Khổng Tử và cuộc gặp gỡ kỳ lạ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Khổng Tử và cuộc gặp gỡ kỳ lạ
Hồ Chí Phèo (Danlambao) …Hôm nay Khổng Tử thời đại dậy sớm. Ông chà răng, tắm rửa, cẩn thận thoa thêm ít nước hoa, xịt dầu khử mùi mấy phát vào nách. Đấy! ông dùng toàn hàng cao cấp có chứng nhận “Cristiano Ronaldo” đàng hoàng, bọn trẻ tha hồ ghen tị mức độ “hiện đại”. Ông xịt keo lên tóc, lên râu, lấy bàn chải ra vuốt bộ râu khá dài cho đẹp đẽ. Vào tủ quần áo với toàn hàng hiệu được mua sắm ở Paris, ông chọn ngay bộ “suit” màu đỏ rực, trên thêu rồng vàng óng ánh. Thời đại mới ai thèm đóng bộ áo khung dài lòng thòng, tay áo lùng phùng, quê bỏ mẹ!… 
*
Khổng Tử đời xửa đời xưa
Khổng Khâu, thường được gọi là Khổng Tử, sinh năm 551 TCN tại nước Lỗ. Nước Tàu thời đó cách đây hơn 2500 năm gồm nhiều nước nhỏ. Giữa các nước luôn có chiến tranh nhằm tiêu diệt lẫn nhau, tranh nhau ngôi bá chủ thiên hạ. Thời chiến tranh nhiễu nhương ấy đã được các nhà văn Tàu thêu dệt thành truyện “Đông Chu Liệt Quốc”.
Khổng Tử được xem là nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử Tàu, có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, được ca ngợi đến tột đỉnh là “Vạn Thế Sư Biểu” (Thầy của muôn đời) hay Thánh Khổng (Đại thành chí thánh tiên sư).
Sống trong thời chiến tranh triền miên, Khổng Tử nắm thời thế, đưa ra lý thuyết, tiêu chuẩn để mọi người tuân theo để tránh được chiến tranh, loạn lạc. Ông du hành các nước rao giảng về tam cương, ngũ thường.
Tam cương nói về ba mối quan hệ trong xã hội: vua-tôi, cha-con, chồng-vợ.
– Vua-Tôi: Bề tôi phải trung thành với vua. Xã hội phải biết hè nhau treo cổ bề tôi phản động nào dám giết vua xoán ngôi. Đất nước như thế mới được ổn định.
– Cha-Con: Con phải tuyệt đối vâng lời cha. Cha đặt đâu, con ngồi đó. Cha nói gì, con phải cúi đầu lắng nghe. Con dám đưa ý kiến, cãi lại xoen xoét sẽ làm trật tự gia đình không ổn định. Trật tự gia đình không ổn định, xã hội sẽ lộn tùng phèo.
– Chồng-Vợ: vợ tuyệt đối phục tùng chồng. Lỡ chồng hay nhậu nhẹt, có tính vũ phu thì ráng mà chịu “Ai bảo lấy nó làm chi!”. Xã hội không cho phép vợ buồn buồn đưa chồng ra toà ly dị, đòi chia tài sản. Lỡ chồng có đèo bồng thêm thê thiếp, vợ bé… thì người người vợ nên “an nhiên tự tại” vì “Trai năm thê bẩy thiếp. Gái chính chuyên chỉ có duy nhất một ông chồng”. Cấm tuyệt đối vợ đánh ghen, tạt acid tình địch… gây mất ổn định trật tự.
Ngũ thường là 5 phép ứng xử của mỗi cá nhân trong xã hội giúp xã hội không loạn: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Thực ra tính đạo đức này đã có sẵn trong xã hội loài người, Khổng Tử chỉ hệ thống hóa đưa vào triết lý sống của mình. Một gia đình nông dân thất học, không hề biết đến Khổng Tử, đôi khi tiêu chuẩn đạo đức lại còn tốt hơn rất nhiều người được học, được nghe giảng về phép ngũ thường.
Dựa vào các tiêu chuẩn tự đưa ra, Khổng Tử chia con người ra ba hạng để xã hội định giá, khuyến khích sự phấn đấu:
– Thánh nhân: là Lý thuyết gia rao giảng cách tu dưỡng, rèn luyện thành con người như thế nào?
– Quân tử: Người học và thực hành đúng các tiêu chuẩn đạo đức do Khổng Tử đề ra.
– Tiểu nhân: Kẻ không tuân theo tiêu chuẩn, mẫu mực đạo đức nào cả.
Từ cách phân loại, ta có bốn giai cấp chính trong xã hội, từ cao xuống thấp: sĩ, nông, công, thương. Sĩ học hành theo sách thánh hiền được xã hội trọng vọng nhất. Thương ở bét bảng vì buôn bán chạy theo tiền bạc nên thường nói dối, lừa gạt người khác.
