Kiểm soát súng – ủng hộ hay chống?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Kiểm soát súng – ủng hộ hay chống?

Tin thời sự mấy ngày qua hoàn toàn bị chuyện tranh cãi về súng đạn chi phối.
Xuất phát từ câu chuyện một anh khùng vác súng bắn loạn đả vào học sinh một trường trung học tại Parkland, một thành phố nhỏ cách Miami khoảng 50 dặm về phía bắc.

 

Anh Nikolas Cruz, 19 tuổi, là cựu học sinh trường này, đã bị đuổi học vì vi phạm kỷ luật. Anh là người có tâm thần ‘bất bình thường’, chuyên gây gỗ kiếm chuyện, đánh lộn, bị trường phạt liên tục, và từng công khai huyênh hoang dọa sẽ vác súng đi bắn thiên hạ. Tuần qua, anh làm thật. Tới trường, kéo chuông báo động khiến học sinh ùa ra hành lang để anh đứng tại đó, bắn ào ào, khiến 17 người chết, 14 bị thương. Anh Cruz bị truy tố về tội cố sát 17 lần. Chờ ngày ra tòa. Khó tránh án tử hình.

Trong vụ án này, có nhiều vấn đề đang được tranh cãi.

Trước hết, anh Cruz bị bệnh tâm thần, đi khoe khoang chuyện giết người, bạn bè đều biết. Ngày 5 tháng Giêng 2017, một anh biết chuyện này, đã điện thoại báo cho FBI để cảnh giác và yêu cầu FBI coi chừng. Tháng 9/2017, một người khác báo cho FBI biết có một độc giả góp ý trên một trang mạng, ngỏ ý “muốn trở thành một người bắn học sinh chuyên nghiệp” (professional school shooter), ký tên Nikolas Cruz, công khai. Tin mới nhất, FBI đã nhận được cảnh giác về anh Cruz tổng cộng 18 lần. FBI tuyệt đối không nhúc nhích gì, không làm gì hết.

Thật ra, ngày 5/1/2017 đó, giám đốc FBI James Comey mắc họp bí mật với TT Obama bàn việc Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ, bàn chuyện gì phải thông báo cho tân TT Trump biết, chuyện gì không (đây là buổi họp ông Comey dấu kín không khai với quốc hội, bị bà Rice tiết lộ, đã được bàn trên diễn đàn này tuần trước). Đúng như TT Trump đã tố giác: FBI lo chuyện chính trị bầu cử hơn là chuyện bảo vệ học sinh bị chết oan.

Chuyện súng đạn ở Mỹ chẳng có gì mới lạ, cũ rích, nghe qua không biết bao nhiêu lần rồi. Mỗi lần có một tên điên khùng nào vác súng đi bắn thiên hạ, là các chính khách dành giựt nhau nhẩy lên sân khấu múa mép, khóc than và cầu nguyện cho các nạn nhân, xỉa tay vào đối thủ chính trị của mình, bất kể ai, rồi long trọng hứa “bầu cho tôi đi, tôi sẽ giải quyết tận gốc chuyện súng đạn này”. TTDC nhao nhao đòi hỏi biện pháp,… Để rồi vài ba tuần sau, tất cả trở về tình trạng … Vũ Như Cẩn, vẫn như cũ, không hơn không kém.

Lần này cũng y chang, tuy có một điểm mới lạ: xỉa tay hỏi tội TT Trump. Chuyện súng đạn điên rồ ở Mỹ là một cái đau đầu cho cả nước ít ra là từ thời TT Johnson cách đây nửa thế kỷ khi một tay điên vác súng vào Texas University tại Austin bắn loạn đả năm 1966, chẳng ông tổng thống DC hay CH nào làm được gì hết, nhưng bây giờ thì xúm lại tố ông Trump.

Báo phe ta Washington Post công bố ngay một thăm dò cho thấy đa số dân Mỹ cho rằng TT Trump và quốc hội CH đã không làm những chuyện cần thiết để kiểm soát súng. Phe DC lớn tiếng tố giác cả đảng CH và ngay cả TT Trump đều đã trở thành con tin, hoàn toàn bị khống chế bởi tiền của tổ chức NRA -National Rifle Association- nên các dân biểu và nghị sĩ CH đang kiểm soát quốc hội không dám đụng đến chuyện kiểm soát việc bán súng. Chỉ là chuyện giả dối bình thường của TTDC và các chính khách cấp tiến.

