Khi người đứng đầu nêu gương xấu
21/02/2021 – JB Nguyễn Hữu Vinh – Thượng bất chính, hạ tắc loạn
Câu thành ngữ nêu trên thường được sử dụng trong xã hội Việt Nam như một lời nhắc nhở, rằng từ trong gia đình ra đến xã hội, người đứng đầu phải nghiêm chỉnh và nêu gương sống chính trực, ngay thẳng thì mới mong xây dựng được một tập thể mạnh, đoàn kết và hướng đi lên.
Trong gia đình, muốn có một gia đình êm ấm, hòa thuận và đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau, con cháu ngày càng phát triển, thì người đứng đầu là ông bà, cha mẹ phải là tấm gương cho con cái học tập noi theo.
Trong một gia đình mà người bố rượu chè, cờ bạc hay nghiện hút, chơi bời thì khó có thể có một sự tôn trọng trong gia đình từ con cái, cháu chắt để có thể điều khiển gia đình mình đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Ngược lại, các thành viên sẽ nhiễm thói ích kỷ, tham lam với chính những người thân thích ruột thịt của mình. Từ đó, gia đình bại hoại, gia phong đảo lộn.
Trong xã hội, người lãnh đạo là tấm gương đển cho mọi thần dân, công dân trong xã hội lấy đó làm mẫu để noi theo mà chấp hành luật pháp, quy định xã hội nghiêm túc, có vậy mới xây dựng được một xã hội bình đẳng, an ninh và thúc đẩy xã hội tiến bộ.
Đặc biệt là với văn hóa phương Đông, khi người dân đã sống qua nhiều thời kỳ quân chủ, phong kiến thì nếp sống noi gương đã trở thành một nét văn hóa khó có thể thay đổi. Người dân thường hay đi tìm thần tượng và thần tượng hóa các lãnh đạo như những tấm gương để noi theo và giáo dục lẫn nhau trong đời sống xã hội.
Người dân Việt Nam xưa nay vẫn vậy, họ đồn thổi, họ khâm phục hoặc bàn tán nhiều khi chỉ về một cử chỉ, lời nói từ miệng hoặc cách hành xử trước thiên hạ của nhà vua, của người đứng đầu đất nước… để rồi quan đó, học tập noi gương hoặc biện minh cho những hành động của mình trong thực tế.
Trong xã hội mà người trên không chính trực, làm bậy thì kỷ cương mất nghiêm, người cấp dưới sẽ khinh nhờn “Bởi trên ở chẳng chính ngôi-cho nên kẻ dưới chúng tôi hỗn hào”.Từ đó mà sinh ra lòng tà: Tham nhũng. cửa quyền quan liêu, hà hiếp, áp bức thường dân, gây nên sự thất tín, phẫn nộ rồi đảo lộn ký cương dẫn đến “Tức nước vỡ bờ”…
Quá trình phát triển xã hội đã cho thấy: Người có trọng trách, cần cán cân công lý trong xã hội mà không công minh chính trực thì dân tình, xã hội rối loạn.
Chính vì vậy, nhà cầm quyền CSVN sau khi cướp chính quyền về tay mình, đã nhanh chóng dựng lên thần tượng Hồ Chí Minh hết sức tròn trĩnh, lộng lẫy về trí tuệ và đạo đức bằng cả hệ thống tuyên truyền hùng hậu để cho người dân noi theo. Dù Điều này trái ngược với lời Hồ Chí Minh kêu gọi “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
Người dân Việt Nam đã có thời đồn đại bằng những câu chuyện lan truyền âm ỉ trong dân chúng về một Hồ Chí Minh tài đức cao vời, hy sinh rất mực cho đất nước và dân tộc, yêu thương người dân, sống giản dị và hòa đồng… thôi thì đủ mọi thứ tốt đẹp về lãnh tụ thiên tài của mình. Một lời nói, hành động của Hồ Chí Minh đều được thần thánh hóa, linh thiêng hóa đối với thần dân. Từ những lời nói, cách ăn mặc, từ một hành động cho đến đời tư, tất cả đều lung linh đẹp đẽ.