Nói tóm lại, Khổng Tử đời xưa đưa ra chủ thuyết nhằm “ổn định” xã hội. Chủ thuyết hoàn toàn thất bại! Vua các nước tiếp đãi Không Tử và đệ tử đến truyền đạo “trị quốc an dân” nhưng “Trẫm nghe cũng thấy hay hay nhưng khi đánh nhau Trẫm quên tuốt…”. Các nước Tàu vẫn đấu đá, cấu xé nhau… Mãi cho đến thời bạo chúa Tần Thủy Hoàng, nhờ xây dựng được một lực lượng quân sự hùng mạnh nhất, thẳng tay tàn sát, tiêu diệt các nước yếu, đã thống nhất được nước Tàu.
Không thành công mục đích chính nhưng Khổng Tử lại tạo một đột phá lớn trong giáo dục. Ông người đầu tiên mở trường lớp thu nhận học trò qui mô lớn, hơn 3000 người. Giáo trình gần với quần chúng, dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp cách quản lý xã hội và khoa học rất phôi thai thời bấy giờ. Khổng Tử đưa ra cái khung sườn chính. Bao nhiêu con cháu và học trò các thế hệ tiếp theo đã cố công gia cố thêm, trang điểm hoa lá cành cho cái khuôn đạo đức ấy. Chủ thuyết gốc từ Khổng Tử đã từ từ ăn sâu vào quần chúng, trở thành văn hoá đặc trưng của Tàu.
Khổng Tử thời xưa chỉ muốn chỉ ra con đường đạo đức luyện người của xã hội phong kiến, không phải là tôn giáo. Nhưng các đệ tử của ông đã vay mượn thêm thuyết thần tiên từ đạo Lão, thu nhận càng động đệ tử, hình thành ra Nho Giáo. Những thế kỷ sau Khổng Tử, văn chương Tàu tạo ra hạ giới với các kẻ tiểu nhân chỉ có ước muốn ràng buộc mình vào khuôn đạo đức Khổng Tử để thành quân tử. Người quân tử Tàu thì ước ao thành các thánh thần biết đằng vân, bay lượn ào ào trên tiên giới với bao tiên nữ với các vũ khúc nghê thường.
Dễ đi vào lòng dân, lại được vua chúa chấp nhận (Có ông vua nào ngu đến nỗi ra công đả phá một tôn giáo, một đạo giáo khuyến khích bề tôi trung thành với mình?), Nho giáo đã tồn tại trong xã hội phong kiến gần 2500 năm. Hậu quả nó tạo ra cái khung đạo đức, hình thành một luật pháp phong kiến rất khắc nghiệt kìm hãm tính sáng tạo. Từ đất nước có những phát minh đầu tiên của nhân loại như giấy, chữ viết, tơ lụa, đông y…, văn minh thế giới đã chuyển sang phương Tây. Nước Tàu vẫn loay hoay trong khuôn với các hủ tục trọng nam khinh nữ, cúng bái, tôn sùng thần tiên, giữ lòng trung kiên mù quáng với vua chúa… Chuyện gì đến đã đến, trong trận chiến nha phiến với nước Anh giữa thế kỷ 19, hàng trăm ngàn quân Tàu được hổ trợ của thần linh, phù phép… để “hù” quân Anh, nhưng đã bị súng đạn, đại bác quân Anh đánh cho tan tác. Nhà Thanh của nước Tàu phải bắt buộc ký các hiệp ước bất bình đẳng, cắt nhượng địa Hongkong 99 năm.
Khổng Tử thời nay
Sau khi Cộng sản Tàu làm chủ Trung Hoa lục địa, thuyết Khổng Tử bị rơi vào quên lãng. Rất dễ hiểu vì đó là chủ thuyết sinh đẻ và tồn tại trong chế độ phong kiến, người ta làm cách mạng để thay đổi cái cũ sang cái mới, mọi người dân phải loại bỏ tư tưởng cũ để nhồi nhét lý thuyết cộng sản vào đầu. Tượng Khổng Tử đương nhiên bị bỏ xó, người cộng sản Tàu lo dựng tượng các ông râu xồm Mác Lê, hay tượng không râu Mao Chủ Tịch. Người Tàu nào còn tôn thờ Khổng Tử bị xem là phản động.
Nhưng trên sân khấu chính trị hát bội của Tàu đã xuất hiện một nhân vật mới: Đại đế họ Tập. Thích được xưng tụng đại đế muôn đời, chăn dắt hơn một tỉ dân Tàu, Đại đế đương nhiên phải làm mọi cách để dân, bề tôi luôn trung thành với mình, và ông ta sực nhớ đến Khổng Tử. Hơn 50 năm chế độ cộng sản ngự trị vẫn chưa đủ làm dân chúng quên được Khổng Tử. Phải cho Khổng Tử sống lại và đổi mới ông ta cho phù hợp thời đại XHCN. Khổng Tử và lý thuyết “tam cương, ngũ thường” của ông phải phục vụ cho xã hội mới. Không chỉ trong nước Tàu, mà con người tô bóng của Khổng Tử thời đại mới còn được xuất khẩu qua các nước trên thế giới.