Thứ nhất, trong 8 năm dưới TT Obama, đã xẩy ra 38 vụ giết người tập thể, đưa đến cái chết của 299 người. TT Obama suốt 8 năm đó đã làm gì ngoài việc rơm rớm nước mắt đi nhà thờ cầu nguyện? Câu trả lời là… zero! Có báo nào dám xỉa tay hỏi tội Obama như đang hỏi tội Trump không? WaPo có làm thăm dò về TT Obama không?

Quý vị ủng hộ TT Obama chớ vội đổ thừa TT Obama bó tay vì CH kiểm soát quốc hội. Trong thời gian gần đây, đảng DC có hai dịp kiểm soát tuyệt đối toàn diện cả hành pháp lẫn cả hai viện quốc hội: 1993-1994 dưới TT Clinton, và 2009-2010 dưới TT Obama, đã có thể ra luật kiểm soát hay cấm bán súng, bất kể luật gì cũng đều có dư phiếu tại lưỡng viện quốc hội và có tổng thống sẵn sàng ký. Trong 4 năm nắm trọn quyền đó, DC đã làm gì để ngăn cản việc giết người tập thể? Vẫn là zero! Chỉ trong bốn năm Clinton/Obama đó, đã xẩy ra 12 vụ bắn người tập thể, với tổng cộng 85 người chết.

Quý vị ủng hộ phe DC, chửi bới TT Trump, có thấy cái mùi giả dối khét lẹt không?

Thứ nhì, theo các thống kê chính thức, trong khoảng thời gian từ 1990 tới 2002 (6 lần bầu cử), các ứng cử viên quốc hội từ cả hai đảng DC và CH đã tốn tổng cộng 1.500 triệu đô tiền vận động tranh cử. Cũng trong thời gian đó, NRA đã yểm trợ cho họ tổng cộng 14 triệu, tức là chưa tới 1%. Khó ai có thể nói các vị dân cử quốc hội đã bị lệ thuộc vào NRA khi số tiền yểm trợ của NRA chưa tới 1% số tiền họ chi để tranh cử. Chưa kể việc NRA yểm trợ tiền cho cả hai đảng chứ không phải chỉ có CH.

Nhiều người nhanh nhẩu chỉ trích NRA quá nhiều tiền và quá mạnh, chi phối các chính khách Mỹ. Câu hỏi mà họ không đặt ra là tại sao NRA lại giàu mạnh như vậy? Họ lấy tiền từ Nga hay Tầu hay từ dân Mỹ ủng hộ họ? Cũng xin quý vị khoan nói NRA là của một nhúm tài phiệt. NRA có hơn 5 triệu hội viên, tuyệt đại đa số là dân trung lưu Mỹ.

TTDC tung tin ông Trump nhận được 30 triệu yểm trợ của NRA trong kỳ tranh cử vừa qua. Vẫn là loại fake news của TTDC, không có gì mới lạ. Thật ra, ông Trump và đảng CH nhận được 10 triệu, trong khi 20 triệu còn lại là tiền NRA dùng cho các chương trình quảng cáo chống bà Hillary. Hơn nữa, nếu nói nhận được một chục triệu của NRA là đã thành nô lệ của NRA thì khi hai ông bà Clinton nhận cả trăm triệu tiền đọc diễn văn cho các tài phiệt Wall Street hay Quỹ Clinton Foundation nhận được cả hai tỷ từ các nhà độc tài Nga, Đông Âu, Phi Châu,… thì họ có là nô lệ của ai không?

Một vị tỵ nạn phán một câu rất ‘văn hoá’: “thật là bất hạnh, đống phân Donald Trump lên, được yểm trợ tối đa bởi đa số CH, đã lần lượt vô hiệu hoá (rolled back) những điều khoản thiện lành, hợp lý, nhân bản dưới thời Obama, trong đó đã gỡ bỏ background checks”. Một là kẻ này đọc báo không kỹ nên không biết chuyện TT Trump đã “gỡ bỏ background checks”, hai là… fake news. Thời buổi này, ai cần biết đâu là sự thật? Muốn chửi là chửi thôi, nếu cần, cứ phịa ra chuyện để chửi. Chỉ đọc “đống phân Donald Trump” là đủ, khỏi cần đọc tiếp. Vài vị tỵ nạn đầu óc đầy sạn khô cứng cho dù có sống ở Mỹ mấy chục năm hay mấy trăm năm cũng không có cách nào hiểu được cái mà Mỹ gọi là tự do tư tưởng, mọi người đều có quyền nghĩ không giống người khác. Với những người này, khác ý họ thì không ngu dốt cũng gian ác, không gian ác cũng là… đống phân. Đó là cách họ hiểu ‘tự do tư tưởng’. Ấy vậy mà cứ mở mồm là sỉ vả VC độc tài khiến họ phải tỵ nạn chính trị vì lý tưởng tự do tư tưởng.

