Khủng hoảng ở thượng tầng lãnh đạo Miến Điện trước bầu cử
Chu tịch đảng cầm quyền và Nghị viện Miến Điện Shwe Mann. Ảnh chụp nhân ngày Liệt sĩ ở Yangon, 19/07/ 2015 – Reuters
Theo RFI – Tú Anh – 14-08-2015
Shwe Mann, Chủ tịch đảng cầm quyền tại Miến Điện bị Tổng thống Thein Sein cách chức bằng vũ lực. Xung khắc bùng ra giữa hai cựu tướng lãnh vừa là chiến hữu vừa là đối thủ chính trị phản ảnh nỗi lo sợ mất đặc quyền đặc lợi của phe quân nhân bảo thủ trước cơ may chiến thắng của phe đối lập..
Càng gần đến ngày tổng tuyển cử dự trù vào tháng 11, cuộc trắc nghiệm dân chủ quan trọng sau nhiều thập niên chuyên chế, mối chia rẽ trong nội bộ đảng cầm quyền Liên Minh Đoàn Kết và Phát Triển USDP càng lộ rõ.
Trong đêm 12/08 , theo lệnh của Tổng thống Thein Sein, cảnh sát và công an bao vây và xâm nhập trụ sở đảng cầm quyền tại thủ đô chính trị Naypyidaw giữa cuộc họp lập danh sách ứng cử viên. Cuối cùng, cựu tướng Shwe Mann phải chấp nhận nhường ghế Chủ tịch cho ông Htay Oo, một nhận vật thân cận của Tổng thống Thein Sein.
Vụ tranh giành này là biến chuyển mới trong mối căng thẳng trong thượng tầng lãnh đạo Miến Điện về vai trò quân đội trong chính trường . Vào năm 2011, hai tướng Thein Sein và Shwe Mann cùng cởi áo nhà binh để tham gia vào cuộc bầu cử thiếu dân chủ năm 2010, nay không còn đồng tâm đồng chí.
Trong tiến trình «dân sự hóa» chế độ, ông Thein Sein nắm hành pháp còn tướng Shwe Mann nắm đảng cầm quyền và Quốc hội.
Thế nhưng, tuy không giữ một trách nhiệm nào trong đảng, Tổng thống Thein Sein lại trực tiếp cách chức Chủ tịch đảng của ông Shwe Mann.
Theo thông báo của đảng USDP Liên Minh Đoàn Kết và Phát Triển, Tổng thống can thiệp để đảng có một lãnh đạo mới «tài năng hơn».
Vụ «đảo chính» này thực sự mang ý nghĩa gì?
Các hãng thông tấn Tây phương đưa ra hai nguyên nhân: xung khắc tham vọng cá nhân của hai cựu tướng và sự lo sợ mất đặc quyền của phe bảo thủ trong quân đội.
Theo Reuters, cả hai ông Thein Sein và Shwe Mann đều không che dấu tham vọng tranh ghế Tổng thống sau bầu cử Quốc hội vào tháng 11 tới, một cuộc bầu cử được thông báo sẽ tôn trọng dân chủ thực sự.
Trong bối cảnh lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, có chồng con là người nước ngoài, bị bản Hiến pháp do phe quân đội soạn thảo, cấm làm Tổng thống, thì ông Shwe Mann được xem là ứng cử viên tạm được theo quan điểm của đối lập.
“Tội” thứ hai của ông Shwe Mann là tỏ thái độ gần gũi với lập trường của Liên Minh Quốc Gia vì Dân Chủ. Với đường lối hòa dịu hơn so với phe bảo thủ, Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann công khai hoan nghênh sáng kiến hợp tác làm việc với lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Ông cũng chống lại chủ trương bảo vệ đặc quyền dành cho quân đội 25% ghế đại biểu trong Quốc hội.
Theo AFP, lập trường của Shwe Mann, do dự không ủng hộ các ứng cử viên trung thành với Tổng thống Thein Sein càng gây căng thẳng với phe quân nhân. Trong cuộc họp ngày thứ tư 12/08 vừa qua, ban lãnh đạo đảng cầm quyền chỉ chọn được 59 người trong danh sách 159 sĩ quan tự nguyện giải ngũ để ra tranh cử Quốc hội. Chính sự kiện này đã làm các sĩ quan và cán bộ đặc trách bảo vệ đặc quyền của quân nhân trong đảng tức tối.
Được yêu cầu nhận định về biến cố này, ông Nyan Win, phát ngôn viên của đối lập gọi đây là «chuyện không nhỏ». Điều quan trọng, theo ông, là «phải theo sát biến chuyển». Lãnh đạo đối lập Aung san Suu Kyi quyết định hủy bỏ chương trình vận động tranh cử trong hai ngày cuối tuần.
Hành động dùng cảnh sát giải quyết tranh chấp bất đồng chính trị nội bộ gợi lại quá khứ quân phiệt trong 4 thập niên vói những cuộc thanh trừng phế truất. Ngay một cán bộ của đảng cầm quyền cũng lo âu, xem đây là một tín hiệu «không tốt cho đảng USDP và cho tương lai đất nước».
Hoa Kỳ và Anh Quốc tỏ ý quan ngại về sự kiện «lực lượng an ninh được sử dụng» giải quyết xung khắc trong đảng của Tổng thống Thein Sein.
Các nguồn tin tây phương thẩm định phe cực bảo thủ đã vạch một «đường ranh đỏ» giới hạn cải cách ,đã được thể hiện qua một số biện pháp thụt lùi về tự do báo chí gần đây.