Các nước trên thế giới thường xây cất các trung tâm văn hóa lấy tên nhà văn, nhà thơ để giới thiệu ngôn ngữ, văn hoá nước mình. Không có nước nào trên thế giới chọn tên Trung tâm văn hóa của nước mình là người đưa ra tư tưởng, chủ thuyết chính trị dù người đó nổi tiếng, được cả thế giới khen ngợi. Nước Anh có viện Shakespear, Đức có viện Goethe… Nước Tàu chơi khác. Người Tàu vô cùng ưu ái, sẵn lòng bỏ ra hàng trăm ngàn đô đến triệu đô la để xây cất các viện Khổng Tử ở các quốc gia. Khổng Tử mới sẽ du hành qua các nước trên danh nghĩa giới thiệu văn hoá Tàu, nhưng thực chất khác hẳn. Không phải mục đích văn hoá, đơn thuần chỉ là chính trị. Nhiều nơi trên thế giới, viện Khổng Tử phải dẹp tiệm.
Khổng Tử thời đại du hành Việt Nam
Do sự đô hộ của phong kiến Tàu cả ngàn năm nên Khổng giáo đã có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội, văn hóa của người Việt. Khổng Tử thời đại sau khi được phép sống lại, chưa có dịp qua Việt Nam, lý do ông ta chỉ thích qua Mỹ, Canada, Âu châu… Nhưng các nước này bắt đầu hiểu và kết án ông chỉ là công cụ tuyên truyền cho chế độ Tàu Cộng, không đơn thuần là văn hoá. Ông ta đã tấn công Đức Đạt Lại Lạt Ma, công nhận Tây Tạng, Hoàng sa, Trường sa… là của Tàu, phủ nhận người Tân Cương bị ngược đãi…
Trở về Tàu, ông được Đại Đế Tập giao nhiêm vụ qua nước em “môi hở răng lạnh” tiếp tục nhiệm vụ. Việt Nam chu đáo quá! Ông được trú ngụ trong Viện Khổng Tử VN, nằm ngay trong Đại học Hà Lội.
Trong quá khứ, người Tàu, cả Khổng Tử cùng đám đệ tử khổng lồ của ông ta, viết bao nhiêu truyện về Khổng Tử. Đương nhiên khi ở Hà Lội cũng có nhiều truyện liên quan Khổng Tử thời đại.
Lạm phát “đạo”:
Hôm nay Khổng Tử thời đại dậy sớm. Ông chà răng, tắm rửa, cẩn thận thoa thêm ít nước hoa, xịt dầu khử mùi mấy phát vào nách. Đấy! ông dùng toàn hàng cao cấp có chứng nhận “Cristiano Ronaldo” đàng hoàng, bọn trẻ tha hồ ghen tị mức độ “hiện đại”. Ông xịt keo lên tóc, lên râu, lấy bàn chải ra vuốt bộ râu khá dài cho đẹp đẽ. Vào tủ quần áo với toàn hàng hiệu được mua sắm ở Paris, ông chọn ngay bộ “suit” màu đỏ rực, trên thêu rồng vàng óng ánh. Thời đại mới ai thèm đóng bộ áo khung dài lòng thòng, tay áo lùng phùng, quê bỏ mẹ!
Sau khi đứng ngắm nghía trước gương, tự cho đã đạt “phẩm chất cao” khi ra phố, ông bật iPhone 8S “check mail”, thích thú: “Bọn học trò của đạo Khổng ta cứ như thế… Được học viện tổ chức cho đi chơi, du lịch Tàu thì vui như tết. Lúc học “tam cương, ngũ thường” thì uể oải như đang bệnh đường ruột!”. Ông gọi điện cho người đến đón, đưa ông đi quanh phố Hà Lội lần đầu tiên.
Ai bảo VN thủ tục hành chính rườm ra? Chỉ thoáng chốc, một kiệu hoa trang hoàng lộng lẫy với bốn người phu kiệu đã đến chờ trước cửa viện. Chắc chắn đến đây nhiều người đọc bực dọc: “Khổng Tử thời đại phải đi Mercedes, Lexus… sao lại leo lên kiệu như thời phong kiến?”. Xin thưa, đi xe hòm hiệu này hiệu kia là thường lắm… Thời đại ngày nay phải có cái độc đáo làm nổi bật mình hơn hẳn. Đâu phải ai, kể cả Bill Gates, muốn được “chơi ngon” như Khổng Tử là được đâu ?