Ngoài ra, có một vấn đề đáng chú ý. TTDC luôn tố cáo các vị dân biểu, nghị sĩ, thống đốc và cả tổng thống CH lệ thuộc NRA, nhưng lại không đặt rõ vấn đề họ là ai? Xin trả lời: trong khi TTDC là một nhóm tự phong thì các vị dân cử CH không phải là những chính khách tự phong, chỉ đại diện cho chính mình. Cũng y như các vị dân cử DC, họ là những người được bầu lên đại diện một khối dân, tức là quan điểm của họ là quan điểm của một khối dân. Nôm na ra, nếu họ chống phá thai hay chống việc cấm sở hữu súng chẳng hạn, và họ được bầu, thì chỉ có nghĩa là đa số dân trong khu vực của họ chống phá thai và chống việc cấm sở hữu súng. Nếu họ chiếm được đa số tại Hạ Viện, tại Thượng Viện, tại Tòa Bạch Ốc, và tại hơn ba chục tiểu bang, thì đó chính là vì ý của đa số dân Mỹ muốn vậy. Đó là nền tảng của thể chế dân chủ của nước Mỹ, có phải vậy không?

Nói huỵch tẹt ra, những nghị sĩ, dân biểu –dù CH hay DC- không chấp nhận cấm súng không phải vì đồng tiền của NRA, mà vì… ý dân, vì chính họ được dân bầu lên vì quan điểm này. Cả nửa thế kỷ nay, cả chục đời tổng thống Mỹ, kể cả những đời tổng thống DC, cũng chẳng ai làm gì khác được cũng vì … ý dân Mỹ muốn như vậy. Không ai chấp nhận Parkland, nhưng rất nhiều người Mỹ coi như đó là cái giá phải trả để họ có quyền giữ súng của họ để tự bảo vệ họ.

Nếu như vụ Parkland gây xúc động mạnh, ép tổng thống và quốc hội phải làm gì, thì đó cũng chỉ là … ý dân.

Đúng ra, nếu muốn công bằng thì không thể đổ lỗi cho TT Trump hay ngay cả TT Obama hay TT Clinton, vì thực tế là họ chẳng làm gì khác hơn được. Vấn đề súng ống không phải là chuyện CH hay DC, Trump hay Obama, Bush hay Clinton. Nói tại bên này hay tại bên kia chỉ là tuyên truyền phe đảng.

Chuyện súng đạn là vấn đề cực kỳ phức tạp, không có giải pháp cho nên mới kéo dài cả nửa thế kỷ mà không giải quyết được. Không có một người đầu óc bình thường nào mà không cảm thấy cần “phải làm một cái gì” trước tình trạng bắn giết oan mạng vô lý như thường thấy. Chẳng có ai muốn thấy những thảm họa kiểu này, cho dù là cấp tiến hay bảo thủ hay chẳng để ý đến chính trị. Vấn đề là… làm gì?

Kẻ này dĩ nhiên chẳng có giải pháp gì để đề nghị. Chỉ xin phép trình bày tóm lược lại quan điểm của thiên hạ để quý độc giả tự nhận định.

Trước những thảm hoạ giết người loạn đả, giải pháp hiển nhiên mà ai cũng nghĩ tới là cấm sở hữu súng, hay ít ra cũng phải kiểm soát kỹ càng hơn.

Trước hết, phải nói ngay cấm bán súng hay cấm sở hữu súng là chuyện không tưởng.

Hiện nay, người ta ước lượng có hơn 300 triệu cây súng đang nằm trong tay dân Mỹ. Cho dù ngày mai ra luật cấm bán tất cả súng ống, bất kể loại súng gì, thì vẫn còn mấy trăm triệu cây súng ngoài đường. Làm gì được?

Một anh nhà báo đề nghị bắt chước Úc, cho chính phủ mua lại súng của tất cả mọi người. Chuyện vớ vẩn! Cả nước Úc chỉ có một hai triệu cây súng săn là nhiều. Chính phủ ra chương trình này, một phần được tài trợ bởi bọn bán súng để có thể bán súng mới. Cũng kiểu như TT Obama ra chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, các hãng xe GM, Ford lời to, nhưng dân đóng thuế thì lỗ nặng.

