Không có đột phá từ chuyến thăm của Tướng Martin Dempsey
Tướng Martin E. Dempsey tại Bộ Quốc phòng Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội vào ngày 14 tháng 8 năm 2014
Chuyến thăm mới đây của Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tới Việt Nam được các phân tích gia quốc tế đánh giá là một bước tiến trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chuyến thăm nay vẫn chưa thực sự cho thấy một đột phá lớn trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
Một bước tiến rõ rệt
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey từ ngày 13 đến 18 tháng 8 vừa qua được coi là một bước tiến quan trọng trong quan hệ quốc phòng hai nước kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
Nói về ý nghĩa của chuyến thăm lần này của tướng Martin Dempsey đối với quan hệ quốc phòng hai nước, Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định:
Chuyến thăm của tướng Dempsey đánh dấu một bước tiến rõ rệt trong quan hệ hai nước vì chưa từng có một Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ nào đã từng đến Việt nam kể từ sau thống nhất. Theo tôi biết thì lần cuối là vào năm 1971. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, hai nước vẫn chưa đạt đến mức độ đó. Năm ngoái tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, tướng Đỗ Bá Tỵ đến thăm Washington và đi cùng ông là những viên chức cấp cao. Cho nên chuyến thăm này từ phía Mỹ là chuyến đáp trả. Cho nên ý nghĩa của chuyến thăm này chính là hai bên đã đạt được mức cao hơn trong quân đội chỉ thấp hơn mức Bộ trưởng quốc phòng.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ đã có những bước tiến nhất định, mở đầu là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen đến Hà nội vào năm 2000. Sau đó, vào năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tướng Phạm Văn Trà đến thăm Mỹ. Cũng trong chuyến thăm này hai bên đã đồng ý sẽ có các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước cứ 3 năm một lần.
Theo Giáo sư Carl Thayer, quan hệ quốc phòng hai nước thật sự có những bước tiến mạnh và rõ rệt kể từ năm 2009 với việc các giới chức quân sự Việt Nam được bay đến tàu sân bay USS John D. Stennis ở biển Đông. Cũng trong năm đó, Việt Nam mở cửa cơ sở sửa chữa tàu tại vịnh Cam Ranh, và Mỹ là nước đầu tiên tận dụng cơ hội này. Các tàu của Mỹ thường xuyên ghé vịnh từ đó tới nay. Chỉ riêng trong năm 2011 và 2012, đã có 4 tàu hải quân Mỹ được sửa chữa nhỏ tại đây.
Năm 2011, hai nước ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, theo đó có 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác chính gồm các đối thoại chính sách cấp cao thường xuyên, an ninh biển, tìm kiếm cứu nạn, trợ giúp nhân đạo và thảm họa, và gìn giữ hòa bình. Kể từ năm 2011, Việt Nam cũng đã gửi các sĩ quan đến Mỹ để được đào tạo.
Thông tấn xã Việt Nam cho biết nhân chuyến thăm lần này, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa thiên tai, đào tạo, tăng cường chia sẻ thông tin, và hợp tác thực thi pháp luật trên biển.
Trong chuyến thăm này, tướng Dempsey cũng đến thăm Đà nẵng là nơi Mỹ đang trợ giúp Việt Nam tẩy rửa chất độc da cam còn sót lại sau chiến tranh.
Cơ hội
Chuyến thăm lần này cũng cho thấy những cơ hội trong việc phát triển quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Nói về cơ hội trong quan hệ quốc phòng giữa hai quốc gia, Giáo sư Carl Thayer cho biết:
Cơ hội chính là sự gặp nhau của lợi ích chiến lược và nó càng ngày càng sắc bén hơn vì những hành động của Trung Quốc…. Việt Nam tham gia vào sáng kiến chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (proliferation security initiative) mà trước đó Việt nam vẫn từ chối tham gia cùng Trung Quốc. Đây là bước tiến cho thấy Việt Nam đang làm điều tiến tới hướng mà Washington ủng hộ, và khi Việt Nam là thành viên không chính thức hội đồng bảo an liên hiệp quốc, Washington đã ca ngợi các hoạt động có tính xây dựng của Việt Nam. Cho nên là có sự hội tụ về lợi ích chiến lược ở khu vực và toàn cầu.
Ngày 20 tháng 5 năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tuyên bố Việt Nam ủng hộ việc tham gia hiệp ước sáng kiến chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Đầu tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ HD 981 gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hành động này đã kéo theo những đụng độ trên biển giữa các tàu chấp pháp của Việt Nam và tàu của Trung Quốc gần khu vực giàn khoan, và làm căng thẳng quan hệ giữa hai nước vốn là đối tác chiến lược toàn diện.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc trường đại học George Mason, Hoa Kỳ, trong bài viết được đăng tải trên trang blog của Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) hôm 30 tháng 5 viết rằng, hành động này từ Trung Quốc cộng với những phản ứng yếu ớt khác từ những đối tác chiến lược khác đã khiến Việt Nam tìm đến Mỹ, đối tác hợp tác toàn diện của Việt Nam.
