Không có rượu mới

Cac Bai Khac

No sub-categories

Không có rượu mới

Ông Nguyễn Phú Trọng/ Ảnh từ Internet -không rõ  nguồn

Con số cơ cấu 35-40% đại biểu chuyên trách trong Quốc hội khóa tới là một  bước đi đúng. Nhưng việc những người như Nguyễn Quang A, Nguyễn Cảnh Bình… bị  loại bỏ bằng những công cụ hết sức võ biền cho thấy Đảng vẫn chỉ muốn, ngay cả  những người tự ứng cử, cũng phải chắc chắn là người của họ.

Cho dù cách hành xử đó là “truyền thống” hay chỉ từ các mệnh lệnh địa phương,  để hệ thống ứng xử như vậy, cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chưa chuẩn  bị tâm thế và chưa có bước đi quan trọng nào được coi là cải cách.

Khi ông Nguyễn Tấn Dũng bị loại bỏ, số người vui chẳng nhiều hơn bao nhiêu số  người bị hụt hẫng. Không ai nghĩ Nguyễn Tấn Dũng là một nhà lãnh đạo anh minh  nhưng nhiều người hy vọng nếu ông Dũng toàn quyền, ông sẽ giải tán hoặc làm cho  Đảng này sụp đổ. Không có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy ông Dũng sẽ làm điều đó  ngoài những bài viết vu vơ trên những trang mạng nặc danh. Chỉ vì quá chán ngán cái thể chế đã kìm hãm sự phát triển của dân tộc này  suốt hơn 70 năm người ta sẵn sàng đặt niềm tin vào một con người đang trục lợi  nhiều nhất từ thể chế cả về châu báu và chức tước. Không có ai đáng trách. Khát vọng thoát cộng lớn đến nỗi làm lú lẫn không chỉ những cái nicks vô danh  mà còn cả với nhiều trí thức. Là người đứng đầu một Đảng đang cầm quyền nếu ông Nguyễn Phú Trọng không nhận  thức đầy đủ khát vọng này của những người dân có học, để thúc đẩy cải cách chính  trị, thì chiến thắng của ông trước Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị coi là chiến thắng của  một người tham vọng quyền lực chứ không phải của một người vì đất nước. Năm nay, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là người chủ trì những hoạt động kỷ niệm 30  năm đổi mới. Đừng cắt lát miếng nạc từ năm 1986 mà hãy quay về khúc xương khởi  đầu từ khi Hồ Chí Minh mang chủ nghĩa Marx – Lenin đến Việt Nam. Để thấy, đổi  mới đơn giản chỉ là một tiến trình Đảng gỡ bỏ dần dần những gông cùm mà Đảng  từng áp đặt. Từ “Chính sách kinh tế nhiều thành phần” đến “Kinh tế thị  trường” là một bước tiến chưa đủ nhưng khá dài. Và khi, Đại hội XI bãi bỏ  nguyên tắc “sở hữu công là chủ yếu”, thì các “đặc trưng của chủ nghĩa xã hội”  ghi trong Cương lĩnh không còn dấu hiệu nào của chủ nghĩa cộng sản theo mô hình  mà Marx và các cộng sự của ông thiết lập trong Tuyên Ngôn Cộng Sản. Hiến pháp 1992, tuy còn dùng dằng giữa “hai con đường” đã vẽ cho Việt Nam một  nền cộng hòa trên giấy. Ngay cả những tổng bí thư bị coi là bảo thủ nhất như Đỗ  Mười hay Lê Khả Phiêu, sau Hiến pháp 1992, cũng đã phải chuyển dần từ một chế độ  đảng trực trị sang một chế độ đảng cầm quyền thông qua nhà nước. Việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là một bước lùi về chính  trị. Sinh thời, Nguyễn Bá Thanh là một người rất được công chúng tung hô nhưng nếu  những người am hiểu nhà nước pháp quyền biết cách ông Trưởng ban Nội chính  Nguyễn Bá Thanh ngồi sau cánh gà các phiên tòa “lãnh đạo án” như thế nào chắc  chắn họ sẽ vô cùng thất vọng. Chống tham nhũng bằng Ban Nội chính thay vì gỡ bỏ “vòng kim cô nội chính” cho  các cơ quan tư pháp, để họ tiến hành tố tụng theo các nguyên tắc dân chủ, pháp  quyền, thì không chóng thì chày sẽ có Ba X tân thời thay cho Ba X cũ. Dân chủ đơn giản chỉ là một phương thức cầm quyền theo nguyên tắc không để ai  có quyền lực tuyệt đối. Dân chủ không phải là đích đến mà là một phương tiện  được lựa chọn để tránh sự