Thống kê mới nhất cho thấy chính phủ Úc đã mua lại khoảng một triệu cây súng cũ, nhưng trong thời gian ngay sau đó, Úc cũng đã nhập cảng hơn một triệu cây súng mới. Kết số cuối cùng, Nhà Nước tốn cả trăm triệu mua lại súng cũ, để rồi số súng ngoài đường phố vẫn không thay đổi, trong khi những súng sau này lại mới hơn, tốt hơn, bắn nhanh hơn và chính xác hơn. Các tiệm bán súng lời to, dân Úc đóng thuế lỗ nặng. Chỉ vì ‘sáng kiến’ của vài ông công chức ngồi trong phòng lạnh nghiên cứu biện pháp.

Áp dụng ở Mỹ, may ra thì mua lại được vài trăm ngàn cây súng, giỏi là một vài triệu, cũng vẫn còn cả trăm triệu. Chưa kể phải có bao nhiêu ngân sách để mua lại cả trăm triệu cây súng này? Cứ bỏ rẻ một cây súng được mua lại với giá 100 đô, Nhà Nước Mỹ sẽ cần 30 tỷ đô. Để rồi cả nước Mỹ có được súng mới như dân Úc?

Còn kiểm soát việc bán súng? Ai cũng muốn kiểm soát súng, nhưng kiểm soát tới mức nào? Dưới đây là tóm lược lập luận của hai bên ủng hộ và chống kiểm soát gắt gao hơn.

ỦNG HỘ KIỂM SOÁT SÚNG ĐẠN GẮT HƠN:

  • Bắt khai lý lịch kỹ hơn, không cho những người có tiền án hay có bệnh tâm thần được mua súng.
  • Bắt chờ ít ngày trước khi được phép mua súng gọi là thời gian “hạ hỏa” để tránh tình trạng bực mình chạy đi mua súng về bắn ngay.
  • Cấm một vài loại vũ khí có tính ‘tác chiến’ như AK47, Uzi, M16, AR15,…
  • Cấm các loại phụ tùng giúp bắn nhanh hơn, nhiều đạn hơn,…

CHỐNG KIỂM SOÁT GẮT HƠN:

  • Tất cả những biện pháp này đều đã có rồi chứ không phải là chưa có, cùng lắm chỉ tăng cường thêm, thêm bớt chi tiết thôi, cũng chẳng có gì hiệu nghiệm thật sự.
  • Tất cả những tay vác súng bắn người đều đã mua súng hợp pháp, tại những tiệm bán súng có giấy phép hợp lệ.
  • Tất cả chẳng có người nào bị coi như là có bệnh tâm thần trước khi bắn.

Nói cách khác, những biện pháp đề nghị đều đã chứng tỏ là vô hiệu. Vẫn không cản được những vụ giết người tập thể của mấy tay điên khùng. Làm gì hơn được?

Về chuyện súng ống ở Mỹ, ta phải hiểu văn hoá và lịch sử Mỹ trước khi lạm bàn.

Trước hết, nước Mỹ không phải đã có từ mấy ngàn năm, mà mới có chỉ hơn 200 năm thôi. Và nước Mỹ được thành lập từ những người đi phiêu lưu, khai phá đất hoang, một mình một ngựa và một cây súng vừa để đi săn, vừa để tự vệ chống thú rừng cũng như thổ dân da đỏ, và cả tranh sống với những người cùng đi tìm đất sống mới. Không phải là chuyện thích súng vì thể thao hay đi săn đâu, mà là trong máu, trong văn hoá, trong cái lý sống còn. Cái lý sống còn đó hiện nay còn được thể hiện rất rõ trong luật tự vệ của Mỹ. Anh bước vào nhà tôi, tôi có quyền bắn anh để tự vệ. Ở vài tiểu bang, còn có luật “vùng an toàn cá nhân”, tức là đại khái anh đến sát gần tôi, dưới một thước chẳng hạn, tôi có quyền tự vệ đánh anh hay bắn anh.

Sau đó, cái văn hóa bạo động được Hồ Ly Vọng khai thác tối đa với những phim bắn giết loạn đả, và đám “siêu hi-tech” Silicon Valey ở San Jose khai thác còn mạnh hơn nữa qua cả ngàn trò chơi điện tử máu me be bét, là những trò giải trí vui nhất của giới trẻ như cái anh Cruz đó. Cái mỉa mai và giả dối thô bạo là những ông này cũng là những người lên mặt xúc động mạnh nhất vì những vụ thảm sát như tại Parkland.