Và người dân đã bao năm nay, được đảng kêu gào, đổ ra cả đống tiền của nhằm tạo thành phong trào “Học tập và làm theo” một con người cách họ cả hơn thế kỷ.
Thật ra, chính Hồ Chí Minh sau những tác phẩm kêu gọi “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” thì chính ông ta đã là người tự viết những cuốn sách tự ca ngợi mình núp dưới những cái tên khác. Những tác phẩm như “Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” mang tên Trần Dân Tiên, “Vừa đi đường vừa kể chuyện” mang tên T. Lan là những bằng chứng không thể chối cãi về sự trái ngược giữa lời nói và việc làm của người cộng sản.
Nhưng điều này nói lên rằng: Trong chế độ cộng sản, việc dựng lên một thần tượng để người dân lấy đó làm gương mà học tập, làm theo… là một nhu cầu không thể thiếu.
Người cộng sản vốn coi người dân như đàn cừu cần một cái bóng để được che chở, noi gương. Ở đó, hình ảnh lãnh tụ luôn là khuôn mẫu, là sự toàn vẹn từ đời sống cá nhân, đạo đức lẫn trí tuệ. Tất cả đều được tô vẽ đẹp đẽ để người dân có thể chết, có thể lao mình vào lửa, chấp nhận đổ máu xương mà bảo vệ.
Khi người lãnh đạo nêu gương xấu
Thế nhưng, những hình ảnh và lời nói, hành động gần đây của người đứng đầu đảng và đất nước hiện nay hoàn toàn khác.
Sau một thời gian dài mông muội, cai trị xã hội theo kiểu nghị quyết và lệnh miệng từ ý thích của một quan chức, lãnh đạo nào đó bất chợt nghĩ ra hoặc học theo một mẫu hình nhập khẩu từ các nước “đàn anh trong phe XHCN” để lại một hậu quả là xã hội vô kỷ cương, không luật pháp và hỗn độn.
Khi bước vào sân chơi thế giới, Việt Nam mới bắt đầu những bước sơ khai về việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, cai trị xã hội bằng luật pháp và những nguyên tắc bằng văn bản.
Mặc dù nơi nơi, ở bất cứ chỗ nào, trước đây cũng đầy rẫy câu khẩu hiệu “Sống, chiến đấu lao động và học tập theo gương bác Hồ vĩ đại” thì ngày nay là “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.
Nhìn bên ngoài xã hội, cứ căn cứ những câu khẩu hiệu nhan nhản khắp nơi, người ta cứ ngỡ rằng ở Việt Nam cũng có một “Nhà nước pháp quyền” như thật?
Tiếc thay, tất cả những điều đó, được thực hiện bằng cách du nhập từ nước ngoài rồi “Việt Nam hóa” bằng cách hết sức… cộng sản.
Những cái gọi là cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đều có đủ, có điều là nó không bình thường, bởi tất cả đều là “3 trong 1”. Tất cả dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng. Do vậy, việc các cơ quan này hoạt động độc lập, công tâm, vì công lý, công bằng, bình đẳng và thượng tôn luật pháp là sự xa xỉ ở Việt Nam.
Bởi ở đó, đảng vẫn là một tổ chức đứng ngoài vòng luật pháp, là một tổ chức siêu quyền lực dù chỉ với một nhúm đảng viên so với tổng dân số Việt Nam. Thế nên, mọi nghị quyết, mọi hoạt động của đảng đều là khuôn vàng thước ngọc để mọi người dân thực hiện, dù nó sai lầm, dù nó là phản động, bán nước, chỉ nhằm giữ sự cai trị của đảng trên toàn bộ đất nước. Ở đó người dân chỉ là trâu ngựa lo cày cuốc bán sức mình để nuôi hệ thống đảng đồ sộ ăn tàn phá hại và chỉ nhằm lo trấn áp họ.
