Kiện Trung Cộng, tại sao chưa?
Dư luận Việt Nam sôi nổi về việc Việt Nam có thể rút kinh nghiệm của Philippines, khởi kiện TC về vô số vi phạm nghiêm trọng trên Biển Đông.
Nhiều lý do để kiện
TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới của chính phủ Việt Nam nói với chúng tôi là Việt Nam hoàn toàn có khả năng sử dụng các cơ chế tài phán quốc tế trong tranh chấp Biển Đông. Qua điện đàm từ Hà Nội vào tối 19/7, TS Trần Công Trục phát biểu:
“Giống như học tập Philippines, thì có thể kiện liên quan đến áp dụng Công ước. Thí dụ như kiện Trung Quốc đã vạch đường cơ sở bao lấy toàn bộ quần đảo Hoàng Sa như một quốc gia quần đảo để chiếm lĩnh vùng biển, thì cái đó có thể kiện họ giải thích sai Công ước. Hay là kiện Trung Quốc đã bắt bớ, đánh đập, giam cầm, phạt tù, bắn cháy, đâm húc tàu của các ngư dân. Hành xử đó sai với những qui định Công ước, cho dù người dân trong khi làm ăn có thể có những vi phạm…Tôi không nói đến chuyện vùng biển đó của ai…như vậy chúng ta có thể kiện về mặt dân sự và hình sự trong quan hệ của các tổ chức cá nhân hay các tổ chức quốc tế.
Cũng có thể kiện Trung Quốc đào bới xây dựng các đảo nhân tạo ảnh hưởng đến môi trường biển, phá hủy sinh thái môi trường biển mà loài người cần phải bảo vệ. Những hành động đó có người nói là tội ác nhân loại…”
Theo TS Trần Công Trục, trong phạm vi Biển Đông nên hình dung có nhiều loại tranh chấp, cần hiểu rõ tranh chấp nào có thể đơn phương đưa lên các cơ quan tài phán mà họ xem xét có thẩm quyền, loại tranh chấp nào không thể kiện đơn phương…như vừa rồi Philippines kiện là kiện giải thích áp dụng Công ước, phán quyết của Tòa hoàn toàn liên quan đến giải thích áp dụng Công ước, chứ không liên quan đến quyền thủ đắc lãnh thổ hoặc phân định biển. Phán quyết chỉ giải quyết một vấn đề như đã biết là bác bỏ quyền lịch sử vùng biển nằm trong đường lưỡi bò, hoặc xác định các thực thể ở Trường Sa không đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Phán quyết không liên quan tới chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa, hay phân định vùng biển chồng lấn. TS Trần Công Trục nhấn mạnh:
“Nói tóm lại những chuyện gì không liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, như Hoàng Sa Trường sa nhiều người cứ bảo rằng kiện Hoàng Sa là không đúng. Nếu không liên quan đến chủ quyền hoặc phân định biển thì anh có thể kiện, vụ kiện đó nằm trong phạm vi mà các cơ quan tài phán người ta xem xét đủ thẩm quyền với đơn kiện đơn phương của các bên đưa lên. Vừa rồi Philippines đã làm điều đó và họ đã chọn lựa vấn đề thiết thực để kiện. Do đó mà Tòa Trọng tài, mặc dù Trung Quốc quay lưng, không tham gia, không tranh luận vụ kiện đó, không công nhận thẩm quyền, nhưng cuối cùng Tòa ra phán quyết, rất nhiều quốc gia đề cao phán quyết hợp lý và kêu gọi các bên nghiêm túc thực hành.”
Được biết cơ chế tài phán quốc tế phân xử các vụ kiện về chủ quyền lãnh thổ là Tòa Công Lý Quốc Tế (The International Court of Justice). Tuy vậy Tòa chỉ thụ lý đơn kiện khi tất cả các bên liên quan đồng thuận tham gia vụ kiện. TC hành xử bá quyền coi thường quốc tế, ngay cả một vụ kiện giải thích Công ước Quốc tế về Luật Biển mà Bắc Kinh cũng không tham gia, không công nhận phán quyết cho dù TC là một thành viên ký kết và phê chuẩn UNCLOS 1982. Như vậy Việt Nam không có khả năng kiện TC về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa hoặc phân định các vùng biển chồng lấn.
