ có thể tăng trưởng 0,5%, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.
Lạm phát đã rục rịch tăng lên, đạt mức 7,8% tính cho toàn năm vào tháng Sáu, Ngân hàng Thế giới cho biết. Giá lương thực đã tăng 2% vào tháng trước, và đó là trước khi lệnh cấm bắt đầu có ảnh hưởng. Một số thành phố như St Petersburg báo cáo giá cả tăng đến mức 25% đối với những mặt hàng hóa như thịt heo và thịt bò.
Một diễn tiến gợi nhớ những năm 1990 đầy biến động là việc rút vốn cũng đang tăng tốc, với khoảng 100 tỉ USD dòng tiền chảy ra khỏi Nga trong năm nay, theo Bộ Kinh tế, tăng lên từ 61 tỉ USD vào năm ngoái. Nhiều nhà phân tích nói rằng thậm chí con số đó còn thấp hơn thực tế.
Doanh nghiệp càm ràm
Các doanh nghiệp đã bắt đầu càm ràm về lệnh cấm nhập khẩu, một số công khai. Một số doanh nghiệp phàn nàn rằng phải mất hàng năm mới có thể điều chỉnh trước việc để mất đối tác phương Tây, cộng thêm việc phải tìm kiếm những nguồn cung cấp tín dụng mới để chuyển hướng sản xuất, tìm kiếm các nguồn nguyên liệu mới. Sau đó thậm chí còn không đảm bảo là sẽ có nhu cầu của người tiêu dùng.
Ví dụ, Belaya Dacha, một nhà sản xuất nông nghiệp lớn với nhiều nhà kính trồng rau quanh vùng ngoại ô Moscow, cho biết họ sẽ không thể chuyển hướng sản xuất rau trong nước từ rau diếp lá dài sang rau diếp lá giòn. Một quan chức tại Cơ quan Liên bang về Nghề cá nói với báo Vedomosti rằng cấm nhập khẩu cá hồi từ Na Uy sẽ khiến các công ty chế biến của Nga khốn đốn: “Quyết định cấm nhập khẩu cá đã được đưa ra nhanh chóng và thiếu chuyên nghiệp.”
“Những biện pháp trừng phạt này thì giúp được gì? Chúng không phải là mãi mãi, và những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp mới cần phải lâu dài,” ông Alexander Nikitin, phó giám đốc của một nhà sản xuất thịt lớn của Nga được dẫn lời nói.
Tổng thống Vladimir Putin đã thúc đẩy sản xuất thêm các mặt hàng nội địa về quân sự và hàng không để tránh phụ thuộc vào Ukraine, một nguồn cung ứng trọng yếu của Nga. Ông nói các biện pháp trừng phạt này không chỉ là những biện pháp trả đũa.
“Trên hết, đây là biện pháp nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất Nga cũng như mở cửa thị trường của chúng ta cho những nước và các nhà sản xuất muốn hợp tác với Nga và chuẩn bị cho sự hợp tác đó,” ông Putin nói trong một bài phát biểu hôm thứ Năm tuần trước.
Pho-mát Parmesan của Nga?
Trong khi đó, Thủ tướng Medvedev kêu gọi lập một chương trình chính phủ để cải cách lĩnh vực nông nghiệp của Nga. Lời kêu gọi này gặp phải những lời chế giễu của một số người trong cộng đồng blog tiếng Nga. Người đọc và các blogger nhớ lại những cải cách kiểu Liên Xô trong những năm 1970 và 1980 mà chẳng đi tới đâu.
“Các đồng chí! Chúng ta sẽ hoàn thành chương trình thực phẩm đã được phê duyệt vào tháng 5 năm 1982,” một độc giả có tên là ‘kottigr’ viết trên website của trang tin độc lập Ekho Moskvy. “Cuộc họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô luôn luôn đúng !!”
“Nga dường như đã quá tự hào về khả năng để sản xuất tên lửa của mình đến nỗi bây giờ cũng quyết định mình có thể sản xuất pho-mát Parmesan,” Pavel Podvig, một nhà phân tích lực lượng quân sự của Nga tại Geneva nói với đài VOA. “Điều này đâu có khó hơn phải không?”
Những chương trình cải cách của chính phủ gần đây mang lại kết quả không mấy khả quan. Theo Vedomosti, một chương trình 5 năm được gọi là “Tăng tốc Phát triển Chăn nuôi” bắt đầu từ năm 2007 chứng kiến khoảng 11 tỉ USD vốn đầu tư nhà nước và đầu tư công đổ vào hoạt động sản xuất những sản phẩm từ sữa trên toàn quốc. Tuy nhiên, sản lượng sữa tăng ít hơn 3 phần trăm vào năm 2013.
“Ngay cả trước khi các biện pháp trừng phạt bắt đầu, triển vọng của nền kinh tế Nga không được tốt. Bây giờ còn tệ hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao mà người Nga hết sức cần cải thiện,” ông Loren Graham, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts và là tác giả của cuốn sách “Lonely Ideas: Can Russia Compete?” cho biết. Ông nói: “Bản chất của chính xã hội Nga … không thúc đẩy sự cải tiến thành công về mặt kinh tế.”
Trung Quốc đổ vào
Trong khi có những nghi ngờ về năng lực của Nga bù đắp cho sự mất mát hàng nhập khẩu phương Tây, các nước như Trung Quốc đang vui vẻ chờ đợi lấp đầy khoảng trống.
Một giám đốc điều hành tại công ty xuất khẩu táo, tỏi và gừng lớn nhất của Trung Quốc – công ty gọi là Shandong Goodfarmer – cho biết nhu cầu của Nga đối với sản phẩm của Trung Quốc đã được tăng lên.
Ông Lu Zuoqi nói với trang web thương mại freshfruitportal.com: “Lệnh cấm là một bất ngờ đối với nhiều người, không có khoản thời gian chuẩn bị cho phép. Với lệnh cấm trọn một năm, thị trường rau quả của Nga chắc chắn phải chịu tình trạng khan hiếm nguồn cung trong năm sắp tới, đó là một cơ hội to lớn cho công nghệ sản xuất rau quả của Trung Quốc.”
Một trong những lĩnh vực mà nền kinh tế Nga còn hoạt động tốt là dầu khí, lĩnh vực tránh được trừng phạt, chủ yếu là do sự phụ thuộc to lớn của châu Âu đối với khí đốt thiên nhiên của Nga.
Nhấn mạnh thực tế đó là thông báo của điện Kremlin vào tuần trước nói rằng một dự án khoan thăm dò 700 triệu USD đang bắt đầu tại một địa điểm ở Bắc Băng Dương được giám sát bởi đại công ty dầu khí nhà nước Rosneft.
Còn công ty khoan thăm dò?
Là đại công ty Exxon Mobil Corp của Mỹ