Khủng bố: Hiểm họa nan giải
HUỆ VU
Khủng bố là hiểm họa rất lớn của nhân loại hiện nay, và hiểm họa càng ngày càng tăng. Theo các thống kê, vào năm 2003, số người chết và bị thương vì khủng bố chỉ khoảng trên 2,000 người, nhưng vào năm 2016 số người chết vì khủng bố lên tới 34,676. Khủng bố là vấn đề nhức óc từ lâu của các quốc gia cũng như Liên Hiệp Quốc.
Khủng bố, đã được Lực Lượng Đặc Nhiệm Chống Khủng Bố của Hoa Kỳ định nghĩa: “Là sự sử dụng bất hợp pháp hay đe dọa bạo hành đối với người hay tài sản con người để mong đạt được mục đích chính trị.”
Rand Corporation định nghĩa: “Là sự bạo hành, hay đe dọa bạo hành, thường nhắm vào các mục tiêu vô tội với mục đích tạo ra không khí sợ hãi, khẩn trương, lấy sự thiệt hại vật chất nhất thời gây ra làm tác động ảnh hưởng tinh thần để đạt được mục đích chính trị.”
Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, điều 92 định nghĩa: “Khủng bố là sự làm nguy hại hay tước đoạt đời sống con người hay làm thiệt hại đến những quyền tự do căn bản của con người.”
Luật nước Anh định nghĩa: “Khủng bố là dùng bạo lực chống lại định chế chính trị, hay dùng bạo lực làm sợ hãi nhiều nơi trong xã hội.”
Nước Pháp: “Bất cứ hành động đơn lẻ hay phối hợp nào với mục đích đánh đổ trật tự công cộng và hòa bình hiện hữu.”
Những người nói tiếng Ả Rập đang biểu tình tại Berlin, Đức ngày 12 tháng 12, để chống quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái của Tổng Thống Donald Trump. Họ cầm bức ảnh của ngôi đền Hồi Dome of the Rock tại Jerusalem. (Sean Gallup/ Getty Images)
Có thể nói luật chống khủng bố của các nước đều có một cách định nghĩa về khủng bố khác nhau. Tuy nhiên, gần như thống nhất và cùng có những ý niệm sau đây về khủng bố:
– Khủng bố là hành động sơ khởi của một nhóm nhân danh cách mạng chống lại chính phủ.
– Khủng bố là chiến lược của thành phần chính trị quá khích, cực tả, cực hữu.
– Khủng bố là sự bạo hành mù quáng.
– Khủng bố là tội phạm, không phải chính trị hay hoạt động chính trị.
– Khủng bố không có sự phân biệt già trẻ, bé lớn, lập trường chính trị. Ai cũng có thể là nạn nhân của nó.
Qua các ý niệm qui ước trên, có thể nói mọi hình thức đe dọa và bạo hành đều là hành động khủng bố, dù nó là phương tiện nhằm biện minh cho bất cứ cứu cánh chính trị nào, giải phóng hay cách mạng.
Căn cứ trên cứu cánh, khủng bố có bốn loại chính:
– Khủng bố quốc gia: Chính phủ độc tài dùng chính sách khủng bố để đàn áp dân chúng trong nước.
– Khủng bố ly khai: Một nhóm thiểu số trong một quốc gia đứng lên đòi tự trị, dùng hình thức khủng bố làm phương tiện.
– Khủng bố cách mạng: Tổ chức chống lại chính quyền cho rằng chính quyền đi ngược lại nguyện vọng người dân, nhưng dùng hình thức khủng bố để đấu tranh. Các nhóm khủng bố Hồi Giáo cho rằng Hồi giáo bị đe dọa trước văn minh Tây phương, dùng hình thức khủng bố chống lại Tây Phương, nhưng cũng có mục tiêu thay thế các chế độ thế quyền, vương quyền bằng giáo quyền nên cũng có thể coi là khủng bố cách mạng.