tha hóa tuyệt đối của những người cầm quyền. Dân chủ  không phải là một cây gậy thần để quốc gia nào cầm nó trong tay cũng trở nên  thịnh vượng. Nhưng, chưa có phương thức quản trị quốc gia nào ít rủi ro hơn dân  chủ. Vấn đề là đi tới dân chủ như thế nào. Những người kỳ vọng Nguyễn Tấn Dũng “giải tán đảng” không chỉ là những nhà  dân chủ nôn nóng mà còn là những người suy nghĩ đơn giản. Họ chờ đợi dân chủ  theo cách của Đại Lãn. Họ nghĩ có ai đó sẽ dọn sẵn mâm cỗ dân chủ cho mình mà  không thấy rằng dân chủ là một hành trình của chính mình. Không thể có dân chủ trong một thể chế độc tài đảng trị. Nhưng, nếu như độc  tài sụp đổ sau một đêm chúng ta có thể có đa đảng ngay thì tự do chính trị mà ta  có đó chỉ mới là một tiền đề cần nhưng chưa đủ. Chúng ta có thể buộc các nhà cộng sản phải chịu trách nhiệm về những gì đã  làm trong quá khứ. Nhưng tôi không nghĩ là con đường đi đến dân chủ dứt khoát  phải loại bỏ những người cộng sản đang nắm quyền. Thay vì đẩy họ về phía đối  địch, dân chúng cần tạo áp lực đủ để họ thay đổi và nhận thức được rằng, dân chủ  hóa là một tiến trình kiến tạo tương lai cho chính cả những người cộng sản. Trong lộ trình đó, cần phải có những bước đi vững chắc để sao cho “nền cộng  hòa trên giấy” hiện nay từng bước có thể vận hành. Hãy để Quốc hội tập dượt vai  trò giám sát của mình và chuẩn bị để các cơ quan tư pháp thoát dần ra khỏi tình  trạng bị địa phương cát cứ. Trước mắt, không để nhánh quyền lực nào, cơ quan nào  nắm giữ quá nhiều quyền lực, mũi đột phá cần được chọn ngay là Bộ Công an. Giờ đây, tuy đứng vị trí cao hơn nhưng chắc chắn sẽ có khi đại tướng Trần Đại  Quang cảm thấy mình lơ lửng. Bộ Công an hiện đang có đủ quyền để biến, thậm chí,  cả những người trong bộ tứ trở thành con tin. Do quyền lực của Bộ bao trùm lên  các cơ quan tố tụng, không dễ để chống tham nhũng, rất khó để tránh oan sai. Đây là lúc, Tổng bí thư có thể đánh thức vai trò đồng minh từ ông Quang để  tách Bộ Công an thành các cơ quan độc lập: Tình báo; Phản gián; Cảnh sát quốc  gia – Cảnh sát địa phương – Cảnh sát giao thông; trả Trại giam về cho Tư pháp;  lập Cơ quan Điều tra quốc gia. Chức năng, nhiệm vụ của tình báo và phản gián không có gì tương thích với lực  lượng cảnh sát. Đừng để lực lượng tình báo – phản gián tham gia quá sâu vào các  cuộc chơi chính trị nội bộ mà sự “màu mỡ” của nó rất dễ làm họ sao nhãng nhiệm  vụ chính là cảnh giác thù ngoài. Cần có một Tư lệnh cảnh sát quốc gia để duy trì sự thống nhất quyền lực trung  ương nhưng việc gìn giữ an ninh trật tự chủ yếu do cảnh sát địa phương đảm  trách. Cảnh sát công lộ cũng nên là một lực lượng độc lập (vì điều tra không  cùng một nhà họ sẽ không dám nhận mãi lộ phổ biến như hiện nay). Nếu để điều tra trong Bộ Công an rất khó chống tiêu cực trong các cơ quan  cảnh sát. Nên lập cơ quan điều tra quốc gia. Cảnh sát địa phương có thể điều tra  các vụ án, trộm cướp… nhưng đã là án liên quan đến chức vụ, quyền hạn, liên quan  đến tham nhũng phải do cơ quan điều tra quốc gia tiến hành [Tòa cũng lập thành  tòa sơ thẩm, phúc thẩm… bố trí ở các khu vực; địa phương có tòa nhưng chỉ xử  hình sự thường]. Điều mà nền kinh tế cần Chính phủ làm ngay là chấm dứt sự can thiệp bằng các  công cụ hành chánh vào các quan hệ kinh tế, dân sự của người dân và doanh  nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên ra ngay một quyết định yêu cầu các bộ ngưng  ban hành các điều kiện kinh doanh mới (giấy phép con). Đồng thời, yêu cầu Tổ thi  hành luật doanh nghiệp phối hợp với VCCI đưa ra một danh sách các giấy phép  (trong số hơn 6000 