Khổng Tử cẩn thận bước lên kiệu: “Này ba anh và cô kia vác kiệu cho chắc chắn nhé. Đức Khổng đây tuy già lão nhưng chưa thích vào nhà thương đâu đấy!”. Cả bốn phu kiệu có bài bản từ trước, đồng thanh: “Dạ… Đức Khổng yên tâm. Chúng cháu chuyên nghề “Tứ Trụ” nên vững như bàn thạch. Chỉ khi tứ trụ gẫy đổ, lăn ra chết mới dám quăng quách kiệu với Đức Khổng đi thôi!”.
Ngồi trên kiệu dập dình, Khổng Tử khoan khoái đưa mắt nhìn quanh. Hà Lội xe cộ tấp nập, người rất đông qua lại ồn ào. Nhưng mọi chỗ khi có kiệu Khổng Tử, tất cả đều sợ hãi né sang một bên để nhường đường.
Đến một nơi thoáng, rộng rãi, Khổng Tử nhìn thấy một toà nhà cao to đứng sừng sững., Ông buột miệng: “Ái chà… to hơn cung điện của vua chúa. Hèm… hèm. Trong ấy chắc hẳn có hàng trăm cung tần, mỹ nữ?”. Bọn phu kiệu vội đồng thanh: “Dạ… không đấy là lăng Bác. Giáo chủ của đạo… (cả bốn ngập ngừng, đưa mắt, rồi cùng đồng thanh) Dạ… lăng giáo chủ khai sáng ra đạo Láo.”. Già, tai nghe kém, Khổng Tử giật mình: “Mộ của Lão Tử à?”. Cả bốn trụ đồng thanh “Dạ không phải đạo Lão mà là đạo Láo, đạo “nói láo”. Nhân dân ai cũng biết câu nói láo nổi tiếng của giáo chủ “Không có gì quí hơn Độc Lập, Tự Do”. Nhưng “quí quá” nên không thể có được”.
Hướng mắt nhìn qua gần bên, thấy một toà nhà lớn, nhiều người ra vào, Khổng Tử tấm tắc: “Toà nhà to mới và hoành tráng quá. Chắc cũng thuộc đạo Láo?”. Bốn trụ lại đồng thanh: “Dạ không… Đây là chỉ là chi nhánh của đạo Láo, được gọi là đạo “Gật”. Muốn vào đạo Gật này phải được chuẩn thuận của đạo Láo”.
Bốn Trụ tiếp tục đưa kiệu qua các đường phố Hà Lội vừa đóng vai hướng dẫn viên du lịch. Vì biết Khổng Tử chỉ chú trọng đến “đạo” nên bốn Trụ chủ yếu nói về đạo ở Hà Lội, mỗi đạo có môn sinh với các đặc thù riêng: “Toà nhà kia của đạo “Lò”. Nơi nhiều kho hàng đương nhiên môi trường hoạt động tốt của đệ tử đạo “Chuột”. Chỗ này nơi phát sinh “đạo Phong bì”, chỗ kia đạo “Luồn lách”, chỗ nọ đạo “Móc ngoặc”, đạo “Văn”, đạo “Chạy điểm”, đạo “Cò”,…”.
Cả trăm thứ đạo khiến Khổng Tử nghe qua đầu óc cũng lùng bùng, rối teng beng, chỉ còn nhớ được đạo gốc là đạo Láo.
Kiệu được đưa qua các phố đông người, hàng quán tấp nập. Khổng Tử bổng nhìn thấy một đoàn người đông đảo vừa đi vừa dựa vào nhau, vừa khóc sướt mướt, cả con đường như sắp lụt vì nước mắt. Cảnh tượng vô cùng bi thảm khiến Khổng Tử rơi nước mắt: “Có lẽ đạo Khổng ta đây vẫn còn chỗ đứng? Chỉ vì một người thân mất đi, bao nhiêu con cháu đang dìu nhau khóc thê thảm thế kia! Lễ nghĩa của ta qua ngàn năm không ngờ vẫn được người dân Việt giữ gìn, tôn quí đến mức độ cao vời như thế này!”. Bốn Trụ vội vàng đính chính: “Dạ không phải… Thưa đây là những người theo đạo “Bóng”. Khổng Tử chửng hửng: “Bóng gì? Đạo “Đồng bóng” à?”. Bốn Trụ đồng thanh: “Dạ không… Đây là đạo “Bóng đá”. Đạo không phải từ đạo gốc nhưng được nhà nước ưu ái, khuyến khích nên phát triển rất mạnh. Đội tuyển VN vừa thua Hàn quốc 3-1, nên đệ tử đạo Bóng mới khóc lóc thê thảm còn hơn cả khi cha mẹ chết. Nếu đội VN thắng chắc hẳn họ túa ra đường, “tập trung hợp pháp”, cởi phăng cả quần áo, chạy lông nhông như phát điên, phát cuồng. Lúc đó, Khổng Tử, Khổng sống gì họ cũng đạp dẹp lép. Đạo Đồng Bóng nhỏ lắm, chỉ là chi nhánh của đạo Bóng. Các đệ tử chỉ cần đến đạo Đồng Bóng để tiên đoán kết quả các trận bóng, rồi cá cược”. Nghe rõ nguồn cơn, Khổng Tử chỉ biết thở dài áo não, tưởng bở đạo mình còn ngon lành, ngờ đâu?