Việt Nam cần quyết đoán
Tháng 5/2014 khi TC ngang nhiên đưa giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa miền Trung, Chính phủ Việt Nam nói tới khả năng kiện TC. Trong cuộc họp báo ngày 29/5/2014 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lúc đó, xác nhận là Việt Nam đã chuẩn bị hồ sơ pháp lý, cân nhắc thời điểm khởi kiện ra Tòa án quốc tế hoặc Hội đồng trọng tài quốc tế. Ông Nên còn nhắc tới điều gọi là thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với báo chí nước ngoài, đó là Việt Nam không đổi chủ quyền lấy thứ hữu nghị viển vông.
Thế nhưng từ đó tới nay, Việt Nam chưa bao giờ khởi kiện TC dù Bắc Kinh không ngừng tạo căng thẳng trên Biển Đông, xâm phạm vùng trời, vùng biển chủ quyền Việt Nam, mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ tàu của lực lượng TC tấn công, cướp bóc tàu cá của ngư dân Việt Nam. Không những không kiện TC mà Chính quyền Việt Nam còn trấn áp mọi cuộc biểu tình phản đối TC lấn chiếm biển đảo, kể cả các cuộc tuần hành hoan nghênh phán quyết của Tòa Quốc tế.
Sau phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực The Hague bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của TC, nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt từ Saigon đã nhận định:
“Trong thời gian tới nếu Trung Quốc gây căng thẳng trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như hồi 2014, thì Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin, có thể mang Trung Quốc ra trước một tòa trọng tài giống như Philippines đã làm. Như vậy tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam, với sự ủng hộ của cộng đồng thế giới sẽ tác động rất lớn đến vấn đề này. Trước đây thì có lẽ Việt Nam, Malaysia…những quốc gia trực tiếp tranh chấp Biển Đông đã nghĩ tới việc kiện Trung Quốc nhưng còn do dự, còn cân nhắc khả năng thẩm quyền của tòa cũng như khả năng phán quyết của tòa như thế nào. Nhưng có lẽ phán quyết của Tòa Trọng Tài ngày 12/7 vừa rồi, rõ ràng đã tạo ra hướng đi mới cho các quốc gia như Việt Nam…”
Một thí dụ rất cụ thể về việc TC thể hiện hành vi sử dụng vũ lực trên Biển Đông, ba ngày trước khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết, hôm 9/7 Tàu hải Cảnh TC đã cố ý đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi và bỏ mặc ngư dân trên biển.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển của Việt Nam, trong dịp nhận xét về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ngày 12/7, đã phát biểu với Đài RFA:
“Trung Quốc vẫn tiếp tục có hành vi sử dụng vũ lực trên Biển Đông: dùng tàu đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Trước bối cảnh như thế chính phủ Việt Nam không thể nào chỉ dừng lại ở việc tuyên bố phản đối thông qua người phát ngôn của Bộ Ngoại giao. Chính phủ Việt Nam cần phải có quyết đoán chính trị trong thời điểm này. Cần phải tính đến việc khởi kiện và cần phải có những biện pháp đấu tranh ngoại giao khác để gây áp lực lên Trung Quốc buộc phải chấp hành trật tự pháp luật quốc tế cũng như Công ước Luật biển năm 1982.”
Những gì các học giả, chuyên gia phân tích về khả năng kiện TC ra tòa quốc tế cho thấy Việt Nam cần hành động như Philippines, dù các cơ chế tài phán quốc tế hiện nay không thuận lợi cho một vụ kiện về chủ quyền. Nhưng kiện để TC phải áp dụng đúng Công ước Liên Hiệp Quốc Luật Biển 1982 vẫn là bước đi cần thiết phải làm.