Khủng hoảng Ukraine

Cac Bai Khac

No sub-categories

Khủng hoảng Ukraine
Thưa quí bạn đọc,
 
Tưởng rằng sau khi đạt thỏa thuận ngừng bắn lần 2 tại Minsk giữa Ðức – Pháp – Nga và Ukraina nhưng chỉ vỏn vẹn được vài hôm thì cuộc khủng hoảng tại Ukraina lại rơi vào bế tắc toàn diện mới.
 
Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo trước đó cho rằng cứ mỗi  lần Nga cam kết là mỗi lần vi phạm nhưng sau lần thỏa thuận thứ 2 nầy thì cường độ vi phạm lại nhanh hơn, trắng trợn hơn, nghiêm trọng hơn từ phía phiến quân ly khai mà nay theo giới quan sát tiết lộ là đã có sự phối hợp giữa phiến quân với quân đội đến từ Nga cùng hỏa lực từ bên đất Nga sát biên giới yểm trợ cho các đợt tấn công lấn chiếm mới … nó đang đẩy Ðức và Pháp vào thế rất khó xử là không còn biết cách nào giải quyết vì thực tế quá khác biệt giữa lời hứa  hoặc văn bản ký bởi  ông Putin và hành động thực tiễn tại chiến trường. 
 
Một số ý kiến cho rằng Putin đang chơi game với Pháp và Ðức nhưng cả 2 nước không biết cứ tưởng rằng Nga đang thực sự muốn có giải pháp cho Ukraine nên đã chủ động bước trước áp lực để cho TT Poroshenko tham dự nhưng thực sự đó chỉ là cái kế câu giờ làm chậm lại sự can dự của Mỹ trước khi Nga và phiến quân đạt được các mục tiêu chiến lược tại Ukraine như Nga đã từng thực hiện  tại Syria qua đề nghị giải giới võ khí hóa học (giả)  trước khi HK  quyết định đánh bom Syria mà hậu quả hiện nay thế giới đã rõ và những gì sắp xảy ra tại Ukraina chắc sẽ không khác như tại Syria.
 
Một số đề nghị khác cho rằng, Mỹ nay đã có thể thuyết phục thế giới rằng đã đến lúc Mỹ cần phối hợp với các nước trong EU và Nato hiểu được mưu đồ của ông Putin tại Ukraine để cùng nhau hành động giúp Ukraina bằng quân sự và Pháp – Ðức… có thể hỗ trợ bằng cách tiếp tục cô lập kinh tế Nga có lẽ là giải pháp còn lại cho Ukraina mà thôi. BBT

Mỹ: ‘Rõ ràng’ Nga và quân ly khai Ukraine không tuân thủ lệnh ngừng bắn

19.02.2015

Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư nói rằng “rõ ràng” là Nga và thành phần ly khai ở miền đông Ukraine không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn đã đàm phán vào tuần trước ở Minsk, Belarus, và cảnh báo nằng việc này khiến họ “có nguy cơ đối diện với hậu quả lớn hơn.”

“Họ nên lưu tâm điều đó khi cân nhắc những bước kế tiếp của mình,” phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc John Earnest nói với các nhà báo. “Chúng tôi vẫn tin rằng cách mà tình hình có thể được giải quyết là quanh bàn đàm phán.”

Phát biểu này được đưa ra sau khi quân ly khai chiếm thành phố Debaltseve, một đầu mối đường sắt chiến lược nối liền hai cứ địa ly khai Luhansk và Donetsk, và sau khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ra lệnh cho vài ngàn binh sĩ của mình rút khỏi thành phố.

Tin tức cho biết phiến quân bắt giữ hàng trăm binh sĩ chính phủ và bao vây những binh sĩ mà họ không bắt làm tù nhân, cắt đứt nguồn cung cấp lương thực và nước uống của họ.