Trong đảng, với hàng triệu đảng viên, thì sự thuần phục với một nhóm người có chức vụ, quyền hạn là một nguyên tắc. Tất cả đều bị chi phối bởi vài trăm đảng viên trong cái gọi là Ban chấp hành Trung Ương, rồi cái Ban này lại thuần phục một nhóm nhỏ hơn mang tên Bộ Chính trị. Tiếp theo là cả hơn chục người trong Bộ Chính trị được dẫn dắt bởi Tổng Bí Thư, mọi hành vi của TBT được coi như mẫu gương, là mệnh lệnh và mọi ý thích của cá nhân này là tuyệt đối.
Thế nhưng, đến một lúc nào đó, sự tan rã trong ý thức, sự tranh giành phe nhóm trong đảng đến hồi kịch liệt, sự mâu thuẫn giữa mớ lý thuyết quái gở và thực tế cuộc sống của đất nước, của người dân đã đặt đảng vào thế bí không thể gỡ.
Thì khi đó, chính cá nhân Tổng Bí thư cũng bất chấp chẳng cần là gương mẫu dù chỉ là hình thức, mị dân trước quốc dân đồng bào.
Điều này được khẳng định bởi Nguyễn Phú Trọng đã chứng minh trước cả bàn dân thiên hạ qua những hành động, lời nói của mình trong đảng và trước người dân.
Người ta thấy trước Đại hội 12 của đảng, Nguyễn Phú Trọng chính là người đã hô hào to nhất, mạnh miệng nhất rằng: “Kiên quyết loại ra khỏi Trung ương những kẻ tham quyền cố vị và cơ hội”. Thế nhưng, ở đại hội đó, chính ông ta đã bằng mọi cách, kể cả phá vỡ Điều lệ Đảng, là Kinh Thánh, là cẩm nang của đảng để tự đặt mình vào “trường hợp đặc biệt” để ngồi ghế Tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ. Người dân đã đặt câu hỏi rằng: Vậy thì ai là kẻ tham quyền cố vị và cơ hội ở đây?
Kế đó, khi người ta đặt vấn đề rằng: Thôi thì để luôn chức Bí thư và Chủ tịch huyện cho một người làm, đỡ… tốn cơm dân, thì chính miệng ông ta đã nói rằng: “Chủ tịch và bí thư là một thì to quá, ai kiểm soát nổi ông”. Thế nhưng sau đó, chính ông ta lại ôm luôn một lúc hai ghế cả ghế Tổng Bí thư lẫn Chủ tịch nước. Lúc này, ông chẳng cần quan tâm đến điều ông đã nói: Ai kiểm soát nổi ông?
Cứ tưởng đại nạn của đất nước có một TBT được mệnh danh là Trọng Lú chỉ đến mức đó là cùng. Ngờ đâu, tại đại hội 13, một lần nữa ông quyết xé luôn điều lệ đảng mà tự đặt mình vào trường hợp “đặc biệt của đặc biệt” lại ngồi lỳ thêm một khóa tiếp theo trước sự ngỡ ngàng của cả đất nước.
Đến khi đó, ông ta tỏ rõ rằng chẳng cần liêm sỉ, chẳng cần quân tử, chẳng cần nhớ rằng mình đã nói gì, đã tuyên bố điều gì trước đó, ông ta bất chấp tất cả. Phải chăng, ông ta tham quyền cố vị để chống lại những kẻ tham quyền cố vị trong đảng?
Không chỉ có trên bình diện nội bộ đảng, về việc chia chác và đấu đá phe nhóm, trên những hành động hàng ngày trong điều hành, lãnh đạo đảng và đất nước. Khi chiếm hai ghế cao nhất trong nước, ông ta đã chứng minh hết sức sinh động và rõ ràng rằng: Chẳng có ai so được với người cộng sản trong những hành động đi ngược với lời nói của họ.