Hậu quả của khủng bố luôn luôn là những tang thương, những hành động đáng ghê tởm, nhưng lại không thể đơn giản để kết luận khủng bố là những tên khát máu. Họ có thể là những người cực kỳ yêu nước, cực kỳ sùng đạo, theo đuổi một lý tưởng, chính vì thế mà khủng bố đã là niềm đau của con người hàng trăm năm qua, nó vẫn tiếp tục tồn tại.
Cuộc cách mạng 1789 ở Pháp là cuộc cách mạng lý tưởng, sau vài năm tràn ngập trong tang tóc, giai đoạn 1793-1794 được mệnh danh là triều đại khủng bố. Robespierre đã làm cho khoảng 40,000 chiếc đầu rơi khỏi máy chém, và ông ta cũng còn lưu lại một câu khó quên trong lịch sử: “Khủng bố không đạo đức là ác quỷ, đạo đức không khủng bố là bất lực.”
Khủng bố đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và khai thác tối đa với chủ nghĩa Cộng Sản. Mikhail Bakunin và Sergei Nechayev có thể được coi là hai tay “khủng bố cách mạng” tiên phong. Bakunin đã ca ngợi kẻ khủng bố là: “Con người dâng hiến, dứt bỏ mọi sự ràng buộc để hy sinh, xây dựng cho một xã hội và một thế giới lành mạnh và đạo đức. Ngày và đêm, họ là những kẻ chỉ sống với một tâm niệm và tôn chỉ: hủy diệt không thương tiếc, sẳn sàng hủy diệt chính họ, và dùng đôi tay để hủy diệt bất cứ ai làm cản trở con đường mà họ đang đi.”
Giáo điều cách mạng của Bukanin đã trở thành tâm niệm bắt buộc phải nằm lòng của bọn khủng bố trước đây và hiện nay. Chủ nghĩa CS đã mở đầu một trang sử mới của khủng bố và đã đưa cả ba loại khủng bố: quốc gia, ly khai và cách mạng vào giai đoạn hoàn thiện của nó. Trong giai đoạn cách mạng họ dùng khủng bố để gây lo sợ trong dân chúng nhằm khai thác nhân lực và tài lực. Trong giai đoạn nắm quyền họ dùng khủng bố để thay đổi trật tự xã hội theo quan điểm chủ nghĩa CS. Sau cách mạng 1917, cái gọi là Cách Mạng Nga đã xử tử khoảng 50 triệu dân vô tội. Khủng bố CS, vừa rút kinh nghiệm áp dụng ở Nga, ở Trung Cộng, ở Việt Nam, Triều Tiên… đã viết thành kinh điển, huấn luyện, đào tạo một đội ngũ chuyên viên khủng bố khổng lồ, và xuất cảng khủng bố đi khắp thế giới.
Có thể nói, số khủng bố hiện nay, ngoài kiến thức kỹ thuật học hỏi từ những chuyên viên khủng bố Liên Sô trước đây, chúng cũng còn rút tỉa kiến thức và kỹ thuật chống khủng bố của CIA để phối hợp và bổ túc cho nhau, nên chúng trở nên những tên khủng bố, những tổ chức khủng bố có trình độ kỹ thuật hoạt động và tổ chức rất cao độ.
Khi Liên Sô chiếm Afghanistan, tổ chức Palestinian Muslim Brotherhood đã thành lập một văn phòng chiêu mộ thanh niên Hồi giáo tình nguyện sang Afghanistan chiến đấu chống Liên Sô gọi là MAK (Maktab al-Khidamat), MAK và Bin Laden phối hợp nhau, kẻ chiêu mộ người, kẻ chi tiền. Dĩ nhiên, với sự xâm chiếm Afghanistan của Liên Sô, các nước Hồi Giáo giàu có sẵn sàng bí mật tài trợ. Nhiều thành phần khủng bố được Liên Sô huấn luyện để chống Hoa Kỳ và Do Thái đã quay sang chống Liên Sô và tham chiến ở Afghanistan.