Quan trọng hơn nữa, cũng phải hiểu sở hữu súng là một trong những quyền cá nhân quan trọng nhất trong Hiến Pháp Mỹ. Nước Mỹ ra đời trong sự nổi loạn bằng bạo lực chống chính phủ Anh vì cái mà họ gọi là chế độ độc tài của vương quyền Anh. Do đó, sau khi dành được độc lập, họ vẫn muốn bảo đảm sẽ không bao giờ có một chính quyền độc tài nào khác đè cổ họ. Hiến Pháp bảo đảm tất cả mọi công dân đều có quyền sở hữu súng, không phải để đi săn hay vì tự do cá nhân, mà là để có phương tiện chống đối, nổi loạn chống lại những người cầm quyền nếu họ tỏ ý độc tài.

Thật ra, vấn đề sở hữu súng không giản dị như TTDC mô tả. Không phải CH và đám bảo thủ chủ trương tha hồ sở hữu súng đi bắn giết, trong khi DC và khối cấp tiến lo cho sinh mạng dân nên chống lại việc sở hữu súng. Nếu dễ như vậy, đã có luật từ lâu rồi.

Một ví dụ của tính rắc rối này: cụ xã nghĩa Bernie Sanders, thiên tả cực đoan, trên nguyên tắc phải chống chuyện sở hữu súng đạn, nhưng khi ra tranh cử tổng thống năm 2016, đã bị bà Hillary đánh tơi bời vì ông đã từng biểu quyết bác bỏ mọi biện pháp kiểm soát súng, vì tại tiểu bang Vermont của ông, đi săn là một thứ ‘kỹ nghệ’ lớn mang lại lợi tức rất lớn cho tiểu bang, hầu hết các vị tu mi nam tử đều có ‘thú tiêu khiển’ này, và mọi chính khách Vermont tìm cách giới hạn sở hữu súng sẽ chết yểu tại phòng phiếu ngay.

Học sinh biểu tình chống súng ống tại Thủ Đô Washington D.C.

Trong cơn xúc động hiện nay, TTDC và phe DC đang khua chiêng trống mạnh về vụ kiểm soát súng. Nhưng vài vị dân cử DC lớn tiếng hô hào thường là những người ngồi ghế rất vững, còn đa số các vị dân cử DC khác thì im lặng. Kiểm soát súng không phải là một đề tài câu cử tri trong giới lao động và trung lưu, là giới mà DC rất cần nếu muốn chiếm lại lưỡng viện.

Vấn đề súng đạn ở Mỹ thật ra đã thành một đề tài đấm đá chính trị phe đảng vì đó là một vấn đề hết sức nhạy cảm, nhất là khi nạn nhân là những học sinh vô tội. Các học sinh trường Parkland, 16-17 tuổi, sợ hãi, xúc động, tức giận đòi hỏi phải có một biện pháp nào đó, đó là chuyện đương nhiên, chẳng những phải thông cảm mà còn phải cổ võ và cố tìm cách giúp chúng, nhưng kích động chúng lên TV sỉ vả TT Trump như TTDC đang làm là chuyện lợi dụng và lừa đảo khó tha thứ. Ngay cả một học sinh Parkland cũng đã nhận thấy và cảnh giác TTDC đang khai thác, chính trị hóa sự tức giận của họ.

Không một người nào với đầu óc bình thường có thể hoan nghênh những vụ bắn giết điên loạn. Vấn đề là phải tìm ra giải pháp thực tế và hữu hiệu thay vì lợi dụng chuyện bắn giết để phục vụ mưu đồ chính trị. Mang sinh mạng những học sinh bị chết oan cũng như kích động sự xúc động của tuổi trẻ ra làm công cụ đấm đá chính trị đúng là hành động phe đảng đáng phỉ nhổ nhất. Nhất là lợi dụng chuyện đó để đả kích ông tổng thống đương nhiệm trong khi ít nhất 9 ông tổng thống từ TT Johnson tới nay đã hoàn toàn… bó tay.

Một thái độ tích cực hơn là ngồi lại, cùng tìm một giải pháp để cứu mạng người, thay vì lợi dụng những cái chết oan để chửi nhau dành ghế. Chỉ là hy vọng nhỏ bé nhưng chắc khó thành sự thật.

Vũ Linh, Feb 24, 2018