Khi nhân dân làm… chuột bạch
19-8-2018
Xỉ nhiệt điện đã được chính thức đem san lấp làm đường nông thôn mới tại Hà Tĩnh- quê hương của ông Trần Hồng Hà- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường. Tôi coi đây là hành vi đem nhân dân ra làm… chuột bạch để thí nghiệm việc xử lý chất thải nguy hại một cách trái pháp luật.
Tro xỉ nhiệt điện, nhà máy thép được quy định rõ là chất thải nguy hại theo Quy chuẩn Việt Nam số 02 năm 2012 và thông tư 36 năm 2015 của chính Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Nghiên cứu của Đại học Stuttgart, được Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) đặt hàng cho thấy:
“Khoảng 200.000 trẻ em sinh ra mỗi năm EU bị phơi nhiễm các mức hàm lượng thủy ngân có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm thần và hệ thần kinh của chúng.
Một nhà máy nhiệt điện than với công suất 500MW sẽ sản sinh ra 170 pound (gần 85kg) thủy ngân mỗi năm. Chỉ cần một thìa cà phê thủy ngân đổ xuống một hồ rộng 10 ha cũng đủ khiến cá trong hồ này trở nên không an toàn cho tiêu thụ. Chì và cadmium cũng là các kim loại độc hại có thể tích lũy trong các mô của động vật và con người, dẫn đến chậm phát triển trí tuệ, gây rối loạn phát triển và gây tổn hại hệ thần kinh, có thể dẫn đến bệnh tự kỷ.
Một nhà máy nhiệt điện than với công suất 500MW cũng sẽ sản sinh ra 225 pound (hơn 100kg) thạch tính mỗi năm. Những người uống nước có 50 phần tỉ là thạch tín có nguy cơ phát triển bệnh ung thư cao hơn.
Than cũng chứa một lượng nhỏ các chất phóng xạ như uranium và thorium trong tro bay. Các nhà nghiên cứu ước tính nồng độ chất phóng xạ tăng từ 0,03% lên mức 0,12% mỗi năm ở lớp đất bề mặt dày 30cm ở khu vực đất nằm xung quanh bán kính 20km của một nhà máy nhiệt điện than.”
Tôi đang nói đến Châu Âu với quy trình kiểm tra nghiêm ngặt và các quy chuẩn môi trường cao hơn Việt Nam.
Quay trở lại với câu chuyện đem xỉ nhiệt điện đi san lấp nền đường, nền nhà thay cát ở Hà Tĩnh, đó thực sự là mối nguy hại lâu dài. Xỉ đáy lò hay tro bay lọc tĩnh điện từ ống khói lò đốt nhiệt điện (và cả nhà máy thép) hiện nay được kiểm định kiểu lấy 1 lần mẫu, đạt chuẩn không ô nhiễm kiểu Việt Nam thì cấp giấy phép 3 năm. Hiểu đơn giản, kiểm định một miếng thịt lợn của con lợn bạn ăn hôm nay và áp quy chuẩn này cho toàn bộ số lợn của một cơ sở giết mổ trong 3 năm. Sự phi lý này nằm ở chỗ tất cả những lần vận hành của nhà máy nhiệt điện (và cả nhà máy thép) thì không ngày nào giống ngày nào, nguồn than nhập cũng không phải mẻ nào giống mẻ nào.
Có cách giải quyết vấn đề này không? Có! Beton hóa rắn xỉ than làm gạch không nung, lấy tro bay làm phụ gia ximang. Nghĩa là đã chuyển hình thái và tăng độ liên kết của vật chất.
Nhưng tất cả doanh nghiệp gạch không nung tại Việt Nam đều gặp khó ở chỗ quy định về vận chuyển chất thải nguy hại cũng của chính Bộ Tài nguyên và Môi trường. Muốn vận chuyển phải có “gốc”! Và Chính phủ minh bạch, Đảng chống tham nhũng muốn biết “gốc” của vấn đề xin cứ vào xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) hỏi dân. Dân sẽ chỉ xe nào của cán bộ nào của tỉnh, xe nào của “trung ương gửi” và thậm chí nói đích danh tên cán bộ lẫn phẩm hàm đương chức. Dĩ nhiên, có cả những “doanh nghiệp xí phần” (xem ở comment).
Xin nhắc lại một bài viết cũ của tôi: “Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh đã ký quyết định số 1954 về việc xử phạt vi phạm hành chính 400 triệu đồng về bảo vệ môi trường đối với Công ty nhiệt điện Sơn Động – TKV vào ngày 20/11/2017. Trước đó, Ngày 4/7/2017, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản không đồng ý cho Công ty CP đầu tư Mãi Xanh lấy xỉ than nhiệt điện Vĩnh Tân san lấp làm mặt bằng để xây dựng nhà máy làm gạch. Năm 2010, Phòng Cảnh sát Môi trường tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tiến hành điều tra công ty thép Pomina vì chôn tro, xỉ san lấp mặt bằng. Đến năm 2013, cũng chính công ty Pomina và thêm 1 công ty khác bị phạt 600 triệu đồng vì vấn nạn ô nhiễm và trong đó vẫn không thể không nhắc đến tro, xỉ đốt lò.”
Đó là những cán bộ còn biết tuân thủ luật, biết nghĩ cho dân. Còn cách mà Bộ Tài nguyên và Môi trường của ông Trần Hồng Hà dùng xỉ than đem san lấp nền thì 10 năm nữa mới thấy hậu quả. Ung thư, ô nhiễm đất và nước xuất hiện luôn cần một quãng thời gian phơi nhiễm, tích tụ. Và ở xứ “Hà Tĩnh mình thương” lại có một Bộ trưởng vi phạm pháp luật khi đem ô nhiễm về chính quê hương.
Ông Trần Hồng Hà ạ! Dân, không phải là loài chuột bạch để ông và các cán bộ đương quyền liên quan việc này, đem ra thử nghiệm! Với tôi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên bà Môi trường hiện tại chỉ là một chính khách khéo nói, không hơn. Và những phát ngôn “yên tâm, yên tâm, yên tâm” của ông Trần Hồng Hà chưa bao giờ là cơ sở để môi trường, dân sinh an toàn. Nếu không muốn nói là ngược lại!
(Bài sau tôi sẽ viết về các thứ trưởng của một số Bộ vừa phát ngôn, vừa hành động trái luật liên quan đến tro xỉ nhiệt điện).
https://baotiengdan.com/2018/08/19/khi-nhan-dan-lam-chuot-bach/