Khi cả miền Trung trong cơn đại thảm họa thiên tai, hàng trăm người chết, hàng triệu người dân mất nhà cửa, ngụp lặn trong nước lũ, hàng loạt các em bé, cụ già dầm mình trong nước giữa màn trời biển nước, ông ta “lặn một mạch không sủi tăm” nhằm lo chiến đấu với phe đảng, chia chác cái ghế trong đảng và giành phần béo bở nhất về cho mình ở lại chiếc ghế Tổng bí thư.
Khi giặc Trung Quốc xâm lược biển đảo, gây hấn, giết chóc đồng bào ngoài biển, ông ta im lặng và thậm chí khi người ta đề nghị nói về Biển Đông, ông ta đã gạt đi “Biển Đông không có gì mới”. Để rồi sau đó ngồi tự sướng rằng: “Nếu có đụng độ trên biển Đông, làm sao chúng ta ngồi yên ở đây để bàn về Đại hội đảng”. Điều đó thể hiện mục đích của ông ta là gì.
Thế nhưng, ông ta vẫn leo lẻo rằng “vì hạnh phúc của nhân dân”.
Khi cả đất nước gồng mình chống dịch, tất cả mọi người dân được yêu cầu không tập trung đông người, phải đeo khẩu trang, giãn cách, kể cả lễ Giáng Sinh và các hoạt động xã hội, tôn giáo khác, thì ông ta vẫn tập trung hàng ngàn người đại hội đảng và hàng vạn người khác bảo vệ cho cái gọi là đại hội đảng của ông ta.
Khi từ Nam đến Bắc đang trong đợt bùng phát nguy hiểm dịch covid-19 đợt 3, rất nhiều nơi phải cách ly, mọi công dân ra đường phải đeo khẩu trang, hàng loạt người không đeo khẩu trang đã bị phạt, thì chính ông ta ngay trong những lần tiếp xúc dân chúng Hà Nội ngày tết, đi thăm Hoàng Thành thăng long tự cho mình cái quyền không chấp hành bất cứ một quy định nào của ai về dịch bệnh.
Phải chăng ông ta xác định mình là vua một cõi, mọi luật lệ chỉ dành cho thần dân, nô lệ, còn bản thân vua thì được miễn mọi trách nhiệm và quy định của xã hội? Trong khi ông ta vẫn leo lẻo rằng: “Chức vụ càng cao, thì càng phải gương mẫu”. Phải chăng, chỉ có khi chức vụ đến cao nhất như ông ta thì không cần một sự gương mẫu nào?
Điều hài hước mà nhiều khi người dân thấy xót xa cho ông ta ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” chân đi tập tễnh, giọng nói đã phều phào, những lời nói và suy nghĩ chẳng có điều gì mới ngoài mấy câu “đừng ngủ quên trên chiến thắng”, “đừng tự hào, tự mãn”, “đất nước ta chưa bao giờ được như ngày hôm nay” “nền giáo dục chưa bao được được như bây giờ” hoặc “thời đại rực rỡ nhất là thời đại Hồ chí Minh” luôn được ông ta nhai đi nhai lại như chiếc bã kẹo cao su. Có thể ông ta không thấy chán, nhưng những người nghe, những người chứng kiến thấy thật thảm thương và tội nghiệp.
Trước thiên hạ, ông ta không thấy xấu hổ, bởi ông ta không thèm nghe những lời mỉa mai, những sự cay đắng của người dân mỗi lần nghe TBT nói chuyện, ông ta chỉ nghe những lời hào nhoáng, nịnh bợ và xui xiểm của đám nịnh thần.
Còn người dân thì không thế, họ lợm giọng, họ kinh tởm và khinh bỉ, họ cười ra nước mắt, cứ như đất nước đang đi vào cõi tâm thần, hoang tưởng.