Ngoài sự tài trợ của các nước Á Rập, mỗi năm CIA chi ra khoảng $500 triệu Mỹ kim, mang những chuyên viên thượng thặng về điệp báo, phá hoại, du kích qua Trung Đông huấn luyện cho các tổ chức kháng chiến Afghanistan. Nhóm kháng chiến của Bin Laden, một trong bảy nhóm chính của tổ chức Mujahedin đã được Hoa Kỳ huấn luyện tận tình, trang bị tận răng với những loại vũ khí tối tân, cao kỹ nhất của Hoa Kỳ. Sau khi Afghanistan được giải phóng khỏi Liên Sô, nước này lại trở nên một quốc gia Hồi Giáo cực đoan, nhóm Bin Laden lại phân tán tới các nước Hồi Giáo để bí mật hoạt động trong mục tiêu lật đổ các chính quyền thân Tây phương. Tổ chức khủng bố Al Qaeda được Bin Laden chính thức thành lập năm 1988 để thực hiện cuộc “thánh chiến” với Hoa Kỳ và Tây Phương. Chúng đã thực hiện nhiều cuộc khủng bố gây kinh hoàng trong thời đại như vụ 911. Các nhóm khủng bố Trung Đông về sau, đã học hỏi từ Al Qaeda, và còn được tình báo Iran huấn luyện.
Trước đây, dưới sự nuôi dưỡng và thúc đẩy của Liên Sô, các tổ chức khủng bố, dù mang nhiều màu sắc khác nhau đã liên lạc thành một hệ thống toàn cầu hỗ trợ lẫn nhau. Một tên khủng bố có thể tham gia vào nhiều tổ chức khác nhau. Tiếp nối truyền thống này, các nhóm khủng bố Trung Đông, dù màu sắc khác nhau, Sunni hay Shiite chúng cũng hỗ trợ nhau rất tích cực, vũ khí của nhóm này có thể chuyển cho nhóm khác, và chúng gần đang đương đầu với cả thế giới nên cũng thực hiện công tác khủng bố ở một mức quyết liệt kinh hoàng hơn đó là khủng bố tự sát.
Sau vụ 911, Hoa Kỳ và thế giới đã quyết tâm hơn lúc nào hết để tiêu diệt khủng bố. Hoa Kỳ đã dùng lực lượng quân sự tấn công tiêu diệt chế độ Taliban ở Afghanistan, truy lùng Bin Laden trong khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Cho rằng tàn dư khủng bố có thể đang nhờ Saddam Hussein che chở, và những vũ khí giết người hàng loạt đang ở Iraq có thể lọt vào tay khủng bố, chính phủ Bush đã quyết định tấn công nước này, lật đổ Saddam. Tuy nhiên sau khi tấn công và chiếm đóng Iraq, như đã đề cập nạn nhân của khủng bố đã không giảm mà còn tăng lên nhiều hơn.
Ngoài biện pháp mạnh là dùng lực lượng quân sự, các nước đều đưa ra nhiều biện pháp tích cực đề phòng và chống khủng bố. Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng coi khủng bố là tai họa của thế kỷ và đã đề ra chiến lược “Five Ds” để chống khủng bố, 5D gồm:
1. Dissuade: thuyết phục, theo đuổi, khuyên các tổ chức khủng bố không nên dùng khủng bố làm phương tiện.
2. Deny: tìm mọi cách để khủng bố không thể sử dụng những phương tiện thực hiện khủng bố như phương di chuyển, xử dụng tiền bạc..
