Bỏ phiếu kín trước các vấn đề khác nhau
Tại Hội nghị 14, T.Ư đã thảo luận và biểu quyết thông qua nhân sự các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XII với số phiếu rất tập trung. Ông nhìn nhận đánh giá thế nào về kết quả trên?
Đúng là sau Hội nghị T.Ư 14 thì tất cả các nội dung chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đều cơ bản đã hoàn tất. Có được kết quả trên do T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chuẩn bị các nội dung cho Đại hội một cách chủ động, chặt chẽ, thận trọng, bài bản, từng bước một và hết sức dân chủ. Ngay từ Hội nghị T.Ư 6 (năm 2012), T.Ư đã thảo luận, thông qua Đề án quy hoạch Ban Chấp hành (BCH) T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2016- 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Việc thông qua được quy hoạch trên là cơ sở, là nền tảng để các Hội nghị T.Ư tiếp theo bàn và quyết định nhân sự. Trải qua các Hội nghị, vấn đề nhân sự luôn được đưa ra thảo luận, xem xét, thông qua phương hướng nhân sự BCH T.Ư khóa XII, rất chi tiết, cụ thể như: Tiêu chuẩn Ủy viên T.Ư chính thức, Ủy viên T.Ư dự khuyết ra sao… Rồi tiêu chuẩn Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tiêu chuẩn ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước… Tất cả những vấn đề gì khi T.Ư bàn, thảo luận còn ý kiến khác nhau thì đều biểu quyết bằng phiếu. Đến T.Ư 13 lại bỏ phiếu giới thiệu các đồng chí Ủy viên T.Ư đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tái cử khóa XII. Rồi T.Ư xác định những trường hợp nào là trường hợp “đặc biệt”… Cuối cùng đến Hội nghị 14 T.Ư đã bỏ phiếu giới thiệu các đồng chí có thể giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước với số phiếu rất tập trung.
Không chỉ chủ động, làm sớm, việc chuẩn bị nhân sự còn được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, thận trọng, bài bản, cứ từng bước, từng bước một. Những vấn đề có ý kiến khác nhau đều dân chủ bằng cách bỏ phiếu kín để công tâm, khách quan, dân chủ. Chính sự dân chủ dẫn đến bỏ phiếu tập trung rất cao.
Những nhân sự được biểu quyết tại Hội nghị T.Ư 14 này tới đây sẽ được xem xét như thế nào tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, thưa ông?
Vừa rồi T.Ư mới chỉ quyết định giới thiệu các đồng chí đủ điều kiện ứng cử, tức là có danh sách đề cử ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Căn cứ vào đó Đại hội XII sẽ tiếp tục đề cử, ứng cử. Như thế bỏ phiếu quyết định trúng hay không trúng vẫn là Đại hội, chứ không phải cứ T.Ư giới thiệu là đã trúng, vì bầu có số dư.
Dân chủ càng rộng, tập trung càng cao
Tại Hội nghị 14, T.Ư cũng xem xét nhân sự là trường hợp “đặc biệt”. Những trường hợp “đặc biệt” đó là như thế nào, thưa ông?
Những trường hợp “đặc biệt” có nghĩa là ít, không nhiều. Việc xem xét trường hợp “đặc biệt” rất kỹ lưỡng, từ phẩm chất đạo đức, trí tuệ, sức khỏe, uy tín, trung tâm đoàn kết… và cả ý Đảng, lòng dân ra sao. Những trường hợp “đặc biệt” thuộc nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư được xem xét kỹ hơn những trường hợp Ủy viên T.Ư “đặc biệt” tái cử. Do yêu cầu của công việc nên việc xem xét các trường hợp “đặc biệt” là cần thiết để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới.
Phát biểu bế mạc Hội nghị 14, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị phát huy tinh thần của hội nghị vào Đại hội toàn quốc lần thứ XII. Theo ông những tinh thần đó là gì?
Không khí của Hội nghị 14 là rất dân chủ mà cũng rất tập trung. Có vấn đề gì thì đều thảo luận cân nhắc kỹ lưỡng để lúc bỏ phiếu được tập trung cao. Phiếu tập trung cao tức là T.Ư rất thống nhất nhận thức, hành động nhìn nhận con người. Muốn được như thế tức là phải thảo luận rất kỹ, nâng lên đặt xuống, xem xét nhiều mặt. Đưa không khí, tinh thần đó vào Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng là mong muốn Đại hội sẽ diễn ra dân chủ và tập trung.
Với tinh thần chuẩn bị chu đáo, thống nhất cao trong T.Ư thì Đại hội 12 tới đây chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp, bầu ra những người xứng đáng lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong nhiệm kỳ tới.