Cũng trong ngày thứ Tư, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Washington không xem thỏa thuận Minsk và lệnh ngừng bắn ở Ukraine đã “tiêu tan,” nhưng vẫn “hết sức lo ngại” về những tin tức nói rằng quân ly khai đang tiếp tục tấn công Debaltseve và đang vi phạm lệnh ngừng bắn ở những địa điểm khác.

Bà Psaki cho biết Ngoại trưởng Kerry đã nói chuyện với Ngoại trưởng Nga Lavrov hôm thứ Tư và hối thúc ông chấm dứt những cuộc tấn công của quân ly khai và của Nga.

Tổng thống Pháp, người đã giúp đàm phán lệnh ngừng bắn, hôm thứ Tư cũng khẳng định lệnh ngừng bắn chưa tiêu tan.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu rằng nhiệm vụ chính là thực thi thỏa thuận ngừng bắn và cứu mạng sống người dân bị mắc kẹt trong chiến sự ở miền đông Ukraine.

Nga khẳng định họ không có vũ khí hay binh sĩ ở miền đông Ukraine, dù có bằng chứng và tin tức từ những người mục kích nói rằng Nga đã đóng vai trò trực tiếp trong chiến sự.

Ukraina: Debaltseve rơi vào tay quân ly khai

media
Chiến binh phe ly khai thân Nga tại trạm kiểm soát Vuhlehirsk, ở Debaltseve, ngày 18/02/2015REUTERS/Baz Ratner

Tại Ukraina, chưa đầy một tuần lệnh ngừng bắn Minsk có hiệu lực, hôm qua 18/2/2015, thành phố nhỏ lọt giữa vùng miền Đông, Debaltsve, đã rơi vào tay lực lượng ly khai thân Nga. Quân đội Ukraina, trang bị yếu kém đã phải rời bỏ vị trí chiến lược trước một lực lượng nổi dậy vũ trang hiện đại và dường như chắc chắn được quân Nga chỉ huy và tham chiến.

Thông tín viên Regis Genté tại Donetsk tường trình:

” Ngay từ tuần trước, Kiev liên tục báo động. Các quan chức Ukraina tố cáo lực lượng ly khai tập trung các loại vũ khí hạng nặng hiện đại xung quanh thành phố Debaltseve từng ngày. Đặc biệt ngay khi lệnh ngừng bắn đạt được tại Minsk bắt đầu có hiệu lực, các cuộc tấn công của quân nổi dậy càng trở nên dữ dội. Từ hôm thứ Ba (17/2) quân đội Ukraina đã rã rời, đến đêm thì quân nổi dậy đã chiếm được 80% thành phố và sáng hôm qua, quân ly khai khẳng định họ đã kiểm soát được toàn thành phố.

Quân nổi dậy kiểm soát rất tốt thông tin liên lạc và nhìn chung họ được tổ chức rất tốt. Quân nổi dậy được chỉ huy bởi các sĩ quan Nga và rất nhiều chiến binh có kinh nghiệm đến từ bên kia biên giới tham chiến. Những người này tự nhận là lính tình nguyện.

Tại chốt gác ở Voulegirsk, sáng nay, người ta thấy có các nhóm lính xe tăng và một số lính bắn tỉa trông rất khác biệt bởi mang dáng vẻ của người vùng Châu Á. Họ là những lính đến từ vùng Sibéri.”

Ngay sau khi Debaltseve thất thủ, rơi vào tay quân ly khai, tối qua Tổng thống Petro Porochenko cho biết Ukraina đã đề nghị quốc tế đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến giám sát biên giới Ukraina-Nga và giới tuyến giữa Ukraina và vùng phi ly khai kiểm soát. Tuy nhiên yêu cầu trên còn phải được Quốc hội Ukraina thông qua.

Hôm nay (19/2) một quan chức cao cấp của phe nổi dậy tại Donetsk đã lên tiếng phản đối đề nghị của Kiev muốn đưa lực lượng quốc tế đến giám sát.

