Không để phụ thuộc kinh tế Trung Cộng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Không để phụ thuộc kinh tế Trung Cộng

Trương Tấn Sang hội kiến với Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng Sáu 2013

Theo BBC – 15:06 GMT – thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Chủ tịch nước Việt Nam nói “một số lĩnh vực” bị phụ thuộc Trung Quốc, “ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế”.

Ông Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn riêng của Thông Tấn Xã Việt Nam trong lúc quan hệ Việt – Trung căng thẳng vì vụ giàn khoan Hải Dương 981.

Khi được hỏi “dư luận cho rằng Việt Nam có thể đã bị lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế”, chủ tịch nước Việt Nam nói Việt Nam theo đường lối “da dạng hóa, đa phương hóa quan hệ”.

“Chúng ta luôn phấn đấu bảo đảm cùng có lợi và dứt khoát không để phụ thuộc vào bất cứ nước nào trong cả kinh tế và chính trị.”

Nhưng ông “thẳng thắn nhìn nhận rằng, một số lĩnh vực thực hiện không đúng chủ trương này, ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế”.

Ông Sang cũng nhấn mạnh Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc “ngày càng lớn, liên tục diễn ra, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất”.

“Một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.”

“Lĩnh vực đấu thầu EPC, BOT và cung cấp thiết bị ở một số ngành quan trọng như điện, thông tin viễn thông và một số ngành kinh tế khác, nhà đầu tư Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn, nhiều dự án chất lượng công nghệ không cao, chi phí đầu tư thường tăng lên so với ban đầu, thời gian hoàn thành kéo dài.”

“Lĩnh vực đấu thầu EPC, BOT và cung cấp thiết bị ở một số ngành quan trọng như điện, thông tin viễn thông và một số ngành kinh tế khác, nhà đầu tư Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn, nhiều dự án chất lượng công nghệ không cao.” – Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Việt Nam

Chủ tịch nước Việt Nam khẳng định: “Tình hình này cần phải sớm được chấn chỉnh.”

Trước đó, thay mặt chính phủ trả lời Quốc hội hôm 12/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gặp câu hỏi phải chăng kinh tế Việt Nam “lệ thuộc nhiều” vào Trung Quốc.

Ông Phúc trả lời: “Đến nay chúng ta không phụ thuộc về kinh tế với bất cứ nước nào.”

“Tôi có đầy đủ số liệu để chứng minh điều này,” Phó thủ tướng khẳng định.

Nhưng ông nói thêm “thời hội nhập không thể độc lập hoàn toàn”.

Một trong các giải pháp, theo ông Phúc, là “đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi mô hình tăng trưởng”.

Ông nói thêm một số hiệp định thương mại sắp ký sẽ giúp đa dạng hóa thị trường.

‘Không tôn trọng đạo lý’

Trong bài phỏng vấn công bố hôm 20/6, Chủ tịch Trương Tấn Sang phê phán Trung Quốc vì “hạ đặt trái phép” giàn khoan Hải Dương 981.

“Không thể chấp nhận tình trạng cứ nước mạnh là không tôn trọng đạo lý và lẽ phải,” ông nói.

Ông ca ngợi ngư dân “kiên cường ở tuyến đầu dù luôn bị tàu Trung Quốc o ép, đe dọa, thậm chí có trường hợp bị đâm chìm”. Còn lực lượng bảo vệ pháp luật của Việt Nam được nói là “không lùi bước, dũng cảm vượt qua mọi thách thức”.

Ông Sang nói nhân dân “đã biểu hiện lòng yêu nước bằng rất nhiều hình thức phong phú, sáng tạo”.

Điều này dường như ám chỉ cả các cuộc biểu tình diễn ra tại Việt Nam thời gian qua, mặc dù Việt Nam chưa có luật biểu tình.

Khi các cuộc biểu tình diễn ra, cũng đã xảy ra bạo lực đốt phá gây chết người ở Bình Dương và Hà Tĩnh.

Không nêu cụ thể, nhưng chủ tịch nước Việt Nam nhấn mạnh “cảnh giác với những lời nói và việc làm mang tính kích động, nhân danh lòng yêu nước”.

Ông Sang nói ngay khi xảy ra vụ giàn khoan, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản “đã kịp thời đề ra chủ trương để xử lý tình hình”.

Theo ông, Việt Nam “luôn sử dụng các biện pháp hòa bình”, “yêu cầu Trung Quốc tỏ thiện chí”.

Ông cũng nói “khi cần thiết”, Việt Nam sẽ sử dụng “biện pháp pháp lý” để bảo vệ chủ quyền.

Hôm 18/6, Trung Quốc cử Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì sang Hà Nội họp với phía Việt Nam.

Chính phủ Trung Quốc nói chuyến thăm “thể hiện sự coi trọng cao độ của Trung Quốc đối với quan hệ Trung-Việt cũng như thiện chí trong việc xử lý thoả đáng tình hình trên biển”.