‘Không để ý thức hệ giáo điều cản trở’
Theo BBC
25 tháng 11 2015
Một cây bút hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết trên Tạp chí Cộng sản kêu gọi Đảng ‘không biệt phái, giáo điều’ và đừng để ý thức hệ cản trở nguồn lực dân tộc ‘sáng tạo, phát triển’.
Bài viết của Giáo sư Hoàng Chí Bảo từ Hội đồng Lý luận Trung ương của Đảng cầm quyền hiện nay tại Việt Nam có tựa đề theo thông lệ là ‘Xây dựng Đảng về đạo đức’ nhưng nêu ra một số nội dung khác thường lệ.
Trong cuộc tranh luận về đường lối vốn thường diễn ra trước kỳ đại hội Đảng, ông Hoàng Chí Bảo nêu ra quan điểm đã được giới xã hội dân sự và nhiều trí thức Việt Nam đề cập, là đổi mới không thể chỉ có kinh tế.
Ông viết:
“Đổi mới không chỉ thay đổi mô hình kinh tế mà còn thay đổi mô hình phát triển xã hội nói chung.”
“Phải vượt qua tư duy cũ về phát triển – kiểu phát triển tuyến tính, đơn trị, chỉ phát triển quan hệ hợp tác trong một hệ thống (xã hội chủ nghĩa), theo mô hình Xô-viết, tự tách mình khỏi phần còn lại rộng lớn của thế giới, không có quan hệ với phương Tây tư bản chủ nghĩa.”
Có vẻ như đây là sự xác tín lại các đường lối hội nhập ngày càng tăng tốc sau khi Việt Nam ký Hiệp định hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) gần đây, khi ý thức hệ không còn đóng vai trò như trước.
‘Không biệt phái và giáo điều’
GS Hoàng Chí Bảo cho rằng:
“Trước biến động dữ dội của thế giới toàn cầu hóa, với cách mạng khoa học – công nghệ và sự bùng nổ thông tin và công nghệ thông tin, kiểu phát triển “khép kín”, “ốc đảo” đó đã tỏ ra lỗi thời, hoàn toàn mất tính triển vọng.”
“Do đó, đổi mới tất yếu phải gắn liền với hội nhập, hợp tác song phương và đa phương để phát triển.”
Trong bài viết hôm 20/11/2015, tác giả còn cho là không thể để ý thức hệ cản trở hợp tác:
“…Việt Nam, là bạn của tất cả các nước, không biệt phái và giáo điều, không để sự khác biệt ý thức hệ cản trở quá trình hợp tác, hiểu rõ hợp tác đi liền với cạnh tranh và đấu tranh…”
Tuy nói Việt Nam vẫn “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa để kiên định lý tưởng” tác giả nhấn mạnh đến “phong cách lãnh đạo trí thức của Đảng trên tinh thần Đổi mới – Dân chủ – Khoa học – Nhân văn để Sáng tạo và Phát triển”, theo lời trong bài.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh đến lợi ích dân tộc và cho rằng:
“Cần phải phát huy ý thức dân tộc, sức mạnh của cộng đồng dân tộc thống nhất, động lực của lòng yêu nước để bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước cường thịnh vì cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.”
“Đó là chủ nghĩa dân tộc chân chính, nuôi dưỡng và phát triển các giá trị, các nguồn lực nội sinh của phát triển bền vững.”
Tuy nhiên, về giải pháp, tác giả vẫn nêu lại một số tiêu chí về ‘đạo đức cách mạng’ đã được cố chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra.
Ông cũng phê phán chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm chứ chưa đề cập tới nhu cầu xây dựng hệ thống pháp luật công bằng cho tất cả mọi công dân, kể cả các đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản.
Nếu như Việt Nam đang đưa ra những kêu gọi chưa cụ thể về đạo đức cá nhân và tinh thần chí công vô tư bị xói mòn trong kinh tế thị trường thì lãnh đạo Tập Cận Bình ở Trung Quốc đã tấn công thẳng vào các thành trì của bè phái trong chiến dịch Đả hổ diệt ruồi.
Dù vậy, như một số nhà quan sát phương Tây gồm GS Sebastian Veg từ Paris nhận định, nếu truy quét các phái ‘tham nhũng’ quá mạnh trong Đảng, ông Tập sẽ ‘tạo ra khủng hoảng chính trị ở cấp cao nhất’.
GS Hoàng Chí Bảo ở Việt Nam cũng nêu ra nguy cơ cho ‘sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ’ một khi các căn bệnh “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, xa dân, thói vô trách nhiệm…” không chữa được.
“Tham nhũng vừa là nguy cơ, vừa là quốc nạn bởi nó đã trở nên phổ biến, ở mọi nơi, với những mức độ, hậu quả khác nhau. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Thực trạng này đang đe dọa tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ như Đảng đã cảnh báo”, ông Hoàng Chí Bảo cảnh báo.
Dù tình hình nghiêm trọng như vậy, ông chỉ dừng lại ở mức đề xuất “xây dựng Đảng về đạo đức, lối sống” và tăng cường giáo dục và thực hành đạo đức sâu rộng, thường xuyên trong toàn Đảng”…