Phản ứng trước việc Debaltseve bị thất thủ, lãnh đạo ngoại giao châu Âu bà Federica Mogherini, hôm nay, tuyên bố: «Nga và phe ly khai phải ngay lập tức thực thi đầy đủ những cam kết tại Minsk». Về phần mình Hoa Kỳ cũng có tuyên bố tương tự và khẳng định thỏa thuận ký ngày 12/2 tại Minsk vẫn có giá trị.

Tại thực địa, quân đội Ukraina thống kê trong đêm qua đã có 46 cuộc tấn công của phe nổi dậy vào các chốt gác của quân chính phủ. Các cuộc đấu pháo vẫn diễn ra xung quanh làng Piski, nằm ở phía bắc vùng Donetsk hiện do quân đội Ukraina kiểm soát.

Ukraine muốn LHQ gửi quân gìn giữ hòa bình

Quân đội Ukraine rút khỏi Debaltseve
Tổng thống Petro Poroshenko kêu gọi Liên Hiệp Quốc gửi quân gìn giữ hòa bình tới Đông Ukraine sau khi lính chính phủ rút khỏi Debaltseve.Tại một cuộc họp khẩn về an ninh, ông nói quân LHP sẽ giúp bảo đảm an ninh trong “tình hình cam kết hòa bình không được tôn trọng”.Phát biểu của ông được đưa ra sau khi quân đội Ukraine phải rút khỏi thị trấn chiến lược Debaltseve sau khi có giao tranh ác liệt.

Chiến dịch của phe ly khai ở Debaltseve, diễn ra bất chấp lệnh ngừng bắn, đã bị chỉ trích mạnh.

Yêu cầu của ông Poroshenko đã được Ủy ban An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine thông qua trong cuộc họp khẩn tối hôm thứ Tư 18/2.

Thư ký ủy ban này, ông Olexander Turchynov, nói với các phóng viên: “Chủ đề [quân gìn giữ hòa bình LHQ] đã được thảo luận và quyết định được thông qua là yêu cầu LHQ và EU thiết lập tại Ukraine một chiến dịch giữ gìn hòa bình và an ninh”.

Tổng thống Poroshenko nói gần 2.500 lính Ukraine đã rút khỏi Debaltseve hôm 18/2.

Ông cho hay việc rút quân có tổ chức nhưng ít nhất sáu người lính thiệt mạng và hơn 100 bị thương.

Tù binh

Trước đó, một quan chức quân đội cao cấp của Ukraine nói 22 lính chính phủ đã chết ở Debaltseve trong ba ngày qua.

Lệnh ngừng bắn, bắt đầu có hiệu lực hôm 15/2, nói chung được tuân thủ ở các nơi khác và một số vũ khí hạng nặng đã được cả hai bên rút đi.

Tuy nhiên nhóm quan sát viên OSCE vẫn chưa tiếp cận được Debaltseve.

Người phát ngôn của phe ly khai Eduard Basurin nói thị trấn này nay hoàn toàn nằm trong tay quân nổi dậy và một số điểm kháng cự đang bị kiềm chế.

Ông cũng cho hay hơn 300 lính chính phủ đã bị bắt làm tù binh. Chính phủ Ukraine thừa nhận một số quân của họ bị bắt.

Người đứng đầu Nato Jens Stoltenberg nói chiến dịch của phe nổi dậy đang khiến thỏa thuận hòa bình có nguy cơ đổ vỡ.

Nhà Trắng thì kêu gọi cả hai phe tôn trọng thỏa thuận ký tuần trước tại thủ đô Minsk của Belarus.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong khi đó khẳng định chiến dịch Debaltseve không vi phạm lệnh ngừng bắn vì trong thời điểm ký kết nó đã nằm trong tay quân nổi dậy.

Ông Poroshenko có kế hoạch điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Pháp, Đức/

Các phóng viên nhận xét rằng mất Debaltseve là thất bại lớn cho quân chính phủ Ukraine vì vị trí quan trọng của thị trấn này trong liên kết với các thành phố Donetsk và Luhansk.