Khảo sát toán, khoa học ở học sinh: VN hạng 12
Học sinh Việt Nam học giỏi hơn ở các nước phương Tây?
Các nước châu Á nắm giữ năm vị trí đầu bảng trong khi các nước châu Phi ở cuối bảng. Đứng đầu là Singapore và Hong Kong. Ghana đứng chót bảng. Trong số các nước phương Tây, Anh xếp thứ 20, Pháp hạng 23 còn Mỹ có hạng 28.
Liên hệ giữa giáo dục và tăng trưởng
Khảo sát này dựa trên điểm bài thi ở 76 nước và cho thấy mối liên hệ giữa giáo dục và tăng trưởng kinh tế, theo cơ quan nghiên cứu kinh tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển châu Âu (OECD). “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có một bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu thật sự,” ông Andreas Schleicher, giám đốc giáo dục của OECD, nói. “Ý tưởng là giúp cho các nước, dù là giàu hay nghèo, có thể tự so sánh mình với những nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới để tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của họ và để xem việc nâng cao chất lượng giáo dục có thể đem đến lợi ích kinh tế gì về dài hạn cho họ,” ông nói thêm.
Ở Anh quốc, nghiên cứu cho thấy khoảng một trong năm học sinh bỏ học giữa chừng và không hoàn tất chương trình học cơ bản. OECD cho rằng giảm số lượng này và nâng cao kỹ năng có thể giúp kinh tế Anh có thêm hàng ngàn tỷ đô la. Khảo sát này, dựa trên kết quả kiểm tra toán và khoa học, là một bức tranh toàn cầu về chuẩn mực giáo dục lớn hơn các kiểm tra Pisa của OECD vốn tập trung nhiều hơn vào những nước công nghiệp hóa giàu có. Theo đó, kết quả ở Hoa Kỳ không được tốt. Nước này bị các nước châu Âu bỏ sau và thậm chí còn bị Việt Nam vượt qua. Nó cũng cho thấy sự sa sút của Thụy Điển. OECD hồi tuần trước đã cảnh báo rằng nước này có những vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống giáo dục.
‘Dự báo sự thịnh vượng’
Kết quả xếp hạng dựa trên sự trộn lẫn các bài kiểm tra quốc tế được lấy từ các khu vực khác nhau. Do đó các nước đang phát triển và phát triển đều được xếp chung trên một thang bậc.
Các kết quả sẽ được trình bày chính thức tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới ở Nam Hàn vào tuần tới. Cả năm vị trí đứng đầu đều là những nước châu Á: Singapore, Hong Kong, Nam Hàn, Đài Loan và Nhật Bản. Năm vị trí cuối cùng là Oman, Marốc, Honduras, Nam Phi và Ghana. “Nếu bạn vào một lớp học ở châu Á bạn sẽ thấy thầy cô giáo mong đợi rất nhiều ở học sinh. Họ học hành rất căng thẳng, rất tập trung và liên tục,” ông Schleicher cho biết. Báo cáo, do OECD đưa ra và được ông Eric Hanushek ở Đại học Stanford cùng ông Ludger Woessmann ở Đại học Munich chấp bút, cho rằng chất lượng giáo dục là ‘chỉ số dự báo quan trọng sự thịnh vượng về dài hạn của quốc gia’. “Các chính sách giáo dục tệ hại sẽ khiến các nước lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế triền miên,” báo cáo cho biết. Nếu Ghana, quốc gia đứng chót trong bảng xếp hạng, có tất cả học sinh 15 tuổi có những kiến thức cơ bản thì nước này sẽ tăng mức GDP hiện tại lên 38 lần trong suốt quãng đời của những học sinh này, theo báo cáo.