Qua một công viên, trước bức tượng một vị vua được tôn vinh ở Việt Nam, Khổng tử nghe tiếng nhạc xập xình, nhiều cặp nam nữ ôm nhau khắng khít, nhúc nhích theo tiếng nhạc gợi tình, Khổng Tử kinh hãi: “Tại sao nơi chốn công cộng, bọn vô đạo bất kể “nam nữ thọ thọ bất thân”, giữa ban ngày ban mặt ôm nhau đú đởn như thế?”. Bốn phu kiệu cười hí hửng: “Dạ… chả phải họ vô đạo, bọn họ là đệ tử đạo “Nhảy”, đạo “Múa”, đang trình diễn nghệ thuật được nhà nước tổ chức đấy!”.
Đến một góc phố khác, rất đông người tụ tập “hợp pháp”, mặt họ đỏ gay, hăng say thảo luận rất ồn ào, có người đập bàn bàn, đập ghế, nói như hét thể hiện quyết tâm sống chết bảo vệ triết lý sống của mình. Người vỗ tay hoan hô, cổ vũ, người đứng lên hùng dũng thách thức đối thủ, Khổng Tử mừng rỡ: “Dẫu sao trong xã hội vẫn còn nhiều người biết tranh cãi tư tưởng, triết lý trong cuộc sống?”. Bọn bốn “Trụ” vội cười ruồi: “Dạ đây là các đệ tử của đạo “Nhậu”, đạo “Bia”. Đạo được nhà nước khuyến khích nên phát triển mọi hang cùng, ngõ cụt. Người Việt nhỏ con nhưng trình độ nhậu nhẹt có tầm cỡ trên thế giới. “Nhậu vào thì lời ra”, họ chỉ hăng hái bàn về chân dài, chân ngắn, xe khủng, mốt này mốt kia… Công an cũng thường là đệ tử đạo Nhậu, nhưng vui cũng không nhiệm vụ, không để đệ tử đạo Nhậu thảo luận về các vấn đề nhạy cảm. Đạo Nhậu còn có quan hệ thân thiết, gần gủi với đạo Hút, đạo Lắc”.
Khổng Tử thở dài thườn thượt: “Cũng chỉ từ đạo gốc là đạo Láo mà ra. Ta đây du hành nhiều nơi trên thế giới không nước nào có nhiều đạo, nhiều tư tưởng, triết lý… phát sinh đến lạm phát đạo như thế này!”. Bọn phu kiệu lại dẫn giãi thêm: “Dạ Việt Nam chúng cháu còn nổi tiếng trên thế giới nhờ xuất khẩu các loại “đạo” đặc sản đi nước ngoài như đạo “Bắt cóc”, đạo “Trồng cỏ”, đạo “Siêu thị”, đạo “vi cá mập”,… Đạo nào cũng được các nước công nhận thuộc hàng cao cấp hơn cả đạo “Chích”, đạo “Tặc””.
Cuộc gặp gỡ kỳ lạ của Khổng Tử
Buồn rầu, Khổng Tử ra hiệu cho bốn trụ đưa kiệu trở về nhà. Khi qua hồ Trúc Bạch trời đã nhá nhem tối. Kiệu đi qua một bức phù điêu, bỗng trong hương thơm ngào ngạt do các loại hoa được đặt ở dưới chân bức phù điêu toả ra, Khổng Tử nhìn thấy một người cao lớn, vẻ người Tây phương, phong thái nhẹ nhàng thanh thoát như thần tiên, đang đứng cạnh bức phù điêu. Khổng Tử vội bảo ngừng kiệu, bước đến gần khách lạ, vòng tay thi lễ, dùng ngôn ngữ “tiếng Anh cải cách” của ông phó GS Bùi Dữ:
– Gút i vờ nỉn Sơ. Aì em Kon… Kon… Ku. À zu Dồn Mắc Kẹt?
Khách lạ vội vàng đưa tay đỡ sợ Khổng Tử cúi chào kỹ quá té chúi lũi vào mình. Ông hơi bối rối:
– Sorry… sorry… I can’t understand. Do you mind saying that again?
Ngôn ngữ “cải tiến” nhờ phụ trợ thêm ngôn ngữ “tay chân và người” nên John McCain, quả đúng là ông John McCain, cũng hiểu ra mình đang tiếp chuyện với Khổng Tử thời đại.