Trong khi đó Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng phản đối hành động gây hấn đơn phương từ Trung Quốc và coi đây là hành động gây mất ổn định và an ninh trong khu vực. Đồng thời Hoa Kỳ cũng luôn khẳng định nước này có lợi ích chiến lược tại khu vực.
Để trợ giúp cho các nước trong khu vực chống đỡ lại các hành động lấn lướt từ Trung Quốc, Hoa Kỳ vào năm ngoái cam kết cung cấp tàu tuần tra cho Philippines và Việt Nam trị giá 32 triệu đô la. Theo cam kết được Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đưa ra nhân chuyến thăm Việt Nam hồi năm ngoái, Việt Nam sẽ nhận được 18 triệu đô la, bao gồm 5 tuần tra trên biển.
Khó khăn
Quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam hiện tại cũng còn tồn tại những khó khăn. Theo Giáo sư Carl Thayer, những khó khăn này bao gồm việc mở rộng các hoạt động chung như tìm kiếm cứu nạn, y khoa trong quân sự, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
Từ lâu Hoa Kỳ vẫn muốn gia tăng các hoạt động chung của quân đội hai nước cũng như tăng số lần tàu chiến Mỹ ghé thăm các cảng của Việt Nam nhưng Việt nam vẫn còn rất miễn cưỡng với các đề nghị này. Và vì vậy, chuyến thăm của tướng Dempsey lần này tới Việt Nam không cho thấy những bước đột phá. Giáo sư Carl Thayer nói:
Tôi không thấy bất cứ một dấu hiệu cho thấy đột phá mới nào sắp xẩy ra từ chuyến thăm của tướng Dempsey…. Phía Mỹ dường như muốn có thêm các chuyến ghé thăm của tàu Mỹ đến Việt Nam nhưng Việt Nam chỉ giới hạn với tất cả các nước là một chuyến thăm cảng mỗi năm nhưng có thể nhiều tàu. Cho nên nếu Việt Nam thay đổi lệ này với một nước thì họ phải thay đổi với các nước khác. Việt Nam có mở rộng cho trường hợp tàu quân y của Mỹ tới vì đây không được coi là tàu chiến ghé thăm, hoặc cho phép tàu Mỹ tới tìm kiếm phần máy bay rơi ở vùng nước của Việt Nam.
Một khó khăn khác nữa chính là lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ dành cho Việt Nam. Trong chuyến thăm của Thượng nghĩ sĩ John McCain tới Việt Nam trước chuyến thăm của Tướng Dempsey một tuần, Thượng Nghị sĩ John McCain đã lên tiếng ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương dần dần cho Việt Nam.
Hãng tin Wall Street Journal mới đây trích nguồn tin quốc phòng Việt Nam cho biết Việt Nam đang có ý muốn mua máy bay P3C Orion của Mỹ. Việc dỡ bỏ lệnh cấm, có thể giúp Việt Nam mua được những máy bay này cho việc tuần tra trên biển.
Tuy nhiên, theo chuyên gia về Trung Quốc, bà Bonnio Glaser, thuộc CSIS, việc Việt Nam muốn mua vũ khí sát thương từ Hoa Kỳ cũng còn phụ thuộc vào ý chí chính trị từ phía Việt Nam.
Với Việt Nam, đây cũng là câu hỏi mang tính chính trị, tức là liệu họ có muốn phải chịu những hậu quả có thể xảy ra trong quan hệ với Trung Quốc khi họ mua vũ khí từ Mỹ. Đây là một tranh luận đang diễn ra ở Việt Nam về khả năng Việt Nam mở rộng quan hệ an ninh với Mỹ. Đây là một quá trình và sự tiến triển mà chúng ta cần phải chờ xem cuối cùng thế nào.
Với những hành động lấn lướt gần đây của Trung Quốc trên biển Đông, nhắm vào Việt Nam và Philippines, Việt Nam dường như đang xích lại gần hơn với Hoa Kỳ trong hợp tác quân sự và an ninh. Những cơ hội cho hợp tác hai bên là rõ ràng nhưng những khó khăn và thách thức cũng không nhỏ. Câu hỏi đặt ra là liệu hai nước sẵn sàng nhượng bộ đến mức độ nào để có thể đạt được những bước đột phá trong quan hệ quốc phòng hai nước. – RFA