3. Deter: khai triển những biện pháp trừng phạt đối với những quốc gia chứa chấp khủng bố.
4. Develop state capacity: giúp các nước có phương tiện và khả năng ngăn chận khủng bố.
5. Defend human rights: bảo vệ nhân quyền.
Ông cựu Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Kofi Annan từng nói rằng điểm thứ 5 là quan trọng nhất. Các quốc gia vì trừng trị khủng bố mà lại sử dụng những biện pháp vi phạm nhân quyền là sai lầm. Cần phải nêu cao nhân quyền để giác ngộ bọn khủng bố, cho chúng thấy rõ những oán ghét, hận thù được nuôi dưỡng trong lòng chúng là sai lầm. Có phát huy nhân quyền mới có thể dập tắc khủng bố tận gốc, D5 của LHQ là một quan điểm giống như quan điểm “lấy chính nhân thay cường bạo.”
Nhiều học giả, và nhiều cơ quan nghiên cứu chính trị quốc tế cũng đã từng đề nghị muốn tiêu diệt tận gốc bọn khủng bố, phải tìm tới những căn nguyên vì sao, những nguyên nhân nào đã có thể làm cho những thanh niên mới lớn lên, không chỉ là những người bình thường, mà có bằng cấp, có khả năng, có trình độ chuyên môn cao lại có thể bị thuyết phục gia nhập và sẳn sàng làm vật hy sinh cho khủng bố. Phải tìm hiểu mọi nguyên nhân, từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và giải quyết từ đó mới có thể dần dần chấm dứt được sự khai thác và chiêu dụ. Trị bệnh phải trị từ gốc.
Bọn khủng bố Hồi Giáo hay tại Trung Đông đang mang những sắc thái chống chiếm đóng, chống bất công xã hội, và cũng cho rằng tôn giáo của họ bị đe dọa. Vì thế, làm sao để xoa dịu sự bất công, giải quyết trên tinh thần công bằng các sự tranh chấp giữa Do Thái và Palestine, các nước trong vùng, và cũng làm cho người Hồi thấy rằng văn minh Tây phương không đe dọa cho tôn giáo của họ mới có thể giải quyết tận gốc rễ hiểm họa khủng bố.
Trở ngại cho mục tiêu dân chủ hóa và cải tạo kinh tế xã hội ở các nước Trung Đông lại cũng có thể nói là chập chùng khó khăn. Hầu hết các lãnh tụ Á Rập cũng nhận ra sự trì trệ kinh tế và xã hội hiện nay trong nước họ. Tuy nhiên, chấp nhận dân chủ hóa và cải tạo lại xã hội họ lại sợ ảnh hưởng tới quyền lực chính trị mà họ đang hưởng hiện nay!
Dân chúng các nước Á Rập, một phần do tinh thần tôn giáo, một phần có tinh thần bài Tây Phương vì họ đã từng bị Tây Phương đô hộ, đàn áp, chia cắt, rút tỉa tài nguyên, nhất là dầu hỏa trong một thời gian dài dằng dặc. Vì thế, họ rất có dị ứng. Theo kết quả những cuộc thăm dò, đa số dân Ả Rập thích người Mỹ, nhưng họ không ưa chính phủ Mỹ.
Trong một bối cảnh lòng người như vậy, dân chủ hóa các nước độc tài Hồi Giáo Ả Rập, không thể là việc có thể thành công dễ dàng, một sớm một chiều. Liên Xô trước đây, nay là Nga và Hoa Kỳ đã góp phần rất lớn rong việc đào tạo, huấn luyện kỹ thuật cho các tổ chức khủng bố Trung Đông hiện nay, nếu hai nước này cùng nắm tay nhau để cùng diệt chúng, cũng rất có thể vấn đề nhức óc này sẽ dễ giải quyết hơn.
Tuy nhiên, hai nước này đã căng thẳng từ khi Nga sát nhập vùng Crimea cho tới nay vẫn chưa được cải thiện. Việc Tổng Thống Trump thừa nhận Jerusalem là thủ đô Do Thái hình như là hành động chế dầu vô lửa. (hv)