giấy phép con ban hành dưới thời Nguyễn Tấn Dũng) có dấu hiệu  lạm quyền, đình chỉ thi hành chúng cho đến khi Chính phủ có thời gian rà soát  lại. Để làm được việc này, Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc phải đủ dũng cảm để  từ bỏ các bổng lộc mang lại do sự lạm quyền (hành chánh hóa các quan hệ dân sự,  kinh tế) bằng cách tách ngay chức năng hành pháp chính trị và hành chính công  vụ. Lập các vụ tham mưu chính sách bên cạnh các cục thực thi chính sách. Quan  chức nào, vụ nào đã tham gia vào tiến trình ban hành chính sách thì không được  dính vào quy trình thi hành (cấp phép, thanh tra, giám sát…). Nếu chưa đủ sự ủng hộ chính trị để tư nhân hóa đất đai, Chính phủ cần sửa  luật để đảm bảo đối xử với quyền sử dụng đất của người dân như quyền về tài sản.  Bãi bỏ các điều luật cho phép chính quyền thu hồi đất (không thể dùng quyền hành  chính để can thiệp vào quyền về tài sản). Chỉ khi thật cần thiết, chính quyền  mới áp dụng quyền trưng mua, trưng dụng. Mặc dù, đã từng có nhiều đại biểu ăn nói rất được lòng dân, nhưng Quốc hội  không chỉ là một diễn đàn. Kể từ sau Hiến pháp 1959, lịch sử Quốc hội Việt Nam  chỉ ghi nhận hai sự kiện đại biểu thực thi quyền: 1985, bà Đào Thị Biểu, đoàn  Cửu Long, đòi quy trách nhiệm những người quyết định chính sách Giá – Lương –  Tiền; 2010, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đòi lập Ủy ban điều tra độc lập, đình  chỉ chức vụ và điều tra ông Nguyễn Tấn Dũng. Tham nhũng sẽ không lúc nhúc như hiện nay, Chính phủ sẽ không thao túng như  thời Nguyễn Tấn Dũng nếu có nhiều đại biểu như Nguyễn Minh Thuyết, Đào Thị  Biểu…; Những người như Đào Ngọc Dung sẽ khó trở thành bộ trưởng nếu tuần trước  ông ta phải điều trần ở các ủy ban cho báo chí tham gia và nếu Bộ chính trị  không chỉ muốn Quốc hội hợp thức hóa quyết định của mình mà còn là nơi giúp loại  bỏ những người tai tiếng. Muốn như thế, không chỉ nâng số đại biểu chuyên trách lên 35 hay 40% mà phải  mở cửa cho 15-20% những người thực sự tự ứng cử vào trong quốc hội. Cần bãi bỏ ngay quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc để các nhân viên trong một bộ  bỏ phiếu tín nhiệm cho bộ trưởng là một việc làm lố bịch [bộ trưởng phải chịu  trách nhiệm trước dân, chính sách của ông nếu có lợi cho dân có thể làm cho nhân  viên khó chịu]. Để tổ dân phố bỏ phiếu quyết định một người có thể trở thành ứng cử viên đại  biểu quốc hội hay không lại càng phản khoa học và phi dân chủ. Tử tế với nơi  mình sống là cần thiết, nhưng đánh giá họ là phải dựa trên khả năng tham gia của  họ trong các chính sách ở tầm quốc gia chứ không chỉ chuyện cản con mèo ăn vụng  cá nhà hàng xóm. Hoặc Đảng cứ nắm toàn quyền Đảng cử. Hoặc sửa luật, để theo đó, ứng cử viên  gồm những người có thể do đảng chính trị đề cử hoặc tự ứng cử (nếu thu thập đủ  số chữ ký bằng một tỷ lệ luật định trên số cử tri). Dân trí đã thay đổi, quan trí cũng phải theo; đừng tiếp diễn các trò hề dân  chủ nữa. Những người biết chuyện cung đình đánh giá cao sự giữ gìn của ông Nguyễn Phú  Trọng và vợ con ông (ít nhất là cho đến nay). Nhưng, quản trị quốc gia (trong đó  có chống tham nhũng) phải bằng thể chế chứ không thể trông chờ vào “tấm gương  đạo đức” của một vài cá nhân hay việc bắt bớ, loại bỏ một vài con sâu chúa. Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng,  dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có “đổi mới II” trong nhiệm kỳ  cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình  chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa. Theo Facebook Trương Huy San (Huy Đức Osin)