Khổng Tử lại kiểu cách cong người lễ độ:
– Thưa Ngài McCain, được biết tiểu sử, cuộc đời hoạt động của Ngài qua truyền hình, báo chí Mỹ, Khổng tôi rất lấy làm ngưỡng mộ một bậc chính danh quân tử như Ngài nên ngày đêm thầm mong ước được diện kiến. Hôm nay gặp duyên lành, được đứng trước núi thái sơn, Khổng Khâu rất đỗi hân hoan, không ngờ lại có ngày gặp gỡ như thế này!
John McCain cười ha hả:
– Đúng lời nói họ Khổng chỉ nằm trên đầu môi, chót lưỡi. Ta đây dân Mỹ, Khổng là dân Tàu. Mỹ Tàu đâu ưa gì nhau. Dân hai nước đang có chiến tranh thương mại, va chạm ở biển Đông, nhân quyền đối chọi… Gặp nhau đây cần gì màu mè, cứ thành thật trao đổi ý kiến xem Mỹ Tàu, ai đúng ai sai?
Thành danh nhờ dạy người cách sống, hôm nay lại bị lên lớp, nhưng là người từng trãi, Khổng đổi đề tài:
– Thưa ông. Không hiểu sao ông lại đến thăm bức phù điêu này. Tôi và rất nhiều người đã vò đầu, bứt tóc, không sao hiểu được ý nghĩa trên phù điêu có “tượng John McCain quì gối dơ hai tay đầu hàng”. Ông đã có công hàn gắn quan hệ Mỹ-Việt. Cớ sao sau hơn 50 năm chấm dứt chiến tranh, lại đưa hình tượng ra trước công chúng để chế riễu như thế này? Cách trả công của đạo Láo có phần kỳ quái khó hiểu?
John McCain tươi cười:
– Ông là “thầy của muôn đời” mà lại không hiểu? Trong đạo Láo cũng có phe, có cánh, về đối ngoại có phe thân Mỹ, phe thân Tàu. Khi dựng bức phù điêu này, phe thân Mỹ muốn “hoà hợp hoà giải” để xây dựng kinh tế. Phe thân Tàu chống lại “Tại sao không dựng tượng lính Tàu đánh sang VN năm 1979 mà dựng tượng lính Mỹ?”. Cuối cùng để dung hoà, hai phe cùng có lợi, tượng kỷ niệm gợi nhớ ngày máy bay tôi bị bắn rơi, đồng thời cũng cho mọi người biết ngày tôi phải đầu hàng làm tù binh.
Riêng đối với tôi, không quan tâm đến mục đích của những người dựng tượng, ghi công hay nhạo báng, thâm ý hay đần độn? Tôi cảm thấy nó gần với mình vì đánh dấu một ngã rẽ quan trọng nhất trong cuộc đời. Không có ngày máy bay bị bắn rơi, tôi có lẽ đã tiếp nối con đường binh nghiệp, tiếp tục phục vụ nước Mỹ vĩ đại như cha và ông của mình.
Hơn nữa ông có thấy hình tượng “quì gối đầu hàng” giống tôi không nhỉ, hay đó là tượng em bé đang giơ tay lên hoan hô? Cũng kì quái, họ chỉ cho dựng tượng một mình tôi trong số hàng trăm ngàn lính Mỹ cùng lính đồng minh Úc, Hàn… tham chiến tại VN. Trong chiến tranh thứ hai, hơn trăm ngàn quân nhân phi hành của mọi nước tham chiến Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật… đã bỏ mình khi máy bay họ bị bắn rơi. Có nước nào dựng tượng kỹ niệm “máy bay rơi”?
Tượng này “đặc sản” riêng nên tôi phải chú tâm đến thăm nhiều lần là thế! Về phần ông, xin được hỏi: lý do gì khiến Khổng Tử nước Tàu lại đến VN?
Khổng Tử vội đáp:
– Tôi sau khi được phép sống lại, chỉ thích ở nước Mỹ. Nhưng không hiểu sao lại có phong trào xua đuổi tôi về lại Tàu.
Về nước, Đại Đế giao nhiệm vụ khác, qua VN nghiên cứu về đạo xem đạo Khổng có thể tồn tại ở đây chăng. Nói thực với ông được, qua được đây tôi cũng mừng lắm. Ở Tàu, gặp Đại Đế, vừa mở miệng nói luật trị quốc, an dân, đến tam cương, ngũ thường, ngũ kinh… là Đại Đế lấy keo dán mồm ngay. Đại Đế còn quăng cho tôi mấy sách Mác Lê bảo nhớ về học thuộc lòng… (hạ giọng, nói thì thầm…)… Đại Đế suốt ngày chỉ lo tẩm bổ hàng thú lạ sắp tiệt chủng cho con dế lớn của mình, để tối mang dế đi đá đấy!
