Không chỉ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cần tiến hành giám đốc thẩm
Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) – Không chỉ riêng cá nhân người viết bài này, không chỉ riêng blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tất cả những người bị kết án theo điều 79, 88, 258 cần được giám đốc thẩm, không chỉ từ phân tích trên, không chỉ từ nhận xét của giới luật sư, không chỉ từ chỉ trích của dư luận quốc tế mà còn bởi từ “Những điều luật trong Bộ Luật Hình Sự trái với Cương lĩnh ĐCSVN”.
*
Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định tại:
Điều 509. Hiệu lực thi hành:
1. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
2. Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực.
Điều này có nghĩa, mọi trình tự thủ tục liên quan đến án hình sự đều được nghiên cứu, xem xét theo BLTTHS 2015.
Giám đốc thẩm là gì?
Điều 370 đã chỉ rõ: Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Những ai có quyền yêu cầu giám đốc thẩm?
Khoản 1 điều 372 BLTTHS quy định như sau:
Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị.
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp tù nhân đã thành án chính thức, theo thiển ý cá nhân tôi, cần nên nhờ giới Luật sư tư vấn và nếu nhận được sự giúp đỡ của họ, đó là điều nên làm, bởi kinh nghiệm của giới Luật sư là hành trang cần thiết cùng với tiếng nói chuyên nghiệp cũng như thực tế từng trải qua, sẽ giúp cho người tù và thân nhân mình bớt gian nan hơn trong trình tự giám đốc thẩm.
Khi nào thực hiện giám đốc thẩm?
Điều 379 khoản 2 quy định: “Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”.
Vì sao blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cần giám đốc thẩm?
Những căn cứ để thực hiện giám đốc thẩm đã được quy định rõ tại điều 371 trong BLTTHS.
Theo đó, bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong ba căn cứ như sau:
1. Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thỏa điều kiện này, bởi so cáo trạng với khoản 1 quy định, tất cả những buộc tội từ VKS hoàn toàn “không phù hợp với những tình tiết khách quan” như luật định, vì những gì nêu trong cáo trạng là tự do biểu đạt tư tưởng của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, phù hợp với Hiến pháp và Công ước quốc tế về Quyền Dân sự & Chính Trị (ICCPR) mà Nhà nước CHXHCNVN đã ký kết và thông qua vào năm 1982.
2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng thỏa điều kiện khoản 2 quy định, vì tất cả những buộc tội từ VKS “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng” như luật định, bởi trong thủ tục tố tụng, tại điều 85 BLTTHS chỉ rõ “khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh”:
– Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm […]
– Ai là người thực hiện hành vi phạm tội […] mục đích, động cơ phạm tội.
– Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
– Nguyên nhân và điều kiện phạm tội.
Điều 85 đã quy định “cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh” người bị đưa ra trước tòa có phạm tội hay không. So với cáo trạng truy tố Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cho thấy tất cả những gì VKS viết trong đó không phải là “chứng minh”, bởi VKS chỉ lên mạng xã hội, đọc, in ra tất cả những bài viết và những đòi hỏi hợp pháp của công dân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Rồi từ đó, tự suy diễn ra “nói xấu”, xuyên tạc” v.v…
Mặt khác, cáo trạng không chỉ ra được 3 yếu tố cấu thành tội phạm buộc phải có:
– Mục đích, động cơ (khoản 2 điều 85).
– Tính chất và mức độ thiệt hại (khoản 4 điều 85).
– Nguyên nhân và điều kiện (khoản 5 điều 85).
Đặc biệt, chứng minh khoản 4 điều 85, đó là trách nhiệm của “Cơ Quan Giám Định Tư Pháp”, bởi chỉ có duy nhất cơ quan này mới đủ trình độ chuyên môn và phải được Nhà nước cấp phép với giấy chứng nhận đủ điều kiện làm “Giám Định Viên” – một chức danh hợp pháp do Nhà nước ban hành.
Tất cả các tù nhân bị kết án theo điều 79, 88, 258 không bao giờ nhận được “kết quả giám định tư pháp”. Thậm chí, trong “Luật Giám Định Tư Pháp”, không có bất kỳ một điều khoản nào yêu cầu phải “giám định tư tưởng” khi tiến hành tố tụng một vụ án hình sự. Điều này càng chứng minh, VKS đã “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.
3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Không chỉ thỏa điều kiện của khoản 1 và khoản 2 như trên, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thỏa luôn khoản 3, bởi điều 89 BLTTHS quy định về “Vật chứng” là “vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
VKS đã “sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”, cụ thể là áp dụng sai điều 89 nói trên.
Số tiền 164.200.000 đồng không phải là “vật chứng” bởi vì:
– Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không dùng số tiền đó để gây án dù trực tiếp hay gián tiếp. Chính bản cáo trạng xác nhận số tiền 164.200.000 đồng được Quỳnh “sử dụng vào mục đích cá nhân” (trích đủ 7 chữ từ cáo trạng).
– Nếu cáo buộc số tiền 164.200.000 đồng là “vật chứng”, tức Cơ quan điều tra hoặc VKS phải trưng cầu giám định từ “Cơ Quan Giám Định Tư Pháp” theo “Luật Giám Định Tư Pháp”. Kết quả giám định phải chứng minh hậu quả rõ ràng những thiệt hại (nếu có) đều từ số tiền 164.200.000đ và phải do Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra (tức là hành vi phạm tội).
Vậy, VKS không chỉ “sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật” mà còn tự thân mâu thuẫn, khi chính thức xác nhận Nguyễn Ngọc Như Quỳnh dùng số tiền đó cho “mục đích cá nhân” như trong cáo trạng nêu rõ.
Kết
Luật sư Hà Huy Sơn trả lời [1] đài BBC về vụ án của blogger Nguyễn Ngọc Già vào tháng 10/2016: “Về Điều 88 của Bộ Luật Hình sự, tôi đã nhiều lần có ý kiến và hôm nay vẫn bảo lưu quan điểm. Điều luật này không mang tính định lượng, không rõ ràng nên dễ bị áp dụng tùy tiện. Theo tôi, Điều 88 thể hiện sự lạc hậu của nền tư pháp Việt Nam”.
Không chỉ riêng cá nhân người viết bài này, không chỉ riêng blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tất cả những người bị kết án theo điều 79, 88, 258 cần được giám đốc thẩm, không chỉ từ phân tích trên, không chỉ từ nhận xét của giới luật sư, không chỉ từ chỉ trích của dư luận quốc tế mà còn bởi từ [2] “Những điều luật trong Bộ Luật Hình Sự trái với Cương lĩnh ĐCSVN”.
Tựa như “những dòng sông đã lâu không ra được biển rộng” [3], “ba con sông” mang tên “Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp” của Việt Nam đã tách ra khỏi “biển cả” quá lâu. Trong thời buổi hội nhập kinh tế thế giới và tình thế chính trị – ngoại giao hiện nay, ĐCSVN và nhà nước CHXHCNVN nên “khơi thông” các “cửa biển bị bồi lấp” để “ba con sông” này hòa nhập vào dòng chảy “đại dương văn minh”.
Chú thích:
[3] Nhạc phẩm “Đi qua vùng cỏ non” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.