Và qua tấm gương người đứng đầu, những hình ảnh, lời nói của người đứng đầu có ảnh hưởng rất lớn trong đám cán bộ dưới quyền của ông ta. Họ thể hiện sự ngu dốt không cần xấu hổ hoặc che đậy.
Đó là những ông nghị, những lãnh đạo có trọng trách như Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Thượng tướng Võ Trọng Việt đã hồn nhiên nói về phê-tê-bốc (Facebook) và “phải dịch chuyển đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam để mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam” hoặc Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã từng kêu gọi người dân “vào Gu Gồ chấm Tiêng Lãng” để xem tin tức. Hoặc những ông nghị cho rằng không thể nói Việt Nam lạm phát khi đĩa rau muống ở nước ngoài mấy trăm ngàn, còn ở quê ông chỉ mấy đồng một mớ.
Đó là những ông mang áo thầy chùa làm đại biểu quốc hội với nhiệm vụ của một tên nịnh hót, đề nghị đưa Việt Nam trở thành côn đồ quốc tế như Bắc Hàn hoặc lấp liếm việc công an tạo oan sai trong các vụ án rằng “Nhà Phật chúng tôi trăm tay ngàn mắt mà vẫn tạo oan cho Thị Kính”…
Nghĩa là họ đã học tập và làm theo tấm gương TBT cứ nói mà không hiểu mình nói gì, bất chấp “quan trên trông xuống, người ta trông vào” ra sao.
Cũng tương tự, tấm gương người đứng đầu đã dẫn đến một hệ thống quan chức, cán bộ dưới quyền luôn mồm leo lẻo về chống tham nhũng, chống diễn biến hòa bình, chống diễn biến và tự diễn biến trong cán bộ, đảng viên. Trường hợp các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Tuyên giáo, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, là những “kẻ thù của Internet” đã từng hăm dọa người dân nếu nói xấu nhà nước. Thậm chí viết sách giảng dạy về đạo đức cán bộ, đảng viên rồi khua chiêng gõ mõ tự ca ngợi mình theo gương Hồ Chí Minh.
Chỉ đến khi vụ án AVG được bóc ra thì người ta mới thấy rằng đó là những tên trùm tham nhũng đã nhận hối lộ hàng mấy triệu đô la một lần để hùa nhau cướp của công hàng ngàn tỷ đồng một phi vụ.
Những điều đó xảy ra ngày càng phổ biến trong xã hội, không bởi vì người cộng sản không cần những màn mị dân che đậy thực tế như xưa, như cái thời Hồ Chí Minh được ca ngợi giản dị và tiết kiệm mà người dân cứ vậy xót thương rồi yêu mến và kính trọng nhầm. Chỉ cho đến khi các tài liệu được rò rỉ ra thì người dân mới biết được thực tế không phải vậy, và hiểu ra rằng: Chẳng có ai là thần thánh, cũng là con người, cũng xương, cũng thịt và trong ruột cũng chỉ toàn… phân.
Người cộng sản vẫn cần những màn che đậy, và hệ thống tuyên giáo với cả ngàn tờ báo đã hoạt động hết công suất để phục vụ mục đích đó. Thế nhưng, người ta chỉ có thể che đậy được một vài chỗ hở, một vài chỗ thối, còn khi cả hệ thống đã lở loét và phân hủy, thì chẳng có phép thần nào có thể che đậy được tất cả. Nó không xì ra cách này, sẽ lòi ra cách khác mà thôi.
Và đến khi ấy, thì đảng chấp nhận cởi truồng giữa chợ với chiếc dao lăm lăm trong tay.
Và khi ấy, đảng không ngần ngại thể hiện mình là một tổ chức mà Mafia cũng phải kính nể, bởi đảng không cần bí mật, không cần giấu diếm như các tổ chức tội phạm.
Ở đây, đảng ngang nhiên hành động như chỗ không người trước cả trăm triệu người dân Việt Nam vốn quen khuất phục và được rèn luyện trong phản xạ, cảm giác sợ hãi.