John McCain cười vang:
– Ông nói thầm thì nếu lỡ đến tai Đại Đế. Đại Đế nổi giận, không thèm chặt đầu chỉ chặt đứt “dế” của ông đi để trừng trị thì “tiếp tục chết” còn sướng hơn. Xin được hỏi tiếp: ông qua đây, phải chăng tiếp tục truyền bá “Nhân lễ nghĩa trí tín”?
Khổng Tử hơi thẹn thùng:
– Đấy là ngũ thường thời phong kiến. Thời đại mới đạo tôi cũng phải được cập nhật hoá. Qua kinh nghiệm đi các nước cũng như Tàu, Việt Nam tôi sẽ đưa ra con đường mới, con đường “tơ lụa”, “xịn” hơn của Đại Đế. Ngũ thường thời đại sẽ hướng dẫn mọi người làm thế nào để đạt đến đỉnh cao trong “năm món thời đại” ưa chuộng nhất hiện nay: quyền, tiền, giải trí, chơi bời và không chết sớm. Tôi luôn lắng nghe các tư tưởng lớn để lĩnh giáo và bổ sung vào đạo của mình. Ông có thể cho biết đạo của John McCain là gì?
John lại cười ha hả:
– Đạo của tôi ư? Đạo của tôi là không đạo. Đạo không không sắc sắc như không khí. Đạo của sự tự do. Đạo “Không” không phải do tôi sáng tác. Đó là đạo tự nhiên của trời đất ban cho muôn loài. Từ đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, không ai chỉ dạy đã tự do hít thở không khí để duy trì sự sống. Cho đến những con chim đang vỗ cánh bay cao trong bầu trời kia, cũng do lẽ tự nhiên thích bay tự do tìm thức ăn hơn được nuôi đầy đủ trong lồng.
Khổng Tử kinh hãi:
– Sao ông quan niệm tự do một cách rộng rãi như vậy, xã hội sẽ chìm đắm trong hỗn loạn.
John tiếp tục cười như chế riễu:
– Ông là con người sao lại không có lòng tin vào con người? Nhân chi sơ tính bản thiện, ông đã công nhận “con người vừa ra đời, tính tình đã tốt”. Ông tự lập ra cái khung để nhốt cái tốt ấy. Không con người rất phức tạp, tri thức loài người dù bị kìm hãm như thế nào, qua thời gian vẫn thay đổi nhanh hơn cả dòng nước đang chảy kia. Nhân loại ngày nay hiểu rất rõ về nhân quyền, quyền được sống bình đẳng của một con người trong một xã hội không phân biệt chủng tộc, đảng phái, giai cấp, tôn giáo…
Ông sợ sự hỗn loạn? Không! Đừng xem thường, con người có trí khôn, họ không đưa ra cái khung đạo đức bất di bất dịch, họ có các tiêu chuẩn về nhân quyền. Theo thời gian, các tiêu chuẩn này thay đổi theo cho phù hợp.
Đối với riêng cá nhân, tôi tự đặt ra ngũ quyền là năm quyền quan trọng nhất con người phải có. Đấy là quyền tự do ngôn luận, mọi người có quyền phát biểu ý kiến của mình, thí dụ như ông có quyền này ông mới đưa ra đạo Khổng. Quyền tự do trong bầu cử, tôi thù ghét các chế độ độc tài dùng quyền lực ép mọi người đi bầu cho họ. Quyền tự do trong giáo dục, các chế độ độc tài cũng thường có giáo dục nhồi sọ để mọi người ở yên lành trong cái khung của chúng tạo ra. Quyền tự do tín ngưỡng, không ai có quyền ép buộc người khác phải bỏ hay theo một đức tin nào. Quyền thứ năm là quyền bình đẳng trước toà án, toà án không bị sự chi phối đảng phái hay giai cấp.
Khổng Tử kính cẩn cúi người bái lạy:
– Quả thật nghe các lời dạy của ông, Khổng tôi xin khắc ghi vào đầu sẽ không bao giờ quên. Nhưng vẫn còn thắc mắc xin hỏi ông, nhân loại có những quyền tự do như thế liệu ta phải có cách để giữ các quyền đó được tôn trọng hay không? Thí dụ khung của toà án, khung đạo đức xã hội…?
John lại cười:
– Ông quen ở trong một cái khung, cũng giống như người cộng sản. Khi tự do bầu cử, người lãnh đạo là đại diện mọi tầng lớp, phải lắng nghe ý kiến của mọi người. Hệ thống luật pháp không thể là cái khung cố định, nó thay đổi theo luật từ quốc hội, gián tiếp từ mọi người. Điều thay đổi nào quá khó khăn thì tổ chức trưng cầu dân ý.
Còn khung đạo đức xã hội, con người phải chấp nhận sự thay đổi. Xã hội không thể có cái khung đạo đức mãi mãi tồn tại. Đạo đức sẽ thay đổi theo ý thức của con người và cũng có ảnh hưởng do yếu tố di truyền từ đời trước.
Hãy tin tôi, hãy tin vào con người. Những cái xấu xa hay không đúng, thường chỉ tồn tại trong một giai đoạn, sau đó sẽ bị đào thải, sẽ bị thay thế.
Khổng Tử rưng rưng nước mắt:
– Tôi như trong bóng tối nay như được ông mở cho thấy ánh sáng. Xin được hỏi câu cuối. Trong cuộc đời ông có gì phải ân hận?
John bùi ngùi:
– Khi những điều ta chưa hoàn thành được, ta có sự ray rứt. Nhưng tôi không ân hận. Tôi đã cống hiến, phụng sự nước Mỹ suốt cả đời với niềm tin vào một nước Mỹ không chỉ vĩ đại về kinh tế, mà vĩ đại cả về nhân quyền. Không chỉ nói, chỉ lý thuyết, tôi đã có cơ hội để chiến đấu trong chiến tranh, đấu tranh khi hoạt động chính trị, vì niềm tin vào lý tưởng tự do và nhân quyền. Tôi không màng là quân tử, là hero, tôi chỉ vinh dự vì là một chiến sĩ vì lý tưởng ấy.
Đối với Việt Nam, sau khi trãi qua những năm tháng tù binh bị đày đọa, tôi muốn nước Mỹ mở vòng tay, mong Việt Nam trở thành người bạn, từ đó thay đổi thể chế độc tài cộng sản, nhân quyền tôn trọng hơn, Mỹ-Việt sẽ cùng chung sức đối phó sự bành trướng ngang ngược của Trung cộng. “Mưu sự tại nhân, thành sự do đảng CSVN”, như con nhộng nằm trong khung giáo điều cộng sản, không chịu mở mắt, các lãnh tụ CSVN vẫn không cởi mở hơn để có sự thay đổi.
Đấy là điều đáng buồn, nhưng tôi không thể làm gì hơn cho người Việt Nam. Có phải chăng tôi là người Mỹ cuối cùng đã đổ xương đổ máu vì Việt Nam, một chính khách Mỹ đã quan tâm quá nhiều đến Việt Nam???
Xin chào ông, tôi phải trở về tổ quốc tôi.
John McCain bước đến gần bức phù điêu. Kỳ lạ thay, bức tường sáng trắng xóa, từ trong một chiếc chiến đấu cơ Skyhawk A4 từ từ lăn bánh ra. Phi công John McCain bước lên cầu thang, ngồi vào phòng lái, đưa tay ra dấu. Những viên gạch bức phù điêu rơi ra, tự sắp xếp vào vị trí mới, trãi dài ra thành đường băng của một hàng không mẫu hạm. Tiếng động cơ phản lực gầm thét, lửa thoát ra làm râu tóc Khổng Tử cháy xém một mảng. Chiếc chiến đấu cơ bay vút lên, đảo quanh một vòng quanh hồ Trúc Bạch rồi từ từ khuất dạng cuối chân trời.
Khổng Tử quay lại kiệu, nhìn bọn phu kiệu đang cúi đầu đứng chờ. Không Tử bùi ngùi:
– Khi xưa ta có duyên gặp Lão Tử, những tưởng là người có tư tưởng cao siêu như rồng nơi cao ta không thể nào với đến. Hôm nay gặp John McCain, quả thực tư tưởng ta và Lão Tử như đom đóm so với mặt trời. Lý thuyết ta chắc xập tiệm, chắc không còn ai theo.
Bọn phu kiệu cười toe toét:
– Xin Đức Khổng yên tâm. Việt Nam chúng cháu đang thành lập đạo “đặc khu”, sau đó là đạo “nô lệ”. Có hai đạo này thì đạo Khổng cứ yên tâm, vững như bàn thạch ở Tàu.
Trời bỗng kéo mây đen, mưa bắt đầu rơi nặng hạt. Bọn phu kiệu vội vã: “Xin Đức Khổng khẩn trương kẻo lụt không có đường về”. Bọn phu kiệu đưa tay thằng lên đầu tư thế “haut les mains” nâng kiệu lên cao, Khổng Tử chạy dưới kiệu tránh mưa. Vừa chạy bọn phu kiệu vừa hát vang: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở Viết… Nam.
Tự chú thích: trong viện Khổng Tử có sách ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Khổng Tử và Lão Tử. Cuộc gặp giữa Khổng Tử và John McCain chưa có, vì lý do chuyện này phải được sự chấp thuận của TW đảng CS Tàu. Có thể cần vài năm để thông qua. Xin chờ.
07.09.2018